Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Bánh in Nhiêu Thuận Hưng




Bánh in Nhiêu Thuận Hưng ở Cao Lãnh. Ảnh: Phương Kiều

Nói tới văn hóa ẩm thực tỉnh Đồng Tháp, mọi người thường nghĩ ngay đến nhiều đặc sản vang danh trong cả nước, như quýt hồng và nem Lai Vung, bánh phồng tôm, bột lọc và hủ tiếu Sa Đéc hay bánh xèo Cao Lãnh. Nhưng mang đậm hương vị của vùng sông nước Đồng Tháp Mười không gì hơn là mắm Cao Lãnh. Tuy nhiên ở Cao Lãnh còn có một món “ăn chơi” dân dã mà người địa phương ai cũng “mê”, trở thành món ăn đặc sản của mảnh đất này. Đó là bánh in Nhiêu Thuận Hưng.
Hồi tôi còn nhỏ, trẻ con Nam bộ hầu như trẻ nào cũng sung sướng khi được mẹ mua cho cái bánh in. Đó là cái bánh màu trắng ngà, làm bằng bột trộn đường, đổ thành từng lớp chồng lên nhau, không có nhưn (nhân). Thời đó, món ăn không phong phú như bây giờ, nên cái bánh in là món quà “sang trọng” đối với trẻ con không phân biệt thành thị hay thôn quê. Chính vì vậy mà hễ khi có cái bánh in trong tay là đứa trẻ nào cũng ăn một cách dè xẻn, gọi là ăn “nhín nhín”. Ăn nhín nhín tức là lột từng lớp bánh ra rồi cắn một miếng nhỏ xíu, nhai chầm chậm để tận hưởng hương vị ngọt, bùi của cái bánh thấm trong miệng.
Bánh Nhiêu Thuận Hưng ở Cao Lãnh thuở đó thuộc hạng bánh in "cao cấp". Ra đời từ năm 1943, bánh in Nhiêu Thuận Hưng ngay lập tức nổi tiếng; không những được người Cao Lãnh ưa chuộng, bánh còn mở rộng thị trường sang tận Hồng Ngự, Tân Châu, Châu Đốc. Hơn thế nữa, bánh in Nhiêu Thuận Hưng còn chiếm lĩnh thị trường bánh trái ở Sài Gòn - Chợ Lớn vào đầu năm 1945.
Để có những chiếc bánh in làm nên “danh phận” như vậy, Nhiêu Thuận Hưng cũng chẳng cần bí quyết gì, chỉ đơn giản là chọn loại đậu xanh tốt đem ngâm rồi đãi sạch vỏ, sau đó đem hấp chín. Chọn mỡ heo ngon thắng với đường thơm. Tất cả trộn nhuyễn lại làm nhưn. Để làm vỏ bánh, Nhiêu Thuận Hưng mua loại nếp nhứt đem rang chín rồi xay nhuyễn, trộn với đường thắng, tán thành bột làm da. Lớp nhưn dầy đặt giữa hai lớp da bột, đóng thành phong hình chữ nhật, gói kín trong lớp giấy kiếng, một mặt có nhãn hiệu hàng hóa của tiệm. Vậy là những chiếc bánh in thơm ngon ra đời, làm vang danh thương hiệu Nhiêu Thuận Hưng.
Ông tổ của loại bánh in nổi tiếng Nhiêu Thuận Hưng nầy chính là ông Nhiêu Kim Ký (1905-1996). Khi bánh đã chiếm lĩnh thị trường khá rộng, ông Nhiêu Kim Ký liên kết với sui gia là ông Lâm Chương Ký (1900-1955) mở thêm lò bánh thứ hai tại Cao Lãnh. Từ đó danh tiếng bánh in Nhiêu Thuận Hưng càng thêm vang xa.
Đáng nhớ là lúc đình chiến, hòa bình lập lại theo tinh thần hiệp định Geneve (1954), thị trấn Cao Lãnh tưng bừng trong mùa hội, chan hòa tình quân dân cá nước, đồng bào nhiều nơi tấp nập về đây và ai cũng mua bánh in Nhiêu Thuận Hưng làm quà cho người thân trước khi trở về quê hương xứ sở của mình. Đáng chú ý là cán bộ, chiến sĩ cũng mua bánh in Nhiêu Thuận Hưng “bọc” trong bòng đem ra ngoài Bắc “khoe”.
Vinh dự là thế, nhưng bánh in Nhiêu Thuận Hưng cũng có lúc “trầm”. Đó là thời bao cấp (1982-1986), bánh in Nhiêu Thuận Hưng lâm vào cảnh “dở sống dở chết” vì khó tìm nguyên liệu chế biến và người mua cũng hạn chế. Gia đình ông Nhiêu Kim Ký sống lây lất qua ngày, nhưng nhất quyết không bỏ nghề. Và, bánh in Nhiêu Thuận Hưng bắt đầu hồi sinh trong thời kỳ đổi mới (1987), phát triển ngày một xa rộng, thành niềm tự hào của tỉnh Đồng Tháp. Không những được nhiều người trong nước hâm mộ, bánh in Nhiêu Thuận Hưng còn xuất ra một số nước ngoài, như Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Australia... những nơi có Việt kiều gốc Cao Lãnh, khách hàng năm xưa của bánh in Nhiêu Thuận Hưng muốn thưởng thức “hương xưa vị cũ”.
Phương Kiều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét