Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Tục hỏa táng của người Thái đen Mường Lò


Trần Vân Hạc
van_hac_hoa-tang

Hoả táng là tục lệ đã có từ ngàn xưa của người Thái Đen Tây Bắc. Họ tin rằng khi thi hài được “tắm rửa” bằng lửa, linh hồn sẽ lên được mường trời, tiếp tục “sống” trong một thế giới khác.
Đường lên trời là dòng thác “Tát Huổi Lô” ở xã Thạch Lương – huyện Văn Chấn – tỉnh Yên Bái. Dòng thác này từ trên núi cao đổ xuống như từ trên trời buông xuống. Khi có người qua đời dù ở bất cứ nơi nào của khắp vùng Tây Bắc, các thầy mo đều phải khấn đưa hồn về đây, linh hồn sẽ bám vào dây khau cát ngược dòng lên mường trời. Dưới chân thác là bãi đá như hàng ngàn con trâu nằm gọi là “Đông quai hà” – Tức là rừng trâu chết. Theo quan niệm của người Thái, đây là phần hồn của những con trâu trong các đám ma hoá thành.
Khi trong nhà có người qua đời, con cháu vuốt mắt tắm bằng nước lá thơm, mặc bộ quần áo đẹp nhất, tháo chỉ ở hai bên ve áo cho vào đó vài đồng bạc trắng. Sau khi cúng tế, chọn giờ tốt và nơi đất tốt để hoả thiêu. Nếu người qua đời là đàn ông xếp bẩy tầng củi, là đàn bà xếp chín tầng củi, ứng với bẩy vía và chín vía. Xưa dùng củi bằng cây si, đa tươi, nay dùng cả xoan…
Xưa linh cữu quàn trong nhà, hàng tuần, nay đổi mới không quá 48 giờ và tiết kiệm.
Thầy mo đứng quay lưng vào quan tài khấn rồi châm lửa cho cháy từ tầng trên cùng. Người nhà dùng mẹt sảy gạo quạt cho lửa cháy đều và cháy hết. Đêm đó người nhà ở lại trông coi, tinh mơ hôm sau ra gắp xương cho vào mẹt, rửa sạch bằng rượu rồi cho tro, xương vào túi vải, buộc miệng, cho vào vại sành đậy kín rồi chôn xuống chỗ hoả táng. Gia đình có điều kiện cho vào vại vài đồng bạc trắng hoặc vòng cổ, vòng tay (cái mẹt với người Thái Tây Bắc có ý nghĩa rất quan trọng, mang hồn lúa gạo. Khi mỗi đứa trẻ ra đời bao giờ cũng được đặt vào mẹt, ngụ ý mong cho đứa trẻ mau khôn lớn. Sau lễ hoả táng, mẹt được treo trong nhà táng để hồn có cái dùng nơi mường trời).
Sau lễ chôn cất, người nhà làm nhà táng và dựng cây cảo.
Nhà táng làm bằng tre, hóp theo cấu trúc nhà sàn. Trong nhà táng trải đệm, gối, đầu đệm đặt mâm cơm cúng gồm : Cơm đựng trong coóng khẩu, một túi gạo chừng vài cân, một con gà sống (cúng xong sẽ thả), rau, rượu, hương. Có một sợi dây nối từ vại tro lên nhà táng gọi là “sai khớ” dẫn đường cho hồn lên. Con cháu đặt củi dưới gầm sàn nhà táng để linh hồn có cái dùng, treo trên vách những vật dụng cần thiết như mẹt, ớp, nón… trồng chuối, dứa, sả quanh mộ rồi rào xung quanh.
Cây cảo làm bằng gỗ tươi cao từ 3m-5m trên đỉnh đặt ngựa gỗ, máng đựng cỏ, thóc, có lọng che bằng vải mầu. Ngựa này để cho hồn cưỡi. Ngựa dùng cho đàn ông có hai cánh, ngựa dùng cho đàn bà có bốn cánh. Gần ngọn cây cảo đục hai lỗ rồi luồn hai cây sào bằng hóp nhỏ song song với nhau. Cây sào tầng trên một bên treo chiếc áo đã mặc của người qua đời, một bên treo áo đã mặc của người còn sống (chồng hoặc vợ) quay lưng áo vào nhau, cái tình cái nghĩa của người sống làm ấm lòng hồn người đã đi xa.
Người Thái Tây Bắc quan niệm, sau này khi người còn lại (chồng hoặc vợ) qua đời, linh hồn sẽ xum họp và tiếp tục chung sống ở các “đẳm đoi” – tức là nơi ở của những người cùng họ tộc nơi mường trời.
Cây sào tầng dưới treo áo cổ rồng – Tức “sửa co long”. Đây là áo dài cổ vuông làm bằng vải đen, đỏ can theo chiều dọc. áo cổ rồng do các con dâu tự làm tặng bố mẹ chồng ngày đầu về nhà chồng để tỏ lòng kính trọng và hiếu thảo. Bố mẹ không mặc áo này mà chỉ dùng treo lên cây cảo khi qua đời, còn các con dâu mặc áo này trong tang lễ.
Cây cảo người qua đời là nữ giới, dưới gần gốc có đan dọ tre bao quanh cắm cờ đuôi nheo – “mày lỉu heo” bằng vải mầu xung quanh. Người qua đời từ năm mươi tuổi trở lên làm hai tầng cờ, số cờ ứng với số tuổi. Cây cảo trên mộ người qua đời là nữ giới gọi là “cò hươu”.
“Mày lỉu heo” trên mộ nam giới làm nhỏ hơn và buộc ngang dưới gốc cây cảo. Cây cảo trên mộ người qua đời là nam giới gọi là “cò cao”, ngoài cột bằng gỗ như ở mộ người qua đời là nữ giới, còn một cây tre tươi dóc sạch cành lá treo cờ bằng vải trắng viền thổ cẩm. Người qua đời 70 tuổi dùng 7 sải, 80 tuổi dùng 8 sải.
Nhìn vào cây cảo người ta có thể biết người qua đời là nam hay nữ, trẻ hay già, giầu hay nghèo.
Người Thái Đen Tây Bắc cho rằng, nếu cây cảo tự đổ trong vòng một tháng là điềm may mắn, linh hồn người qua đời đã về mường trời thuận lợi, nếu sau một tháng chưa đổ sẽ là điềm không may.
Hàng ngày thân nhân dâng cơm, đến ngày thứ ba làm lễ “hóng” – Rước linh hồn người qua đời về thờ tại nhà. Sau lễ “hóng” một năm làm lễ đoạn tang – “xên sống”. Từ đó khi có việc lớn trong nhà như: Mừng cơm mới, làm nhà mới, cưới hỏi, ngày tết, tết xíp xí, nhà có người đau ốm sẽ làm lễ mời linh hồn về chung vui và phù hộ cho con cháu chứ không làm giỗ hàng năm.
Tục hoả táng được người Thái Đen Tây Bắc tôn trọng và coi là luật lệ của bản mường – “thỏi”. Nếu ai không thực hiện sẽ bị cộng đồng chê cười vì kém đức độ.
Ngày nay tục hoả táng vẫn được người Thái Đen duy trì. Với một số trường hợp đặc biệt không hoả táng, thày mo vẫn phải dùng lửa hơ dưới quan tài như đã hoả thiêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét