Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Huyết áp bao nhiêu thì sợ?



Không an tâm với huyết áp thì nên đo vài lần trong ngày, vài ngày liên tục mới đánh giá chính xác mức độ bệnh lý.
“Huyết áp của tôi là 16, như thế có cao hay không?”. Một câu hỏi thường nghe hơn câu chào trong các phòng khám. Người cao huyết áp thường hay đỏ mặt? Sai, vì nhiều người lại sợ xanh mặt khi đo huyết áp thấy cao.
Ít người hiểu đúng
Điều đáng nói là tuy bệnh cao huyết áp không những phổ biến mà đồng thời rất nghiêm trọng nhưng số người thực sự hiểu rõ về huyết áp lại rất ít.
Bằng chứng là rất nhiều người bệnh, dù đã được điều trị nhiều năm với thuốc hạ áp vẫn mô tả huyết áp với một trị số 15 hay 16, trong khi ý nghĩa bệnh lý của huyết áp chỉ có thể được diễn giải chính xác khi có đủ hai trị số. Điều này còn chứng tỏ không ít thầy thuốc đang cho thuốc rất hào phóng nhưng lại dè sẻn lời giải thích với người bệnh.
Như vừa đặt vấn đề, huyết áp bao gồm 2 trị số, trên và dưới (ví dụ 12/8, đồng nghĩa với 120/80). Trị số ở trên là con số quen thuộc với nhiều người bệnh, còn có tên chuyên môn là huyết áp thu tâm, biểu hiện một cách gián tiếp mức độ co bóp của trái tim.
Nói cho dễ hiểu, trị số này nếu tăng cao hơn 140 chứng tỏ tim đang mệt vì phải cố gắng đẩy máu. Còn trị số bên dưới là trị số ít khi được lưu ý, còn được thầy thuốc gọi là huyết áp trương tâm, là trị số phản ánh một cách gián tiếp mức độ xơ vữa chai cứng của mạch máu. Trị số này nếu hơn 90 cho thấy mạch máu không còn mềm dẻo như mong muốn.

Đừng vội mất tinh thần
Đo huyết áp ngay lúc huyết áp xuống thấp, rồi yên tâm là huyết áp mình không cao thì nhiều khi sẽ bị hố nặng vì đến với thầy thuốc quá trễ do không ngờ bị... cao huyết áp.

Nếu chỉ vì trị số huyết áp thấp sau một lần đo mà đã vội mất tinh thần vì tưởng mình bệnh nặng thì người bệnh cần gì vai trò tư vấn của thầy thuốc!

Ngược lại, nếu hấp tấp chẩn đoán hay thậm chí biên toa cho thuốc hạ khi mới đo huyết áp chỉ một lần thì thầy thuốc chẳng cần phải học tối thiểu đến... 6 năm làm gì.

Ý nghĩa bệnh lý của huyết áp lại không chỉ tùy thuộc vào hai trị số vừa mô tả ở trên mà còn tùy theo khoảng cách biệt giữa hai trị số. Khoảng cách biệt này càng rộng càng an toàn cho người bệnh, càng hẹp thì nguy cơ do biến chứng càng trầm trọng.
Nói cách khác cụ thể hơn, huyết áp 15/9 (cách biệt 6) trên thực tế tuy cũng thuộc về định mức bệnh lý nhưng lại không nguy hiểm bằng huyết áp 14/10 (cách biệt 4). Chính vì thế mà khi đo huyết áp phải kiểm soát cả hai trị số. Chỉ với 1 trong 2 trị số thì thầy thuốc khó cho thuốc, trừ khi là thầy... bói!
Cao, thấp... tùy người
Huyết áp không cố định mà thay đổi tùy theo nhiều yếu tố như trọng lượng, chiều cao, tuổi tác, sinh hoạt... Chẳng hạn huyết áp 14/9 ở người chưa tròn 30 tuổi chắc chắn nghiêm trọng hơn huyết áp tuy cùng trị số nhưng ở người đã hơn 60, vì huyết áp ít nhiều phải tăng theo tuổi đời.
Huyết áp tuy còn trong định mức bình thường, thí dụ 13/8, dù vậy vẫn đáng được lưu tâm nếu đối tượng chỉ cao dưới 1,5 m, cân nặng không đến 40 kg. Ngược lại, huyết áp tuy cũng 12/8 nhưng không thể gọi là lý tưởng nếu gia chủ cao đến 1,7 m lại nặng hơn 70 kg.
Huyết áp dao động theo nhịp sinh học, nghĩa là thay đổi nhiều lần trong ngày. Chính vì thế, người không an tâm với huyết áp thì nên đo huyết áp vài lần trong ngày, vài ngày liên tục mới có thể đánh giá chính xác và khách quan mức độ bệnh lý.
Nên ghi tất cả kết quả khi đến thầy thuốc. Nhờ đường biểu diễn lên xuống của huyết áp mà nhà điều trị chọn loại thuốc hạ áp và giờ uống thuốc thích hợp cho mỗi bệnh nhân cá biệt. Đó chính là nguyên tắc tối quan trọng để có thể kiểm soát huyết áp nhằm dự phòng nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Theo Người Lao Động


Cao huyết áp "kẻ giết người thầm lặng"
.

Tập thể dục hợp lý      Người bị cao huyết áp nên chọn những môn thể dục như chạy bộ, đi bộ, đi xe đạp, bơi lội..., mỗi tuần tập ít nhất 3-4 giờ, mỗi lần khoảng nửa giờ. Cùng với chế độ ăn uống thích hợp, luyện tập thể dục góp phần duy trì chỉ số cân nặng lý tưởng và giúp hạ huyết áp tâm thu đáng kể ở người quá cân hay béo phì khi giảm một phần cân nặng thừa (giảm 5-20mmHg/10 kilogram).
Giảm stress cũng là một cách rất hữu hiệu trong việc ngăn ngừa và chữa trị cao huyết áp. Có nhiều phương phápgiảm stress như cải thiện quan hệ trong gia đình và ở nơi làm việc, xoa bóp, thư giãn, tập yoga và dùng thuốc...
    Loại bệnh không thể chủ quan     Trong quá trình điều trị cao huyết áp bằng cách uống thuốc, bệnh nhân cần phải tuân theo mọi nguyên tắc và hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý giảm liều lượng, ngưng dùng thuốc hay dùng các loại thuốc "hạ máu" theo toa của bệnh nhân khác vì những điều này có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân thấy xuất hiện các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, phù tay chân, tim đập nhanh, tay chân yếu... thì cần phải báo cho bác sĩ biết để có hướng điều trị phù hợp. Tóm lại, phần lớn các bệnh nhân cao huyết áp không có các triệu chứng đặc hiệu để tự nhận biết. Tuy nhiên, bệnh này được xem như là tên sát nhân thầm lặng, âm thầm dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một điểm vô cùng quan trọng là bệnh nhân đừng bao giờ tự ý ngưng điều trị vì cảm thấy khỏe mạnh lại bình thường và cũng đừng quên rằng thuốc mà người bệnh đang sử dụng không chỉ giúp cho huyết áp được duy trì ở mức ổn định mà còn ngăn ngừa được các biến chứng và giảm đáng kể tỉ lệ tử vong do bệnh gây ra.
   Một số loại trái cây, sinh tố có ích cho bệnh nhân cao huyết áp:
- Táo: Có hàm lượng đường fruitose cao nhất trong các loại trái cây. Ngoài ra, nó còn có acid malic, acid tannic, chất xơ, canxi, phospho, sắt, pectin, kali, lipid, protid và nhiều loại vitamin rất tốt cho cơ thể. Táo có tác dụng hấp thu vi khuẩn và độc tố, trị tiêu chảy. Táo chứa chất kali nên rất tốt cho người cao huyết áp. Acid hữu cơ trong táo còn kích thích bài tiết dịch vị, trợ giúp tiêu hóa.
- Chuối: Có đủ cả 10 loại acid amin thiết yếu cho cơ thể. Ngoài ra, hàm lượng kali tự nhiên rất cao trong chuối có thể giúp điều hòa hoạt động hệ thần kinh và giảm nguy cơ mắc những bệnh lý về tim mạch
- Nho: Nước ép nho đỏ có khả năng chống lão hóa tuyệt hảo; chứa những flavonoid tương tự như trong rượu vang đỏ, giúp mở rộng mạch máu và tăng cường lượng máu chảy đến bề mặt da. Chất quenetin trong nước nho đỏ có tác dụng ngăn ngừa sự kết tụ máu, phòng chống được bệnh tim mạch.
- Bưởi: Đây là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa hữu hiệu, có thể làm giảm nguy cơ của nhiều loại ung thư (ung thư tuyến tiền liệt), nguy cơ bệnh tim mạch và đột quị.

  Người tăng huyết áp cần lưu ý gì?
.
Tăng huyết áp (THA) là bệnh khá phổ biến. THA rất nguy hiểm để lại nhiều biến chứng: gây rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử hoặc gây đột quỵ dẫn đến xuất huyết não, hôn mê, liệt nửa người; nhẹ hơn thì nước tiểu có đạm, suy thận, vữa xơ động mạch, thị giác mờ, có hiện tượng ruồi bay trước mắt... Biết mình bị THA nhưng việc dùng thuốc và cách phòng ngừa bệnh là một việc rất quan trọng, đòi hỏi người bệnh phải có một quyết tâm cao.


Tăng huyết áp là gì?

Trước hết chúng ta cần biết rằng huyết áp là áp suất của mạch máu, biểu hiện bằng hai chỉ số là huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu. Huyết áp tối đa phản ánh sức co bóp của quả tim và huyết áp tối thiểu là biểu thị của sức cản của thành động mạch.

Gọi THA là "kẻ giết người thầm lặng" cũng đúng vì phần lớn người bệnh không biết mà chỉ khi được phát hiện bị tai biến mạch máu não, suy thận, suy tim thậm chí tử vong... thì mọi sự đã rồi... Người bệnh hay chủ quan vì chỉ dựa vào những dấu hiệu nhức đầu, hay chóng mặt, mệt, chân tay yếu. Vì vậy muốn biết mình có bị THA hay không thì bạn thường xuyên phải đo huyết áp (đến trung tâm y tế, đo tại nhà...). Khi đo, phải đo huyết áp ít nhất 2-3 lần trong tình trạng nghỉ ngơi ổn định, tư thế ngồi, băng đo ngang vị trí tim, lấy giá trị trung bình giữa những lần đo đó.

Điều trị tăng huyết áp
Việc điều trị THA đối với người bệnh THA trong khoảng từ 140 - 150 thì chưa cần phải dùng thuốc hạ áp mà quan trọng là điều chỉnh chế độ ăn, loại bỏ các thói quen làm THA như uống chè, cà phê và luyện tập thể lực vừa sức. Sau 3 tháng thực hiện nghiêm chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện mà huyết áp không có xu hướng giảm thì phải dùng thuốc hạ huyết áp.

Nguyên nhân và hậu quả của tăng huyết áp?

Theo nghiên cứu thì có tới 90% trường hợp bị THA nguyên phát và không rõ nguyên nhân.

THA lâu dài ảnh hưởng trên nhiều cơ quan, nhất là tim đưa đến suy tim trái, suy thận mạn, làm hại mạch máu võng mô và gây tai biến mạch máu não.

Tai biến mạch não là biến chứng nguy hiểm, gây nhiều tử vong nhất ở người THA. Trường hợp nhẹ biểu hiện bởi cơn thiếu máu não thoáng qua. Bệnh nhân đột ngột ngã, liệt nửa người, cấm khẩu nhưng có thể hồi phục hoàn toàn trong vài ngày.

Một tai biến khác nặng hơn thiếu máu não thoáng qua là nhũn nã bệnh nhân đột ngột ngã, liệt nửa người, cấm khẩu, còn tỉnh hoặc hôn mê nhẹ, huyết áp bình thường hoặc hơi cao. Điều trị thật tích cực trong 15 ngày đầu, bệnh nhân có hy vọng hồi phục sớm. Nếu chậm trễ tổn thương thành sẹo thì khó có cơ may đi lại bình thường

Trường hợp nặng nhất, bệnh nhân bị xuất huyết não. Xuất huyết não xảy ra đột ngột sau khi ăn tiệc, đi tiểu đêm nơi gió lùa. Bệnh nhân đột ngột ngã, hôn mê, thở phì phò. Trong trường hợp này tránh cạo gió vì sẽ làm tình trạng chảy máu trầm trọng hơn. Đây là trường hợp tai biến rất nặng, gây tử vong rất cao (khoảng 90%), đa số bệnh nhân tử vong trong vòng 3 ngày đầu.

Phòng tránh tăng huyết áp

Để chủ động ngăn ngừa tai biến do THA, người bệnh nên:

- Có chế độ ăn uống đúng mực: không nên ăn mặn, ăn nhiều mỡ, chọn các thực phẩm ít muối, thực phẩm không chứa cholesterol. Hạn chế uống rượu bia vì rượu bia làm hạn chế tác dụng của thuốc hạ huyết áp, bỏ thuốc lá vì chất nicotin trong thuốc lá có tác dụng xấu tới tim mạch... Những người THA nên chọn những thực phẩm giàu vitamin như rau xanh, trái cây...

- Có chế độ luyện tập thích hợp: vận động thường xuyên (chơi thể thao nhẹ, đi bộ hằng ngày) là lời khuyên số 1 của các bác sĩ cho những người bị THA. Tránh những hoạt động mạnh, hoạt động gây căng thẳng thần kinh. Hạn chế tăng cân. Đi xe đạp hàng ngày làm giảm huyết áp tốt hơn đi bộ. Đặc biệt chú ý phải khám sức khỏe định kỳ; không nên tự mua thuốc điều trị hoặc tự ý thay đổi liều lượng thuốc

BS Đặng Văn Thoàng
Theo Sức Khoẻ và Đời Sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét