Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Quận 10 - Xưa

a 


Quận 10 ngày nay có thể gọi là vùng bản lề giữa Sài Gòn và Chợ Lớn. Cách đây hơn trăm năm còn là khu vực trống, hoang vu ở vùng đất phía Bắc. Ảnh hưởng của văn minh sông nước (sông Thị Nghè, kinh Tàu Hủ) khiến dân cư thích hợp chọn lựa nơi sinh sống ở phía Nam. Địa hình thuận tiện liên lạc phía Chợ Lớn theo đường thuỷ và về phía đồng bằng sông Vàm Cỏ, sông Cửu Long. Về phía Bắc là vùng đất khá cao, kho cằn, phương tiện giao thông liên lạc chỉ bằng xa ngựa, xe bò lên hướng Tây Ninh, Thủ Dầu Một.

Ban sơ, phần lớn của Quận 10 ngày nay gọi là khu vực Mả Nguỵ; gọi Nguỵ vì những người khởi loạn theo phe của Lê Văn Khôi (con nuôi của Tả quân Lê Văn Duyệt, mộ phần nay ở Bà Chiểu). Lê Văn Khôi nổi loạn vì muốn báo thù cho cha nuôi. Vị cha nuôi này đã từng làm Tổng trấn miền Gia Định, vốn có lòng oán vua Minh Mạng. Vua Minh Mạng cũng không ưa Lê Văn Duyệt vì trước đây ông không ủng hộ việc đưa Minh Mạng lên ngôi vua. Hơn nữa, Lê Văn Duyệt chủ trương một kiểu "kinh tế thị trường" mới mẻ, đem lợi ích kinh tế lớn lao cho vùng Sài Gòn Chợ Lớn bằng cách mở rộng việc mua bán với Campuchia, giao thương với cả Pháp, Anh, Bồ Đào Nha,... Lê Văn Duyệt lại thích người Pháp vì Pháp đã từng giúp vua Gia Long chống quân Tây Sơn, thâu phục vùng kinh tế Huế.
Chợ Nguyễn Tri Phương xưaChợ Nguyễn Tri Phương ngày nay
Cuộc khởi nghĩa bùng nổ sau khi Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng xuống chỉ ghép tội  và xiềng mã. Lê Văn Khôi và thuộc hạ biết rằng sớm muộn gì cũng bị thanh trừng nên chiếm giữ thành Gia Định, chống cự quyết liệt với quân triều đình suốt hơn hai năm ròng rã. Vua Minh Mạng bằng mọi cách điều động binh hùng tướng mạnh từ Huế vào để triệt hạ. Thành Gia Định lúc bấy giờ khá to và rộng (bốn góc là đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Đình Chiểu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa - tên mới ngày nay), quân sĩ hơn ngàn người, lương thực đầy đủ gây khốn đốn cho quân triều đình. Sau cùng Lê Văn Khôi chết trong thành, quân sĩ mất tinh thần, không được cứu viện. Vua Minh Mạng cho tướng Trương Minh Giãng (gốc Gò Vấp) vây đánh trong nhiều tháng, sau thì dẹp yên. Quân của Lê Văn Khôi lớp bị giết, lớp bị bắt sống. Thành Gia Định cũ (sử gọi là Thành Qui) bị triệt hạ, vua Minh Mạng cho xây thành mới nhỏ hơn, dấu ấn ngày nay là Hàn Thành (Đa Kao), năm 1859 Pháp đánh chiếm rồi phá bỏ.
Số người sống sót trong thành bị xử tội chết hơn 1.500 người, đem chém đầu ở một cánh đồng hoang. Ta thử hình dung cuộc thảm sát quy ô ấy gây kinh hoàng như thế nào trong lúc dân số Sài Gòn Chợ Lớn lúc đó còn quá ít ỏi. Hành hình xong, chôn vào những nấm mộ tập thể. Khoảng năm 1930, các sử gia người Pháp tìm hiểu về sự kiện trên, được các người cao tuổi ôn lại trí nhớ khẳng định những nấm mộ tập thể nằm rải rác bắt đầu từ Điện Biên Phủ (ngày nay) kéo dài đến phía Chợ Lớn. Những cụ già bảo rằng khu vực ấy ngang qua bệnh viện Bình Dân, chạy dài đến Việt Nam Quốc Tự (mới) vì mỗi huyệt mộ chôn nhiều lắm là vài mươi xác người.
Rước sắc thần tại lễ Kỳ yên Đình Chí Hoà
Thời gian trôi qua, chuyện đó đã thuộc về lịch sử nhưng ta thấy ngày nay có cách cư xử rất mực tình nghĩa và mang tính công bằng. Quận 10, khoảng đường Cao Thắng, nhân dân địa phương tự phát đề cao một ngôi đình làng (chắc không được sắc phong) nhằm mục đích hương khói, thờ cúng những người chết đã dám đứng vào hàng ngũ của Lê Văn Khôi. Ngày xưa, các vị đó rơi vào hoàn cảnh khó xử đã chết, không bia mộ, mồ mả tập thể bị san bằng, vị trí không rõ ràng, thân nhân thời ấy cũng chẳng biết nơi đâu mà tìm. Ngôi đình này phải chăng để thờ những người chết vì tham gia dưới trướng Lê Văn Khôi, nên việc cúng tế cũng khá long trọng. Tuy đất đai chật hẹp, những đồng bào lân cận vẫn chừa ra một khoảng đất khá rộng, giữ thể diện xứng đáng với ngôi đình. Bản chất tốt đẹp của người Việt Nam khi đã yêu kính lẫn nhau thì không bao giờ thắc mắc những điều vụn vặt. Vì trong lòng thán phục và cho đây là nét đặc sắc về đạo lý, văn hoá dân tộc, tôi đã tham dự lễ cúng. Trống chiêng vang rền, người người đông đảo đến thắp nén hương thành kính. Tôi thấy có cả đại diện của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc đến phát biểu ca ngợi buổi lễ Kỳ Yên trang trọng này. Và tin tưởng rằng Quận 10 sẽ hãnh diện và góp phần giúp đỡ buổi lễ. Tính nhân bản, nhân văn truyền thống của dân tộc ta là đây.
Tên gọi Mả Nguỵ có lẽ do đầu buổi đầu dân còn sợ vua Minh Mạng. Nhưng lịch sử đã qua hơn 150 năm, người chết rồi thì ai cũng như ai, xoá bỏ đi những bất đồng, tranh chấp. Một cán bộ Viện Khoa học Xã hội đến dự buổi lễ để phát biểu những ý kiến xứng đáng. Về sau, không ai còn gọi "Mả Nguỵ" nữa mà gọi là Đồng mả lạng, theo nghĩa mất dấu vết vì thời gian. Xưa kia, người Pháp gọi "cánh đồng mồ mả" vì có quá nhiều mồ mả (Plaise Des Tombean). Hiện nay vùng này nhà cửa đã đông đúc.
Ao rau muống trước khi xây dựng Hồ Kỳ Hoà
Xin đề cập đến Hồ Kỳ Hoà. Đúng ra, chữ Kỳ Hoà ngày xưa không có, phải chăng sử gia Trần Trọng Kim căn cứ vào tư liệu của sĩ quan Pháp, đọc theo giọng Pháp.
Chí Hoà đọc lơ lớ là Kỳ Hoà, "ch" đọc như chữ "k" hoá ra "Kỳ Hoà". Thời kháng Pháp, Nguyễn Tri Phương lập căn cứ ở phía Bắc, cụ thể là tổng hành dinh đóng ở vùng Bà Quẹo ngày nay, trên đường đi Tây Ninh, cách chợ Bà Quẹo (chợ Võ Thành Trang) khoảng vài trăm mét. Bốn đồn chính gọi là Đồn Trung, Đồn Tả, Đồn Hữu, Đồn Tiền, Đồn Hậu. Từ những đồn chính này có đắp luỹ đất cao hơn 3 mét, dày cỡ 4 mét dài xuống Phú Thọ, toả ra phía Nam đến khu vực cư xá sĩ quan (chế độ cũ) và chợ Nguyễn Văn Trỗi. Hành dinh của Nguyễn Tri Phương như cái đỉnh hình tam giác, hai góc ở đáy hình tam giác là trường đua Phú Thọ, cả phía cầu Công Lý. Ta có tất cả, kể luôn dân binh, nghĩa quân hơn 5.000 người. Vách thành cắm dày đặt chông tre phòng thủ. Pháp tập trung hơn 1.000 lính thiện chiến, chiếm đồn Cây Mai, đánh vòng lên phía Bà Quẹo. Mặc dù chiến đấu dũng cảm nhưng sau đó Nguyễn Tri Phương bị thương, quân binh thiệt hại nặng phải rút về Biên Hoà. Theo địa hình, "Hồ Kỳ Hoà" ở vùng ngoài, xa chiến trận.
Đông Hồ xưa
Quận 10, theo ranh giới hành chính ngày nay không dính dấp trực tiếp với chiến trường cũ. Mồ mã tử sĩ của ta rải rác ở khu vực đường Lý Thường Kiệt và ở phía đông là Phú Nhuận, Gò Vấp. Lúc ấy, người Pháp sử dụng như đồng cỏ trống hoang để nuôi ngựa, nhưng đất đai khô cằn, cỏ khó mọc. Lần hồi, vùng bản lề quận 10 trở nên đông đúc dân cư. Nhất là vào thời điểm kháng Pháp năm 1945, dân Lục Tỉnh, dân miền Trung dồn dập tản cư vào.
Chuyện xưa rồi đến chuyện nay. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ, nhân dân quận 10 luôn một lòng đi theo Đảng theo cách mạng. Lòng yêu nước của nhân dân quận 10 như pháo đài vững chắc, giữ vững truyền thống đấu tranh kiên cường cho đến thắng lợi. Ba mươi năm sau ngày giải phóng, những hiệu quả thành tựu đạt được trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá thể thao, chính sách xã hội, an ninh quốc phòng,... đặc biệt về phát triển, hội nhập kinh tế là minh chứng cho sự đúng đắn, năng động trong thực hiện đổi mới kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với quá trình đô thị hoá do Đảng bộ quận 10 lãnh đạo. Con đường phía trước tuy chưa gọi là suôn sẻ, nhưng với ý chí, quyết tâm, chắc rằng quận 10 sẽ có những chuyển biến tích cực về kinh tế, góp phần đổi mới nhiều mặt trong đời sống văn hoá, xã hội của nhân dân quận 10.
Nhà văn Sơn Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét