Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Lên bản Mông giã bánh dày đón tết

Rán bánh dày cho mâm cơm tết. Ảnh: Hoàng Huế.
Người Mông ở Tây Bắc đã rậm rịch chuẩn bị tết từ tháng 10, tháng 11 âm lịch. Trong dịp tết, họ sẽ làm những món ăn rất đặc biệt để thờ cúng tổ tiên, cảm ơn trời đất. Khắp bản, người lớn, trẻ nhỏ rộn ràng chuẩn bị đón tết, xiêm áo rực rỡ và cùng nhau làm bánh dày, bánh ngô.
Bánh dày theo tiếng Mông có tên là “pé” hoặc “dúa”. Người Mông quan niệm bánh dày là biểu tượng của tình yêu thủy chung, cũng có quan niệm cho rằng bánh là biểu tượng của sự sống, của mặt trăng, mặt trời. Dù người Mông ở mỗi nơi quan niệm một cách nhưng trong suy nghĩ của họ, bánh dày là loại bánh quý, được trân trọng và tôn kính.
Lên bản Mông giã bánh dày đón tết ảnh 1
Những thanh niên Mông đang giã bánh dày. Ảnh: Tuấn Anh
Bánh dày là loại bánh không thể thiếu trong mâm cơm tết của mọi gia đình. Họ quây quần giã bánh dày, nặn bánh dày và cùng nhau ăn bánh.
Nhiều bản Mông còn tổ chức lễ hội thi giã bánh dày cho thanh niên trai tráng. Theo họ, bánh dày là loại bánh mang nghi thức tâm linh, cúng lễ nên thi giã bánh dày là truyền thống, là hội thi cho thanh niên trổ tài, cầu mong may mắn. Đàn ông thanh niên giã bánh, phụ nữ nặn bánh, rán bánh rồi mời cả bản, cả dòng họ thưởng thức những chiếc bánh ngon.
Lên bản Mông giã bánh dày đón tết ảnh 2
Cối giã bánh dày. Ảnh: Tuấn Anh
Lên bản Mông giã bánh dày đón tết ảnh 3
Mọi người quây quần nặn bánh. Ảnh: Tuấn Anh
Bánh dày được làm từ gạo nếp nương. Bà con người Mông sau khi thu hoạch lúa nương, chọn những mẻ gạo nếp to, tròn đều, thơm lừng, phơi khô, cất kĩ rồi dịp tết đem làm bánh.
Sau khi rửa sạch, ngâm nước chừng vài tiếng, đem gạo đồ thành xôi, sau bỏ xôi vào cối gỗ, giã nhuyễn cho đến khi gạo quyện vào nhau, dẻo mịn thành một khối. Khi giã xong, người phụ nữ lấy lá chuối rừng hoặc lá dong gói bánh thành những chiếc to, tròn, đều nhau.
Lên bản Mông giã bánh dày đón tết ảnh 4
Rán bánh để mời khách. Ảnh: Tuấn Anh
Lên bản Mông giã bánh dày đón tết ảnh 5
Bánh dày được cắt thành miếng chuẩn bị đem rán. Ảnh: Hoàng Huế
Bánh dày để cúng lễ và tặng họ hàng, khách quý dịp tết. Bánh dẻo, mịn, thơm lừng hương vị núi rừng. Khi ăn, có thể ăn luôn hoặc đem nướng trên than củi, rán với mỡ lợn cho nóng giòn. Dù ăn kiểu nào, chiếc bánh cũng dậy mùi thơm nồng hấp dẫn, mềm mịn và đậm đà khó quên.
Khi cả dòng họ, cả gia đình quây quần bên mâm cơm tết, với những chén rượu ngô say thơm, những món ăn truyền thống của dân tộc Mông từ bao đời để lại, món bánh dày đơn giản với hương vị nhẹ nhàng góp thêm phần quan trọng cho khẩu vị ngày tết vùng cao đầy nắng gió.
LĐO HOÀNG HUẾ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét