Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Vườn Bách Thảo xưa


Nhà văn Tô Hoài hồi tưởng lại những kỷ niệm tuổi thơ gắn với vườn Bách thảo Hà Nội.
Ngày trước, gọi công viên ấy là Bách thảo hay Bách thú đều đúng nghĩa. Bách thú được xây dựng năm 1890. Thời ấy, vườn nuôi nhiều giống chim, thú tương tự ở Công viên Thủ Lệ bây giờ.
Bach-Thao.jpg


 Vườn Bách thảo Hà Nội
Thuở nhỏ, năm tôi chín tuổi, tôi bắt đầu ra học Trường tiểu học Yên  Phụ (Trường Mạc Đĩnh Chi bây giờ), ngày ngày cuốc bộ từ Làng Nghĩa Đô xuống trường phải qua Vườn Bách thảo, rồi Đường Cổ Ngư giữa Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch. Trưa ở lại, lang thang đợi buổi học chiều - thời ấy, các trường cấp tiểu học trong thành phố học mỗi ngày hai buổi, chỉ nghỉ chiều thứ năm và ngày chủ nhật. Buổi trưa, chúng tôi đá bóng quần trên bãi ven đê hoặc kéo nhau đi nghịch ngợm linh tinh ở Đường Cổ Ngư và Vườn Bách thú.
Con đường trải đá qua vườn song song với đường nhựa Hoàng Hoa Thám (bây giờ) ở trên, nhưng hồi ấy trống trải bãi cỏ và cây, không tường xây bịt kín như mới đây. Ôm dưới chân Núi Nùng, dãy nhà một tầng chia từng ngăn, đằng trước che lưới sắt, người xem đứng ngoài lan can. Đấy là những chuồng khỉ. Mặc dầu mỗi ô chỉ có vài ba con, nhưng cả dãy thành một hội mấy chục khỉ láng giềng nhau, lúc nào cũng nhảy nhót, leo trèo, khẹc khẹc cãi nhau, chửi nhau hay nhăn nhó vui vẻ trò chuyện rầm rĩ.
Những con vượn, con khỉ độc, hai mảng đít trụi lông trơ mảng da nhăn nheo đỏ hắt và con đười ươi cao to như thằng người mặc áo chùng thâm, tay dài chấm bàn chân, những khỉ độc và đười ươi được ở riêng những nhà lồng sắt tròn rải rác dọc đường đi chẳng khác mấy những lồng sắt vuông có mái che, trong đó đậu trên chạc cây cong queo những con công, con trĩ và gà gô. Bên kia, trong gò giữa hồ sen, những con hạc, con sếu, con bồ nông lò dò ngất nghểu nhô đầu cánh. Không biết những  con chim trú đông bay xa này đã bị buộc cánh hay cắt cánh, hôm nào cũng chỉ thấy lêu đêu, dật dờ, khi trên cành, khi bãi cỏ giữa đảo, khi cắm chân dưới nước ven hồ đờ đẫn ngước mỏ nhìn người đi bên này.
Giữa bãi cỏ, dưới bóng những cây nhãn cổ thụ, có tòa nhà một tầng sừng sững như cái lô cốt. Người ta gọi là chuồng voi. Nhưng chẳng thấy con voi nào.
Quá phía gần Đường Đội Cấn (bây giờ), khuất sau những bụi song và mây um tùm, rậm rì, gai góc lởm chởm, giữa nơi tĩnh mạc ấy nổi lên một ngôi điện thờ, lúc nào cũng đèn hương nghi ngút. Không biết thờ thần gì, nhưng trong kia là mấy tòa nhà một tầng vuông vắn, chấn song sắt đen sì, mỗi thanh to bằng cổ tay. Người ta quen gọi là chuồng hổ, nhưng cũng còn mấy con thú khác. Hai con báo đốm đen, đuôi dài, mắt quắc tròn như hòn bi ve, chân cuồng đi lại thoăn thoắt. Ngăn bên này, hai chuồng gấu, những con gấu ngựa, con gấu chó đen nhánh, mắt ti hí “như những con ma trong bóng tối hiện ra”. Hai ngăn giữa, hai con hổ vằn đen vằn vàng to kềnh, uể oải nằm ườn. Ria mép trắng phếch trổ tua tủa. Đôi khi lại nằm ngửa bụng đạp bốn chân lên như trẻ con chơi guồng nước. Hổ chỉ chơi đạp chân, không đi bách bộ như những con báo.
Bấy giờ có tiếng lóng chỉ những người thất nghiệp - người thất nghiệp hay vào ngồi vẩn vơ ở ghế xi măng trong Vườn Bách thú, được gọi tên là những ông “xỉa răng cọp”. Thành cái tên bỡn cợt, mỉa mai này có lẽ vì những người ấy có thể sắp đi ăn trộm, sắp đi thắt cổ, còn tiếc đời cả ngày chăm chú ngắm con hổ, như đương tìm cách vào xỉa răng cho các ông kễnh! Còn bọn nhóc chúng tôi cũng ít lai vãng khu hổ, báo, gấu nay. Dù các ông ba mươi đã bị giam trong chuồng cũi sắt, nhưng cũng vẫn ngài ngại thế nào. Vả lại, ngày nào cũng có phu quét dọn mà cứt đái của các vị khai khẳn mũi.
Có một nơi chúng tôi ưa tha thẩn ở đấy lâu, vì có bóng mát một rặng nhãn và cánh đồng cỏ xanh rờn. Khu vực nên thơ ấy bây giờ không còn nữa. Chỗ này áp sau Phủ Toàn quyền, một bãi rộng rào lưới sắt xung quanh, nhưng vẫn thoáng. ở đấy có con hươu, con nai. Những con hươu sao, đôi nhung tơ mới nứt nhu nhú, giỡn nhau phóng lướt trên ngọn cỏ. Những con nai vàng sẫm ngây ra đứng nhìn theo. Chỉ không hiểu sao, cạnh đấy người ta dựng cái tượng đồng bán thân, đầu quan Toàn quyền Đông Dương Văng Valănghôven vào tấm lưới sắt rào cánh đồng hươu nai.


Sáng sớm, khi chúng tôi đi học qua Bách thú cũng là lúc những người phu quét lá vừa lia chổi vừa nhác mắt lên các cành nhãn, cành cây thấp xem có người chết treo không. Chẳng mấy đêm không có người vào thắt cổ nơi vắng vẻ này. Rồi đến mùa quả sấu xanh, quả sấu chín vàng và mùa quả me, phu quét đường còn phải dọn cành gãy. Ban đêm, người hay vào trèo cây lấy trộm me, sấu bị xẩy tay. Cành me, cành sấu, không dai thớ như cành ổi, cành nhãn; cành me, sấu và khế to đến mấy nếu gãy khấc một cái cũng rơi thẳng xuống. Người phu dọn cành gãy quét lá. Những vũng máu đã thẫm đen lại đọng trên mặt đường đá lổn nhổn vẫn để nguyên.
Buổi trưa yên tĩnh, bắt đầu những người làm đem thức ăn và nước uống đến các chuồng. Tất cả chất trên những chiếc xe cút kít bánh sắt, một người đẩy, tiếng bánh xe kêu rào rạo, cót két, uể oải. Những chiếc cóng sành trong chuồng chim được đổ vào thóc và ngô hạt. Con khỉ và con đười ươi hai tay bưng miếng bí đỏ nhai rau ráu. Những con gấu to như con trâu cũng gặm quả bí ngô, hai con mắt lim dim. Chỉ có những con báo và hai con hổ ăn thịt bò. Miếng thịt sống có đến mấy cân đỏ tươi xiên vào những cái rĩa sắt được thả xuống sàn từ đằng song sắt cửa sau. Hình như chỉ có đàn hươu nai đã có sẵn cả một cánh đồng cỏ thì người ta không phải cho ăn.
Ngày nào bọn trẻ con cũng vào Bách thú mà không biết chán. Tôi kể những cái nghịch tinh, nghịch ác mà các bạn nhỏ bây giờ chắc không thể hiểu vì bây giờ các bạn không gặp cảnh như thế và không chơi tai quái như thế. Chúng tôi ném lấy nhựa cành đa chảy xuống, lấy cao su làm quả bóng. Chúng tôi vặt những cái râu cong cong trong hoa phượng cho móc vào nhau chơi chọi gà. Trong cặp tôi lúc nào cũng trữ mươi lăm hòn đá củ đậu. Võ khí này cần thiết và lợi hại lắm. Mỗi ngày tôi đi học sớm, sáu giờ sáng đã chạy nhanh nhanh trên đường rồi cho kịp trống vào học bảy rưỡi. Vào lúc ấy, người còn ngái ngủ mà đường làng đường cái chỗ nào chó cũng chạy nhông nhông. Phòng chó cắn, tôi phải tấn công chúng nó trước. Chó dữ mấy cũng sợ bị ăn đá. Tôi ném cừ lắm; trăm phát như một. Thình lình một phát, vào đầu, vào bụng, con chó không kịp giật mình, ăng ẳng được hai tiếng, thua chạy mất hút.
Đến trường, tôi phải đi qua mấy làng. Bọn lau nhau Làng Yên Thái, Làng Đông, Làng Hồ, Làng Thụy nhiều đứa đầu bò lắm, chúng hay tụ tập cổng làng chỉ đợi thấy trẻ lạ là ra cà khịa. Rồi chẳng cơn cớ gì cũng xông vào đấm, đạp, kéo rách áo. Tôi hãi, chỉ toàn tránh đi đường trên. Thế mà có khi bọn chúng cũng mò lên, đón đường sinh sự bắt nạt nhau cũng là một trò chơi khoái trá của trẻ con. Vậy thì những hòn đá trong cặp tôi được việc lắm. Bọn láo lếu nhảy vào, tôi vừa ném lại, vừa kêu khóc, vừa chạy.
Và những hòn đá còn để lấy quả sấu, quả me. Đội sếp được tiền nhà thầu thuê giữ quả từ đầu mùa đã rình ráo riết lắm, thế mà chúng tôi vẫn ném được. Ăn không hết thì đem về cho u luộc với nước rau muống. Nói dối là bắt được quả rụng.
Vậy mà những hòn đá vẫn chưa hết việc đâu. Còn nữa. Đi trong Vườn Bách thú âm u bỗng dưng ngứa tay. Nhìn trước nhìn sau không thấy bóng người đội sếp, tôi lấy hòn đá ra choang lên một cái. Xoảng! Cái cột đèn bấy giờ uốn cong có chiếc chao sắt Tây tròn. Chỉ trúng vào chao đèn cũng vỡ bóng. Thế là vỡ cái bóng đèn. Rồi thằng đội sếp sẽ bị Tây phạt, cúp lương, bỏ cha mày.
Vietbao (Theo: Chinhphu.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét