Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Nho: Quả ngọt, thuốc hay


Các nhà y học cổ đại cho rằng nho là loại quả ích khí tăng lực, làm cho người béo khỏe, chịu được phong hàn, kéo dài tuổi thọ và rượu nho là thứ "mật ngọt của thượng giới".
Nho là cây họ nho. Quả thuộc loại quả mọng nước, hình trứng tròn. Nho có gần hai trăm loại, hình dạng quả khác nhau, cả màu sắc, độ to nhỏ, thời gian chín và mùi vị cũng khác nhau. Quả chín, vỏ có nhiều màu: đỏ tím, trắng sữa, xanh, tím đen... nho dùng làm rượu uống rất ngon.

Nho còn có những tên gọi khác như thảo long châu, nho sữa ngựa, nho thủy tinh, nho tím... thu hoạch vào cuối hạ đầu thu. Ở nước ta, nho được trồng nhiều ở phía Nam, tỉnh Ninh Thuận. Nho ngon là nho tươi, nhiều nước, giòn, quả to, hạt nhỏ. Nho khô vỏ hơi nhăn nheo, trong, vị ngọt, không tạp chất là nho ngon.

Thành phần:

Nho có chứa đường gluco, glucoza, saccaro, protein, canxi, photpho, sắt, caroten, vitamin B1, B2, C và một số loại axit... có thêm cả một số loại glixerin nho.

Những chất chứa trong nho có tác dụng làm cho thần kinh hưng phấn, có thể bổ sung năng lượng cho cơ thể và lợi tiểu, thúc đẩy tiêu hóa tốt hơn và bảo vệ gan. Hạt nho có chứa dầu, nếu ăn một lượng vừa phải rất có lợi cho mật, giảm độ chua trong dạ dày, dùng nhiều dễ sinh đi lỏng.

Công dụng:

Nho vị ngọt, tính bình. Rất có công hiệu bổ khí huyết, mạnh gân cốt, lợi tiểu tiện. Thích ứng với các chứng bệnh như khí huyết không đủ, mắt hoa đầu váng, miệng khô rát, lưng gối mỏi đau, tiểu tiện khó.

Bài thuốc ứng dụng:

1- Khí huyết không đủ, đầu choáng, ăn uống không ngon miệng: Nho tươi rửa sạch, bỏ hạt, cho vào nồi đun nhỏ lửa thành dạng sền sệt, trộn thêm chút mật ong cho đều, chờ nguội đóng vào lọ dùng dần. Mỗi lần ăn một thìa với nước sôi, ngày 2 lần. Hoặc nho khô 15-30g, mỗi ngày ăn ba lần trước bữa cơm.

2- Miệng khô, buồn bực: Nho tươi rửa sạch, ép lấy nước, mỗi ngày uống 50mg, ngày 2 lần.

3- Lưng gối đau mỏi, gân cốt yếu: Nước ép nho tươi 500mg, cẩu kỷ tử 100g, mật ong 250g. Trước tiên nấu cẩu kỷ tử với nước (100ml), sau đó đổ nước nho vào, đun nhỏ lửa cho thành dạng như cao, đổ mật ong vào trộn đều, chờ cho nguội rồi cho vào lọ dùng dần. Mỗi lần dùng một thìa canh với nước sôi, ngày 2-3 lần.

4- Viêm thận mãn tính, mặt và tứ chi phù nề, tiểu ít: Nho khô không hạt 30g. Đậu đỏ, nhân ý dĩ mỗi loại 15g, gạo 30g, tất cả nấu thành cháo, chia làm đôi dùng ăn điểm tâm.

5- Cao huyết áp: Nước nho, nước rau cần mỗi thứ một cốc, trộn lẫn, uống với nước sôi để nguội, mỗi ngày 2-3 lần.

6- Mất tiếng: Nước nho, nước mía mỗi thứ một cốc, trộn lẫn rồi uống với nước sôi để nguội, ngày uống 3 lần.

7- Trị bệnh lị: Nước quả nho trắng 3 cốc, nước gừng 1/2 cốc, mật ong 1 cốc, lá chè tươi 9g, sắc lấy nước, trộn đều vào nhau, uống 1 lần.

8- Trị bệnh lị có máu: Nước ép nho hòa với đường đỏ và nước sôi để nguội, uống ngày 2 cốc.

9- Trị bệnh khí huyết hư, bệnh nhân choáng đầu, mệt mỏi: Nho khô 30g, gạo tẻ vừa đủ, cho ít đường trắng vào, nấu thành cháo ăn.

10- Trị bệnh lậu, tiểu tiện trắng đục, thanh nhiệt, làm tan máu ứ: Quả nho 1,5 kg, mật ong, muối, mỗi loại vừa đủ. Nho bỏ vỏ, thái miếng cho mật ong vào ngâm 10 phút, đem sấy khô, lại tẩm mật ong sấy tiếp, làm như vậy 2 lần liền. Mỗi lần ăn vài muỗng canh, uống cùng với nước pha muối loãng 3 lần/ngày.

11- Chữa có thai hay nôn mửa: nho gần chín 30g, quả me 20g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.

12- Chữa táo bón: Nho chín 40g, mật 10g, cả hai hấp cách thủy, chia 2 lần ăn trong ngày, ăn trong 5-7 ngày.

13- Trị bệnh thiếu máu, đau đầu, tim đập nhanh và loạn nhịp: Rượu nho 10-15g, mỗi ngày uống 2-3 lần.

14- Trị khàn giọng: Nước ép nho 1 cốc, nước mía 1 cốc hòa với nhau, thêm nước sôi, rồi uống 3 lần 1 ngày.

Chú ý: nho nếu ăn quá nhiều sẽ sinh nóng trong người, khiến bực bội, mắt mờ, dễ bị đi tiêu chảy.

Nho hình thức đẹp, chứa nhiều chất dinh dưỡng, già trẻ đều thích ăn, thuộc hàng quả quý trên thế giới. Nước ép nho tươi vị đậm có thể chống khát, kiện vị tiêu thực và còn chứa đường, protit, vitamin và các khoáng chất cơ thể người rất cần. Người suy nhược thần kinh, mệt mỏi thường ăn nho sẽ rất tốt.

Nho còn có tác dụng bổ tỳ. Ngoài ăn tươi ra, nho còn chế biến thành nho khô, rượu nho. Hàm lượng đường và sắt trong nho khô cao hơn nho tươi, dùng làm thức ăn bổ dưỡng cho trẻ em, phụ nữ có mang, người mắc bệnh thiếu máu. Rượu nho là loại rượu ngon, nồng độ thấp, chứa nhiều axit amin và vitamin rất bổ.

Nhiều nghiên cứu gần đây cho biết, hằng ngày uống vài cốc nhỏ rượu nho sẽ giảm nguy cơ tử vong do bệnh động mạch vành gây ra, chống xơ vữa động mạch. Ngoài ra, trong nho còn có lượng phenon tổng hợp cao (vỏ nhiều hơn cả) có thể hòa hợp với protein của vi khuẩn hoặc vi trùng, làm chúng mất đi sức sống; vang đỏ còn có tác dụng sát khuẩn tốt.

Cho nên, các nhà y học cổ đại cho rằng nho là loại quả ích khí tăng lực, làm cho người béo khỏe, chịu đựng phong hàn, kéo dài tuổi thọ và rượu nho là thứ "mật ngọt của thượng giới".
Hồng Hạnh (Theo Đẹp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét