Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Món Ngon Ngày Tết

Người Việt Nam xưa nay coi ngày Tết là ngày thiêng liêng.
Độ tháng 10 ta, thì đâu đó đã thấy cái không khí chuẩn bị Tết rồi.
Chính cái không khí chuẩn bị Tết mới “thật là Tết” và để lại trong mỗi chúng ta ít nhiều kỷ niệm sâu đậm, khó quên.
Nói chuẩn bị Tết là chuẩn bị các món để ăn Tết, để “trước cúng ông bà sau cho con cháu ăn”. 

Xin kể ba món ngon đặc biệt trong ngày Tết ở miền Nam, miệt quê, miệt vườn từ xưa mà nay vẫn còn.
- Trước hết là cơm gạo thơm, có tên là Nàng Thơm Chợ Đào. Người mình ngày tư ngày Tết thì cơm là món không thể thiếu. Giàu nghèo, ở quê hay ở thành thị nhà nào cũng chuẩn bị một ít gạo thơm để rước ông bà.
Trong danh mục gạo thơm thường bắt đầu bằng chữ Nàng; gồm có Nàng Hương, Nàng Quớt, Nàng Quới, Nàng Trì, Nàng Cho . . . đặc biệt nhứt là Nàng Thơm Chợ Đào. 
Gạo Nàng Thơm Chợ Đào có mùi thơm đặc biệt, thơm ngay từ khi còn là gạo, thơm lúc vo gạo, thơm tỏa rất xa lúc nồi cơm sôi, và thơm ngào ngạc, bay xa hơn nữa là lúc cơm chín, bới ra chén, vở ra rá, ra thố.
Có thể nói không sợ quá lời là hiện nay chưa có gạo nào thơm và ngon bằng gạo Nàng Thơm Chợ Đào.
Cơm gạo Nàng Thơm Chợ Đào để nguội, hột vẫn mềm, mùi vẫn thơm, ăn vẫn thấy ngon.
Gạo Nàng Thơm Chợ Đào là đặc sản chỉ trồng được ở ấp Chợ Đào, huyện Cần Đước tỉnh Long An, giáp ranh Gò Công; đã nổi tiếng từ xưa, được đưa vào danh mục “đặc sản phương Nam” để đem đi tiến vua Minh Mạng từ thế kỷ 19 .
Cần Đước là xứ nổi tiếng gạo ngon từ xưa, thời Nguyễn Hữu Cảnh mới vào lập xứ Saigon Gia Định, nên mới có câu tục ngữ :
Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai 
Hột gạo Nàng Thơm Chợ Đào có màu trắng trong, ẩn màu hồng lợt như hột lựu, nên người dân ở đây kêu là “ gạo hột lựu”.
Mỗi năm ấp Chợ Đào sản xuất độ 1500 tấn lúa Nàng Thơm Chợ Đào đa phần xuất cảng, với thương hiệu Nàng Thơm Chợ Đào.
Ngày Tết, bới bốn chén cơm Nàng Thơm Chợ Đào cúng rước ông bà thì quí lắm, cả nhà mãn nguyện lắm, sau đó gia đình quay quần bên mâm cơm đầu năm thì hạnh phúc không gì bằng. . . 
-Dưa kiệu, củ kiệu làm chua cũng là món ngon ngày xưa, đặc biệt chỉ có trong dịp Tết mà thôi.
Cái gì làm chua người miền Nam cũng gọi là dưa như : dưa cải, dưa giá, dưa hành, dưa môn, dưa kiệu.
Gần Tết, trời nghe se se lạnh, bởi ngọn gió chướng thổi về thì đó đây chợ quê, chợ tỉnh bắt đầu bày bán các loại cải để làm dưa, chuẩn bị ăn Tết.
Cải chua dễ làm, rẻ tiền nên nhà nào cũng làm một khạp để ăn với “nồi thịt cá kho xà bần” tới hạ nêu.
Còn củ kiệu, không phải nhà nào cũng có, bởi mắc tiền, chế biến công phu và đặc biệt là phải biết làm mới ngon và đâu phải ai cũng làm được.
Ngày Tết nhà nào có củ kiệu thì quí lắm, vì cả năm mới có một lần.
Củ kiệu làm chua ăn có mùi nồng hăng hẳng, cay nhưng có vị đăng đắng, nhai nghe dòn dòn . . . mùi bốc lên cho ta cái cảm giác nhè nhẹ, thơm thơm, khó tả. 
Nước kiệu hòa cùng nước dấm chua, nước đường ngọt, nhai chung với con tôm khô thì ngon không có gì thay thế được.
Tôm khô, củ kiệu là món ngon, sẵn sàng để ăn, và chỉ cần một món cũng đủ làm khách ngày Tết hài lòng rồi.
Các nhà khá giả, có con gái cưng, hay bày làm dưa kiệu ngày Tết để trước cúng ông bà, sau có dịp dạy con gái học “nữ công gia chánh” để gả chồng.
Gió Tết lạnh làm cây kiệu héo lá, nắng Tết làm khô thêm thân cây kiệu và cũng là lúc người nhà vườn nhổ kiệu đem đi ra chợ bán.
Kiệu làm chua phải là loại kiệu nhỏ củ, gọi là kiệu Huế, ít cay, không quá nồng; khác với củ kiệu bự, thường bán trong mấy tiệm chạp phô của người Tàu, ăn không ngon, vì quá nồng, quá đắng.
Kiệu mua ở chợ đem về thì cà nhà xúm lại cắt lá, cắt rể cho sạch. Có nhiều nhà mua tới hai ba thúng giạ, đổ xuống cả góc nhà, phải nhờ chòm xóm tới cắt phụ. Cắt kiệu không được cắt quá sâu, phạm vào củ sẽ làm kiệu bị bả khi ngâm dấm, ăn mất dòn.
Kiệu cắt sạch được ngâm nước muối cho bớt nồng, bớt đắng, sau đó đem xả, rửa sạch và tỉa cắt lại lần nữa, lựa bỏ một số củ lép, củ hư hay củ bị cắt phạm. Có người còn ngâm thêm nước phèn cho kiệu được dòn.
Sau đó phơi sơ củ kiệu cho ráo, xếp vào hủ, vào keo, gài chặt rồi châm đầy nước dấm đường nấu sôi để nguội âm ấm. Đem hủ kiệu ra nắng phơi vài ngày thì ăn được. 
Lựa hủ ngon nhất chưn trên bàn thờ để chiều 30 Tết rước ông bà.
Cái không khí cắt tỉa kiệu ngày Tết không rôm rả náo nhiệt như quyết bánh phồng; không ấm áp thâu đêm như thức canh bánh Tét, nhưng góp phần làm cho cái Tết của mình thêm ý nghĩa, nhứt là đối với quí bà, quí cô.
-Thịt kho tàu ăn với dưa giá là món ăn truyền thống ngày Tết ở miền Nam.
Người mình xưa quen ăn tôm cá, ít khi ăn thịt. Chỉ có ngày tư ngày Tết thì mới được ăn.
Không biết món thịt kho dưa giá, món ăn ngày Tết có hồi nào, nhưng nay rất phổ biến ra Trung, ra Bắc và được qúi bà mang ra hải ngoại.
Người trong Nam kêu là thịt kho Tàu, nhưng trông ra nó chẳng dính dáng gì đến Tàu cả.
Món thịt kho Tàu ngày xưa là thịt kho chung với cá lóc, dùng trong ngày Tết, ngày cưới và ngày giỗ. 
Thịt để kho là thịt heo “ba rọi”, nửa nạc –nửa mỡ, phải lựa heo tơ, da mỏng. Có người thích lấy phần “nây” (bụng) , có người thích lấy phần đùi mà phải đùi trước mới mềm và nhiều nạc.
Còn con cá lóc thì chọn cỡ bắp tay, lớn quá thịt sẽ cứng, nhiều sơ nhai thấy bả. Ở quê thường tác đìa vào tháng Chạp để bắt cá lóc rọng trong hủ để dành kho với thịt hoặc nấu canh chua ngày Tết.
Nồi thịt kho Tàu ngon nhờ kho với nước dừa xiêm nên miếng thịt, khứa cá có màu vàng sậm, óng ánh, nước trong veo, thật hấp dẫn ! Thịt kho Tàu mềm rệu nhưng không bở, cá kho để lâu mà không cứng, ăn không có mùi tanh.
Nay có người để thêm trứng vịt, trứng gà, làm cho nồi thịt kho thêm độc đáo, vừa ngon vừa bổ dưỡng.
Thịt kho múc ra dĩa to gồm: thịt – cá- trứng, điểm thêm muỗng ớt bầm xào chua đỏ ao, ăn với cải chua, dưa giá, dưa hành, củ kiệu và rau thơm thì rất bắt cơm.
Đi chơi đêm, đi đánh bầu cua cá cọp về khuya, có món thịt kho dưa chua, ăn với cơm nguội thì tuyệt, no hồi nào không hay. Trong ba ngày Tết, món thịt kho Tàu cũng còn dùng để gói với bánh tráng ăn rất ngon.

Món ăn làm cho ngày Tết thêm ý nghĩa, ít ra ý nghĩa về cái ăn của người mình.
Người Việt mình tuy ăn uống, tiệc tùng đơn sơ so với Tây Phương, nhưng trong ăn uống ta luôn có phong cách riêng, phép tắc, và đạo lý riêng của mình. Chính cái đó làm nên văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Ăn uống mỗi miền đất nước ta có khác nhưng cũng không vì thế xa rời cái gốc, cái bản sắc. 
Ra hải ngoại, người mình nay mai thế nào, còn giữ được “quốc hồn quốc túy” hay không phần lớn cậy vào quí bà. Bởi chính phụ nữ là sứ giả rao giảng hữu hiệu nhứt cho bản sắc Việt Nam nơi xứ người, qua ẩm thực vậy.

Nam Sơn Trần Văn Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét