Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Tục thờ chó đá của người Tày Yên Khoái


Nhiều gia đình người Tày ở xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) có tục đặt một con chó đá trước cửa nhà chính để thờ. Nó có ý nghĩa trừ những điều không hay, không tốt và chó đá giúp con người trông nom cửa nhà... 

Nguời Tày ở Yên Khoái, bao đời nay sống trong những căn nhà trình tường với mái ngói âm dương cổ kính, rêu phong, vẫn lưu giữ được những phong tục và bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. Nhiều hộ gia đình ở đây, sau khi tách ra ở riêng, thường chọn một ngày tốt để rước một con chó đá về đặt trước cổng, cửa với hy vọng sẽ xua đuổi những điều không may mắn và giúp chủ nhân trông nom nhà cửa.
Nhất là ngày Tết, chó đá được “tắm” bằng lá bưởi đun sôi để nguội, sau đó được gia chủ quàng một mảnh vải đỏ trên cổ hoặc giấy hồng điều.
Bà Hoàng Thị Diệu, 70 tuổi, ở thôn Long Đầu, xã Yên Khoái (Lộc Bình, Lạng Sơn) cho biết, tục thờ chó đá của người dân ở đây không ai biết có từ bao giờ. "Lớn lên tôi đã thấy con chó đá để trước cửa rồi. Người Tày chúng tôi nơi đây quan niệm, mỗi khi có tiếng chó sủa là con ma sợ không dám lại gần hại người nên đặt con chó đá trước cửa là để cai quản cõi âm”, bà Diệu nói. Cũng theo bà Diệu, chó đá dịnh ra tiếng Tày có nghĩa là Ma Hin, không chỉ có ý nghĩa về đề tâm linh mà nó còn là một vật trang trí nhà của rất đẹp.

Chó đá thường có khối lượng từ 5 đến 7 kg, cũng có gia đình đặt to hơn. Người dân ở xã Yên Khoái không tự tạc ra được những vật này mà phải tìm đến những “nghệ nhân” ở Yên Trạch (Đồng Đăng, Lạng Sơn) làm. Dáng chó đá được người dân ở đây yêu thích nhất đó là thế phủ phục, mồn và mắt luôn hướng về phía trước.
Vào các ngày rằm, mùng một hằng tháng và ngày trọng đại của gia đình như lễ cưới, hỏi…, con chó đá cũng được gia chủ quan tâm đặc biệt. Nhất là ngày Tết, chó đá được “tắm” bằng lá bưởi đun sôi để nguội, sau đó được gia chủ quàng một mảnh vải đỏ trên cổ hoặc giấy hồng điều. Con chó đá được gia chủ cúng cơm, kẹo và đến Tết mọi thành viên trong nhà cho “phong bao” mừng tuổi cho nó để tỏ lòng biết ơn nó đã trông non và đem sự may mắn đến cho gia đình trong năm qua.
Việc thờ chó đá của người dân tộc Tày ở Yên Khoái (Lộc Bình - Lạng Sơn) không chỉ là phong tục, tập quán, truyền thuyết, mà còn thể hiện đó là cuộc sống ngày nay vẫn còn in bóng cuộc sống ngày xưa…

Hoàng Văn Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét