Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Cá nhét: Vị thuốc trường xuân


Cá nhét ở miền Trung giống như cá chạch ở miền Tây Nam Bộ, thường sống ở ao, hồ, ruộng trũng, nhất là những nơi có lượng bùn (sình) nhiều. Cá nhét có da trơn như lươn, con lớn nhất lớn hơn ngón tay cái người lớn, dài khoảng 1,5 tấc.
Cá nhét rất giàu chất dinh dưỡng. Cứ 100g cá nhét có 16g chất đạm, có đến 17 axit amin, đặc biệt có đầy đủ cả 8 axit amin tối cần thiết. Cá nhét được chế biến nhiều món như: nhét rán, nhét nướng chấm mắm gừng; nhét xào sả ớt; nhét um chuối chát với ngò tàu; nhét nấu lẩu; nhét nấu cháo; nhét nấu canh chua; nhét kho rim lá gừng, lá nghệ,... Món cá nhét đang mang trứng, nấu ngọt nêm lá gừng là món đặc sản ở miền quê đất Quảng, ăn rất thơm, bùi béo và ngọt lịm. Món cá nhét nấu lá gừng như sau: Cá nhét nhốt vài ngày cho sạch ruột và mang, lựa những con cá nhét còn sống bỏ vào nồi nước ấm để cá vùng vẫy cho ra bớt nhớt. Sau đó dùng tro bếp vuốt từng con để sạch nhớt, rồi rửa sạch bằng nước lã. Để cá ráo nước năm ba phút rồi ướp cá bằng nước mắm, bột ngọt, tiêu, ớt độ mươi phút thì cho vào nồi nước sôi độ 15 phút. Khi thấy cá nứt ló lớp thịt màu trắng là ăn được. Trước khi nhắc nồi khỏi bếp phải nêm thêm nước mắm ngon và bột ngọt cho vừa ăn, đồng thời nhớ nêm lá gừng xắt nhuyễn... Món này đạt yêu cầu khi thấy da cá nứt nẻ, béo ngậy, nước ngọt trong, bốc khói thơm lừng.
 Các thầy thuốc cho biết: cá nhét có vị ngọt, tính bình, công dụng bồi bổ tỳ vị, dưỡng thận, trừ thấp, làm hết vàng da, cầm đi lỏng và có thể trị liệt dương. Đông y cho rằng, cá chạch có tác dụng bổ khí huyết, chống lão suy, tráng dương, thanh nhiệt.
Do cá nhét có tác dụng bồi bổ tỳ vị, khí huyết, dưỡng thận, chống lão suy, tráng dương,... nên nhiều người còn gọi cá nhét là loại “trường xuân ngư”.
TÙNG SƠN (Đà Nẵng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét