Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Phần Lễ trong Lễ hội Nghinh Ông ở Phan Thiết

Lễ hội Nghinh Ông được chia thành hai phần rõ rệt, mỗi phần lại có nhiều giai đoạn nhỏ diễn ra theo thứ tự thời gian đã được sắp xếp, có khi lại khác về không gian. Tất cả các giai đoạn nhỏ tức là các nghi thức, nghi lễ gắn kết với nhau theo tuần tự và có sự phối hợp, đan xen, trong lễ hội có hội và trong hội cũng có lễ, sự phối hợp đan xen này làm cho lễ hội thêm phong phú, đa dạng và thêm tính hấp dẫn, gắn bó giữa cái hiện đại và cái hư vô của cuộc sống, giữa thực tế cuộc sống với thế giới tâm linh. Và chính sự đan xen này phần nào đó tạo ra phần hồn cho lễ hội. Chúng tôi sẽ trình bày rõ nội dung này trong quá trình diễn ra lễ hội theo tuần tự dưới đây.
.
Bất cứ lễ hội nào của các dân tộc, nội dung quan trọng nhất, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nhất đều bắt nguồn từ phần lễ. Nếu không có phần lễ thì không có phần hội tiếp theo (trừ những phần hội của cuộc sống hiện đại). Lễ là phần nghi thức tưởng nhớ đến những người anh hùng dân tộc, những bậc Tiền Hiền, Tiền bối có công lớn với đất nước, với làng xã hay tổ tiên là sự thờ phụng của nhân dân đối với nhân vật chính được thờ ở trong đền, miếu, ở chùa Ông chính là Quan Công. Ở Chùa Ông thông thường hàng năm có các nghi lễ sau: Lễ giao thừa, Lễ cúng Trời, Lễ vía đức Quan Thánh, Lễ vía Bà Chúa Sanh, Lễ vía Bà Thiên Hậu, Lễ vía ông Quan Bình, Lễ vía ông Châu Xương, Lễ vào các ngày rằm... Đặc biệt trong số lễ thông thường hàng năm thì Lễ giao thừa có hàng ngàn người từ các nẻo đường ở Phan Thiết đến tham gia theo một phong tục xưa, kể cả người Hoa và người Việt. Đây là ngày đều năm họ đến để viếng Chùa, hái lộc cầu cho quốc thái dân an, cho việc làm ăn được thuận lợi… Đây là một phong tục tốt có nguồn gốc từ xa xưa.
Riêng Lễ hội Nghinh Ông, không biết tự bao giờ đã có tục lệ cứ hai năm đáo lệ một lần. Và cho đến nay cũng không có tài liệu nào nói đến lễ hội này tổ chức đầu tiên ở Phan Thiết vào thời gian nào. Có các cụ già người Hoa và người Việt ở Phan Thiết năm nay trên 90 tuổi cũng không nhớ được, họ chỉ biết rằng lúc mới sinh ra đã có lễ hội này. Theo một số tài liệu ở các Hội quán của các “Bang” Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến, Triều Châu và ở Quan Đế Miếu thì Lễ hội Nghinh Ông có hơn 150 năm trở về trước tức là ở vào giai đoạn đầu của các vua thời Nguyễn (đời Vua Thiệu Trị - Tự Đức).
.
Trước giải phóng, Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức vào hạ tuần tháng 7 Âm lịch và diễn ra liên tiếp bốn ngày. Tháng 7 Âm lịch theo người Hoa tức là mùa báo hiếu với tổ tiên, với Thánh Thần. Tuy nhiên về ngày giờ thì được thay đổi tuỳ theo quy định của Ban tổ chức lễ hội. Thí dụ năm 1996 lễ hội diễn ra các ngày 6, 7, 8/9/1996 (tức là ngày 24, 25, 26 Âm lịch). Còn năm nay lễ hội diễn ra vào các ngày 9, 10, 11/9/1998 (tức là ngày 19, 20 và 21 tháng 7 Âm lịch). Lễ hội được sự tham gia cổ vũ của hàng vạn người ở Phan Thiết và các khu vực phụ cận cùng du khách ở một số nơi khác đến. Lễ hội Nghinh Ông lại diễn ra gần với lễ Vu Lan của Phật giáo, phần nào đó thể hiện được sự hòa đồng giữa người Hoa và người Việt trong văn hóa và trong tôn giáo tín ngưỡng.
Do nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan, chủ quan nên sau giải phóng hơn hai mươi năm, đồng bào người Hoa mới có dịp tổ chức lại Lễ hội Nghinh Ông ở Phan Thiết và đã được sự hưởng ứng đông đảo của cộng đồng. Về cơ bản lễ hội vẫn giữ được các yếu tố chính gốc từ xa xưa, nhưng trong cả phần lễ và phần hội đã thiếu vắng đi một số các yếu tố, các giai đoạn lẽ ra phải có như sự tham gia của các tổ chức, của các đình làng, dinh vạn…
Phần lễ trong Lễ hội Nghinh Ông hoàn toàn khác hẳn với những phần lễ thông thường hàng năm, đây là nội dung chúng ta cần lưu ý khi nghiên cứu về các nghi lễ ở chùa Ông. Có hàng chục nghi lễ nối tiếp nhau, với những tên gọi và hình thức thể hiện khác nhau.
Nét độc đáo của Lễ hội Nghinh Ông là toàn bộ các lễ vật dâng tế cho Thánh, Thần, Tiền Hiền, Tổ tiên… trong hai ngày lễ đều mang tính thuần khiết của Phật giáo, bao gồm: Đèn, hương, hoa, quả, bánh ngọt… Ở đây không sử dụng vật hiến sinh như một số các lễ hội phổ biến của các dân tộc khác. Trong ba ngày diễn ra Lễ hội Nghinh Ông ở Quan Đế Miếu và bốn Hội quán của bốn bang đều sử dụng đồ chay.
Phần lễ của Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa Phan Thiết diễn ra theo trình tự, bao gồm 16 nghi lễ sau:
1. Lễ “Thỉnh Thánh Mẫu”.
2. Lễ “Thỉnh kinh”.
3. Lễ “Thỉnh nước”.
4. Lễ “Thỉnh chiêu ứng công” hay (108 vị chư Thần).
5. Lễ “Khai kinh”.
6. Lễ “Yết Quan Thánh, Cáo Tiền Hiền”.
7. Đoàn lễ Hội quán Quảng Đông ra mắt Quan Thánh.
8. Đoàn lễ Hội quán Phúc Kiến ra mắt Quan Thánh.
9. Lễ “Chiêu vong linh Tiền Hiền”.
10. Lễ “Phóng đăng”.
11. Lễ “Phóng sanh”.
12. Đoàn lễ Hội quán Triều Châu ra mắt Quan Thánh.
13. Đoàn lễ Hội quán Hải Nam ra mắt Quan Thánh.
14. Lễ “Cúng thí thực”.
15. Lễ “Cầu quốc thái dân an”.
16. Lễ “Thỉnh thuyền”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét