Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Cây Trái Miệt Vườn

Đồng bằng Sông Cửu Long theo như phân vùng ngày nay, gồm có 12 tỉnh và một thành phố thuộc trung ương. 
Đó là : Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An và thành phố Cần Thơ.
Có lúc người ta dùng từ “Lục Tỉnh”, có lúc dùng chữ Miền Tây, có lúc dùng chữ “miệt vườn” và sau 1975 người ta dùng chữ Tây Nam Bộ để chỉ Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Người mình ở đây xưa nay sinh hoạt đi lại ngược xuôi, tấp nập trên sông, trên nước như người Saigon, Hà Nội đi trên bộ vậy.
Thuở xưa ông Nguyễn Cư Trinh (1716 -1767) viết về Gia Định (bao gồm luôn Nam Bộ) mà ông cho là “vùng sen tàn nơi ẩm thấp, khí hậu độc địa”. Còn Trịnh Hoài Đức (1765-1825) viết về Gia Định –Đồng Nai (bao gồm Nam Bộ ) cho vùng nầy là nơi có “địa cuộc tốt, phong thủy tốt”.
Lục Tỉnh là vùng đất mới, sông nước ngổn ngang, buổi đầu hoang dã, đầy “chướng khí”, nhưng nhờ địa cuộc tốt, phù sa theo hai con nước lên xuống mỗi ngày, bồi đắp mà ngày nay trở thành nơi trù phú, cây trái tốt tươi quanh năm.
Với diện tích 39,712 cây sô vuông (12,1 % cả nước), dân số 17 triệu (trên 21 % cả nước), sản xuất trên 92% gạo xuất khẩu cả nước (theo thống kê năm 2002).
Cây trái ở Lục Tỉnh là một mảng lớn, góp phần làm nên vẻ riêng, cái đẹp mà người mình thường gọi là miệt vườn.
Không biết Lục Tỉnh có được bao nhiêu con sông trong tổng số 2360 con sông trên cả nước (nhưng chắc phải hơn nửa số đó) với một hệ thống tưới đều khắp nơi, làm cây trái ở đây tươi tốt quanh năm, có loại đặc thù chỉ ở đây mới có, mới ngon. 



Như là : 
-Trái xoài, xin được kể trước không chỉ vì nó ngon mà vì trồng nhiều và xoài ở đây còn gây nhiều ấn tượng sâu đậm, đi vào tận đời sống văn hóa, tín ngưỡng, dân gian rất dễ thương.
Người trong vùng nầy quen gọi xoài là “xài”, vì làm biếng uống lưỡi, bẻ miệng, nhưng nói ra ai cũng biết. Trái xoài hình trái tim , nhiều cơm, mùi thơm đặc biệt có hột trắng, vỏ xanh, chín màu vàng đậm.
Nhà nào ở trong Nam cũng thích trồng vài gốc xoài sau nhà. Lá xoài còn ăn sống rất ngon. Trái xoài tư lúc còn xanh đến khi chín được người mình tận tình khai thác. Xoài xanh dùng ăn với nước mắm chấm đường hoặc bầm nhỏ ăn kèm với cá kho mặn, kho lạc rất bắt cơm, đặc biệt là trộn với khô.
Trái chín dùng làm quà biếu , cúng chùa, cúng tổ tiên, nhứt là đầu mùa dùng làm quà rất quí.
Xoài cho trái từ tháng 3 âm lịch kéo đài đến tận Tết nên rất được các bà dùng để chưn mâm ngũ quả để cả năm “Dừa Đủ Xài”
Xoài có nhiều loại như xoài Cát, Xoài Gòn, Thanh Ca, Xoài Tượng, Xoài Cóc, Xoài Xiêm . . . Xoài Cát, Xoài Thanh Ca rất ngon, ngọt, dai mà không xơ, còn xoài tượng chỉ để ăn sống với nước mắm đường mà ai cũng ưa, cũng thích nhất là các cô, các bà.
Khoảng tháng 10, nắng vàng óng ánh là lúc xoài đã già, trở màu vàng đậm, nặng trỉu đong đưa dưới gió, có trái gần cả ký lô.
-Trái xoài riêng tên mới nghe tưởng có họ hàng với xoài nhưng hoàn toàn “người dưng nước lả”. Có người kêu là sầu riêng vì cái tên sầu riêng đã được chọn làm tên cho vở kịch, vở cải lương nên được nhiều người kêu hơn là xoài riêng.
Xoài riêng là đặc sản ở Lục Tỉnh, không có ở đất Bắc. Trái to như trái mít, có nhiều muối lớn, mỗi muối chứa nhiều muối xoài riêng nhỏ bên trong to cỡ cái trứng gà.
Mùi xoài riêng độc đáo, hơi “gắt” bay xa và giữ lâu, ngọt đậm đà, thịt trắng màu mỡ gà, mềm như miếng phó mát hiệu đầu bò cười.
Trái xoài riêng rất mắc tiền bán tính theo kí lô, chớ không tính chục, rộ vào mùa Xuân.
Người mua xoài riêng khó phân biệt trái sống hay chín nên thường phải được thử trước mặt hoặc là “bao ăn”, có gì trả lại . . . 
Vỏ xoài riêng đặc biệt có gai cứng, cao, đóng lõm chõm trông thấy sợ, nhưng chưa hề nghe nói có ai bị xoài riêng rụng nhằm đầu cả ! Hỏi ra mới biết là xoài riêng chín chỉ rụng vào ban đêm mà thôi. Kể cũng lạ!
Cái Mơn là nơi nổi tiếng xoài riêng ngon.
-Trái thơm, trái khóm trồng nhiều ở Lục Tỉnh, người ngoài Bắc gọi là quả dứa.
Xưa mỗi lần bạn về miền Tây nhân chờ xe ở cầu Bến Lức, Tân An thì thế nào cũng có dịp thưởng thức khóm Bến Lức. Khóm ở đây ngọt đậm đà vì trồng ở vùng đất phèn, trái nhỏ, vỏ có nhiều mắt. Trong khi trái thơm thướng to hơn, trồng ở vùng nước ngọt, màu ngả xanh, mắt to và sâu hơn trái khóm.
Trái thơm to, nhiều nước nhưng cái hậu không ngọt bằng trái khóm.
Nói chung thơm khóm có mùi thơm riêng đặc biệt nên ai đó đặt tên là trái Thơm là vậy.
Trái thơm, trái khóm nhiều mắt, vỏ xù xì, muốn ăn phải gọt lớp vỏ xù xì trước, sau phải tỉa sâu dọc theo thân trái để bỏ phần mắt, ăn không bị rát lưỡi.
Thơm khóm chấm muối ớt ăn chơi rất ngon.
Ngày cưới, ngày giỗ các nhà xưa, chuộng cổ hay dùng nguyên trái thơm để chưn bàn thờ cùng với các loại trái cây khác trông rất đẹp và độc đáo chỉ có ở miệt vườn mà thôi.
-Mãng cầu là loại trái cây ngon ở Miền Nam. Mãng cầu dễ trồng, độ hai ba năm thì có trái chiến rồi. Trái mãng cầu bự cỡ nắm tay, vỏ xanh hơi vàng lợt, kết thành từng khía, ruột trắng có nhiều muối, hột màu đen. Trái mãng cầu nhìn bên ngoài không đẹp, có vẻ gồ ghề, nhưng thịt dai, ngọt liệm, nhứt là trồng ở miệt Gò Công, Vũng Tàu gọi là mãng cầu dai, để phân biệt mãng cầu bở nơi khác. Có nhiều bà già thích mãng cầu bở vì dễ ăn, dễ lừa bỏ hột.
Mãng cầu ở nhà vườn ngày xưa bán tính bằng đơn vị giỏ, (giống như giỏ cần xé nhưng nhỏ hơn), chớ không tính chục cũng không tính ký lô.
Ngoài Bắc gọi mãng cầu là quả na.
Cũng có loại mãng cầu khác, trái to, vỏ xanh tươi, có gai nên đặt tên là mãng cầu gai, cũng có người kêu là mãng cầu Tàu để phân biệt trái mãng cầu ta là loại mãng cầu dai.
Mãng cầu gai trồng ở đất nước mặn, pha chè, thường lai ghép vào thân chùm bát, ruột trắng, có vị chua ăn chấm muối mới ngon.
-Măng cụt : Cái tên nghe lạ, mộc mạc rất là Nam Kỳ. Măng cụt có trái vào tháng 5 đến tháng 8 ta, trùng dịp rằm tháng 7 và Tết Trung Thu nên rất được nhiều người ưa chuộng nhưng ít thấy ai dùng để cúng.
Trái măng cụt nhỏ cỡ trái quít đường, màu tím, đậm hơn màu trái gất, gần giống như màu xôi lá cẫm hoặc xôi nếp than. Ruột trắng đục có hột nhỏ. Ăn măng cụt phải dùng dao cắt theo vòng tròn như mấy bà già xiết trái cau tươi vậy; làm sao chỉ đủ đứt vỏ măng cụt để tách bỏ phần nửa dưới của trái.
Ruột măng cụt còn dính lại với phần 1/2 vỏ trên có cuống, cầm để ăn rất tiện và xem tao nhã nữa. Cho múi măng cụt vào miệng, đầu tiên nghe mùi thơm, vị hơi hơi chua, cắn nhẹ sẽ thấy ngọt và nhai nghe dòn.
Măng cụt miền Đông nổi tiếng ở Lái Thiêu, miền Tây là Vĩnh Long. Trưa hè vào vườn măng cụt cành là sum xê, rậm rạp ta cảm thấy mát rượi.
Măng cụt có loại ngọt thanh hơi chua, có loại ngọt gắt, có loại múi ăn dòn. Muốn biết, muốn chọn khách hàng thường được mời ăn thử không mua chẳng sao.
-Vú sữa: trồng nhiều ở miệt vườn và không có ở miền Bắc. Cây vú sữa tàn to, lá to màu xanh hơi trổ vàng. Bước vào vườn vú sữa nhìn lên ngọn bạn sẽ thấy bao nhiêu là trái treo lủng lẳng, tròn bóng lán như ai thoa dầu trét mỡ vậy, nhứt là mùa trái chín.
Có loại trái tím, ruột tím, có loại trái trắng, vỏ vàng lợt ruột trắng đục như sữa.
Nhìn trái vú sữa chín khiến bạn mê ngay, đẹp lán bóng như da mặt cô gái xuân, nhưng ẩn bên trong một chút dân dã.
Ruột vú sữa thơm như mùi sữa, tinh khiết như sữa con so. Vào mùa hè được giải khát bằng vú sữa thì không còn gì bằng. Cái độc đáo và gây nhiều ấn tượng cho khách miệt ngoài xuống miệt vườn la cách ăn vú sữa của người ở đây.
Trước tiên dùng hai bàn tay xoa bóp nhẹ đều, xung quanh trái vú sữa, tới khi cảm thấy ruột bên trong đủ mềm, đủ chảy sữa thì thôi. Bỏ cuống, dùng tay nhè nhẹ tách trái ra làm hai để thưởng thức. Những giọt sữa chảy dài hai bên mép, dính trên môi trông thật tự nhiên như em bé bú sữa mẹ vậy.
Có người còn ăn vú sữa bằng cách nút như trẻ con bú mẹ trông mắc cười !

Trái cây miệt vườn vừa đa dạng vừa đặc thù vì chỉ có ở đây hoặc ở đây mới ngon.
Trái cây ở đây đã đem lại cho sanh hoạt vùng nầy một nét mới lạ, rất nhà vườn mà không đâu có. 
Từ cái giỏ, cái bội, cái xé . . . là những dụng cụ để chứa, để đếm như là đơn vị trao đổi buôn bán tiếp, tới cách đếm, tính chục 12, 14, 16, 18, 24 . . .
Rồi lễ tục ở đây cũng gắn với cây trái. Cây mới có trái mùa đầu tiên gọi là “trái chiến” (như gái có con so vậy) thì thanh niên, thiếu nữ không được hái mà phải dành cho người lớn.
Trái chiến rất quí dùng để cúng chùa hoặc cúng tổ tiên hay đem biếu xui gia, chòm xóm, chỗ ơn, chỗ nghĩa để “ăn lấy thảo”. Ngày nay tục lệ này vẫn còn.
Cái nổi bật, độc đáo ở đây là Chợ Nổi trái cây. Chợ Nổi trên sông miệt vườn trước kia là do nhu cầu trao đổi buôn bán, từ cái thời còn đi lại trên sông là chánh. Nay có xe, có tàu, nhanh chóng nhưng chợ nổi vẫn tồn tại và phát triển như một nét đẹp văn hóa độc đáo miệt vườn..
Trong thời buổi văn minh, con người tất bậc đêm ngày, mỗi năm vào dịp nghỉ hè, nghỉ Tết, được ngồi trên chiếc ghe tam bản, dạo quanh cù lao, len vào vườn, ngắm nhìn cây trái, nghe mùi thơm sông nước, hoa cau, hoa dừa, hoa bưởi . . . thì còn gì thích thú cho bằng.
Và rồi bạn sẽ nhủ thầm : 
Cám ơn cây trái quê mình.
Nam Sơn Trần Văn Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét