Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

Nhớ bánh bèo chén quê nhà

LINH NGUYỄN –
Bình Định, vùng đất có sự kết hợp hài hòa giữa rừng và biển với những sản vật phong phú cùng nhiều món ăn ngon, giản dị. Trong đó, món bánh bèo chén là một món ăn bình dân không chỉ người dân địa phương mà nhiều du khách đến đây cũng đều ưa thích. Với những người Bình Định xa quê thì món bánh bèo chén còn chứa cả những kỷ niệm êm đềm của thời niên thiếu.
IMG_5854
Làm bánh bèo khá đơn giản, gạo được ngâm nước lạnh khoảng sáu giờ rồi được đem đi xay. Tiếp theo pha thêm một ít nước ấm và một muỗng cà phê muối bột, để thêm khoảng một giờ đồng hồ nữa cho bột nở rồi mới bắt đầu nhóm lửa, bắc một nồi lớn đổ vào đó khoảng hai phần ba nước và đun thật sôi. Trong nồi đặt sẵn nhiều chén nhỏ có quét sơ qua một lớp dầu thật mỏng vào nồi cho nóng chén, lấy vá múc bột đổ vào từng chén, dày mỏng tùy thích. Giữ nước sôi bùng khoảng 5-6 phút là bánh chín (nếu muốn bánh dày hơn thì cần thêm khoảng vài phút nữa). Trong lúc đó, người nấu sẽ lau nước đọng ở vung để nước không rớt xuống làm bánh nhão và rỗ.
Bánh bèo đúng điệu Bình Định thì phải có hẹ xắt nhỏ thoa với dầu phộng, rắc thêm chút tôm chấy, đậu phộng giã nhuyễn, hành phi giòn rụm cộng với nước mắm chua ngọt cay cay. Nhân của bánh bèo tuy làm không khó nhưng cũng trải qua khá nhiều công đoạn tỉ mỉ. Trước tiên xắt mỏng hành tím và phơi nắng. Hẹ Bình Định cọng rất nhỏ và thơm cũng được xắt nhỏ. Bỏ hành tím vào chảo dầu nóng đảo đều tay cho đến khi hành phi có màu vàng và giòn rụm là đạt yêu cầu. Khi hành vừa đổi màu thì nhấc chảo xuống, vớt hành ra giấy thấm cho ráo dầu, phần dầu còn lại bỏ hẹ đã xắt nhỏ vào.
Một chén bánh bèo Bình Định không thể hoàn mỹ nếu thiếu món tôm chấy được làm từ những con tôm tươi hấp chín. Tôm được lột vỏ, bỏ vào cối giã nhuyễn, cho thêm hạt nêm và tiêu sọ rồi bỏ vào chảo sạch và không có dầu, bắc lên bếp chấy với lửa nhỏ khoảng 10 phút cho tôm tơi xốp như bông là được.
Bà Tám Sang đã hơn 80 tuổi, có đến hơn 50 năm đúc bánh bèo ở một con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn. Bà nói: “Bánh bèo hồi xưa là món ăn đỡ cơn đói lòng do ông bà ta sáng tạo. Thấy đơn giản vậy nhưng không dễ để có được chén bánh bèo ngon đâu! Người đúc bánh bèo phải thật khéo léo ở tất cả mọi công đoạn”.
Bà Tám cho biết, trong lúc canh bánh chín phải thường xuyên canh mực nước và châm thêm cho đủ nước. Bánh chín nóng hổi vớt ra cho úp mặt chén xuống mâm để bánh ráo mặt. Những chiếc bánh chín đủ lửa và ngon nhất là những chiếc bánh có lỗ xoáy tròn ngay chính giữa. Được một lúc bánh bớt nóng thì thoa thêm hẹ và dầu phộng, rắc thêm chút tôm chấy, chút đậu phộng giã nhuyễn. Sau đó lấy chiếc muỗng cà phê xẻ chén bánh bèo nhỏ xinh làm tư, rưới thêm nước mắm tỏi ớt mặn ngọt chua cay đầy đủ pha sẵn vòng quanh. Những chiếc bánh bèo ấm nóng hòa quyện với vị nước mắm ngon và hương thơm của nhân bánh thấm đẫm hương vị miền Trung.
Nếu những ai có dịp đến thành phố biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đi dạo dọc quanh những con đường của thành phố thì sẽ thấy trên những vỉa hè có rất nhiều hàng quán có những chiếc nồi lớn nghi ngút khói và những chén bánh bèo nhỏ xinh nằm úp thành chồng trên những chiếc bàn bằng gỗ hay bằng nhôm cũ kỹ. Hình ảnh những đứa bé được bà dắt đi ăn bánh bèo vào mỗi buổi chiều không còn lạ đối với người dân nơi đây, và việc được thưởng thức những món bánh trái quê nhà ngay trên mảnh đất ruột rà xem ra mới thu nhận đầy đủ hương vị của nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét