Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lễ Hội Đền Bồ Đề


Bồ Đề là tên nôm của làng Phú Viên, từ năm 1964; Bồ Đề được lấy làm tên xã. Cái tên nôm của làng đã đi vào sử sách và ăn sâu trong lòng dân suốt năm thế kỷ nay.
Thờ:  Cao Sơn, nàng Càn Mỹ nương, Dung Hoa
Địa điểm:   Làng Phú Viên, xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm
Thời gian:   6 tháng Giêng
Đặc điểm:   Đua thuyền
 Mặc dù hai cây bồ đề cao ngang với tháp Báo Thiên ở phía kinh thành Thăng Long nay không còn nữa, do nước lũ sông Hồng cuốn trôi đi từ lâu, nhưng nhiều người mỗi lần qua lại vẫn thăm hỏi chuyện cũ, bởi muốn nhớ lại một thời lịch sử oanh liệt của dân tộc. Năm 1427, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã đặt bản doanh tại Bồ Đề, lập các tầng lầu cao trên hai cây bồ đề để quan sát giặc Minh đang bị vây trong thành Đông Quan. Sau khi chiến thắng, Lê Lợi còn đặt triều đình nhà Lê ở đây một thời gian rồi mới trở về thành cũ. Từ đấy về sau trên dinh cũ Bồ Đề khi thì xây dựng hành cung, khi thì đặt trạm dịch, trạm binh đều mang tên Bồ Đề (chỉ đoạn sông Hồng chảy qua vùng đất ấy) và cuối cùng lưu truyền câu ca chiến thắng:
          Giặc sang thì giặc phải về,
          Giặc đến Bồ Đề thì giặc phải tan.
Tất cả những địa chỉ ấy cùng thơ ca và sự tích vẫn thấp thoáng hình bóng cuộc sống thời xưa, nhắc nhở một quá khứ huy hoàng vang ngân những chiến công hiển hách…khắc sâu trong trí nhớ của các vị cố lão, còn truyền tụng cho con cháu tới hôm nay.
Làng Bồ Đề (nay gọi là Phú Viên) thờ Cao Sơn, nàng Càn Mỹ Nương, Dung Hoa. Hàng năm mở hội vào ngày 6 tháng Giêng. Ở xứ Bắc có câu ca về niên lịch cổ truyền, nhắc nhở nhau nhớ ngày xuân trẩy hội. Tháng Giêng có:
Mồng bốn là hội kéo co,
Mồng năm hội Ó chẳng cho nhau về.
Mồng sáu đi hội Bồ Đề,
Mồng bảy trở về đi hội Đống Cao.
Mùa xuân tràn ngập không khí hội hè, có ngày hai ba nơi mở hội như hội Bồ Đề trùng với hội Cổ Loa. Trong dân gian thường nói: “ Chết thì bỏ con bỏ cháu, sống thì không bỏ mồng 6 tháng Giêng”. Như vậy, đủ biết ngày hội có sức cuốn hút biết dường nào. Cả dân làng, già trẻ, lớn bé, gái trai tụ tập quanh đình giữa sân bãi, bên bờ ao, dọc bờ sông, trên đường làng và ở cả chùa, miếu…không khí tưng bừng nhộn nhịp không chỉ một phạm vi nhỏ của một làng mà là chung cho cả vùng quê rộng lớn, vượt ra ngoài xã huyện mình.
Làng ta mở hội vui mừng,
Chiêng kêu, trống dóng vang lừng đôi bên…
Trong khung cảnh hội hè, phần cúng bái rước xách chỉ là một phần và dành cho chức sắc, bô lão, con hương đệ tử thập phương…còn đại đa số dân làng (và người tứ xứ vẫn dồn hết vào các trò vui). Ở đó, ý nghĩa tích cực nhất của hội làng được thể hiện rõ nét nhất, những tình cảm nồng thắm, chân thực, thuần phác, tinh thần cộng cảm bộc lộ tự nhiên mà sâu đậm. Hội Bồ Đề có trò chơi đánh đu: cây đu được dựng chắc chắn trên một bãi rộng cao từ ba đến bốn mét. Trò chơi không thể chỉ chơi có một người và cũng không phải giới nào chơi riêng giới ấy. Phải có nam có nữ mới nên  “Xoan”, trai gái đứng sát đối mặt nhau trên một cây đu, cùng dún đu xung quanh bao nhiêu cặp mắt nhìn, cười nói, hò hét động viên khích lệ sôi nổi đúng như “bà chúa thơ nôm” Hồ Xuân Hương đã tả:
Trai đu gối hạc khom lưng cật
Gái uốn lưng cong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song…
Trò chơi này đã vứt bỏ những kiêng kị ngày thường, để ra bên cái lễ giáo phong kiến “nam nữ thụ thụ bất thân”. Âu cũng là phản ánh lối sống cộng đồng công xã thuở xưa.
Bồ Đề còn có trò thi bơi: bơi lội và đua thuyền. Dọc bờ sông Hồng từ đền Ghềnh (nơi bà Liễu Hạnh và Mẫu Thoải nhưng thực chất bên trong thờ bà Ngọc Hân - vợ vua Quang Trung) đến thôn Lâm Du cùng xã, trên đoạn dài hàng cây số có cắm cờ, người chen nhau đứng xem các cuộc đua tài. Pháo nổ đì đẹt, trống gióng từng hồi, từng tốp trai làng, mình trần đóng khố, đua nhau sải dài cánh tay trên sóng nước, để vượt nhanh giành phần thắng nhất, nhì, ba. Rồi sau đó, còn sôi nổi hơn đưa niềm vui lên đỉnh cao, là đua thuyền. Vẫn trên đoạn sông này, hai đầu có hai thuyền và bốn người túc trực phòng cứu hộ. Dự thi có từ năm đến tám đội. Mỗi đội một thuyền của một thôn trong xã (cũng có cả nơi khác đăng ký) thuyền dự thi phải theo quy cách thống nhất về độ dài với mười hai chỗ ngồi. Ngoài ra còn một lái và một người chỉ huy, cầm trống con và cờ lệnh nhỏ, vừa phất cờ vừa đánh trống vừa điều khiển các tay chèo lướt sóng. Các tay chèo vận áo nâu hoặc xanh vàng đỏ tím, áo có nẹp viền có màu sắc tương phản với áo, đóng khố, đầu chít khăn đỏ. Điểm xuất phát có cờ thần và trống cái, điểm tới đích có dây ngũ sắc chăng ngang, quy định rõ đích và đường bơi. Cả mặt sông xao động, bọt sóng tung trắng xoá tiếng trống cơm đệm nhịp, tiếng hò trên thuyền, tiếng reo trên bờ âm vang một khúc sông: “Ớ khoan – khoan khoan cho đều - ớ khoan…” hoặc là: “Thẳng cánh tay ra – dô huầy; sắp vai xuống – dô huầy; ngẩng cổ lên – dô huầy…”, lái và các tay bơi theo cờ mà điều khiển tay chèo, gắng đưa thuyền mình lướt thật nhanh để sớm về đích. Trong cuộc đua còn phải biết sử dụng một số miếng ghìm đầu thuyền bạn, cản thuyền đối phương để thuyền mình vuợt lên và làm cho thuyền đối phương chòng chành, không tiến lên được. Thậm chí có khi bị lật, đắm thì quân bơi nhảy xuống sông, cùng nhau lật thuyền lại, tát nước và đua tiếp. Người nào mệt thì nhảy xuống sông bơi vào, người trong bờ lội ra nhảy lên thuyền thay thế, nhưng chỉ hãn hữu, bởi vì thay người dù muốn hay không muốn cũng làm chậm tốc độ của thuyền đang đua.
Giải thưởng là rượu, vải, xôi gà, có khi cả con lợn… cái chính là được tiếng tăm và cầu may cả năm. Việc đua thuyền này và bơi sải chủ yếu là rèn luyện thân thể cho những người ở gần sông nước, riêng với Bồ Đề là gắn với sự tích vua Lê vượt sông đánh vào thành Đông Quan hồi thế kỷ XV. Bồ Đề là cửa ngõ của Đế đô, tiếp giáp với thị trấn Gia Lâm, ngày nay kinh tế thị trường phát triển nên thoát ly dần sông nước, do vậy mà hội thi bơi bị lãng quên dần, hội vật cũng vậy, có chăng chỉ là “vang bóng một thời”. Văn hoá phát triển theo lối gối sóng, từ sau hoà bình (1954) Bồ Đề có thêm các trò vui mới như chạy hoá trang. Khi hiệu trống đã nổi lên, trai gái dự thi bắt đầu chạy từ điểm A đến điểm B, trên chặng đường AB đó có nhiều bọc đó, có thể là áo quần bà già, hay ông lão, hoặc áo quần con gái hoặc con trai…cái buồn cười nhất là gặp nghịch cảnh và sự lúng ta lúng túng trong khi chạy, nên mặc trái, mặc xốc xếch chẳng đúng chẳng giống ai cả, trong tiếng cười vui, tiếng trống giục, già trẻ mặt như hoa. Hội Bồ Đề còn có trò tung còn, trai gái tụ họp thành hai phía, nam một bên, nữ một bên. Quả còn làm bằng bông hoặc bằng lụa, to bằng nắm tay trẻ con, trên đính các dải lụa ngũ sắc. Cầm quay quay ném vọt lên cao, sao cho quả còn lọt qua vòng tròn bằng vành nón gắn trên cây tre có độ cao bốn mét. Gái trai tung còn và bắt còn vui mà khá trật tự. Tung kém, bắt không được là trống khua rầm rĩ tiếng cười cũng rộ lên. Một trò vui khác nữa ở Bồ Đề là đi cầu tre đốt pháo. Chiếc cầu là một cây tre to, dài chừng bốn năm mét để nằm ngang mặt nước hồ ao, gốc cây cắm sâu vào bờ, để ngọn nhô ra hồ, khi người đi lên cây tre bập bềnh, ngọn có thể bị chìm xuống nước, đi sao không ngã xuống hồ uớt người đã không dễ, lại còn cầm hương ra tận cùng châm ngòi pháo đã treo sẵn cho đến khi pháo nổ mới được đoạt giải. Khi châm ngòi pháo có linh động cho phép được vịn vào cây tre treo pháo, khó như vậy mà vẫn có người đạt được, dĩ nhiên là không nhiều lắm. Châm ngòi pháo nổ, người giật mình lăn tùm xuống nước ướt như chuột, song rất vui hấp dẫn người xem.
Hội làng Bồ Đề chỉ tập trung có vài ba ngày, nhưng trên thực tế thì gần như suốt tháng Giêng lúc nào cũng có người đến lễ ở các chùa miếu và du ngoạn trong những ngày xuân, bởi nơi đây nhiều cảnh đẹp, đường sá dễ đi, dịch vụ ăn uống lại sẵn…Ngày xuân, muốn vui xuân phải tìm đến cảnh xuân, trong cảnh xuân tươi đẹp, có người đã ước ao: một năm mười hai tháng cả bốn mùa là xuân. Về Bồ Đề không phải để “Cưỡi ngựa nhong  nhong” hay để “cắt cỏ” mà để dự hội, xem các cuộc đua tài lý thú.
Hội làng Bồ Đề có cái gì đó rất xa xưa mà cũng rất mới mẻ, vừa lạ vừa quen, vừa có tính chất của một làng quê nông nghiệp, vừa có tính chất như một phường phố bán buôn, hai yếu tố đó đan xen vào nhau tạo nên bản sắc của Bồ Đề hôm nay mà vẫn rất Bồ Đề vậy.
Nguồn tin: Theo Lễ hội Thăng Long, Lê Trung Vũ (cb), NXB Hà Nội, 2001.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét