Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Du lịch Ngã Bảy :Bao giờ hết... là tiềm năng ?


Từ lâu, tên gọi Ngã Bảy đã đi vào tâm thức mọi người, đi vào thơ, nhạc, bởi nơi đó có 7 nhánh sông hội tụ, nơi có chợ nổi mang nét đặc trưng rất riêng của miền sông nước. Và cũng chính điều này, Ngã Bảy luôn được xem là có tiềm năng về du lịch rất lớn. Vấn đề là làm sao để khai thác...

Thị xã Ngã Bảy được thành lập từ năm 2005 sau khi chia tách huyện Phụng Hiệp với tên gọi ban đầu là TX.Tân Hiệp. Sau thời gian không lâu, cái tên Tân Hiệp được đổi thành TX.Ngã Bảy cho đến hôm nay. Dù với tên gì, thì đây cũng là vùng đất có nhiều lợi thế để phát triển, đặc biệt là du lịch: nằm dọc quốc lộ, đất đai màu mỡ, cây trái xanh tốt quanh năm và là điểm đến của du khách trong rất nhiều năm qua. Khách đến đây, không chỉ được tham quan những vườn cây trái trĩu quả, được ngắm nhìn những cánh đồng bao la, mảnh vườn bạt ngàn cây trái, mà còn được lênh đênh trên sông để thưởng ngoạn nét văn hóa đặc trưng của miền sông nước - văn hóa thương hồ, với chợ nổi đã hình thành cách đây hàng trăm năm. Không chỉ xem cảnh buôn bán tấp nập trên sông, mà mọi người còn biết cuộc sống của những người dân tứ xứ về đây buôn bán. Họ sinh sống, buôn bán trên sông, tạo thành nét văn hóa thương hồ độc đáo.

Ở ĐBSCL có rất nhiều chợ nổi như: chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Phong Điền, Cái Răng (Cần Thơ), Ngã Bảy (Hậu Giang). Trong số này, chợ nổi Ngã Bảy có nét độc đáo riêng và là chợ nổi đón nhiều du khách đến tham quan nhất. Bởi lẽ, đây là nơi hội tụ của 7 nhánh sông. Các thương lái đến đây mua, bán xong lại tỏa về khắp các hướng. Trước đây, dù không có những tua, tuyến riêng, nhưng ở Ngã Bảy vẫn đón nhiều du khách đến tham quan khi có dịp đến ĐBSCL và muốn tìm hiểu về nét đặc trưng của miền sông nước. Ở đây cũng chưa có cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu du khách, nên phần lớn họ chỉ dừng chân tham quan xong lại về nghỉ tại TP.Cần Thơ hoặc TP.HCM. Đó là những năm trước, còn khi chợ nổi Ngã Bảy dời về cách địa điểm cũ vài cây số trong mấy năm gần đây thì tình hình có vẻ buồn tẻ hơn. Nhiều người dân sinh sống ở đây cho rằng, chợ nổi giờ không còn mang nét văn hóa nữa, mà chủ yếu là điểm để dân buôn lái trao đổi hàng hóa đơn thuần, xong lại tan. Nếu trước đây, chợ họp suốt, nhưng đông nhất là vào lúc sáng sớm, thì hiện tại, chợ chỉ họp khoảng từ 2 giờ đến 4 giờ sáng, sau đó chỉ còn một vài chiếc ghe neo đậu lại, có khi để chờ con nước. Hồi trước, còn thấy cảnh tấp nập kẻ bán, người mua. Ngoài ra, còn có rất nhiều ghe hàng để phục vụ nhu cầu ăn, uống của khách lẫn những người buôn bán. Mỗi khi chiều xuống, nhìn đèn trên ghe là mọi người biết trên ghe bán gì để có thể đến mua. Giờ thì do họp và nhóm chợ giữa khuya, nên điều này không còn và những điều trên chỉ còn là câu chuyện kể.

Dù chợ nổi ở đây còn hay thưa khách đến tham quan, thì Ngã Bảy vẫn xác định du lịch là tiềm năng, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế của TX.Ngã Bảy. Bà Nguyễn Ngọc Tiến, Phó Chủ tịch UBND TX.Ngã Bảy cho rằng, TX.Ngã Bảy xác định, phát triển kinh tế, thương mại và dịch vụ gắn với du lịch. Tuy nhiên, cái khó hiện tại là Ngã Bảy chưa có quy hoạch phát triển du lịch riêng. Đây là điều địa phương sẽ làm trong thời gian tới. Bởi có quy hoạch, sẽ có hướng kêu gọi đầu tư, từ cơ sở hạ tầng đến bắt tay thực hiện các sản phẩm du lịch... Đây là điều không thể tiến hành nhanh. Hơn nữa, muốn phát triển du lịch, không phải chỉ có chợ nổi, mà cần phải quy hoạch những vùng chuyên canh cây ăn trái, tạo những điểm dừng chân thú vị cho du khách. Hiện tại, ở các xã dọc tuyến sông cũng đã hình thành nên những vùng trồng cam, bưởi, măng cụt. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống như đóng ghe, đan cần xé... cũng phải có kế hoạch khôi phục, để có nhiều điểm đến đặc trưng thu hút du khách. Ngoài ra, việc đào tạo những người làm du lịch, thậm chí tạo ý thức cho người dân làm du lịch cũng là điều đáng bàn.

Xem ra, du lịch Ngã Bảy vẫn còn đang là “tiềm năng” của TX.Ngã Bảy nói riêng, Hậu Giang nói chung, bởi định hướng phát triển du lịch ở Ngã Bảy chỉ mới bắt đầu. Và, điều quan trọng là chính những người ở địa phương vẫn còn đang loay hoay tìm hướng để phát triển. Quan trọng nhất ở đây hiện giờ vẫn là cần có quy hoạch riêng để có định hướng và từng bước có kế hoạch đầu tư. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, du lịch ở đây sẽ không chỉ mãi là hai chữ “tiềm năng” mỗi khi nhắc đến! 

Bài, ảnh: VĨNH TRÀ

Chợ nổi Ngã Bảy nét văn hóa sông nước đặc trưng
.
Hậu Giang các văn hóa nổi bật như: văn hóa trao đổi, văn hóa giao tiếp, hò đối đáp, đờn ca tài tử, hát bội và sân khấu cải lương... Trong đó văn hóa sông nước, nét văn hóa đặc trưng ở chợ nổi Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. Chợ họp ở thị xã Ngã Bảy, được hình thành từ 1915, là chợ nổi trên sông, hàng hoá rất đa dạng, phong phú.
Mênh mông chợ nổi Ngã Bảy. Ở đây mặt sông mênh mông rẽ về 7 ngả. Từ các ngả, thuyền bè tấp nập tụ về đây. Chợ ở trên mặt đất có những thứ gì, thì chợ nổi cũng đủ những mặt hàng mà người dân cần, từ cái kim sợi chỉ cho đến quần áo, thức ăn, rượu thịt... còn các loại trái cây thì nhiều vô kể. Từ chợ nổi, du khách sẽ được cập bến để lên chợ rắn. Cái tên chợ rắn Ngã Bảy cũng đã rất quen thuộc với du khách quốc tế. Đến tham quan chợ rắn, du khách sẽ được mời uống rượu rắn và được xem những màn biểu diễn múa rắn rất mạo hiểm. Chợ Ngã Bảy quanh năm có rắn, rùa, chim, sóc, kỳ đà … phục vụ du khách.


Du xuân chơi Tết miền sông nước: Không đi là tiếc

   Trong lần về quê chơi tết, một người bạn cùng quê rủ tôi đi thăm chợ nổi Ngã Bảy. Với lời mời khá thú vị này, tôi đồng ý ngay, thế là cuộc hành trình khám phá cái chợ nổi danh một thời trên các nhánh sông Cái Côn chảy qua địa bàn thị xã Ngã Bảy của chúng tôi bắt đầu.
Hơn 3 giờ sáng, từ trung tâm thị xã Ngã Bảy, chúng tôi thuê tàu đi ra chợ nổi. Hơi lạnh của gió từ sông thổi vào mặt mát lạnh, cùng với ánh đèn điện soi bóng dưới mặt nước như dẫn đường cho những chiếc ghe, xuồng rẽ nước đến khu chợ đặc biệt này. Anh Ba, ở phường Ngã Bảy, thị xã Ngã Bảy, chủ đò đưa chúng tôi vượt sông, thông tin rằng: “Chợ này họp sớm lắm, tầm 2 giờ sáng là chợ bắt đầu hoạt động rồi, thu hút một lượng lớn ghe, xuồng ở nhiều nơi đến đây buôn bán”.
Đi được khoảng 3km, chợ nổi đã hiện dần trước mặt. Gần đến tết nên chợ nổi cũng có đông xuồng, ghe nhộn nhịp hơn. Đến nơi, chúng tôi chưa vội tham quan chợ mà tấp ghe vào bờ để thưởng thức tí trà nóng ban sáng, nhưng cũng không quên quan sát cảnh buôn bán sôi nổi đang diễn ra nơi đây. Ngồi chung bàn với ông Giang, đang thả neo dưới bến chờ thương lái chở hàng ra để thu mua chở về quê ở Cà Mau bán. Ghe ông đến đây từ hôm qua nên đã mua gần đủ cả chục tấn hàng.
Ông Giang cho biết: “Từ đây xuống Cà Mau hết cả ngày, rồi bán hàng, tính ra cũng mất thêm 3-4 ngày nữa, lại quay lên đây lấy hàng để tranh thủ bán cho kịp phiên chợ cuối năm. Ở chợ nổi này, có rất nhiều ghe hàng đi khắp nơi trong vùng như Cà Mau, Sóc Trăng, Thành phố Hồ Chí Minh”. Theo ông Giang, do chỉ bán trái cây nên từ trước đến nay ông đều đến đây để lấy hàng. Vì mua ở đây có thể gom được trái cây vườn vừa thu hoạch nên giữ được độ tươi ngon. Nhất là khi vận chuyển đường xa sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm.
Khi mặt trời chưa ló dạng, cả trăm ghe, thuyền đã neo đậu san sát tạo thành một bức tranh dung dị trong làn sương sớm. Tiếng máy nổ, tiếng chèo khua nước, tiếng sóng va đập vào ghe làm xao động cả một khúc sông. Xuồng máy của nông dân trong vùng chở nông sản đến đây ngày một đông. Do trời còn tối nên nhiều ghe, xuồng phải treo đèn dầu, đèn bình để tiện trao đổi mua bán. Gần đến tết nên hàng hóa rất đa dạng, nhiều nhất vẫn là đặc sản miệt vườn sông nước như: xoài, cam, bưởi, có cả hoa kiểng...
Vừa thấy chúng tôi, chị Tư, ở phường Ngã Bảy, cười tươi nói: “Hồi nãy tối quá, nhìn thấy dáng quen quen nhưng chưa thể nhận ra ai. Không ngờ hàng xóm cũ nhà chị đây mà”. Thấy người quen, chị liền nhanh tay lựa vài trái xoài chín vàng tươi đang nằm gọn trong cần xé rồi cứ dúi cho tôi: “Em lấy vài trái về dùng lấy thảo”! Tôi tỏ ra ngần ngại. Chị Tư nói ngay: “Sáng đã có khách mở hàng rồi, em yên tâm lấy về mà dùng. Xoài chín cây đó em, đảm bảo thơm ngon hết ý!”.

Nói vừa dứt câu, chị Tư lại quay sang cân hàng, tính tiền cho khách. Tính xong tiền khách mua hàng rồi chị quay sang cân khoai mì của chủ vườn đang chờ sẵn ở ghe. Nhìn thấy tôi với gương mặt tỏ ý dò xét, chị cười nói: “Ở đây cái gì chị cũng bán”. Chỉ tay vào ghe, không chỉ có xoài, mận mà cả dừa khô cũng được bày bán. Khi đã rảnh tay, chị Tư chia sẻ thêm: “Các mặt hàng trái cây ở đây đa phần là thu gom tại vườn hoặc mua lại từ các thương lái khác. Thông thường chị bán sỉ lại cho các ghe, xuồng đến đây chở đi tiêu thụ ở các tỉnh trong vùng”.
Trời dần sáng, ngay bến sông đã có nhiều ghe hàng lớn, nhỏ nhổ sào rời bến. Hàng hóa được trao đổi rất nhanh, rồi lại chuyển lên ghe lớn đem đi tiêu thụ. Vợ chồng chị Phượng, chủ ghe đến từ tỉnh Sóc Trăng, cũng đang tranh thủ thời gian cân thêm cả trăm ký hàng hóa về bán lại cho kịp buổi chợ sớm. Chị Phượng cho hay: “Sáng nào cũng thế, tầm 3 giờ là vợ chồng tôi chạy sang chợ này để mua hàng. So với chợ Ngã Bảy trên bờ thì hàng hóa ở đây rẻ và tươi ngon hơn”.
Đang tản mạn, thả hồn theo sóng nước, bỗng nhiên tôi bắt gặp gương mặt anh Ba chủ đò như chùn xuống. Anh Ba trăn trở: “Thấy vậy chứ bây giờ không còn nhộn nhịp như trước đây. Hồi đó, giờ này vẫn còn hàng trăm ghe tụ hội, buôn bán ì xèo… Bởi vùng tâm chợ rộng hàng cây số, có trên 1.000 ghe tàu lớn nhỏ từ khắp nơi về đây nhóm họp mỗi ngày. Dịp tết có đến hàng ngàn chiếc, còn đò ngang cũng có vài trăm, neo đậu tấp nập như lễ hội”.
Chưa kể là lúc ấy, khách nước ngoài có đến mấy trăm, nhưng bây giờ thưa dần. Đò ngang từ vài trăm nay chỉ còn vài chục chiếc, vì dân chèo đò bỏ lên bờ chạy xe ôm, hoặc bán hàng xáo gần hết. Bắt chuyện thêm, chúng tôi được biết, chợ nổi Ngã Bảy phải di dời về Ba Ngàn trên sông Cái Côn, cách vị trí cũ hơn 3km để đảm bảo an toàn giao thông thủy. Việc di dời chợ nổi đã khiến ghe hàng dạt xuống các tỉnh lân cận nên chợ ngày càng vắng khách.
Vả lại, hệ thống giao thương bằng đường bộ phát triển mạnh, xu thế kinh doanh “mua tận gốc, bán tận ngọn” như hiện nay thì dù dời chợ về vị trí cũ cũng không thể nào giúp nó trở lại thời “hoàng kim”. Tuy nhiên, đối với nhiều người, nơi đây vẫn còn là linh hồn, là lẽ sống của giới thương hồ, cuộc sống đò chợ. Người chính là linh hồn của chợ nổi nên người còn thì chợ còn.
Có lẽ thấu hiểu điều ấy, cho dù trăn trở với nghề nhưng chị Tư cũng rất tự hào về những gì đang đổi mới trên quê hương mình. Để rồi cuộc sống có khó khăn, chị vẫn vững tin bám trụ lấy nghề buôn bán trên sông. Chị Tư bộc bạch: “Nói thiệt hồi xưa bán mười giờ chỉ còn được hai. Thế nhưng, vốn quen cảnh buôn bán trên sông nước mấy chục năm nay rồi nên không thể nói bỏ là bỏ được. Chừng nào còn khách là còn bán, hết khách thì mới lên bờ”.
Cũng chính vì sự kỳ vọng của người dân, nhất là không thể để cái chợ đã có lịch sử trăm năm này bị mai một nên ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã từng mở cả chuyên mục để thu thập ý kiến rộng rãi về việc “đi” hay “ở” của chợ nổi Ngã Bảy. Qua đó, đã đón nhận được nhiều đề xuất tích cực rằng phải nhanh chóng khôi phục lại cái chợ danh tiếng một thời để khai thác hết tiềm năng, thế mạnh về du lịch, thương mại - dịch vụ của địa phương.
Ông Nguyễn Thiện Nhơn, Bí thư Thị ủy Ngã Bảy, từng khẳng định: “Việc khôi phục lại chợ nổi Ngã Bảy là mong muốn của nhiều người, nhưng để bảo tồn chợ cũng phải tính đến bảo đảm an toàn giao thông thủy, tập quán sinh sống, quy luật phát triển kinh tế - xã hội, yếu tố thị trường, điều kiện vận chuyển hàng hóa ngày nay”. Hiện dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước miệt vườn đã được tỉnh phê duyệt đầu tư hơn 35 tỉ đồng đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng trên bờ. Vì thế, tới đây địa phương sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư, xã hội hóa nhiều dịch vụ trên bờ, dưới sông và đi kèm với du lịch sinh thái miệt vườn, thu hút khách du lịch về với Ngã Bảy.
Trời sáng, chợ tan dần, chúng tôi bắt đầu kết thúc chuyến hành trình khá thú vị của mình mà lòng vẫn còn cảm giác lắc lư theo sóng vỗ. Đâu đó vẫn còn vương vấn hình ảnh nụ cười tươi của chị Tư vì hàng hóa trên ghe được bán gần hết, hay nét mặt rạng rỡ của vợ chồng chị Phượng với lượng hàng đã chất đầy ghe đang rẽ nước trên sông Cái Côn để về cho kịp buổi chợ sớm.
Chẳng biết bao giờ chợ nổi Ngã Bảy sẽ được sung túc như xưa, nhưng với những giải pháp đồng bộ của các cơ quan chức năng tỉnh và địa phương đã giúp tôi có thêm cảm nhận rõ hơn về sức sống của khu chợ nổi danh một thời này sắp được hồi sinh…

Chợ nổi Ngã Bảy hình thành năm 1915 (sau 10 năm đào kênh xáng), bảy ngả sông hình thành là Cái Côn, Xẻo Môn, Búng Tàu, Lái Hiếu, Mang Cá, Sóc Trăng, Xẻo Vông. Chính vì thế mà người Pháp thường gọi nơi đây là ngôi sao của Phụng Hiệp. Đây có thể được xem là trung tâm đầu mối và là chợ nổi khá sầm uất. Cũng chính ngay chợ Ngã Bảy đã hình thành làng nghề đóng ghe truyền thống có hàng trăm hộ và tồn tại trên nửa thế kỷ qua. Không chỉ đi vào thơ ca, ông Jacques Yves Cousteau, thuyền trưởng người Pháp của tàu Calypso nổi tiếng thế giới đã từng khẳng định: “Đây là khu chợ nổi độc đáo của thế giới, cần giữ gìn, phát huy”. Cũng chính ông vào năm 1992 đã đến chợ nổi Ngã Bảy, dùng phi cơ bay trên độ cao hơn 100m cùng 4 cano chuyên dùng tỏa ra khắp các điểm chợ nổi để thực hiện bộ phim tài liệu đặc sắc về chợ nổi Ngã Bảy. Phim này sau đó đã được phát sóng bởi 100 đài truyền hình trên khắp thế giới.

Linh Lan/báo Hậu Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét