Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Lễ vào năm mới


.
Dâng cơm cúng tổ tiên ngày lễ tết. Ảnh: Phương Quang - SocTrangOnline
Chịu ảnh hưởng của đạo Bà la Môn và của đạo Phật hệ phái Tiểu Thừa, người Khmer ăn Tết khác hơn người Việt, người Trung Quốc hay người Tây Âu. Ngày tết của đồng bào Khmer được gọi là "Chol Chnam Thmey".

Theo khoa thiên văn truyền từ Ấn Độ sang thì người Khmer tính ngày đầu năm bằng hai lối vào:

CHOL: tính theo sự vận chuyển của Mặt Trăng và đánh dấu việc thay đổi 12 con thú tượng trưng của 12 con giáp trong một kỳ ( người Khmer cũng lấy hình tượng 12 con như người Việt để tính năm nhưng chỉ khác là họ lấy hình tượng con Thỏ thay cho con Mèo và con Bò thay vì con Trâu như người Việt).

CHNAM: tính theo sự vận chuyển của Mặt Trời và đánh dấu bước đầu năm mới.

Thường CHOL được tính vào đầu tháng CHÉTT là tháng 5 âm lịch của người Việt, nhằm khoảng giữa tháng 4 dương lịch còn CHNAM thì thay đổi tùy theo Trăng tròng và khuyết nhằm ngày 12, 13 hay 14 âm lịch.

Giờ vào năm mới của người Khmer không giống giờ của người Âu hay Á là cứ vào nữa đêm lúc không giờ là giao thừa mà giờ cứ thay đổi luôn. Năm 1966, giờ giao thừa nhằm 9 giờ đêm ngày 13 tháng 4, năm 1967 giao thừa vào 5 giờ 21 phút sáng ngày 14 tháng 4.

Giữ gìn đúng theo tập quán nghìn xưa, người Khmer cứ ăn tết vào những ngày khác nhau như thế, luôn luôn được tổ chức ở những ngôi chùa thờ Phật và nhờ những quyển Đại Lịch để bói xem năm mới tốt hay xấu. Điều này là do tin vào huyền thoại Bà la Môn về vị thần Bốn Mặt như sau:

Từ thuở Ngọc Đế Indra tạo nên Trời Đất, có một vị Quốc Vương sanh được một vị Hoàng Tử thông minh đỉnh ngộ tên là Thommbal.

Vừa mới lên năm, Hoàng Tử Thommbal đã bắt đầu học. Người học đâu nhớ đấy, học một biết hai. Đến năm bảy tuổi, Hoàng Tử thông thuộc cả bộ sách thiên văn, bói toán, luật lệ, khinh điển của chư vị thần linh.

Nhà Vua rất hài lòng về đứa con quý, truyêng bá quan xây cất một dinh thự giữa khu vườn rộng để Hoàng Tử thuyết pháp. Ngày đầu tiên ở tư dinh, ngài mời đồng bào đến nghe ngài thuyết giảng về lời khuyên của Chư Thiên về trong việc giữ gìn hạnh phúc ở đời. Hoàng Tử được đồng bào hoan nghinh nhiệt liệt vì đấy là lần đầu tiên người trần gian được nghe giảng đạo lý. Những ngày tiếp theo, Hoàng Tử đem những điều học hỏi truyền bá khắp dân gian. Người đời bấy giờ gọi Hoàng Tử là nhà hiền triết, tiếng Bắc Phạn ( Sanscrit) gọi là DHARMAPLA tức là nhà gìn giữ pháp luật.

Tiếng khen nhà hiền triết Thommabal - vị đông cung Thái Tử mới bảy tuổi đã quá thông kim cổ bay tối thiên đình. Vị thần KABINH MAHAPRUM là vị thần có bốn mặt chuyên xuống trần thuyết pháp dạy đời nghe qua liền nổi lòng ghen tức. Thần tìm cách hại Thommabal để củng cố địa vị lung lai của mình. Nghĩ xong thần liền bay xuống dinh và gọi ông hoàng tí hon ra mà rằng:

"- Ta là Kabinh Mahaprum, chắc thái tử thường nghe tiếng. Ta không ngờ thái tử thông minh đến thế, đã thu phục được rất nhiều người hâm mộ. Nhưng ta chưa hẵn tin tài thái tử nên mới tìm thái tử để thử xem có đúng như lời đồn hay không? Ta sẽ đánh cuộc với thái tử bằng cách hỏi thái tử ba câu hỏi. Giao hen trong bảy ngày ta sẽ xuống nghe câu hỏi. Nếu thái tử đáp đúng ta sẽ cắt đầu trước mặt thái tử. Còn trái lại thái tử phải dâng đầu cho ta."

Thommabal không thể chối từ và hơn nữa ngài cuãng tự tin ở vốn kiến thức của mình nên ngài nhận lời.

Vị thần hài lòng và nói tiếp:

" - Ta hỏi thái tử:
Câu thứ nhất: Buổi sáng cái duyên* con người ở đâu?
Câu thứ hai: Buổi trưa cái duyên con người ở đâu?
Câu thứ ba: Buổi tối cái duyên con người ở đâu?"
(* Duyên là vẻ đẹp, nét thanh tao của con người. Người khmer rất chú trọng đến nét duyên dáng của mình - Lê Hương).
Nói xong thần cỡi mây về trời.

Hoàng Tử Thommabal suy nghĩ suốt ngày không ra lời giải. Ngày đi quanh quẩn trong vườn từ sáng đến trưa cho đến hết ngày thứ năm vẫn chưa nghĩ ra câu trả lời nên Hoang tử đâm ra hoảng sợ. Ngài nghĩ, chờ đến ngày thứ bảy, thần Kabinh Mahaprum xuống hỏi mà ngài không trả lời được thì chắc chắn là ngài phải mất đầu. Sáng hôm thứ sáu, ngày trốn khỏi dinh và chạy càng vô rừng. Chạy suốt sáng, bụng đói, chân mỏi ngày ngồi dựa gốc cây Thốt Nốt nghỉ mệt. Lúc ấy trên ngọn cây có 2 con linh điểu chuyên ăn thịt sống tên là "SÁT ANGRY" đang nói chuyện với nhau. Con chim mái hỏi chồng:

" -Ngày mai chúng ta sẽ đi ăn ở đâu?"

Chim trống đáp:

" - ngày mai là đúng ngày thần Kabinh Mahaprum hẹn với Hoàng Tử Thommabal. Chắc chắn là Hoàng Tử sẽ bị ngài cắt đầu; chúng ta sẽ ăn thịt hoàng tử"

Chim mái hỏi:" tại sao Hoàng tủ bị giết? "

Chim trống trả lời:" Vì thầm hởi 3 câu mà hoàng tử không đáp được thì tự nhiên phải mất đầu"

Chim mái ngạc nhiên liền hỏi: " Vậy 3 câu hỏi đó là ba câu gì mà người thông thái như hoàng tử không không giải đáp nổi?"

Chim trống đáp: " thần hỏi: buổi sáng, buổi trưa, buổi tối cái duyên con người ở đâu?"

Chim mái tò mò:" vậy ông có biết không?"

Chim trống cười quàng quạc:

" Có gì mà không biết? này, buổi sáng cái duyên con người ở mặt, nên người ta rửa ráy sạch sẽ sau khi thức dậy. Buổi trưa cái duyên con người ở ngực nên người ta tắm mát. Buổi tối cái duyên người ta ở chân nên người ta rửa chân buổi tối trước khi đi ngủ."

Hoàng tử Thommabal nghe chim nói mừng rỡ khôn cùng, lật đật trở về dinh.

hôm sau, đúng hen, thần Kabinh Mahaprum cầm gươm vàng bay xuống. Hoàng tử Thommabal quỳ lạy nghinh tiếp và trả lời ba câu hỏi của thàn đúng như lời chin Sát Angry nói.

Vị thần thua cuộc, ngửa mặt lên trời gọi bảy đứa con gái của thần đến và truyền rằng:

"Cha thua trí hoàng tử này và theo lời hứa, cha phải tự cắt đầu tức khắc. Các con hãy nghe lời cha dặn: đem đầu cha để trong một ngôi tháp, đừng cho người trần chạm đến vì nếu bỏ đầu xuống biển thì biển cạn khô. Quăng lên trời thì không có mưa. Để trên mặt đất thì đất khô cứng."

Phán xong thần rút gươm vàng tự cắt đầu mình trao cho đứa con gái lớn tên TUNGSA. Thân mình thần hóa thành luồng khói xanh bay vút lên cao.

Vị nữ thần để đầu trên cái ô * vàng, cùng sau cô em đưa vào ngôi tháp xây trong cái hang thủy tinh gọi là "DHAMMAKHANTOLINADI" trên dỉnh núi KALASS, trong khu rừng yên tĩnh nhất của dãy Hy Mã Lạp Sơn.
( cái ô ở đây giống như cái hộp hay cái thố của đồng bào khmer chứ không phải là cái ô tức là cây dù như tiếng miền bắc).

Từ đó về sau, mỗi năm một lần, đúng ngày thần Kabinh Mahaprum tự sát, bảy cô con gái của thần xuống trần, vào tháp bưng đầu lâu bốn mặt của cha đến núi Tudi , đi theo hướng Mặt Trời vòng quanh chân núi 3 lần trong 60 phút*. Mỗi năm một cô gái bưng một lần theo thứ tự ứng vào mỗi ngày trong tuần lễ. Ví như ngày vào năm mới tính nhằm Chúa Nhật ** thì đó là do cô con gái lớn tên là TUNGSA hướng dẫn, cỡi trên thần điểu Garuda ***. Ảnh hưởng của những vị tiên nữ này sẽ đem lại niềm hạnh phúc hay sự buồn rầu suốt năm tùy theo tâm tánh của môic vị.

(* 60 phút? Bài này chép nguyên văn bài viết của tác giả Lê hương từ năm 1968 cho nên tôi không rõ là liệu người Khmer có tính giờ là 60 phút hay không? Nếu một giờ là 60 phút thì giống giờ người Âu rồi, xin ai biết chỉ giáo thêm).
** Chúa Nhật? Sao cách tính ngày của người Khmer lại là ngày chúa nhật? Không biết có lầm lẫn hay không? Đúng ra phải tính theo ngày âm lịch như là ngày 12, 13 hay 14 âm lịch mới phải????
***Garuda: chim thần theo thần thoại Bà La Môn là chim thân người, đầu chim, trên lưng có 2 cánh, có đuôi.)

Cùng đi theo đoàn có một vị thiên tôn con của Ngọc Đế Indra hướng dẫn một toán chư thần gọi là TEP NIKAR AMADEK tổng số là một triệu lần mười muôn người. Các chư thần mặc áo rất đẹp, ướp nước hoa thơm ngát.

Đi ba vòng chân núi xong, vị nữ thần đem đầu cha vào tháp. Sau đấy, tất cả chư thần và vị thiên tôn xuống hồ ANOTTAKTAK tắm rửa. Hồ này là một trong bảy cái hồ của dãy Hy Mã Lap Sơn có một mảnh đá kim cương phun nước mát dịu. Mảnh đá này chính là miệng của con Bào tót thần tên là USACHHRAJA. Trong lúc ấy, vị thần điêu khắc của thượng giới là VISSAKARMA dựng một ngôi đền lấy tên là DHAMMA SUB HÂGA SALA và mời chư thần vào hưởng mọi điều vui sướng, an nhàn, trường sanh bất tử."

-------------------------------------------------------

Ngày đó là ngày bắt đầu "vào năm mới" của người Khmer. Theo sử sách thì thì do cuôịc lễ rước đầu lâu, các nhà thiên văn, bói toán mới tiên đoán trước được thiên hạ được hưởng cảnh thái bình, hạnh phúc hoặc loạn lạc, đau thương.

Các vị thiên tôn con của Ngọc Đế Indra đi theo đám rước đều thay đổi mỗi năm một vị chiếu theo số 12 con giáp trong một kỷ. Qua 12 năm thì vị thứ nhất trở lại. Mỗi vị ăn thực vật, cỡi thú, ăm mặc và sử dụng khí giới khác nhau. Người ta luận theo những điều ấy mà luận đoán điều hung kiết cho năm mới. Ví như năm 1965, vị thần ra đời là REAKABÓSTÉVEA là vị thần chuyên uống máu ( không dùng hoa quả, ngũ cốc) là điềm trong nước có cảnh giết chóc, máu đổ thịt rơi. Thần mặc sắc phục đen là điềm buồn rầu chia ly. Tay mặt thần cầm cung, tay trái cầm chĩa ba là là loại khí giớ bằng kim khí, ứng vào họa chiến tranh biến đổi từng giai đoạn. Thần cỡi Heo là con thú ngu ngốc, dơ dáy nhất, ứng vào đường lối không sáng suốt. Trên mão thần có viên ngọc MÔRA soi sáng và ở phía sau hai lổ tai thần có 2 cái bông Sen là điềm Phật Giáo được thịnh hành, rọi khắp nhân gian.

Năm 1966, vin thiên tôn tên Monntia Têvia, mặc y phục màu xanh lợt, đeo ngọc "Piktu", gắn bông sứ trên mép tai, tay mặt cầm chỉa ba, tay trái cầm gươm, cỡi Lừa và uống sữa.

Năm 1967, vin thiên tôn tên là Kếtminh Têvia mặc y phục trắng, đeo ngọc "BốtsaraKham" màu vàng, gắn hoa "ChanKôn Lanây" trên mép tai, tay mặt cầm gươm, tay trái cầm miếng đá mài gươm, cỡi Trâu và ăn chuối.

Đối với người Khmer, ngày lễ đầu năm là ngày lễ về tôn giáo, là một dịp tẩy sạch những bợn nhơ trong năm cũ để bước vào cuộc đời mới thanh khiết, vui tươi hơn năm qua.

Suốt bốn ngày đầu, mọi người phải don dẹp nhà cửa thật sạch sẽ, lau chùi tất cả vật dụng và đốt tất cả các ngọn đèn, thắp hương thơm, cắm hoa tươi, treo bông kết hoa để đón thỉnh chư thần Tevôđa đến. Theo thần thoại Bà La Môn thì thần Têvôđa là vị thần coi sóc thiên hạ, giúp đỡ người tốt, cứu kẻ nguy khó. Trong bốn ngày này, người ta kiêng cử mọi điều rất ky lưỡng. Vợ chồng không gần nhau, không giết hại loài vật trên mặt đất hoặc bay trên không hoặc lội dưới nước. Không mua bán món gì, Không tính toán chuyện gì cả. Trong các cuộc tiếp xúc với nhau, người ta tránh cãi cọ, gây gỗ, đánh lộn, nguyền rủa, nói láo, bêu xấu, không nặng lời người giúp việc, kể dưới mình để giữ gìn sự yên ổn mấy ngày đầu năm hầu được hưởng điều vui vẻ cả năm.

Trong chùa, quá quý Sư Sãi quết chánh điện, phòng thuyết pháp, dọn dẹp bàn phật, dẫy các đóng mối đùn lên. Công tác này thường được các Phật tử gánh vác gọi là làm công quả.

Ngoài sân chùa người ta đắp tám ngon núi cát, bốn góc núi có làm hàng rào Tre ghép sơ sài gọi là vòng thành hoặc đắp tám ngọn núi vòng quanh ngôi chùa.

Nếu đắp ở giữa sân thì ngọn ở giữa tượng trưng cho núi Tudi ( Méru) phải lớn và cao hơn bảy ngọn kia. Bảy ngon núi nhỏ tượng trưng cho bảy ngon núi vây quanh thần Sơn Trục tudi ( theo huyền thoại Bà La Môn, núi Tudi là trục của thế giới). Ngọn núi ở giữa sân có bốn cửa ở bố góc xay vào bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, xung quanh để tám bàn thờ các vị thần xoay về tám hướng và một bàn thờ thứ chín để ngay ở phương Đông thờ thần PREAH YOMORAC tức là đức Diêm Vương YÂMA. Nếu là núi đắp xung quanh chùa thì 8 ngọn núi phải bằng nhau. Dưới ánh nắng như thiêu tiết tháng 4, hàng đoàn người vui cười hễ hả, kéo nhau quảy gánh gánh cát vào chùa đắp nũi cho thêm công đức.

Nguồn: Lê Hương, 1968 


Từ thời xa xưa, Chôl Chnăm Thmây đã trở thành ngày lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer. Tết này gắn chặt với nghi lễ của cư dân nông nghiệp làm lúa nước và một số nghi thức Phật giáo tiểu thừa thường diễn ra trong ba hoặc bốn ngày đêm, cứ ba năm Tết ba ngày đêm thì có một năm nhuần Tết bốn ngày đêm. 
Ngày bắt đầu Chôl Chnăm Thmây được chọn theo chu kỳ của 365 ngày. Trong các ngày Tết, người ta thường trang hoàng nhà cửa sạch sẽ, sắp xếp nơi bàn thờ có đặt bánh, trái với hương khói nghi ngút, những người ở xa đều trở về sum họp với gia đình rồi tổ chức nghỉ ngơi vui chơi, giải trí và đến chùa tiến hành các nghi thức tôn giáo theo cổ truyền:
 Đêm đầu tiên (Năm cũ - Chôlchnămchas) tức đêm 12 hoặc 13 tháng tư dương lịch, mọi người tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo đẹp mang theo nhang đèn, lễ vật đi chùa. Ở các chùa, người ta tổ chức tụng kinh, rắc nước có ướp hương thơm ở các khu vực cần thiết. Những việc làm này được bà con quan niệm như là hình thức tiễn đưa vị Thần năm cũ, tẩy rửa những ô uế, buồn phiền trong năm cũ đã qua, và đó cũng làm sạch sẽ về mặt tinh thần để đón vị Thần năm mới và cầu ước những người đã khuất phù hộ độ trì giúp cho công việc làm ăn được phát đạt, mọi sinh hoạt gặp may mắn...
Ngày thứ nhất (mồng một), con cháu tổ chức đi thăm và dâng quà, bánh trái cho ông bà, cha mẹ, hoặc những người có ân đức với mình và đến chùa tổ chức đón năm mới. Công việc đầu tiên là bà con tổ chức rước Mahasoongkran (Đại lịch Khmer), cuốn đại lịch được đặt lên chiếc khay đội trên đầu, mọi người sắp xếp lại thành đoàn và đi tuần hành ba vòng xung quanh chánh điện. Lễ rước Soongkran này là theo một huyền thoại Phật giáo, đó là truyện Tho Ma Bal và Ka Bul Mô Ha Prum hay còn gọi là Thần Bốn Mặt.
Ngày thứ hai (gọi là ngày Vonabot, năm nhuần hai ngày, năm thường một ngày), bà con tổ chức dâng cơm sớm và trưa cho các vị sư sãi gọi là Wên chong hăn. Theo tục lệ thì vào ngày Sóc, Vong hay ngày lễ, tín đồ đi chùa lạy Phật để tỏ lòng kính Phật, trọng tăng góp phần nuôi sống tăng bằng cách mang cơm và thức ăn chung đậu lại để mời sư sãi, trước khi độ cơm, các vị sư tụng kinh làm lễ tạ ơn những người đã làm ra vật thực và cũng để đưa vật thực đến các linh hồn của ông bà quá cố. Sau khi độ xong, các vị sư tụng kinh chúc phúc cho thí chủ. Tất cả những vật thực do lòng từ thiện của thí chủ mang đến dù ngon hay dở, các nhà sư cũng độ một chút gọi là nhận lễ. Trước hôm đó, người lớn tổ chức bốc thăm theo qui định để nghe nhà sư thuyết pháp. Riêng lớp trẻ thì tổ chức vui chơi văn nghệ, thể thao như Rom vong, Chchay dăm, Aday, các trò chơi dân gian, và các môn bóng đá, bóng chuyền... Cũng trong ngày này, bà con tổ chức lễ đắp núi cát (Pun phnom khsách) xung quanh ngôi chánh điện. Các vị Achar hướng dẫn bà con đắp cát thành những ngọn núi nhỏ ở tám hướng. Những ngọn núi này tượng trưng cho vũ trụ, mỗi núi một hướng và núi thứ chín ở giữa tức ngọn Sômêru là trung tâm của trái đất (mặt khác các ngọn núi còn là biểu tượng tượng trưng ước mơ cầu cho năm mới trở nên giàu có của cải chất cao như núi. Buổi chiều, bà con tổ chức quy y cho các mô hình núi, sáng hôm sau thì tổ chức xuất thế cho các ngọn núi. Tất cả nghi lễ này được lưu truyền và giữ gìn, theo Phật giáo gọi là Anisoong pun phnom khsách (Phúc duyên đắp núi cát). Tập tục này cũng theo sự tích kể về một người thợ săn đã có từ lâu đời.
          Ngày thứ ba (Lơng sắc), sau khi dâng cơm sớm và trưa cho các vị sư, người ta đem nước ướp hương thơm cùng với nhang đèn nơi thờ Phật làm lễ tắm Phật, kế tiếp là tắm cho sư sãi cao niên. Ở từng gia đình, người ta cũng tổ chức tắm rửa cho ông bà, cha mẹ và thay bộ quần áo mới do con cháu hiến dâng. Mục đích tắm rửa này là để tẩy rửa mọi ô uế bụi trần của năm cũ và chúc phúc, chúc thọ cho những người cao niên, xong nghi thức này, người ta mời sư sãi đến các ngôi tháp đựng hài cốt (Chét đây), làm lễ cầu siêu (Băng skôl) cho vong linh người quá cố, các vị sư đọc kinh cầu siêu để kết thúc buổi lễ.
Trong những ngày Tết, không khí ở các thôn, ấp, chùa chiền náo nhiệt suốt ngày đêm. Với niềm tin tưởng năm mới sẽ đem đến sự thành công, hạnh phúc cho họ hơn năm cũ. Lễ Chôl Chnăm Thmây được diễn ra vào giai đoạn kết thúc mùa nắng, là thời kỳ đa số nông dân được rảnh rỗi công việc đồng áng để bà con có thể vui chơi giải trí sau một năm làm lụng vất vả. Đồng thời, sau đó cũng là lúc chuẩn bị ngay cho vụ mùa năm mới.
Ý nghĩa của nó, không chỉ thể hiện về chu kỳ chuyển động của một năm, lấy mùa mưa làm mốc để đánh dấu thời gian, mà còn giáo dục con người về tấm lòng hiếu thảo, về ước mơ hạnh phúc, về ý thức hướng thiện và lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ và những người có công đã qua đời.

                                                                                                            Hồng Vân
(Nguồn: Website Tỉnh ủy Sóc Trăng

Nét đẹp truyền thống trong Tết Chôl Chnăm Thmây

 - Năm nay, từ ngày 14 – 16.04.2014 khoảng 1,3 triệu đồng bào Khmer Nam bộ đón Tết cổ truyền Chôl – Chnăm – Thmây, còn gọi là Tết “chịu tuổi”.

Trong những ngày Tết Chôl – Chnăm – Thmây, không khí ở các phum, sóc... náo nhiệt suốt ngày đêm. Sau những Lễ nghi mang đậm sắc thái tôn giáo tại chùa, ai cũng tin tưởng rằng năm mới sẽ đem đến thành công, hạnh phúc cho họ hơn năm cũ. 

Lễ hội vào năm mới của người Khmer ở Nam bộ không chỉ thể hiện quan niệm của con người về chu kỳ vận chuyển của một năm, lấy mùa mưa làm mốc để đánh dấu thời gian. Mà còn nhằm giáo dục con người về lòng hiếu thảo, về ước mơ hạnh phúc, lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ và những người có công đã qua đời. 

Đó vừa là bản sắc văn hoá riêng của người Khmer, vừa làm đa dạng, phong phú bản sắc văn hoá Việt Nam.

Chư tăng làm lễ cầu an, cầu siêu trong ngày tết Chôl Chnăm Thmây.
Chư tăng làm lễ cầu an, cầu siêu trong ngày tết Chôl Chnăm Thmây.

Tết Chôl – Chnăm – Thmây diễn ra trong ba ngày, là Lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. Trên khắp các con đường, những ngôi chùa sáng rực đèn hoa, mọi người đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau tài lộc, sức khoẻ, phát đạt và cùng nhau tham gia các trò chơi vui. 

Ngoài tôn giáo chính là Phật giáo tiểu thừa, người Khmer còn tin rằng mỗi năm có một vị thần trên trời được sai xuống để chăm lo cho cuộc sống và con người trong năm đó, hết năm lại về trời để vị thần khác xuống hạ giới. 

Trong đêm giao thừa, mọi người thắp nhang, đèn đưa tiễn thần Téveda cũ để rước thần Téveda Thmây vào nhà. Sau đó, mọi nghi thức quan trọng đón Tết đều diễn ra tại chùa, nhiều nhà còn ở trong chùa suốt 3 ngày Tết. 

Dưới mái chùa chung của cả phum sóc, mọi người đều hướng lòng thành kính về Đức Phật, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên và đặt hy vọng vào một năm mới an lành. Theo Hòa thượng Thạch Song (74 tuổi) Sư cả Chùa Khléang (T.P Sóc Trăng) Phó ban Hội Đoàn Kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cho biết: 

“Trong những ngày Tết cổ truyền Chôl – Chnăm – Thmây, hầu hết người Khmer ở đây đều đến chùa. Từ những em nhỏ cho tới cụ già, mọi người đều ăn mặc đẹp, dắt tay nhau tới chùa để nghe hòa thượng và các sư sãi trong chùa đọc kinh lá. Rồi, những câu chuyện thăng trầm, vui buồn và tốt đẹp của cộng đồng người Khmer trong suốt 1 năm qua cũng được ghi chép đầy đủ vào các bộ kinh lá tiếp theo để truyền cho hậu thế”. 



Nghi lễ tắm tượng Phật

Đối với Tết Chôl – Chnăm – Thmây người Khmer như hòa quyện vào đời sống của các thiện tín, thể hiện qua truyền thuyết và nghi thức thờ phụng. Ngày thứ nhất làm Lễ rước đại nông lịch (Lễ rước Maha Sâng Kran) bắt nguồn từ một truyền thuyết của Phật giáo, đó là chuyện Thom Ma Bal và Kabil Maha Prum (còn gọi là Thần Bốn Mặt). 

Vào ngày đầu năm mới thay vì rước đầu “Thần Bốn mặt” được thờ trong chùa Khmer, người Khmer rước Maha Sâng Kran đi vòng quanh chính điện 3 lần. Mọi người ăn mặc thật đẹp rồi đội mâm lễ đến chùa cúng Phật, vào giờ tốt đã được chọn, bất kể sáng hay chiều.

Ngày thứ hai làm lễ dâng cơm và đắp núi cát. Mỗi gia đình làm cơm dâng lên cho sư, sãi ở chùa vào buổi sớm và trưa. Buổi chiều, tổ chức lễ đắp núi cát để tìm phúc duyên. Mọi người đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và một núi ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ. Tục này có dẫn chứng theo tích lâu đời biểu lộ ước vọng cầu mưa, cầu phúc của con người. 

Các sự tích, truyền thuyết trong Tết Chôl – Chnăm – Thmây cổ truyền của đồng bào Khmer Nam Bộ là những bài học về cách sống, lối sống cho người Khmer theo triết lý đạo Phật. Tết Chôl – Chnăm – Thmây là dịp để bà con phật tử thể hiện tâm niệm của mình với Đức Phật, với ông bà cha mẹ mình.




Mọi người đổ ra đuờng té nước vào nhau.

Ngày thứ ba làm Lễ tắm tượng Phật, tắm sư. 12giờ trưa ngày mùng 3 Tết, người dân thỉnh tượng Phật trong chùa ra sân, dùng nước ướp ngũ hoa đã chuẩn bị trước để sư cả tắm tượng Phật. Người dân hứng nước tắm này để xức lên đầu, toàn thân với quan niệm được mạnh khỏe và Phật ban phước trong năm, đồng thời xóa tội lỗi. 

Điểm nhấn của nghi lễ độc đáo này chính là lúc mọi người đổ ra đuờng, dùng xô, chậu, vòi nước hay súng nước tha hồ nghịch nước vào nhau, sau đó còn té nước vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Mọi người thoải mái tắm mình trong những làn nước, đón nhận nước té càng nhiều càng tốt bởi họ tin rằng như thể hiện thay lời cầu chúc năm mới nhiều may mắn, khỏe mạnh và hạnh phúc. 

Cuối cùng, họ về nhà, làm lễ tắm tượng Phật thờ tại nhà, xong họ mời ông bà, cha mẹ đến để tạ lỗi, xin tha thứ những lỗi lầm thiếu sót trong năm cũ. Sau cùng, họ đem bánh trái, quà dâng cho ông bà, cha mẹ. Đêm đến, họ tiếp tục cúng bái làm lễ Téveda Thmây – một vị thần chăm lo đời sống cho dân chúng trong năm mới và tổ chức các cuộc vui chơi cho đến khuya mới chấm dứt.

Người Khmer vui mừng trong lễ rước Maha Sâng Kran đi vòng quanh chính điện mừng năm mới.
Người Khmer vui mừng trong lễ rước Maha Sâng Kran đi vòng quanh chính điện mừng năm mới.

Về với đồng bào Khmer ĐBSCL dịp Tết cổ truyền Chôl – Chnăm – Thmây, trong thời khắc mở đầu năm mới cổ truyền, là đi trong hương hoa, nghe lời cầu kinh, niệm phật râm ran và được xem các lễ hội dân gian linh đình. Từ người già đến trẻ nhỏ đều xênh xang áo mới. Các cô gái mặc sà rông sặc sỡ, tay bưng mâm có tấm lụa vàng phủ các lễ vật cúng phật. 

Tất cả diễn ra trong khung cảnh thanh bình, no ấm thể hiện cuộc sống mới ngày càng sung túc của người dân tộc Khmer ở miền sông nước Cửu Long.
Phương Nghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét