Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

Mộ ông tổ nghệ thuật tuồng Việt Nam có gì đặc biệt?

(Kiến Thức) - Mộ danh nhân Đào Tấn - người được coi là  ông tổ nghệ thuật tuồng hiện đại Việt Nam - nằm trên một khoảng đất phẳng ở sườn núi, được bao quanh bởi khung cảnh khá hữu tình...
Mộ danh nhân Đào Tấn tọa lạc trên núi Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Để lên thăm mộ, du khách phải leo hàng trăm bậc đá quanh co xuyên qua rừng cây rậm rạp.

Khu mộ nằm trên khoảng đất phẳng, nhìn về hướng nơi chôn nhau cắt rốn là hướng Nam, cách đó 2 km. Nằm ở địa thế cao, mộ được bao quanh bởi khung cảnh khá hữu tình.

Về kiến trúc, phía ngoài mộ cụ Đào Tấn được bao bọc bằng một vòng bờ thành dài 10m, rộng 6m.

Phía trước thành có bức bức bình phong theo quy cách của các ngôi mộ cổ thời xưa.

Cổng vào mộ là hai trụ thấp, hai bên có hai trụ cao hơn, trước có hai câu đối của Hà Đĩnh tướng công nhưng nay không còn nữa.
Mộ phần cụ Đào Tấn có hình chữ nhật vát bốn góc, xung quanh xây thành bê tông, ở giữa đổ đất.

Các kích thước của mộ phần: Dài 3m, rộng 2m, cao 0,8m.
Đầu mộ có bia đá ghi ngày lập mộ.
Mặt sau mộ có bức bình phong.
Hai bên cổng mộ có cặp sấu được tạo dáng đuôi vểnh lên trên, mặt nhìn ra phía cổng.

Nhìn vào ngôi mộ, dường như người ta thấy toát lên cái tính cách cụ Đào Tấn, một con người thanh bạch, cương trực, nhưng cũng đầy chất thi sĩ.
Trong nhiều thập niên của thế kỷ 20, ngôi mộ từng bị xuống cấp nghiêm trọng. Vào năm 1994, chính quyền địa phương đã tiến hành tôn tạo công trình trên cơ sở kiến trúc nguyên bản.

Ngược dòng lịch sử, Đào Tấn (1845 – 1907), tự là Chỉ Thúc, hiệu là Tô Giang và Mộng Mai, biệt hiệu là Tiểu Linh Phong Mai Tăng hoặc Mai Tăng. Ông là vị quan thanh liêm thời nhà Nguyễn, đã từng giữ chức vụ Tổng đốc An – Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh), Công Bộ Thượng thư.

Cụ Đào Tấn vừa làm quan vừa soạn tuồng, để lại cho hậu thế hàng chục vở tuồng đặc sắc. Với những cống hiến của mình, cụ được người đời tôn vinh là ông tổ của nghệ thuật tuồng Việt Nam hiện đại.

Trong những vở tuồng của cụ Đào Tấn còn được diễn đến ngày nay, có thể kể đến các vở Tam nữ đồ vương, Sơn Hậu, Đào Phi Phụng... Ngoài ra, cụ còn sáng tác khá nhiều tác phẩm văn thơ.

Cụ cũng để lại cho đời câu nói đáng suy ngẫm về đạo làm người: "Sống ở đời mà thấy chuyện ngang trái không trị thì còn mặt mũi nào dạy dỗ thiên hạ trong tuồng".
Quốc Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét