Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Hội thả chim bên kia sông Hồng


Ngày hội thả chim cũng là dịp để các bậc cao niên tề tựu đông đủ trong ngôi đình cổ kính của làng Dục Tú, huyện Đông Anh, Tp. Hà Nội.
Dục Tú tòng tiền khảo điểu phi
Niên biên truyền thưởng xã thôn chi
Thiên nhân thảm mục đồng minh thị
Nội chịch công bằng bất lãm khi
Đại ý là:
Từ xưa Dục Tú có lệ hay
Hằng năm truyền thống thả chim bay
Thi chim có nghệ tài cao thấp
Giám khảo công bằng khán giả say…
Huyền thoại về một loài chim
Ông Đỗ Duy Tín, giáo viên văn sử, quê Lộc Hà (Đông Anh) - người chuyên nghiên cứu về phạm trù văn hoá thôn làng vùng Châu thổ sông Hồng, tâm sự: Hội thả chim bồ câu ở Dục Tú được tổ chức vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm là do ảnh hưởng từ đất Kinh Bắc (xưa) xuất xứ từ thời Lý, cách đây hàng nghìn năm
Hương thơm của đất trời toả ra từ ấm trà được ướp hương hoa sen qua đêm ở dưới ao làng cứ vấn vít vào những câu chuyện huyền thoại về một loài chim qua lời kể của các cụ, khiến cho lớp hậu duệ con cháu trong làng, trong xã như càng được vỡ vạc thêm nhiều điều bổ ích và lý thú.
Tương truyền rằng: Vào một hôm trời quang muôn dặm, ánh dương chiếu khắp, cảnh sắc tươi vui, Đức Phật đi thưởng ngoạn ở ven rừng, bỗng thấy một con chim ưng đang đuổi theo một con chim bồ câu. Trước nguy cơ có thể bị mất mạng, chú bồ câu non nớt vội sà vào lòng phật để lánh nạn. Đức Phật liền giang tay bảo vệ, che chở cho chim bồ câu. Chim ưng bèn xếp cánh đáp xuống một cành cây và nói: “Ngài muốn cứu chim bồ câu thoát chết, lẽ nào lại để cho tôi bị chết đói?”. Đức Phật ung dung lên tiếng: “Ngươi cần những gì để no lòng, ta đây sẵn sàng cung cấp cho ngươi”. Chim ưng liền đáp: “Tôi muốn ăn thịt”. Đức Phật liền rút ra một con dao nhỏ, thản nhiên cắt từng miếng thịt ở cánh tay mình cho chim ưng. Nhưng chim ưng chê ít, rồi mặc cả: “Không bằng thịt bồ câu”. Đức Phật lại cắt tiếp, nhưng càng cắt thịt ở cánh tay cho tới gần hết mà vẫn không làm sao đủ nặng bằng thịt bồ câu. Chim ưng hỏi phật có hối hận hay không, Phật đáp: “Ta hoàn toàn không hối hận một mảy may nào hết. Vì muốn cứu vớt mọi sinh linh thì thịt cánh tay của ta có gì là đáng tiếc. Nếu lời nói này của ta xuất phát từ lòng chí thành thì mong thịt cánh tay của ta sẽ liền lại như trước”. Đức Phật vừa cầu nguyện xong, quả nhiên thịt cánh tay Ngài trở lại như trước. Chim ưng liền hiện nguyên hình vị Đế Thích, rồi vút lên không trung hướng về Đức Phật thi lễ, miệng không ngớt tán thán rồi bay đi… Tin Đức Phật vì lòng từ bi cắt thịt cánh tay mình hiến cho chim ưng chẳng bao lâu truyền đi khắp nơi, khiến mọi người đều ca ngợi đức hy sinh cao cả của một bậc vĩ nhân. Và sự khát khao của loài chim bồ câu cũng là biểu tượng cho tự do – hoà bình. Dựa vào những đặc tính ấy của loài chim mà từ lâu, ông cha ta đã sáng tạo ra một lối chơi dân gian tao nhã: Thi thả chim bồ câu. Đại đa số những người tham gia hội thả chim ở Dục Tú đều thuộc hạng đẳng cấp và thiên hạ suy tôn xếp vào hàng “thượng thừa”. Bởi hầu hết trong số họ phải có nền tảng kinh tế vững, có trình độ thẩm mỹ văn hoá cao, đủ sức tranh tài… Đặc biệt, phải hội tụ được 4 yếu tố cơ bản, đó là: Siêu việt, cao đại, công phu và kiên nhẫn. Cụ Nguyễn Văn Lạc, 91 tuổi, làng Dục Tú, nguyên là cán bộ trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là trương đại học Mỹ thuật Việt Nam), cụ Lạc là người rất am hiểu về thú chơi chim bồ câu, sôi nổi: Để có vài phút dự thi thật là ngắn ngủi, chủ chim đã phải chuẩn bị nuôi, luyện chim trước đó hàng năm trời. Với đội hình đàn chim có từ 10 con trở lên, người chơi chim đã phải tốn mất từ 4 đến 8 tạ thóc để nuôi chúng; ấy là chưa kể công phu luyện tập, rèn giũa chúng trở thành những “vận động viên” xuất sắc… Mặt khác, các tiêu chuẩn đặt ra cũng hết sức nghiêm ngặt như: Ngay từ ban đầu phải chọn giống chim màu ghi đá, mắt nhỏ đen tuyền, ức nở, mình thon, đuôi cụp, thân chắc nịch, lông bóng mượt…nhưng trọng lượng mỗi con chỉ bằng 2/3 trọng lượng chim bồ câu thường. Vì giống chim này mang sắc thái bản địa của loài chim hoang dã, nó có thể thích ứng cao với mọi điều kiện thời tiết, sinh sôi nảy nở nhanh, lại không bị lai tạp đồng hoá. Nuôi cả đàn ba, bốn chục con may ra chỉ chọn được vài con đi dự Hội. Cũng theo như lời cụ Lạc thì, trong khi luyện tập phải tuân thủ nguyên tắc “nén mái”, nghĩa là làm giảm bớt độ “yêu” của chim để tăng sức bay cao, bay xa hơn…(chim đi thi chủ yếu là giống đực). Chăm sóc chim cũng phải bằng các loại thức ăn cao cấp như: đậu xanh xay nhỏ, vừng bóc vỏ, lạc giã nhỏ. Ngoài ra còn mua lươn nhỏ về cho chim ăn. “Cơm chín tái, gái một con, ngồng cải non, chim sen ràng” (đang độ thăng hoa nhất). Nắm bắt qui luật này, khi chim đã đủ lông đủ cánh (men ràng) chủ chim bắt đầu cho bay, qua men ràng vặt chụi lông để ra đợt lông khác, mục đích tạo ra chất nhờn làm cho lông chim lúc nào cũng bóng mượt, ít có khả năng ngấm nước, giảm trọng lượng khi chim bay. Ông Nguyễn Xuân Ánh (đệ nhất chơi chim ở làng Dục Tú), giới thiệu với chúng tôi: Công đoạn luyện chim tuy không cầu kỳ, phức tạp nhưng lại đòi hỏi đức tính kiên nhẫn của chủ chim rất cao. Chẳng hạn, ban đầu, cả đàn chim sẽ được lùa lên mái nhà, chủ chim lấy sào khua từ từ để cho chim tập bay, nhưng không cho bay vào buổi sáng sớm, vì thời điểm này nhiệt độ thấp, khí áp cao nên rất dễ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của chim. Sau khi đã tập bay ở nhà thì di chuyển ra ngoài đồng, tạo cho chim thuần thục các kỹ năng, kỹ xảo, chiến thuật bay theo đúng ý định của chủ, nếu không trong lúc dự thi, rất dễ xảy ra tình trạng “vô kỷ luật” mắc phải các lỗi như: “Tiên hành” (có một con trong đàn chơi trội vượt lên cao phía trước), hay “đại tràng” (bay giăng giăng cả đàn như xếp chữ) thì hỏng hết tiền của công sức cả một năm nuôi nấng luyện rèn… Thi chim có nghệ tài cao thấp Ban chấm thi trong Hội thả chim ở Dục Tú được tổ chức thành hai địa điểm: Chịch ngoại và chịch nội. Chịch ngoại (sơ khảo) đặt ở trung tâm khán đài kề sát ao đình, có nhiệm vụ tổ chức đưa các đàn chim vào vị trí đăng ký và phát lệnh cho chim bay. Trong lúc chờ đợi, tiến trống của chịch ngoại vang lên liên hồi vừa gây không khí rộn ràng của lễ hội và tạo nên sức căng của sóng âm, làm cho các ông chủ và đàn chim phấn chấn, rạo rực hẳng lên. Thậm chí không ít ông chủ đã khởi động bằng cách cho tay vào lồng quay đảo theo chiều kim đồng hồ, khiến cho đàn chim say như điếu đổ, đặt sự dồn nén tới đỉnh cao. Khi có hiệu lệnh thả, chốt lồng bung ra đàn chim bốc thẳng theo con đầu đàn, xoay một vòng “bái hội” (chào khán giả) rồi cứ thế khoan thẳng lên bầu trời theo các đội hình chiến thuật, tạo cảm giác mãn nhãn đối với người xem như: Đội hình “khói hương”; đội hình “diệp cày”; đội hình “chữ chi”… Cho tới khi đàn chim lọt vào tầm ngắm của chịch nội thì tiếng trống của chịch ngoại giảm dần, chuyển thành tiếng khoan, tiếng nhạt - giữ nhịp. Chịch nội (bàn chấm chung khảo) toạ lạc ở một nơi chắc địa, cách chịch ngoại chừng vài trăm mét để tránh sự áp lực của lễ hội. Nơi đây, đặt một thau nước to trong vắt như tấm gương thu gọn cả bầu trời trong đó để các cụ “bắt” các đàn chim khảo khí. Khi đàn chim xuất hiện vào trong gương thau thì người cầm chầu của chịch nội đánh một tiếng trống, báo hiệu cho mọi người biết chim đã có điểm. Ở trong tất cả các lễ hội thả chim ở Dục Tú, rất hiếm có đàn chim được lọt vào chịch nội, cao nhất là 20% số đàn được vào vòng chung khảo (chịch nội), lại chiếm trên 80%, chủ yếu mắc phải lỗi như, bay chớm vào gương thau rồi lại lượn ra ngoài, gọi là “tiểu tràng” thì chịch nội cất một tiếng cắc (trừ điểm); bay ở xung quanh chưa vào vòng trong gọi là “tiểu biên” và cứ như vậy sẽ có 3 tiếng cắc, đàn chim đó sẽ bị loại. Nếu đàn chim nào được chịch nội gõ 2 tiếng: Tùng! Tùng! Thì được xếp vào loại “tầng hạ” (mắt thường nhìn rõ chim theo hình khối nhưng không rõ đầu và đuôi ); 3 tiếng là “tầng trung”, (thấy được đàn chim nhưng không thấy được cánh vỗ); 4 tiếng là “tầng thượng”, (mỗi con chim chỉ là một dấu chấm nhỏ nhưng quây lại với nhau); 5 tiếng là “tầng phúc thượng”, hay còn gọi là “tầng thượng ly trung chính”, (nhìn thấy cả đàn chim chỉ là một dấu chấm nhỏ trong thau), nhưng chim vẫn bay khoan phá liên tục theo phương thẳng đứng ở giữa đỉnh đầu và đọng lại trong gương thau ít nhất từ 3 đến 5 phút thì mới đạt độ tuyệt đối (độ cao từ 3.000 đến 4.000 mét) thế mới gọi là đàn chim bay đẹp, chủ chim sẽ là người thắng cuộc, được xếp vào loại “đệ nhất” của cuộc thi. Hội thả chim ở Dục Tú vừa là sân chơi có đẳng cấp cao, vừa là nơi tỷ thí của các bậc “Quần anh nghĩa điểu” từ khắp các địa phương không chỉ các thôn, xã trong huyện Đông Anh mà cả các tỉnh ngoài như: Bắc Ninh, Vĩnh Phú, Hải Phòng, Hải Dương… Có năm lên tới 200 đàn tham gia dự thi. Ông Phạm Huy Căn, người có thâm niên trên 30 năm chơi chim ở xã Liên Hà (Đông Anh) góp mặt trong ngày Hội thả chim ở Dục Tú nhận xét: Sở dĩ Hội thả chim ở Dục Tú được duy trì lâu năm và trở thành truyền thống như một “thương hiệu” là do: ban tổ chức lễ hội ở đây có những quy định rất nguyên tắc như: Các thành viên được chọn tham gia vào Ban giám khảo đều là những người có “nghề” chơi chim lão luyện, nhưng nhất thiết phải là người từ nơi khác đến chứ không phải là người trong làng để đảm bảo khách quan và sự công bằng trong ngày hội. Điều đặc biệt là: Trong tất cả các lễ hội, thì hội thả chim mang tính nhân văn sâu sắc nhất. Bởi không chỉ giữa người chơi và người xem hội đều có trình độ thẩm mỹ văn hoá cao, mà sự trong sáng của lễ hội luôn toả sáng trong lương tâm của mọi người, không có những chuyện tiêu cực như: chèo kéo, lừa đảo, mê tín dị đoan, mua thần bán thánh… xảy ra trong lễ hội. Mặc dù công phu, tốn kém có khi tới hàng trăm triệu, nhưng khi thắng cuộc, giải nhất cũng chỉ là cái phích nước Rạng Đông, cái chậu nhôn hay chiếc nồi cơm điện… Ấy vậy mà trên gương mặt của các chủ chim vẫn ánh lên niềm phấn khởi, tự hào - hạnh phúc. Bởi từ đây họ đã trở thành “đệ nhất quần anh nghĩa điểu” - Người và chim đều cực kỳ danh giá và cao

Nguồn tin: Theo NHN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét