Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Mít non nhắn với cá chuồn

Trước đây người dân xứ Quảng Nam vẫn hay ngược xuôi dòng Thu Bồn đi từ Cửa Đợi qua phố Hội, rồi xuyên Vĩnh Điện, vòng Cao Nhí, ôm Gò Nổi, dọc Đại Bường để lên Hòn Kẽm. Nối hai kỳ quan Mỹ Sơn và Hội An vẫn có thể đi bằng đường sông; và trên những chuyến đò đưa dài ngày như thế, vài món ăn đặc biệt đã ra đời.
Dân đường sông ở vùng này ai cũng biết hai câu ca da diết:Ai về nhắn với bậu nguồn/ Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên.
Mít nổi tiếng và có lẽ ngon nhất là mít nghệ ở làng trái cây Đại Bường (làng Đại Bình, miền trung du Quảng Nam) nơi đây có đủ các loại trái cây của cả ba miền. Mà cá chuồn thì chỉ có theo mùa hè, nên gặp dịp, làm sao lại có thể bỏ qua một tô canh cá chuồn cắt lát dày nấu mít non, thêm vài cộng rau quế với vài đọt ớt non.
Cá chuồn tanh tanh kèm với vị chát chát của mủ mít tự nhiên thấy hài hoà. Cái cảm giác khi ăn một tô canh như thế này, tựa như cái cảm giác thật lâu rồi đội bóng mà mình ưa thích mới thắng một trận.
Thế nhưng, đâu phải ai cũng có được cái cơ may mít non – cá chuồn tươi. Dân miền núi ngày trước thì sẵn mít đấy, nhưng muốn có cá chuồn thì cũng ba bốn ngày đường, giao thông cách trở mà. Và ngược lại, dân miền biển muốn có mít non, cũng lâu không kém. Vậy là, hai bên phải đợi nhau, phải trông chờ vào “ai về” nên cá thì ươn, mít thì héo. Tiếc nuối cái công tình của bậu vận chuyển mít xuống – cá lên, tiếc nuối cái nồi canh mơ ước không thành… cả hai đành bay vào nồi kho vậy. Và chính trong sự tình cờ này, một đặc sản khác ra đời.
Cá chuồn ươn nên hơi có mùi, làm sạch ruột, giã củ nén, nghệ tươi, hành tím, ớt trái, muối hột, gia vị… nhét vào trong bụng, gấp đôi cá thành hình ếch ngồi, lấy lá chuối tươi tước sợi buộc cá lại. Khử dầu với hành củ đập giập, cho cá vào lấy mùi và thêm nước liền sau đó. Kho đi một lượt, cho mít non héo xắt hình tam giác nhỏ bằng hai ngón tay vào, thêm ít nước và đun sôi đi sôi lại, thêm gia vị là ăn được.
Món này khác với những món kho thường lệ là nước nhiều nhưng lạt, có thể chan vào bún, mì thay cho nước lèo. Và cái cách ăn này thường phổ biến ở những vùng mà chỉ có mít non hoặc chỉ có cá chuồn hiện diện, nghĩa là phải đợi “giao lưu” với nhau.
Vì vậy, cái nghĩa tình “ai về” là cách mà người hai miền trên dưới (là bậu, là nậu hay là bạn cũng là một) tỏ ý lưu luyến nhau. Cái thông điệp gởi xuống gởi lên, hay chở xuống chở lên cũng thế… là cách để giao hảo với nhau, chu toàn sự khoái khẩu. Đây cũng là cách để lưu luyến một cái tình, một món ăn ngon (nhưng do bất đắc dĩ) phải chuyển từ canh sang kho, từ tươi sang không tươi, từ dễ sang khó…
bài và ảnh: Hiền Hoà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét