Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lễ hội độc đáo ở Đình Dù: Rước nước để “cầu” cho nước trong


Khi chưa có biện pháp hữu hiệu xử lý nguồn nước bị ô nhiễm thì nhân dân Đình Dù (Văn Lâm, Hưng Yên) trong khi khôi phục lễ rước nước truyền thống đã thể hiện cả nguyện vọng cầu cho nguồn nước được trong lành trở lại. 
Gắn với công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải
Mùng mười tháng Ba, ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, về quê hương Đình Dù để dự lễ hội rước nước nhớ nguồn và đón nhận danh hiệu làng văn hóa. 
Đình Dù vinh dự được hai lần Bác Hồ về thăm. Lần đầu Bác về vào ngày 21/10/1946. Sau khi kết thúc chuyến thăm nước Pháp theo lời mời của chính phủ Pháp, Hồ Chủ Tịch về nước bằng tàu biển. Trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội, tới ga Đình Dù, Bác dừng lại nói chuyện với cán bộ và nhân dân ra chào đón Bác. Lần thứ hai vào ngày 3/ 7/1958, Bác về thăm Hưng Yên. Buổi chiều, Bác về thăm xã Vạn Xuân (nay là xã Đình Dù, huyện Văn Lâm) vì có thành tích chống hạn khá nhất tỉnh. Đứng dưới gốc bàng bên mái đình làng cổ kính, Bác căn dặn cán bộ và nhân dân: “Toàn dân đoàn kết một lòng, đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về”. Sau đó, Bác phát động phong trào chống hạn, khởi công công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải để gọi nguồn nước trong. 
82.jpg

Đoàn rước trên đường ra kênh nhận nước 
Tục rước nước đã có ở Đình Dù từ lâu đời, nhất là sau khi hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải được khai thủy, nhân dân gọi đây là nguồn nước Bác Hồ. Từ đó, các cụ cao niên trong làng họp bàn và quyết định tổ chức trang trọng lễ hội rước nước hàng năm để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Thời gian sau, bởi nhiều lý do, nhất là tình hình chiến tranh nên lễ hội đã dần bị mai một mất mấy chục năm, đến gần đây mới được khôi phục lại. 
Rước nước để “gọi” nguồn trong
Trải qua nửa thế kỷ, hệ thống kênh đào Bắc Hưng Hải đã dẫn nguồn nước sông Hồng tưới mát cho ruộng đồng gò bãi khắp ba tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Nhưng hiện nay thì hệ thống thủy nông này đang tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, nhiều đoạn sông, nhiều kênh nhánh đã bị ô nhiễm nặng. Nguyên nhân chính là do những khu công nghiệp, những nhà máy không kiểm soát, không xử lý được nước thải đã tùy tiện đổ nguồn nước thải ra sông. 
Kênh C1 nằm cạnh đường sắt (đoạn từ cầu vượt Như Quỳnh - Văn Lâm đến ga Tấn Lương - Hải Dương) là một nhánh dẫn nước từ sông Bắc Hưng Hải chảy qua cánh đồng Đình Dù để phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp. Ngày trước, dòng kênh này nước còn trong mát, trẻ làng khi đó tha hồ tắm táp, đùa nghịch mà không sợ bị ngứa, bị dị ứng. Giờ đây dọc dải kênh này, nước đã pha một màu vàng xỉn, nổi váng trên bề mặt, hai bên bờ kênh ố vàng vì những chất ô nhiễm. 
Năm nay là năm thứ ba bà con Đình Dù tổ chức khôi phục lại lễ hội rước nước ngày xưa. Đúng 7h30 sáng ngày 23/4/2010 (tức ngày 10 tháng Ba âm lịch - ngày giỗ Tổ Hùng Vương), bắt đầu lễ rước kiệu từ đình làng, dọc theo đường chính giữa thôn ra đến cầu Đình Dù bắc qua kênh C1 thì hạ kiệu. Cụ Đoàn Tiến Vân năm nay 83 tuổi, đại diện cho nhân dân lấy nước vào chóe, cho biết: “Do nguồn nước ở đây đã bị ô nhiễm nên không thể lấy về tế thần được nên phải chuẩn bị sẵn một bình nước sạch từ chiều hôm trước, để sáng nay khi kiệu rước tới nơi thì múc nước vào choé để rước về đình tế thần”. 
Khi nước được rước về đến đình, đặt nên nhang án để thờ thì các đội tế lần lượt tiến hành các nghi thức tế lễ trang trọng. Người dân tham gia mỗi lúc một đông, bà con đều tâm niệm nhớ ơn Bác Hồ và những người thế hệ trước đã tham gia đào con sông Bắc Hưng Hải để hôm nay có nguồn nước tưới mát cánh đồng. 
Vào những năm tới đây, lễ hội rước nước của thôn Đình Dù vẫn sẽ được tổ chức hàng năm để giáo dục truyền thống, giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau ý thức bảo vệ môi trường, đảm bảo nguồn nước - thứ tài nguyên vô giá của đất nước được mãi mãi trong xanh. Điều này chứng tỏ, khi nhân dân nơi đây chưa có biện pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước... thì họ bày tỏ niềm mơ ước đó vào trong hoạt động tâm linh của mình.
Vietbao (Theo: queviet.pl

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét