Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Hàng Đồng, phố nghề còn lại


Khoác trong mình vẻ thâm trầm như bao con phố cổ khác của Hà Nội, phố Hàng Đồng tĩnh lặng với những mái ngói nâu, tường cũ và những căn nhà dạng ống, hẹp nhưng sâu hun hút. Phố Hàng Đồng gắn với việc kinh doanh mặt hàng đồng và lác đác một số gia đình còn làm nghề gò đồng, đó là một phố nghề hiếm hoi còn lưu giữ lại đặc trưng của đất Kẻ Chợ xưa kia.
 Thăng Long – Kẻ Chợ vốn nổi tiếng với các nghề thủ công do người bốn phương mang đến làm ăn tạo nên các phố nghề đặc trưng, vì vậy mỗi tên phố đều có chữ Hàng gắn với những sản phẩm truyền thống từng hội phường, hội nghề. Trong số 76 phố cổ Hà Nội thì có tới 47 phố bắt đầu từ chữ Hàng như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Mã, Hàng Thiếc, Hàng Buồm, Hàng Giấy… Thủa đó, cư dân mỗi vùng miền đều tụ hợp ở một khu phố cố định, vừa làm nghề, vừa buôn bán, giao thương với kinh thành Thăng Long tạo nên sự sôi động của đất kinh kỳ.
 

Phố Hàng Đồng (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) chính là nơi ngụ cư của người dân làng nghề gò chạm đồng Đại Bái, thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh và người dân buôn bán đồ đồng làng Cầu Nôm, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cùng số ít người dân vùng khác.

Phố Hàng Đồng trước kia thuộc thôn Yên Phú, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương; thời Pháp thuộc, hai phố Hàng Đồng và Bát Sứ hợp lại một, có tên là Rue des Tasses (phố Hàng Chén). Sau này, khi chia tách, phố Hàng Đồng chỉ dài 130 m, nối từ ngã tư Hàng Vải – Bát Sứ tới phố Hàng Mã và việc kinh doanh đồ đồng cũng như gò đồng tập trung phần lớn ở cuối phố.

Những bậc cao niên sống ở khu phố kể lại rằng, thủa xưa phố Hàng Đồng làm nghề sản xuất và buôn bán đồ đồng rất sầm uất, vì đây gần như là nơi cung cấp duy nhất mâm, chảo, xoong, nồi  đồng cho cả kinh thành Thăng Long. Ban đầu chỉ là những vật dụng thông thường, sau này những người thợ gò đồng trong phố cải tiến, làm cả những mâm giả cổ bằng đồng, quả cầu đồng, đĩa mỹ nghệ dùng để trang trí rồi tới cả cồng, chiêng…. Người ta còn lấy hàng đồng đúc như hạc, đỉnh, lư hương, bát hương, lọ hoa từ các làng nghề Hè Nôm (Bắc Ninh), Ngũ Xá (Hà Nội)…..về kinh doanh. Không chỉ là người của Kinh thành Thăng Long sử dụng đồ đồng ở phố, dân các nơi khác cũng tìm đến phố Hàng Đồng để sắm sửa và có thời gian sau này, người phố Hàng Đồng còn xuất khẩu sản phẩm của mình sang các nước.

Thời gian khiến nghề gò đồng mai một dần và người dân trong phố lựa chọn hình thức kinh doanh đồ đồng do các làng nghề lân cận cung cấp là chủ yếu. Nhưng cũng còn nhiều gia đình, vốn gắn bó với nghề gò đồng từ thủa nghề mới bén rễ ở đất Kẻ Chợ, vẫn còn lưu luyến cho dù nghề này “ráo mồ hôi là hết tiền”.  Bởi một quan niệm mà người ta cho là “lý thuyết” nhưng rất “thấm” với những người trong nghề, rằng: đó là một nghề cha ông để lại nên yêu nó và  buộc phải gìn giữ.

Khi chúng tôi đến thăm, anh Nguyễn Xuân Thắng, cửa hàng Vinh – Thắng, số 32 Hàng Đồng đang mê mải gò bộ lazang xe ô tô Cadilac do khách đặt, ngay trên hè phố; mặc cho dòng người qua lại, tiếng ồn ã mua bán hàng hóa vọng bên tai. Quả thật, giữa dòng chảy cuộc sống, bắt gặp một người thợ thủ công đang còng lưng, lách cách gò đồng là vô cùng hiếm hoi. Anh cho biết, gốc gác của gia đình anh ở làng gò đồng Đại Bái, gắn bó với nghề gò đồng ở con phố này gần 100 năm nay, từ thời ông nội của anh.  8 – 9 tuổi, anh đã biết cầm cái búa, cái chạm và trở thành nghề kiếm sống của anh hơn 30 năm qua; đến nay không phải vì yêu nghề có lẽ anh không còn gắn bó với nó.

Nổi danh trên phố Hàng Đồng là cụ Hoàng Văn Nõn, số 28 Hàng Đồng với đại gia đình 9 người con cùng rất nhiều cháu còn gìn giữ nghề chạm đồng trên đất Thăng Long. Cụ từ vùng Kinh Bắc ra  đất Kinh kỳ làm nghề từ năm 16 tuổi và đến nay đã quá tuổi 80  nhưng các ngón nghề vẫn còn thông thạo nên thường xuyên chỉ bảo con cháu. Cụ trăn trở: “Gò đồng là một nghề quý, tồn tại lâu đời nhưng ít người ở phố này còn làm mà người ta chuyển sang kinh doanh. Gia đình tôi may mắn có đông con cháu theo nghề nên các cháu ở ngay một xưởng nhỏ sau nhà tiện bề cho sản xuất”. Anh Hoàng Văn Hiếu, cháu nội cụ, năm nay khoảng 40 tuổi cũng biết làm nghề từ thủa nhỏ; đến nay thành thạo với tất cả mọi sản phẩm, cho dù phức tạp tới đâu. Anh cho rằng, gò đồng là nghề Tổ nên thế hệ các anh cũng như con cháu anh phải gắn bó và cứ tới ngày 29/9 âm lịch, cả nhà lại đóng cửa hiệu, từ chối tất cả các khách đặt để về quê hương Đại Bái giỗ Tổ nghề.

Có lẽ, phố Hàng Đồng vẫn còn những người như anh Thắng, gia đình cụ Nõn thì phố nghề Thăng Long vẫn còn tồn tại, cho dù không nhiều và các nghề thủ công của chốn Kinh kỳ vẫn còn đất để thể hiện những tinh hoa của nó.
(Theo TTXVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét