Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Khu di tích lịch sử Đồng Khởi Bến Tre



Nhà lưu niệm Đồng Khởi
Những cột mốc chính của quá trình diễn biến cuộc Đồng Khởi:


- Ngày 1-1-1960, đồng chí Nguyễn Thị Định, Phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đi dự hội nghị của Khu ủy khu 8 để tiếp thu Nghị quyết 15 của Trung ương về đến Mỏ Cày. 

- Đêm 2-1, hội nghị cán bộ lãnh đạo tỉnh được triệu tập tại một địa điểm ở Mỏ Cày, để truyền đạt lại tinh thần Nghị quyết 15 và bàn kế hoạch phát động tuần lễ nổi dậy đồng loạt, từ 17-1-1960 đến 25-1-1960, lấy 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh làm điểm đột phá. 

- Ngày 11-1-1960, Huyện ủy Mỏ Cày họp với cấp ủy xã Định Thủy, bàn kế hoạch thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy. 
Đúng ngày 17-1-1960, cuộc nổi dậy bùng nổ và đã giành thắng lợi đúng như dự kiến. 

- Ngày 20-1-1960, trung đội vũ trang đầu tiên của tỉnh được thành lập, mang tên phiên hiệu 264.
Thắng lợi cuộc Đồng khởi tại vùng điểm đã mở màn, cổ vũ cho phong trào nổi dậy trong toàn tỉnh, sau đó lan ra trong toàn miền. Đến ngày giải phóng (30-4-1975), những di tích diệt ác ôn, hạ đồn địch trong cuộc Đồng Khởi đã bị mai một đi nhiều. Để bảo tồn những di tích và hình ảnh, tư liệu về sự kiện lịch sử to lớn này, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước bất khuất của người dân, và để nâng cao lòng tự hào về những chiến tích đã đạt được, lãnh đạo tỉnh Bến Tre chủ trương xây dựng tại xã Định Thủy một “Nhà truyền thống Đồng khởi”. Khu di tích này được thiết lập trên một diện tích 5.000 m2, gồm nhà bảo tàng một trệt, một lầu, có diện tích sử dụng 500 m2. Trên nóc nhà là một ngọn lửa được cách điệu bằng bê tông cốt thép cao 12 m, màu đỏ - biểu tượng của ngọn lửa Đồng khởi cháy sáng mãi trên xứ Dừa. Bên trong nhà là những gian trưng bày những hiện vật, nhân vật, hình ảnh, biểu đồ, những vũ khí tự tạo để đánh địch v.v…
Chung quanh ngôi nhà là những thảm cỏ xanh, sân rộng, những bồn hoa và cây cảnh, làm tăng thêm vẻ đẹp của khu di tích.
Từ thị xã đi qua phà Hàm Luông theo quốc lộ 60, đến thị trấn Mỏ Cày, rẽ về 3 xã nói trên bằng đường ô-tô là đến khu di tích. Hoặc có thể từ thị xã, vượt sông Hàm Luông theo đường kênh đến tận trung tâm của cái nôi Đồng khởi.
Di tích Đồng khởi đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định số 43-VH/QĐ công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia ngày 7-1-1993.

LÊ DUẨN - TỔNG BÍ THƯ BCHTƯĐCS VIỆT NAM 
“Cuối năm 1959 tại nhiều nơi ở Nam Bộ, quần chúng đã vùng lên diệt ác, phá kìm, khiến cho bộ máy tề ngụy của hàng trăm thôn, xã phải tan vỡ. Đặc biệt đêm 17-1-1960, dưới sự chỉ đạo của Ðảng bộ Bến Tre, nhân dân huyện Mỏ Cày đã nổi dậy khởi nghĩa đồng loạt mở đầu cho một cao trào mới. Từ đó, làn sóng “Đồng khởi” như nước vỡ bờ lan ra toàn tỉnh Bến Tre và khắp các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và Trung Trung Bộ"(1). 
“... Những cuộc đấu tranh cách mạng ấy thực chất là cao trào khởi nghĩa của quần chúng, bao gồm những cuộc khởi nghĩa từng phần, để giành thế mạnh về chính trị, xây dựng một hình thức chính quyền cách mạng ở thôn xã, hình thức bước đầu lực lượng vũ trang của nhân dân"(2). 
* Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam do TƯCMN và Quân ủy miền chủ trì (1968) có đại biểu các tỉnh, thành và Bộ Tư lệnh các quân khu 5, 6, 7, 8, 9 và đặc khu Sài Gòn - Gia Định về dự đã nhất trí tuyên dương 3 tỉnh đạt những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ (giai đoạn 1954 - 1968) với các danh hiệu sau đây: 
1 - Tỉnh Bến Tre: “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ diệt ngụy”. 
2 - Tỉnh Long An: "Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc". 
3 - Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng: "Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. 


ĐẠI TƯỚNG HOÀNG VĂN THÁI (Nguyên Tư lệnh B2): 
Trong bài phát biểu ở Hội nghị Tổng kết cuộc KCCM cứu nước của nhân dân Bến Tre, ngày 17-7-1982 đã kết luận: 
"Phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã mở đầu cho cuộc tấn công và nổi dậy lần thứ nhất của cách mạng miền Nam, mở đầu cho cuộc khủng hoảng triền miên của chính quyền Mỹ, Diệm. Rõ ràng, phong trào Đồng khởi ở Bến Tre đã đi vào lịch sử như một ngọn cờ đầu, nó đã có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam và xứng đáng được gọi là QUÊ HƯƠNG ĐỒNG KHỞI với tất cả nội dung và tính chất của nó". 


ĐẠI TƯỚNG ĐOÀN KHUÊ, BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG: 
Nhân kỷ niệm 35 năm chiến thắng ấp Bắc, tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc tỉnh Tiền Giang (2.1.1963 - 2.1.1998), Đại tướng đã phát biểu: 
"Mọi sự việc diễn ra trong quá trình lịch sử đều có những cột mốc phát triển của nó. Ðồng khởi Bến Tre tạo ra chiến thắng Ấp Bắc; chiến thắng Ấp Bắc tạo ra Bình Giã (Bà Rịa - Vũng Tàu), Ba Gia (Quảng Ngãi), Núi Thành (Quảng Nam), Vạn Tường (Quảng Ngãi)". 


THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT: 
"Chiến công chống chánh quyền ngụy tay sai của Mỹ, tiêu biểu khởi đầu là phong trào Đồng khởi của nhân dân và các chiến sĩ kiên trung của Bến Tre, đặc biệt là các chị em được mệnh danh là "đội quân tóc dài", những người đã anh dũng vùng lên, cùng nhau nổi dậy thành một phong trào, đấu tranh chính trị kết hợp với bạo lực vũ trang, phá thế kìm kẹp, làm thay đổi cục diện trên địa bàn lúc bấy giờ. Trong lúc đó ở miền Nam nhiều nơi cũng có phong trào tương tự, nhưng về quy mô thì chưa có nơi nào như ở Bến Tre (ít nhất cũng riêng Nam Bộ) 


Sự Ðồng khởi ở Bến Tre đã có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ phong trào nhân dân nổi dậy đấu tranh của nhiều địa phương khác ở Nam Bộ.Tôi có vinh dự lớn lúc đó là "người trong cuộc và có điều kiện theo dõi bước phát triển quan trọng này trong quá trình kháng chiến của Bến Tre đã được chứng minh trong nhiều văn kiện của Đảng và những tác phẩm văn học nghệ thuật ghi nhận là "quê hương Đồng khởi”, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre có quyền tự hào về điều này"(3). 


CHỦ TỊCH TRẦN ĐỨC LƯƠNG: 
Trong thư biểu dương bà Nguyễn Thị Ðấu - Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Đồng khởi Bến Tre ở đoạn kết có câu: “Kính chúc mẹ, chúc Đảng bộ và nhân dân Bến Tre tiếp tục phấn đấu và phát huy truyền thống "Quê hương Đồng khởi” trong thời kỳ đổi mới”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét