Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Hôn nhân của người Mạ ở Đồng Nai

Người Mạ ở Đồng Nai sống chủ yếu tập trung ở xã Tài Lài, huyện Tân Phú, bên hữu ngạn sông Đồng Nai, cạnh khu rừng cấm Cát Tiên. Cho đến nay, dân tộc Mạ ở Đồng Nai còn giữ nhiều nét văn hoá mang tính truyền thống, nổi bật nhất là tục hôn nhân.
Thiếu nữ dân tộc Mạ     Ảnh ZVN

Trước đây, người Mạ thường có quan hệ hôn nhân trong nội bộ tộc. Trai gái Mạ lớn lên, đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu, yêu đương. Các bậc cha mẹ khi chọn dâu, rể thường căn cứ vào năng lực, đức hạnh của chàng trai, cô gái. Con gái phải bếp núc gọn gàng, biết dệt thổ cẩm, còn con trai thì xà gạc, gùi, dao phải bén, sức khỏe tốt, chăm chỉ lao động. Người Mạ không ngăn cấm con cô, con cậu kết hôn, song con chú, con bác thì không được phép. Người Mạ cũng không có quan niệm về trinh tiết. Quyền hôn nhân ở người Mạ thuộc về cha mẹ và chủ động phía đàng trai. Khi chàng trai và cô gái ưng nhau, chàng trai về thưa chuyện với cha mẹ nhờ ông mai sang nhà gái thưa chuyện (người Mạ gọi đây là lễ đám nói). Trong đám nói, chàng trai sẽ mặc chiếc khố cùi tua đỏ, tay đeo nhiều vòng đồng, tóc búi cắm hai lông chim trắng dài. đến cửa nhà gái, chàng trai cắm ngọn lao xuống đất, vai vác xà gạc, dao đeo thắt lưng. Khi cha hoặc cậu ruột cô gái ra tiếp nhà trai, chàng trai trình bày mục đích cuộc viếng thăm bằng những vần thơ mộc mạc: Con tìm mảnh đất thấp để gieo lúa nếp/ Con tìm bãi cây non để khai thác trồng tỉa/ Con tìm kiếm cánh đồng, con muốn nhiều vòng tay, vòng cổ/ Con muốn con gái cha, nàng giơ cần cổ để con đeo kiềng/ Con muốn con gái cha, nàng chìa cườm tay để con đeo vòng.

Đáp lại chàng trai, cha cô gái (hoặc cậu) trả lời: Hãy kiếm nơi đất thấp hai cây gỗ lớn bằng nhau/ Hãy kiếm nơi đầm lầy hai cây thẳng bằng nhau/ Hãy kiếm trong rừng hai cây dầu bằng nhau.
Vừa dứt câu trả lời, chàng trai liền rút ngọn lao bước vào nhà, rồi để lại đó bảy ngày bảy đêm. Hai họ bàn chuyện bằng những vần thơ theo lối nói vòng vo rồi cùng nhau hút thuốc, uống rượu vui vẻ. Xong việc, đàng trai ra về, còn chàng trai ở lại nhà gái. Tuy đã làm đám nói, song đôi trai gái không được chung sống với nhau trong nhà cô gái, mà làm một túp lều nhỏ xa bòn (làng), trong một góc rừng kín đáo vắng vẻ và chung sống với nhau. Thời gian này, cô gái trang sức rất đẹp, đeo nhiều chuỗi vòng, chuỗi hạt cườm hoặc vỏ ốc, tóc được búi lên cài lược sừng có cắm con dao nhỏ cán sừng, buộc thắt lưng có hoa văn sặc sỡ. Họ hát cho nhau nghe những bài ca mộc mạc chứa đựng tình yêu.
Theo luật tục, trong ngày cưới, sính lễ đàng trai đưa qua nhà gái là gạo, rượu cần, chiêng, trâu và lợn. Lễ cưới diễn ra trong một đêm vui vẻ, có khi tới hai, ba đêm. Trong lễ cưới, đôi vợ chồng trao nhau vòng đồng cùng nhau ăn miếng gan lợn như lời thề chung sống trọn đời bên nhau. Người Mạ có tục cho cô dâu, chú rể nằm gần nhau trước mặt hai họ và những người dự lễ cưới, rồi phủ lên đôi vợ chồng trẻ một cái mền thổ cẩm hoa văn sặc sỡ tượng trưng cho cuộc sống chung của vợ chồng trước dòng họ. Nếu lỡ cô gái có bầu trước khi cưới, chàng rể không phải là cha của đứa trẻ thì phải nộp cho bòn một con lợn và một con dê để cúng Giàng, nếu đứa trẻ ra đời trước khi cưới, chàng trai phải nộp cho bòn một con trâu.
Sau khi cưới, chàng trai phải sang bên gia đình vợ ở rể. Được vài năm, cha mẹ họ hàng đàng trai làm lễ trả của cho đàng gái. Trường hợp chưa trả đủ thì hẹn lại lần sau nhưng chàng trai phải tiếp tục ở rể. Thời gian ở rể có khi kéo dài đến suốt đời nếu gia đình đàng trai nghèo quá. Sau lễ trả của này, phụ nữ Mạ thường về cư trú bên chồng. Nếu nhà gái muốn bắt chồng thì phải nộp cho nhà trai bằng số sính lễ nhà trai đưa đi cưới vợ. Ngày nay, tục ở rể và trả nợ vẫn còn tồn tại trong tộc người Mạ, nhưng hình thức tổ chức đám cưới được giản lược đi nhiều. Vợ về nhà chồng hoặc chồng về nhà vợ tùy theo kinh tế của mỗi nhà. Đa số những cặp vợ chồng trẻ cưới xong thường ra ở riêng và ít khi phụ thuộc vào cha mẹ đôi bên.
Chế độ hôn nhân một vợ một chồng được xác lập bền vừng trong cộng đồng người Mạ. Tuy nhiên cũng có trường hợp đa thê, nhưng phải có sự đồng ý của người vợ đầu tiên. Ngoài ra, người Mạ còn có tục nối dây (khi chồng hoặc vợ chết sớm, người kia có quyền lấy em vợ hoặc em chồng) và hình thức Klỉa (chồng chết ba năm mới được tái giá, nếu vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi lễ vật thách cưới trước đây).
Người Mạ cho việc ngoại tình là một hình thức vi phạm và sẽ bị phạt nặng. Chuyện li dị cũng ít khi xảy ra. Nếu có, người chủ động li dị phải nộp lễ vật theo sự đòi hỏi của người kia.

Phong Thạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét