Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lễ " Tằng cẩu" của người Thái đen


Dân tộc Thái ở Yên Bái có khoảng 41.000 người, tập trung nhiều nhất tại thị xã Nghĩa Lộ (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Nơi đây có khoảng 13 nghìn người, sinh sống rải rác khắp vùng lòng chảo Mường Lò. Đến Mường Lò, chúng ta sẽ bắt gặp những cô gái Thái duyên dáng với những nét văn hóa đặc sắc, đặc trưng cho dân tộc Thái như áo cỏm, khăn piêu truyền thống.
Dân tộc Thái có vốn văn học cổ truyền quý báu với kho tàng thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao…cùng nhiều điệu múa (khắp) độc đáo: xoè Thái, múa sạp. Và một nét văn hóa Thái độc đáo, làm nên nét riêng có của núi rừng Tây Bắc, không bị nhầm lầm với bất cứ dân tộc nào khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam chính là “tằng cẩu” (lễ búi tóc ngược lên đỉnh đầu để thông báo cho mọi người biết người phụ nữ đã có chồng).
Trước khi về nhà chồng, người phụ nữ Thái đen ở vùng Mường Lò Văn Chấn, Nghĩa Lộ (Yên Bái) phải tiến hành nghi lễ Tằng cẩu để rũ đi những vẩn đục của quá khứ để được nhẹ nhàng, thanh sạch, bước vào một cuộc sống mới.
Lễ Tằng cẩu được người Thái đen coi trọng, bởi nó để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong suốt cả cuộc đời người phụ nữ dân tộc này.
Trước ngày cưới, nhà trai chuẩn bị 1 sải khăn piêu, khít, đôi vòng tay và hoa tai bạc, nhẫn vàng hoặc bạc, trâm cài tóc, chiếc gương nhỏ, chiếc lược sừng và 1 lọn độn tóc đem sang nhà gái tặng cô dâu.
Sáng ngày làm lễ Tằng cẩu, nhà trai cử một đoàn sang nhà gái gồm những thiếu nữ trẻ đẹp và các thiếu phụ khỏe mạnh, tháo vát, am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán và thông thạo động tác búi tóc ngược cho cô dâu mới. Phía nhà gái cũng có số người tương ứng, trong đó có hai thiếu nữ làm phù dâu, thường là bạn thân của cô dâu.
Lễ Tằng cẩu được thực hiện theo từng bước rất cụ thể, chặt chẽ và độc đáo.
Trước tiên là phần gội đầu cho cô dâu mới. Vào một buổi sáng đẹp trời, khi sương đã tan, ánh mặt trời đã trải rạng rỡ trên khắp núi rừng thì tại Ta bản (bờ suối), hai cô gái phù dâu sẽ giúp cô dâu xoã tóc và gội đầu bằng Nặm Khảu má (nước ngâm gạo nếp) đựng sẵn trong ống tre nứa cùng với nước đun lá bưởi, lá xả, tre ngà, hương nhu, long não. Dưới làn nước trong mát của dòng suối, cô dâu xák phom (rũ tóc) với ý niệm nước suối cuốn trôi đi tất cả những gì mòn cũ của ngày quá khứ và để được nhẹ nhàng, thanh sạch bước qua một cuộc sống mới. Gội đầu xong, sau đó vấn tóc quanh đầu rồi cùng chúng bạn trở về bản.
Từ chân cầu thang, cô được đón rước và bước chậm rãi từng bậc lên nhà sàn. Đến Tang chan (ngoài sàn) cô ngồi vào giữa một hàng ghế mây, hướng về phía mặt trời mọc. Hai thiếu nữ phù dâu cùng phụ nâng khay đựng đồ trang sức do nhà trai mang sang.
Nai cẩu, người được chọn để Tằng cẩu cho cô dâu, đứng ở phía sau lưng cô, nhẹ nhàng chải tóc rồi dùng hai tay vuốt ngược tóc từ phía sau gáy lên kèm theo lọn tóc độn và búi cuốn chặt lại từ trái sang phải hoặc ngược lại.
Khi búi tóc đã hoàn chỉnh. Nai cẩu khẽ nâng chiếc trâm bằng bạc xuyên búi tóc để giữ cho cẩu không thể xổ rối tung và chiếc trâm bạc xinh xắn nổi bật trên nền đen óng mượt của búi tóc cô dâu mới.
Lễ Tằng cẩu xong. Nai cẩu khẽ hát những lời dặn dò yêu thương và chúc mừng hạnh phúc cho tình yêu đôi lứa:
"Mái tóc dài, chải cho mượ

Búi ngược lên thành “Tằng cẩu”
 Từ nay về sau, người đã có chồng
 Nước không đổi dòng

 Lòng không đổi hướng, con ơi".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét