Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Cồn Ấu – Cần Thơ


Cồn Ấu (thuộc phường Hưng Phú, quận Cái Răng) được xem là cồn đẹp nhất trong chuỗi cồn nằm trên sông Hậu, với một địa thế rất đẹp nằm ở phía đông thành phố Cần Thơ. Đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa.

 

Định hướng phát triển du lịch của thành phố Cần Thơ trong thời gian tới là đẩy mạnh khai thác lợi thế các cồn (đảo) nổi trên sông Hậu nằm xung quanh thành phố. Năm 1999, Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) đã ra quyết định quy hoạch xây dựng Cồn Ấu thành khu du lịch sinh thái với diện tích 136,69 ha, 79 hộ dân và 334 nhân khẩu. Đến tháng 4/2000, địa phương này đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Cồn Ấu.

 

Hiện nay, Cồn Ấu đã có khu du lịch Phù Sa đi vào hoạt động được hơn 4 năm. Từ bến Ninh Kiều, du khách đi xuồng máy qua một khoảng sông rộng dập dờn sóng vỗ sang Cồn Ấu để đến với khu du lịch Phù Sa. Nơi đây có những khu nhà cổ, những điểm du lịch đậm đà bản sắc vùng sông nước Nam Bộ, thưởng thức trái cây bốn mùa và các món ăn đặc sản vùng quê miệt vườn sông nước Cửu Long.

Ông Ba Hổ, một người dân đang mở hướng làm dịch vụ du lịch trên Cồn Ấu, cho biết: “Chúng tôi rất mong thành phố Cần Thơ sớm hoàn thành việc quy hoạch khu du lịch Cồn Ấu. Những công trình nào cần tập trung triển khai thì giải tỏa bồi hoàn cho người dân. Còn những công trình nào nên để cho người dân tại chỗ cùng hợp tác đầu tư làm du lịch thì chúng tôi sẵn sàng phối hợp thực hiện ngay”.

Đi trước đón đầu, ông Ba Hổ đã cải tạo vườn nhãn hơn mười công của mình để thành lập vườn du lịch Cồn Ấu với các dịch vụ: Nghỉ dưỡng, câu cá, hái trái cây.... Tuy mới đưa vào hoạt động được vài năm nay, vườn du lịch sinh thái này đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, nhất là vào những ngày cuối tuần. Ông Ba Hổ cho biết thêm: “Tôi đang rủ thêm mấy nhà vườn khác cùng liên kết làm du lịch. Dự kiến, chúng tôi sẽ xây dựng nhà nghỉ mát bên cạnh khu bãi bần cho du khách ngắm nhìn tàu bè qua lại trên sông, tận hưởng không khí mát lành từ sông Hậu thổi vào và ngắm nhìn cầu Cần Thơ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét