Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Chữa chứng họng khô, miệng khát


Họng khô miệng khát là nguyên nhân của nhiều chứng bệnh khác nhau.
Sinh địa
Sinh địa
Trong y học hiện đại thì các chứng viêm nhiễm gây sốt cao, do thời tiết nắng nóng cơ thể ra nhiều mồ hôi, hay do ăn mặn sẽ cảm thấy khát khô họng hoặc người mắc bệnh đái tháo đường cũng gây miệng khát. Tuy nhiên trong Đông y chứng họng khô miệng khát có thể do tổn thương tạng phủ lâu ngày, bệnh thường do nhiệt tà gây tổn thương phần âm (huyết dịch tân dịch hao hụt nhiều).

Chứng họng khô: Triệu chứng hay gặp là đau họng, họng khô, có thể đau tức ngực do đàm tích khí uất kéo dài sinh nhiệt.

Có thể dùng bài thuốc sau để sắc uống: Cát cánh 8g, bạc hà 8g, hậu phác 12g, đan sâm 16g, xương bồ 8g, chỉ xác 10g, huyền sâm 12g, sơn đậu căn 10g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày một thang. Nếu đau sưng họng thêm bản lam căn 20g. Người gầy khô giảm hậu phác, bán hạ, thêm sinh địa 12g, mạch môn 12g. Chứng lưỡi khô là lưỡi sáng không có rêu, trông khô, sờ ráp, gặp trong các bệnh nhiệt làm tân dịch khô.

Cũng có thể lưỡi khô đỏ, ráp không rêu, nứt nẻ, ăn kém, đại tiện táo.

Người bệnh có thể kèm theo họng khô, khát, tiểu ít đỏ, lòng bàn tay, bàn chân nóng, đau lưng, mỏi gối, đó là biểu hiện của can thận yếu.

Bài thuốc có thể dùng

Bài 1: Đẳng sâm hoặc cát lâm sâm 12g, mạch môn 12g, sa sâm 12g, hoài sơn 16g, thạch hộc 10g, sinh địa 10g, nữ trinh tử 6g, cốc nha 12g, thiên hoa phấn 12g, ngũ vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: Cát lâm 12g, sinh địa 12g, bạch thược 12g, huyền sâm 12g, mạch môn 12g, thiên hoa phấn 12g, hoàng kỳ 16g, câu kỷ 12g, tri mẫu 12g, cam thảo 6g, sa sâm 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chứng miệng khát: Biểu hiện người bệnh rất khát, hoặc khát vừa có thể uống nhiều, uống ít. Có khi khát nhưng lại ngại uống, có thể phát sốt, tiểu nhiều, mạch nhanh, rêu lưỡi vàng nhớt. Người mệt mỏi, có thể gặp ở trẻ miệng khát, uống nhiều, tiểu vàng, luôn cảm thấy bực bội. Cũng có người miệng khát hồi hộp, mệt mỏi, tiêu chảy, có người uống nhiều, ra mồ hôi nhiều, tiểu vàng, ăn kém, luôn buồn phiền.

Có người do tổn thương các cơ quan bên trong (tỳ, thận, phế) thích uống, mau đói, tiểu nhiều. Họng khô, đau lưng, cảm giác nóng rát lưỡi đỏ, mạch nhanh. Với các triệu chứng trên có thể chọn một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: Kim ngân hoa 12g, ô mai 12g, cam thảo 6g, cát căn 16g, cát lâm 12g, hoắc hương 10g, mạch môn 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: Đông qua hoặc thiên hoa phấn 30g, thạch cao 12g, thuyền thoái 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Không  dùng cho người tiêu chảy phân sống.

Bài 3: Phúc bồn tử 12g, cát căn 16g, lá sen 12g, mộc qua 12g, thạch hộc 12g, cam thảo 6g, trúc diệp 12g, mạch môn 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 4: Sinh địa 12g, sơn thù 8g, lá dâu 12g, hoài sơn 16g, địa cốt bì 12g, nữ trinh tử 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 5: Cát lâm sâm 12g, thiên môn 12g, nữ trinh tử 16g, thiên hoa phấn 12g, mạch môn 12g, sinh hoàng kỳ 16g, mạch nha 12g, ngũ vị 8g, cát căn 16g, trúc ngự 12g. Sắc uống ngày 1 thang. 

Tuy nhiên các chứng họng khô, miệng khát có thể là nguyên nhân của nhiều bệnh khác nhau, do vậy người bệnh cần đi khám để xác định bệnh, loại trừ bệnh ác tính, chọn thuốc cho đúng để tránh điều đáng tiếc.  

Hồng Hạnh (Theo SK & ĐS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét