Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng

Vài nét tổng quan cho chuyến du lịch Đà Nẵng
1. Vài nét:

Đà Nẵng là trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ lớn nhất của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là thành phố lớn thứ 4 của Việt Nam. Thành phố nằm dọc theo vùng duyên hải Nam Trung Bộ.
Đà Nẵng hiện là một trong 3 đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương của Việt Nam.
Thành phố Đà Nẵng nằm bên dòng sông Hàn; phía Đông vươn ra biển Đông với những bãi biển du lịch dài tăm tắp và bán đảo Sơn Trà còn rất hoang sơ; phía Bắc và phía Tây được bao bọc bởi đèo núi cao. Đèo Hải Vân cheo leo hiểm trở là ranh giới tự nhiên giữa thành phố và tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Ngoài sự ưu đãi của thiên nhiên cho Đà Nẵng, thành phố còn được bao bọc bởi 3 di sản văn hóa thế giới: Huế, Hội An, Mỹ Sơn. Xa hơn một chút nữa là di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Vì thế Đà Nẵng được xem là điểm trung chuyển quan trọng trên con đường di sản du lịch miền Trung.

2. Đến Đà Nẵng bằng cách nào?

Tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam chạy dọc thành phố với tổng chiều dài khoảng 30 km. Trên địa bàn thành phố hiện nay có 5 ga: Ga Đà Nẵng, Ga Thanh Khê, Ga Kim Liên, Ga Hải Vân Nam và Ga Hòa Châu. Ga Đà Nẵng là một trong những ga trọng yếu trên tuyến đường sắt Bắc — Nam.
Do vậy muốn đi du lịch tiết kiệm chi phí mà an toàn thì nên đi bằng tàu hỏa, mất khoảng 13 tiếng. Ngoài ra các bạn có thể ngắm cảnh núi rừng, non nước... qua khung cửa sổ tàu. Thật là thú vị.

Nếu bạn nào muốn đi du lịch tiết kiệm thời gian thì có thế đi bằng máy bay, mất khoảng 1,5 tiếng. Tuy nhiên các bạn không có cơ hội ngắm cảnh tại những nơi mà bạn đi qua như đi tàu. Các bạn có thể tìm mua vé máy bay giá rẻ của Jetstar hay vé khuyến mại của Vietnam Airlines. Từ Hà Nội các bạn có thể đến số 1 Quang Trung để bắt xe khách ra sân bay Nội Bài. Ở đó có rất nhiều tuyến tùy thuộc vào giờ bay. Các bạn nên đến sớm để đề phòng trường hợp hết xe.

Ngoài ra các bạn còn có thể đi bằng ô tô du lịch, xe khách giường nằm 2 tầng đó.

3. Lưu trú:
Với các dịch vụ hoàn hảo và phong cách phục vụ đẳng cấp quốc tế, các khách sạn cao cấp của Đà Nẵng đã trở nên quen thuộc đối với giới doanh nhân và khách du lịch đến Đà Nẵng với giá từ 150USD trở lên cho 1 đêm. …. Đối với giới du lịch bình dân, các khách sạn hạng vừa đẩy đủ tiện nghi kèm theo nhiều dịch vụ tiện ích rất được ưa chuộng với giá khoảng 15USD trở lên cho 1 đêm. … Các thủ tục khách sạn tại Đà Nẵng hay các dịch vụ khách sạn cũng nhanh chóng và tuyệt vời.

4. Các điểm du lịch:

Thành phố Đà Nẵng là một điểm dừng chân lý tưởng, du khách có thể thưởng thức những giây phút tuyệt vời trên đỉnh núi, trong rừng sâu hay bên bờ sông, bờ biển; cũng có thể hưởng thụ những dịch vụ với chất lượng quốc tế khi nghỉ ngơi tại các khu du lịch của thành phố Đà Nẵng. Đà Nẵng, với định hướng là một trung tâm dịch vụ, du lịch của miền Trung, của cả nước và xa hơn nữa là khu vực, quốc tế. Hàng loạt khu du lịch đã và đang được xây dựng, hài hòa với thiên nhiên nhưng cũng không kém phần hiện đại. Từ những khu nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng cực kỳ sang trọng mang tiêu chuẩn.. hay những khu du lịch sinh thái trong lành..
- Ngũ Hành Sơn (còn gọi là Non Nước) nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5 km về hướng Đông Nam. Ngũ Hành Sơn bao gồm 6 ngọn núi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Dương Hỏa Sơn, Âm Hoả Sơn và Thổ Sơn tượng trưng cho 5 yếu tố của vũ trụ (Ngũ hành). Trong lòng núi có nhiều hang động đẹp, có rất nhiều chim yến sinh sống và nhiều chùa chiền. Dưới chân núi còn có làng nghề đá Non Nước nổi tiếng. Bên cạnh là bãi biển Non Nước còn khá hoang sơ.

- Khu nghỉ mát Bà Nà — Núi Chúa nằm cách trung tâm thành phố 40 km về phía Tây Nam. Được ví như Đà Lạt của miền Trung, và cũng như Đà Lạt, Khu nghỉ mát Bà Nà — Núi Chúa được xây dựng thành nơi nghỉ ngơi cho các quan chức người Pháp trong thời kì Pháp còn đô hộ Việt Nam. Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương, khu này bị bỏ hoang và bị tàn phá nhiều bởi chiến tranh và thời gian. Gần đây, thành phố Đà Nẵng cho tái tạo lại và hi vọng trong tương lai Bà Nà - Núi Chúa sẽ lại trở thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Đà Nẵng.

- Bán đảo Sơn Trà còn được người Mỹ gọi là Núi Khỉ (Monkey Mountain), là nơi mà Đà Nẵng vươn ra biển Đông xa nhất. Nơi đây là khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều động thực vật quý hiếm. Dưới chân bán đảo Sơn Trà là khu du lịch Suối Đá và nhiều bãi biển đẹp phục vụ cho du lịch biển như: Bãi Bụt, Bãi Rạng, Bãi Bắc, Bãi Nồm.

- Bãi biển: Đà Nẵng nổi tiếng với những bãi biển cát vàng còn hoang sơ chạy dài hàng cây số, nước trong xanh và ấm áp quanh năm. Bãi biển Mỹ Khê của Đà Nẵng đã được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Bãi biển Nam Ô, Bãi biển Xuân Thiều, Bãi biển Thanh Bình, Bãi biển Bắc Mỹ An, Bãi biển Non Nước, Bãi biển T20, Bãi Bụt Sơn Trà..

- Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chămpa (thường gọi là Cổ viện Chàm) là nơi lưu giữ cả một nền văn hóa Chăm rực rỡ với những pho tượng cổ, những linh vật của Vương quốc Chăm - pa hùng mạnh một thời. Đây là bảo tàng độc đáo và duy nhất của thế giới về nền văn hóa Chăm.

- Ngoài ra Đà Nẵng còn có du lịch lễ hội Quan Thế Âm được tổ chức vào tháng giêng Âm lịch, đây là một trong những lễ hội tôn giáo lớn của cộng đồng Phật giáo tại Đà Nẵng. Lễ Hội Quan Thế Âm được tổ chức dưới chân núi Ngũ Hành Sơn.

5. Mua sắm và ẩm thực:

Đà Nẵng hiện có 2 chợ lớn nhất nằm ở trung tâm thành phố là chợ Hàn và chợ Cồn; cùng những siêu thị lớn mới mở trong vòng vài năm trở lại đây như siêu thị Đà Nẵng, siêu thị Metro, đại siêu thị BigC, siêu thị Intimex, siêu thị Rosa Bài Thơ, siêu thị Nhật Linh, siêu thị Đại Dương... Đây là những trung tâm thương mại chủ yếu của Đà Nẵng.
Đặc sản bánh bèo Đà Nẵng
Đà Nẵng có nhiều món ăn đặc sản như mì Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo, Bánh xèo, thịt bê thui, bún chả cá, bún mắm, bánh khô mè, nước mắm Nam Ô.. có thể mua về làm quà biếu.

Ốc cừ hấp gừng

Nếu có dịp ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) bạn hãy thử thưởng thức món ốc cừ hấp gừng.
Gọi là ốc cừ vì ốc có miếng vảy che trước miệng tròn tròn giống chiếc cúc áo cứng như xà cừ. Những vảy này thường được chế tác thành cườm đeo hay vật trang trí rất đẹp và bền. Ốc cừ được bắt từ biển, nơi có sóng lớn ốc càng ngon. Khi thủy triều rút xuống thấp, dạo mé bãi biển đã có thể bắt được ốc cừ. Muốn có ốc to phải ra biển ở mực nước sâu.
Ảnh Trương Anh Quốc
Ốc cừ ở vùng biển Quảng Ngãi ngon hơn ốc ở các vùng biển khác. Ốc cừ ở nơi khác không mặn mà thấm thía như ốc cừ ở đảo Lý Sơn. Bởi vậy giá ốc cừ Lý Sơn cao hơn ốc cừ nơi khác. Ốc cừ vỏ vào mùa chừng 20.000đ/ký, ốc ruột khoảng 120.000đ/ ký. Ban đêm dạo loanh quanh trên huyện đảo bạn sẽ bắt gặp những chị em đập vỏ ốc cừ để sáng mai mang ra chợ bán. Bạn sẽ dễ dàng mua vài ký ốc về hấp gừng ăn chơi. Hoặc vào quán ở gần chùa Hang, sẽ có ngay dĩa ốc thơm ngon, giá cả lại phải chăng.
Hấp ốc cừ cũng dễ. Rửa ốc thật sạch, cho vào nồi. Bỏ thêm gừng, muối, chút bọt ngọt rồi hấp. Nếu là ốc ruột, hấp chừng 5 phút, ốc vỏ hấp lâu hơn.
Ốc cừ ăn kèm với rau húng quế và tỏi tươi Lý Sơn mới ngon. Dùng tăm tre nhọn khều ruột ốc, chấm với muối tiêu chanh, ngon "hết biết".
Cũng là ốc cừ nhưng hấp để vỏ gọi là ốc gõ. Có lẽ người dân Lý Sơn gọi tên theo cách ăn ốc. Muốn ăn ốc gõ phải dùng muỗng cứng hay gõ ốc vào mặt bàn cho vỏ ốc vỡ ra.
Ra biển đảo Lý Sơn, ngắm cảnh thiên nhiên hoang dã, ngồi nhâm nhi ốc cừ hấp gừng trong gió lộng nhìn sóng biển rạt rào không gì thú bằng. Ăn ốc cừ một lần, nhất định bạn sẽ ...ghiền ra đảo.
Theo Trương Anh Quốc
PNO

Dân dã nhái đồng

Những ai đã từng gắn bó với ruộng đồng thì khó lòng mà quên được món ăn dân dã làm từ thịt nhái. Cháo nhái, thịt nhái chiên giòn, chả nhái là những món ăn quen thuộc với người dân Việt. Không chỉ là món ngon mà thịt nhái còn là vị thuốc quý lưu truyền trong dân gian, điều trị các bệnh còi xương, biếng ăn cho trẻ, suy nhược, mất ngủ đối với người lớn.

Thủa nhỏ, những hôm rảnh rỗi, tôi thường theo cậu đi soi nhái. Mùa soi nhái quê tôi rộ lên khi những cơn mưa đầu mùa, ruộng đồng có nước. Đồ nghề chỉ một cái đèn pin, một túi đựng nhái. Trời sụp tối, bóng đêm bao trùm cánh đồng mênh mông, xen lẫn trong tiếng cuốc kêu, tiếng ễnh ương ì ọp… là bản đồng ca của họ nhà ếch nhái. Tôi bám gót theo cậu về phía ao được bọc bởi những bụi dứa – nơi phát ra tiêng kêu inh ỏi của lũ nhái.

Cậu dừng lại trong giây lát, lắng nghe và định hướng chính xác, rồi nhanh như cắt bật đèn lên, chụp mạnh chú nhái con giương to miệng .Vốn là dân ruộng chính gốc, chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, cậu đã bắt được túi nhái với vài chục con kêu la inh ỏi.
Thịt nhái chiên giòn. Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Nhái bắt về làm thật sạch để tránh mùi tanh. Làm thịt nhái, tưởng như đơn giản nhưng quả không dễ dàng đối với ai lần đầu tập tò làm thử. Người ta thường lấy lá tre hoặc tro sát vào thân nhái để loại bỏ hết chất nhờn đồng thời như vậy nhái sẽ nằm im và dễ làm thịt hơn. Dùng dao lột nhẹ lớp da, mổ bụng, bỏ hết các bộ phận chỉ để lại đùi và phần thân. Những con nhái lớn có thể lấy bộ lòng.

Bắt nhái đã thú vị, chế biến thịt nhái càng hứng thú hơn vì thịt nhái có thể chế biến thành rất nhiều món. Phổ biến nhất là món nhái chiên giòn. Thịt, da sau khi làm sạch, chặt ra từng miếng rồi cho bột ngọt, muối, tỏi, tiêu, một ít sả… vào ướp. Chỉ mới bỏ vào chảo dầu sôi lăn tăn đã nghe mùi sả, ớt rồi đến mùi thịt bốc lên thơm phức, khiến bụng ai cũng cồn cào.

Người sành ăn không thể bỏ qua món cháo nhái. Món cháo nhái muốn thơm ngon hơn thì gạo nên rang vừa vàng trước khi nấu, nồi cháo sẽ không còn nhựa. Trong khi đợi cháo chín, bắc chảo lên bếp, cho dầu, tỏi, hành vào phi rồi cho thịt nhái đã ướp gia vị vào xào.
Cháo nấu vừa nở thì trút hết thịt, trộn đều. Cháo sôi lại vài phút là có thể nhắc xuống. Múc ra từng tô cháo nóng, cho thêm hành lá băm nhỏ, rắc thêm ít tiêu, vài lát ớt trước khi ăn để có cảm giác cay nồng. Món cháo nhái ăn nóng cùng bánh tráng nướng tuyệt không gì bằng.

Nhưng có lẽ hiếm và ngon nhất là món chả nhái. Nhái làm sạch, tẩm ớt tiêu, hành khô rồi xay đều. Sau đó, nặn thành từng miếng nhỏ, cho vào chảo nóng chiên vàng. Chả nhái dai dai, ngọt ngọt chấm với nước mắm chua, kèm vài miếng rau thơm, rau húng là món ăn khó quên. Gắp từng lát thịt nhái vào miệng, tận hưởng mùi thơm dân dã của “hương đồng cỏ nội” mới hiểu hết sự ưu đãi của thiên nhiên đối với con người.

Theo Thanh Ly
LĐO

Chè lam đậm đà chất quê

Chè lam là một trong những sản vật ẩm thực độc đáo tạo nên thương hiệu của vùng Kinh Bắc. Là món quà quê mà mỗi khi có dịp đến đây ai cũng muốn mua về biếu tặng những người thân.

Ở nước ta nhiều địa phương có thói quen làm món chè lam vào những ngày hội, ngày lễ, Tết hay những lúc nông nhàn…mọi người quây quần vui vẻ bên nhau đầm ấm sum vầy…cũng là một nét văn hóa rất thanh tao, đậm đà chất quê tạo nên sự gắn trong kết gia đình, cộng đồng làng xóm.

Chè lam có thể được người dân Kinh Bắc làm quanh năm, suốt bốn mùa đều có thể thưởng thức món quà quê dân dã này, tuy nhiên thường thì vào những dịp lễ, Tết, ngày giỗ, ngày hội làng… thì chè lam là món rất phổ biến và không thể thiếu.

Theo phương pháp truyền thống của người dân vùng Kinh Bắc, nguyên liệu để làm chè lam gồm có gạo nếp ngon là nếp cái hoa vàng càng tốt, rang nổ rồi xay thành bột mịn, đun đường kính cùng mạch nha thành mật, đây là công đoạn quan trọng đòi hỏi cần có sự khéo léo và kinh nghiệm của người nấu, điều chỉnh ngọn lửa sao cho vừa đủ độ mật không bị non quá vị thơm sẽ kém hay già quá thì bị cháy khét và đắng, lạc (đậu phộng) rang giòn dập nhỏ, hạt vừng và đặc biệt là không thể thiếu củ gừng tươi nghiền nhỏ.
Sau khi nấu mật xong thì trộn tất cả gia vị vào chung rồi quấy cho thật đều tạo độ dẻo cho chè lam, khi nguội thì bầy ra mâm rắc thêm một lớp bột nếp bao phủ bên ngoài, đặt ra đĩa cắt thành từng miếng nhỏ sao cho vừa ăn.

Thật thú vị khi được thưởng thức miếng chè lam, cảm nhận sự dẻo quyện và dai dai, bùi bùi, vị ngọt đượm của mật, vị thơm ấm nồng của củ gừng, vị giòn béo ngậy của đậu phộng và hạt vừng, hương đậm đà của bỏng nếp cái hoa vàng… như đánh thức tất cả các giác quan, tạo sự hấp dẫn quyến rũ đến lạ thường.

Là một món quà quê dân dã, giá giẻ nhưng chè lam vẫn chứa đựng vẻ thanh tao ở vùng thôn quê nên từ lâu đã trở nên phổ biến. Ngày nay, thương hiệu chè lam Bắc Giang đã bay đi khắp đây đó để có mặt tại nhiều lễ hội lớn trong cả nước, như lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), hội Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương), hội Yên Tử (Quảng Ninh), hội vùng Kinh Bắc và nhiều lễ hội khác trong cả nước.
 

Theo Nguyễn Văn Hưởng
LĐO

Một thời rau lang

Những đợt mưa xuân dai dẳng đầu năm làm cho đất ruộng mềm và ẩm, là điều kiện khí hậu thích hợp nhất cho những thửa khoai lang vào thời kì xanh non mơn mởn. Những ngọn khoai mập mạp còn phơn phớt tím nhú lên khỏi tán lá xanh chằng chịt dưới gốc nom đến là ngon mắt.

Ở quê tôi, rau lang được trồng quanh năm, là loài thân rễ được trồng để lấy củ và thân cho lợn, thế nhưng thi thoảng để “đổi món” thì rau lang vẫn được coi là một loại rau ăn giản dị, gần gũi mà không kém phần hấp dẫn khi biết cách chế biến.
Để phù hợp theo sở thích, khẩu vị của từng người mà rau lang ngày nay có nhiều cách chế biến mới tạo ra những hương vị lạ cho món ăn như gỏi rau lang tôm thịt, gỏi rau lang thịt gà xé…Với tôi, hương vị thứ rau dân dã ấy còn lưu lại trong kí ức chỉ là rau lang xào tỏi hay rau lang luộc chấm tương gừng.

Từ những ngọn rau non còn dính nhựa trắng mới mang ngoài ruộng về, mẹ dặn tôi rửa sạch rồi đưa cho mẹ trần qua nước sôi rồi lại vớt ra chậu nước lạnh bỏ sẵn vài hạt muối. Làm như vậy giúp rau không bị nát và rau vẫn giữ được màu xanh khi xào. Khi hái rau lang chỉ ngắt từ phần rau non ăn được, vì thế rau lang khi nấu đặc biệt không cần nhặt lại.
Rau ngâm khoảng năm phút lại vớt ra rổ để ráo nước, cho tỏi vào chảo phi thơm rồi cho rau vào xào cùng, nêm gia vị, mắm muối là đã có một đĩa rau thật ngon cho bữa cơm gia đình. Rau lang xào tỏi ăn bùi và mềm hơn rau muống, không the như rau cải, là món ăn không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe như chữa các bệnh về đường tiêu hóa.
Ngọn rau lang luộc cũng là một món ăn hấp dẫn thay thế những bữa cơm đã ngán dầu mỡ. Ngọn rau lang rửa sạch rồi ngâm qua nước vo gạo hòa sẵn một ít muối, sẽ giúp rau bớt nhựa và không bị chát. Khi luộc rau để sâm sấp nước, không nên cho ít nước vì rau bị hở lên khỏi mặt nước rau sẽ bị thâm và dai. Rau luộc chấm với tương gừng hoặc mắm cáy, vị ngọt của rau càng thêm đậm đà.

Lá rau lang cũng có thể dùng nấu canh, đặc biệt ngon khi nấu với hến, trai. Chọn những lá rau bánh tẻ, không lấy lá non quá dễ bị chát, rửa sạch để ráo nước. Hến hoặc trai ngâm qua một ngày cho nhả hết đất, luộc đến khi há mồm thì lấy thân bóp sạch ruột. Nước luộc để lắng, gạn lấy nước trong bên trên làm nước dùng.
Xào hến hoặc trai với dầu ăn và gia vị rồi mới đổ nước vào, đun sôi thì mới cho rau lang, khi nước sôi trở lại bắc ra dùng nóng. Ăn canh này vào những ngày lạnh thì rất tuyệt. Thời tiết ẩm ướt khiến những cây nấm dưới chân đống rơm sau nhà được dịp mọc lên chi chít, rau lang nấu canh với nấm cũng là một món ngon cho những ngày mưa.

Rau lang từ lâu đã góp mặt trong các mặt hàng ẩm thực ngoài thành phố, tuy giá cả có phần cao hơn so với các loại rau khác nhưng là loại rau “sạch” nên rất được lòng các bà nội trợ. Còn với những người dân quê tôi, rau lang vẫn mãi là món ăn dung dị, dễ trồng, dễ kiếm, đôi khi lỡ không kịp lên ruộng nhà mình lấy rau, chỉ xin nhau một tiếng là đã có thức ăn cho một bữa cơm dân dã.
 

Theo Nguyên Nhung
LĐO

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Nơi thời gian ngừng lại


(Toquoc)-Cách Hà Nội 90 km về phía đông bắc, vùng đất này là một trong ba trung tâm lưu giữ văn hoá thời Trần cùng với Hoàng thành Thăng Long và Thiên Trường (Nam Định). Đó là Đông Triều - miền đất cửa ngõ phía Tây tỉnh Quảng Ninh, nơi mà những di tích tạo thành một quần thể đậm đặc lịch sử đến nỗi có cảm giác thời gian không chảy trôi qua đây.
Những dấu ấn lịch sử!
Sự kiện lịch sử đầu tiên được ghi dấu trên mảnh đất này là cuộc khởi nghĩa của Lê Chân năm 39 sau Công nguyên - một trong những vị nữ tướng tâm phúc của Hai Bà Trưng. Lê Chân hồi đó mới 20 tuổi, là người tài sắc vẹn toàn, nhưng vì không chịu làm tì thiếp của viên Thái Thú nhà Hán nên đã bỏ trốn sang đất Hải Phòng, chiêu mộ binh sỹ theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa, được phong chức Chưởng quan binh quyền nội bộ và hy sinh tại Kim Bảng – Hà Nam năm 43. Hiện đền thờ bà Lê Chân ở quê nhà làng Vẻn, thôn An Biên, xã Thuỷ An, huyện Đông Triều vẫn được người dân thờ phụng và mở hai hội lớn hàng năm vào ngày rằm tháng Tám và ngày 25 tháng Chạp Âm lịch.
Am Ngoạ vân
Trải qua suốt thời kỳ Bắc thuộc, nhiều dấu ấn lịch sử vẫn còn lưu lại đến ngày nay nằm rải rác trên cánh cung Đông Triều thuộc địa bàn huyện như chùa Bắc Mã thờ ba anh em họ Trương, đền thờ bà Vĩnh Huy, Thánh Thiên, chị em Nguyệt Thai-Nguyệt Độ-là những người đã chiến đấu chống lại ách thống trị của giặc phương Bắc.
Hơn một trăm ngôi chùa, đình, đền thờ, nghè, miếu được các nhà khảo cổ xác định có niên đại trên 1000 năm, trong đó nhiều nhất là các di vật từ thời nhà Trần.
Các cuộc phát tích khảo cổ trong khoảng chục năm gần đây cho thấy: Đông Triều chính là mảnh đất gốc gác của nhà Trần, nơi yên nghỉ của 8 vị hoàng đế. Thời nhà Trần, Đạo Phật là quốc đạo, vì thế các chùa Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Bắc Mã khi đó rất nổi tiếng. Riêng chùa Quỳnh Lâm là nơi Trần Nhân Tông, sư Pháp Loa, sư Huyền Quang – các vị tổ của Thiền Phái Trúc Lâm – trụ trì và mở rộng chùa. Những chuyến khảo sát của Viện khảo cổ từ năm 2007 đến nay cũng chứng minh được phần nào những gì sử sách ghi chép về chùa Quỳnh Lâm như chùa từng rộng hàng trăm gian, là trung tâm truyền kinh giảng đạo, có hệ thống vườn tháp nguy nga cùng nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Chùa còn có Quỳnh Lâm viện và thi xã Bích Động là nơi gặp gỡ đàm đạo văn chương của các văn nhân thời bấy giờ. Chuông đồng và tượng Phật Di Lặc của chùa Quỳnh Lâm cũng là một trong những báu vật quốc gia, nhưng rất tiếc đã bị mất mát và tàn phá trong những năm chiến tranh. Hiện chùa còn lưu giữ tấm bia đá lớn từ thời Lý, khánh đá và một vài toà tháp nhỏ.
Cách chùa Quỳnh Lâm khoảng 1km vào thôn Nghĩa Hưng, xã An Sinh là đền An Sinh - nơi thờ chung 8 vị vua Nhà Trần, nằm ở trung tâm khu lăng mộ các vua Trần, bao gồm lăng mộ của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Giản Định Đế (trong đền), lăng mộ Trần Anh Tông ở khu trại Lốc, lăng Trần Minh Tông ở khu Khe Gạch, lăng Trần Hiến Tông ở khu Ao Bèo, lăng Trần Dụ Tông ở khu Đống Tròn, lăng Trần Nghệ Tông ở khu Khe Nghệ. Các lăng mộ được xây dựng cách xa nhau nhưng đều quay đầu về phía ngôi đền thiêng.
Các chân đá tảng chạm trổ hình hoa sen
Từ đền An Sinh ngược đến Trại Lốc, men theo suối phủ Am Trà, rẽ phải lên Thông Đàn là tới am Ngoạ Vân – nơi vua Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Sử sách ghi Đức Ngài cũng theo đường này để lên Yên Tử. Đó cũng là con đường mà dân du lịch bụi Hà Nội yêu thích khi hành hương về đất Phật.
Dấu ấn của nhà Trần còn để lại ở chùa Non Đông (Mạo Khê) với tấm bia khắc có biểu tượng con rồng uy nghi lưng võng hình yên ngựa, ở những bài thơ chữ Hán, chữ Nôm khắc trong hang núi Con Mèo, trong chùa Cảnh Huống, ở tấm bia đá trên khoảnh đồi có thế rồng ngồi hổ phục tương truyền là vườn thượng uyển nơi các vua Trần dừng chân trên đường đánh giặc thuộc xã Yên Đức ngày nay.
Trở trăn con đường du lịch
Theo số liệu thông kê từ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh, lượng khách du lịch đến vùng du lịch Uông Bí-Đông Triều năm 2009 đạt gần 1,5 triệu lượt người. Tuy nhiên phần lớn lượng khách tham quan mới chỉ dừng chân ở các cơ sở sản xuất gốm sứ Đông Triều bên đường quốc lộ trên hành trình về Yên Tử chứ chưa có tour du lịch chính thức nào khai thác khu di tích lịch sử nhà Trần. Thậm chí, chủ trương của tỉnh cũng lồng ghép ba huyện Yên Hưng, Uông Bí, Đông Triều vào một vùng du lịch lịch sử - tôn giáo – sinh thái chứ không phát triển riêng theo địa bàn huyện.
Các chuyến khảo cổ gần đây giúp khách thập phương biết đến mảnh đất Đông Triều nhiều hơn, song những thông tin trên báo chí phần nhiều mang tính giới thiệu sơ qua còn những gì hấp dẫn nhất lại nằm trong tài liệu của các nhà khảo cổ học.
Hiện chưa có tour du lịch chính thức nào khai thác khu di tích lịch sử nhà Trần
Trong khi đó, hằng ngày hằng giờ, bao di tích quý đang bị xuống cấp và có nguy cơ thành phế tích như chùa Bình Lục, chùa Cảnh Huống, am Ngoạ Vân, Thông Đàn, Ba Bậc, Núi Thung – nơi lưu giữ toàn bộ văn bia chữ Hán ghi dấu nhiều sự kiện của quá trình dựng nước và giữ nước…
Sức hấp dẫn của quần thể di tích Đông Triều đã được khẳng định trên các diễn đàn du lịch của giới trẻ khi ngày càng nhiều dân du lịch bụi chọn nơi này làm điểm khám phá mới. Du lịch Đông Triều có nhiều điểm đặc biệt độc đáo như: có thể kết hợp du lịch lịch sử với du lịch tôn giáo – tâm linh bởi các đình chùa miếu cổ đều gắn liền với con đường đắc đạo của Đức Trần Nhân Tông – ông tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm. Bên cạnh đó, lại có thể kết hợp với du lịch sinh thái bởi đặc điểm địa hình 3/4 là đồi núi, nhiều hồ nước tự nhiên nằm lưng chừng núi giữa phong cảnh hoang sơ bên cạnh những di tích cổ như đập Khe Chè, đập Bến Châu, hồ Thiên, hồ Lao và bao quanh những đồi thông, đồi vải, đồi na mênh mông. Chưa kể du lịch làng nghề của Đông Triều cũng đầy tiềm năng, điển hình là nghề làm gốm sứ. Gốm sứ Đông Triều luôn được đánh giá là một trong những vùng sản xuất gốm nổi tiếng của Đông Bắc Bộ trong các cuộc triển lãm, trưng bày gốm toàn quốc.
Mới đây, chính quyền huyện Đông Triều đã lên quy hoạch tổng thể nhằm phát triển du lịch của huyện một cách bài bản, khoa học, hiệu quả và bền vững. Ông Bùi Tiến – Phó chủ tịch UBND huyện Đông Triều cho biết: “Bản quy hoạch còn chờ được UBND tỉnh xem xét phê duyệt vào tháng 3 tới. Ngay khi có chủ trương của tỉnh, huyện sẽ bắt tay ngay vào công tác đầu tư, tôn tạo, bảo tồn các di tích. Hiện tại, huyện vẫn đang tiếp tục làm hợp đồng với Viện Khảo cổ để tiến hành các chuyến thám sát khảo cổ nhằm đánh giá đúng giá trị của di tích, đồng thời có hướng bảo tồn đúng, tránh phá cũ làm mới như nhiều địa phương phạm phải”.
Các tuyến đường giao thông nối từ quốc lộ 18A vào khu di tích nhà Trần thuộc huyện Đông Triều cũng đang trong thời gian sửa sang, làm mới. Chính quyền địa phương tin rằng sự thuận lợi trong giao thông sẽ giúp cái nôi văn hoá - lịch sử này được biết đến nhiều hơn, xây dựng được những tour du lịch chính thức và ngày càng thu hút được nhiều khách du lịch trong thập kỷ mới, chứ không chỉ là những chuyến đi lặng thầm của dân du lịch ‘bụi’.
Tùng Mai

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Đậm đà bún mắm nêm Phan Rang

Có người từng khẳng định, ở Phan Rang không có gì dễ kiếm hơn bún mắm nêm. Con đường nào, dù lớn hay nhỏ, đều có bán món này.

(NTO) Mắm nêm không phải là đặc sản của xứ nắng Phan Rang, càng không là nét riêng có của đất này. Mắm nêm có ở khắp nơi, từ Bắc chí Nam, từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị. Nhưng chỉ ở Phan Rang, mắm nêm mới được dùng đặt cho một món ăn (chứ không chỉ là một loại nước chấm), và nâng nó lên thành một đặc sản.
Chuyện những bạn trẻ quê Ninh Thuận lùng sục rồi rỉ tai nhau một vài địa chỉ bán bún mắm nêm ở đất Sài Gòn không còn là chuyện quá xa lạ. Nhưng chắc ít ai ngờ nhiều kiều bào sau mấy chục năm bôn ba xứ người, cứ mỗi lần về Phan Rang nắng gió lại tìm đến món ăn rất “đường phố” này.
Gọi là món ăn “đường phố” vì chưa thấy bún mắm nêm nằm trong thực đơn của nhà hàng, khách sạn nào cả. Dường như cứ phải bày bán ở những lề đường, góc phố, những chợ quê, ngõ nhỏ,… thì bún mắm nêm mới dậy mùi, dậy vị. Hay thực khách cũng bối rối bởi hơi thở “có mùi” mắm nêm, mà lại không đành lòng từ chối một thức quà nho nhỏ đầy cuốn hút?
Bún mắm nêm là đặc sản của xứ nắng Phan Rang.
Người bạn miền Tây sông nước của tôi đã vô cùng kinh ngạc khi lần đầu ăn bún mắm nêm: “sao đơn giản vậy!?”. Đúng là bún mắm nêm Phan Rang rất đơn giản (không giống với bún mắm nêm Hội An ăn kèm với thịt heo quay, mít luộc, đậu phộng rang,…). Chẳng phải nấu nướng, chẳng phải chuẩn bị cầu kỳ gì cả: bún tươi, một tô mắm nêm vừa đủ mặn, đủ cay, ít rau sống, cà pháo, thế là xong. Ai thích ăn thêm chả lụa, chả cá hay gì thì tùy. Chắc nhờ đơn giản mà bún mắm nêm có giá tương đối “mềm”: chỉ từ 5.000 – 7.000 đồng/tô, ở các làng quê còn rẻ hơn nữa. Dễ mua, dễ ăn nên bún mắm nêm không kén bất cứ một thực khách nào.
Người sành ăn thật sự sẽ không thích mắm nêm được chế biến với nhiều gia vị hay pha loãng. Họ sẽ yêu cầu mắm cái dằm ớt, tức mắm nêm nguyên chất, vẫn còn nguyên “cái”. Và họ cũng chỉ ăn với cà pháo chứ không thêm bất cứ thứ gì nữa. Như thế thì bún mắm nêm mới thật sự đậm đà, mùi vị mắm nêm không bị át bởi các gia vị, rau mùi khác.
Có người từng khẳng định, ở Phan Rang không có gì dễ kiếm hơn bún mắm nêm. Con đường nào, dù lớn hay nhỏ, đều có bán món này. Và dù ngày nắng hay ngày mưa, đầu hay cuối tuần,… thì ở những hàng ăn be bé này, lúc nào cũng có khách. Từ những cô cậu học trò, những đôi tình nhân,.. đến các cô, chú lớn tuổi.
Và như một "định mệnh", đã ăn bún mắm nêm thì khó ai có thể bỏ được, cũng như những người bán bún mắm nêm ở đất này, nếu không phải truyền từ đời này sang đời khác thì cũng có thâm niên trên chục năm. Tôi có anh bạn quê ở Bắc, cứ trước khi về quê là phải ăn vài tô bún mắm nêm, rồi khi vào lại trong này, món đầu tiên anh chọn cũng là bún mắm nêm. Nếu nói anh đã “yêu” thì chắc không quá. Và tôi biết rất nhiều người Phan Rang cũng “yêu” như anh.
Người ta nói món ăn thể hiện tính cách con người. Tôi tin điều ấy. Với tôi, người Phan Rang cũng giản dị, gần gũi, đậm đà, không thật xinh nhưng cứ làm người ta nhớ hoài.

Điệu hát giao duyên làng Mỹ Tường

Nhờ câu hát giao duyên mà gắn kết nghĩa tình xóm làng đầm ấm. Gái trai được vợ nên chồng một lòng một dạ ăn ở với nhau đến cuối đời.

(NTO) Với truyền thống ba trăm năm lập làng, Mỹ Tường được xem là một trong những vùng cư dân cổ ở ven biển huyện Ninh Hải. Múa siêu và hát giao duyên là hai loại hình văn hoá làng đặc sắc trong đời sống tinh thần của người dân địa phương. Múa siêu biểu hiện cho tinh thần thượng võ của cư dân khai hoang mở đất. Hát giao duyên khơi gợi tình cảm giao hoà gái trai trên vùng đất mới. Thông qua hát giao duyên (còn gọi là hát ghẹo gái, hát đối đáp), con người trở nên gần gũi gắn bó keo sơn. Bà Lê Thị Lý ở thôn Mỹ Tường 2 là một trong số ít những người tâm huyết giữ hồn điệu hát giao duyên lan truyền trên vùng đất Mỹ Tường.
Nghệ nhân Bảy Lý vừa se võng vừa hát giao duyên.
Ngồi se võng gai dưới mái nhà ngói cổ, bà Bảy Lý say sưa hát giao duyên. Tiếng hát ngân nga luyến láy da diết ân tình của nghệ nhân dân gian làm lay động lòng người. Sáu mươi bảy tuổi, nghệ nhân Bảy Lý “nằm lòng” hàng ngàn câu hát. Tuổi thơ của bà được tắm mình trong những đêm trăng hát giao duyên. Mùa trăng, trai bạn các làng chài ít đi biển. Họ thường rủ nhau về Mỹ Tường hát giao duyên. Trai gái tuổi mười tám đôi mươi chưa có gia đình mới được ngồi vào chiếu hát. Các cuộc hát kéo dài thâu đêm suốt sáng. Sự hấp dẫn bởi tài ứng đáp thông minh của người hát và sự gắn kết nghĩa tình của trai gái.
Bên nữ hát rằng:
Nằm nhà đắp chiếu ngủ an
Em nghe bạn lạ hò khoan sân này.
Dời chân ba bước tới đây
Xem trăng chưa tỏ nhìn mây chưa tường.
Bên nam đáp:
Lầu tây ngọn gió tứ phương
Đôi đứa mình mới ngộ tình thương vô hồi.
Trăm năm khăng khắng một lời
Nào ai đem dạ đổi dời mặc ai.
Bên nữ hát:
Phải duyên em đợi, em chờ
Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông.
Chị em ai nấy có chồng
Phải duyên em ở vậy ôm lòng chờ anh.
Bên nam đáp:
Cất tiếng kêu xin hỡi tình khanh
Xin em giữ dạ sắc cầm đừng phai.
Anh xin giữ áo lâu dài
Nào ai có dỗ, em cũng đừng sai tất lòng…
Câu hát giao duyên sử dụng thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Người hát còn dùng điển tích Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Thoại Khanh Châu Tuấn để bày giải tấm lòng. Trong lời hát của mình, nghệ nhân Bảy Lý nhấn nhá những từ đệm ơ…hờ…ơ… tạo sự gợi cảm giữa các câu hát. Có lẽ đây là nét riêng về mặt thanh âm trong điệu hát giao duyên ở vùng đất Mỹ Tường. Ông Phạm Ngọc Sang ở thôn Mỹ Tường 2 cho rằng hát giao duyên là một phần hồn vía của làng. Thi thoảng, ông vẫn mời các nghệ nhân Bảy Lý, Ba Thương, Chín Non, Minh Diệu…về nhà mình hát. Nhờ câu hát giao duyên mà gắn kết nghĩa tình xóm làng đầm ấm. Gái trai được vợ nên chồng một lòng một dạ ăn ở với nhau đến cuối đời.
“Hồi nhỏ, tui nghe trong làng có chiếu hát là bụng dạ không yên. Cứ ngóng trông chờ cho tới tối là đi nghe các dì các chị trong làng hát. Bạn hát từ Khánh Hội xuống hoặc từ Đông Ba đi thuyền qua, vui lắm! Câu hát nghĩa tình của ông bà cha mẹ ngấm vào người, không rứt ra được. Lâu lâu, nhớ chiếu hát, tui rủ rê những người cùng thời ngồi lại hát cho vui. Tui cố công bày biểu cho các cháu trong xóm hát được câu nào mừng câu đó. Những người biết rành và còn mê hát giao duyên ở xã Nhơn Hải hiện nay cũng đã 60-70 tuổi. Mai mốt lớp người này trở về với ông bà liệu làn điệu hát giao duyên ở Mỹ Tường có còn được lưu truyền hay chăng?”, bà Bảy Lý lo ngại nói.

Tản mạn về Canh cua

“ Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.” Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà chàng trai nọ xa quê nhà lại nhớ đến canh rau muống cà dầm tương.

Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương. Hẳn trong món canh rau muống ấy ẩn chứa điều gì sâu sắc lắm thì chàng trai khi đi xa mới da diết nhớ như vậy. Chứ mấy ai lại nhớ món ăn thay vì người thân trong gia đình bao giờ. Món canh rau muống ở đây được nhắc tới ấy chính là món canh nấu với cua đồng. Bởi món đầu vị của cua đồng cứ phải là canh: Canh cua rau muống, canh cua rau đay, rau nhút, canh cua rau tập tàng, canh cua mướp hương mồng tơi, và đặc biệt canh riêu cua.
Ngày trước muốn món canh nấu với cua thật đặc biệt, thì cua cứ phải giã thật nhuyễn trong cối đá bằng chày gỗ lim. Cua đồng mua ngoài chợ về, rửa sạch cho hết bùn đất, lột bỏ yếm, gỡ mai, thân thịt để riêng. Khi giã cua, nhớ thêm một chút muối, giã đều tay cho thật nhuyễn. Phần mai cua dùng càng lấy hết gạch để riêng ra một cái đĩa.
Cua giã cho vào nồi đổ nước quấy tan, lọc lấy nước và thịt, bỏ phần bả xương. Một mẹo nhỏ để lấy hết được thịt cua là đừng dùng vỉ để lọc lấy nước. Chỉ nên nghiêng nồi về một bên, lấy đũa đặt ngang để chặn bớt bả xương theo xuống. Lọc như thế nhiều lần, thịt cua sẽ lặng được hết còn lọc bằng vỉ chỉ lấy được nước còn thịt thì không.
Đem nước cua đã lặng, đun tới khi gần sôi thì bớt lửa để gạch cua đóng thành từng miếng xốp như bánh bông lan nổi trên mặt nồi, thả rau vào nêm gia vị thế là đã có một thứ tuyệt hảo để nhớ đời rồi. Mà chẳng hiểu sao, cũng là cua đấy nhưng khi ăn canh cua giã bằng cối đá thì béo, ngon ngọt hơn dùng xay bằng máy. Vị ngầy ngậy cứ quyện mãi nơi đầu lưỡi…
Với canh riêu cua thì lại khác, phức tạp hơn bởi thêm khâu làm chua và làm ngậy. Canh riêu cua có thể chua me, chua sấu, chua khế, chua dọc, nhưng không gì bằng chua mẻ. Làm chua bằng cơm mẻ, vị chua thanh dịu, chua mà ngọt. Trong cơm mẻ lại có men tiêu hóa, nhờ men này, bát canh phần nào đã có chén thuốc. Đãi khách bằng bát canh riêu cua nấu mẻ cũng là cách khoe nếp nhà. Nhà có nền nếp thì mới giữ được con cái mẻ không chết trong góc bếp để nó ăn cơm nguội, sống mãi đời mẻ, chờ tới nồi riêu cua lần sau.
Trong bài đồng dao ẩm thực “ Bà già đi chợ cầu Canh / Cái tôm đi trước, củ hành theo sau / thằng cua lẽo đẽo theo hầu / Cái chày rơi xuống vỡ đầu thằng cua.” ấy cũng là đang nói về quá trình làm ngậy của món riêu cua. Hành phải được phi thơm trong chảo mỡ nóng tới khi hơi cháy thì đổ nhanh đĩa gạch cua vào. Nghe tiếng xèo xèo một lúc đã thấy mùi thơm nức tỏa ra, lóng lánh những ánh sao đen, sao đỏ, sao vàng. Nghiêng chảo cho hỗn hợp vừa xào lên trên nồi riêu cua mới tắt bếp, chan đều vào bát bún, chỉ thế thôi mà khi ăn sao thấy ngọt thơm đến lạ. Món bún riêu chân truyền thì cứ là ăn kèm với rau diếp thái chỉ thật nhỏ sợi. Có người muốn đậm đà hơn bằng cách dậy mùi thêm vào một đũa mắm tôm.
Một bát canh cua, vài quả cà pháo, chén mắm tôm, bát cơm dẻo…chỉ thế thôi mà thành nếp nhà, thành nỗi nhớ, để mỗi khi ai đó đi xa lại nao nao trong lòng cảm giác nhớ: Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.

Nguồn Ẩm thực Việt Nam

Vườn treo lưng núi

Giữa nắng nóng mùa hè xứ Phan Rang, chúng tôi lại lên thăm vùng cây trái xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, - vùng đất nổi tiếng “vườn treo lưng núi” dưới chân đèo Ngoạn Mục.

Các loại cây măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, mít, điều, ổi, cam vú sữa, bưởi, quít, bơ…đang vào mùa ra hoa kết quả. Hương thơm tinh khiết lan tỏa của những loài cây đặc sản miệt vườn mang đậm nét Nam bộ này lại tươi tốt ở xứ hạn mới là điều kỳ lạ!
Các loại trái cây đặc sản, chất lượng cao như : điều, sầu riêng, mít, măng cụt, chôm chôm, bơ, mận,…
Đèo Ngoạn Mục hay còn gọi là đèo Sông Pha là một trong những đèo núi đẹp nhất Việt Nam tại Ninh Thuận, dài 18,5 km ngoằn ngoèo chạy men theo những sườn núi dựng nối thung lũng Ninh Sơn với cao nguyên Lang Biang, có độ dốc trung bình trên 9 độ, là đèo có độ dốc lớn nhất ở các tỉnh phía Nam. Nằm trên quốc lộ 27A từ Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đi Đà Lạt, đèo có độ cao khoảng 200m ở điểm thấp nhất và lên tới 980 m ở đỉnh đèo.
Đèo Ngoạn Mục- Thác Sakai và những vườn trái cây treo lưng núi là nét riêng có độc đáo ở vùng đất Sông Pha. Cách đây hơn một trăm năm trước, nhà thám hiểm- bác sĩ nổi tiếng A.Yersin đã từng dừng chân “đóng quân” trước khi đến với cao nguyên Lang Biang phát hiện ra một Đà Lạt thơ mộng ngày nay. Đèo Sông Pha còn là điểm dừng chân của du khách trong vùng “tam giác xanh” Đà Lạt- Phan Rang- Nha Trang. Sở dĩ nơi này thích hợp với nhiều loại cây ăn quả vì với độ cao hơn 300 mét so với mặt nước biển, vùng Sông Pha có khí hậu ôn đới bốn mùa mát mẻ như khí hậu cao nguyên Lang Biang. Đất đai vùng này rất thích nghi cho các loài cây ăn trái. Năm 2007, tỉnh Ninh Thuận có dự án mời gọi các nhà đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái thác Sakai và đèo Ngoạn Mục trở thành nơi dừng chân lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Dự án này bao gồm hệ thống các nhà nghỉ bungalows, khu vui chơi thác Sakai, các điểm dừng chân ngắm cảnh dọc đường đèo Ngoạn Mục với nguồn vốn đầu tư dự kiến trên 30 tỷ đồng.
Thác Sakai, cảnh đẹp đang được địa phương có dự án kêu gọi đầu tư du lịch sinh thái.
Một cán bộ thuộc ban kinh tế xã Lâm Sơn cho biết: Chính quyền địa phương đang khởi đầu bước đi xây dựng thương hiệu cho dòng trái cây đặc sản Sông Pha có diện tích hơn 200 ha. Nhờ điều kiện khí hậu đất đai đặc biệt nên chất lượng trái cây ở đây thơm, ngon. Chôm chôm, măng cụt, bơ “made in Sông Pha” có giá bán cao hơn trái cây cùng loại ở các nơi khác. Giá trị kinh tế của một héc ta vườn hiện nay cũng chỉ khoảng 50 triệu đồng/năm. Xã Lâm Sơn dự tính trong thời gian tới sẽ xây dựng vườn cây chuyên canh chất lượng cao và đăng ký thương hiệu hàng hóa. Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông nghiệp Đông Nam bộ- Tây nguyên cử cán bộ về địa phương điều tra xây dựng đề án đầu tư phát triển kinh tế vườn mở rộng đến 350 ha theo hướng chuyên canh cây đặc sản chất lượng cao. Anh Nguyễn Trung Thành, một nông dân bám trụ xây dựng vườn cây dưới chân đèo Ngoạn Mục tâm sự: "Tôi có 6 sào vườn trồng sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, chuối tiêu. Cả nhà có 5 miệng ăn sinh sống nhờ vào lợi tức hoa trái. Gia đình tôi sống khá lên nhờ hàng năm cứ vào dịp tháng 6 dương lịch là thương lái từ các nơi nhộn nhịp tìm về vườn thu mua trái cây”.
Anh Nguyễn Trung Thành ở Lâm Sơn có cuộc sống ổn định nhờ phát triển kinh tế vườn.
Quả thật, khi đến vườn cây lưng núi ở chân đèo Ngoạn Mục du khách sẽ được thưởng thức cảnh quan hữu tình cùng hương vị các loại cây trái, cảm thấy mát mẻ và dễ chịu hơn. Hy vọng vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao kết hợp với du lịch sinh thái ở xã Lâm Sơn sẽ mở ra hướng phát triển bền vững.

Bánh tôm Bà Phúc

Khi thưởng thức ẩm thực, người ta thường nói: “Món ngon không bằng lời đẹp”. Đến quán bánh tôm Bà Phúc, thực khách không chỉ được tự do lựa chọn món ăn theo sở thích mà còn được bà chủ giới thiệu tận tình về món bánh tôm và quan trọng hơn, là cách ăn như thế nào cho đúng cách. 
Vừa làm bà chủ vừa là người tư vấn món ăn cho khách, bà Phúc nói vui: “Ở xứ Quảng, nhiều người vẫn không mê lắm với món bánh tôm nhưng khi đã thưởng thức thì chắc chắn lần sau sẽ quay lại và khi đã quay lại thì sẽ có thêm nhiều bạn bè cùng đi”. 

Trong mỗi chuyến công tác về miền Trung và ghé Đà Nẵng, gia đình nhạc sĩ Thuận Yến lại được nhạc sĩ Thanh Anh đưa tới quán bà Phúc để thưởng thức cái hương vị nửa hương kinh kì, nửa nồng nàn của xứ Quảng. Hai nhạc sĩ xem vị thơm ngon của nó “không theo một bản ẩm thực copy nào”... Bà Phúc tâm sự: “Ở đất Đà Nẵng này đã từng có không dưới 10 quán bánh tôm, nhưng vì nhiều lý do không thể trụ nổi về vấn đề chất lượng. Nhưng với bánh tôm của tôi, có lẽ để người ngoài nhận xét”.
 
Quán Bà Phúc có 3 món đặc sản: bánh tôm, bún tôm chiên dòn và bún chả giò tôm thịt được chế biến công phu với nhiều nguyên liệu chọn lọc.Tùy theo từng loại bánh mà nguyên liệu cũng như cách chế biến có sự khác nhau cho phù hợp với khẩu vị từng người. Cũng là con tôm nhưng tôm dùng cho bánh phải là tôm đất tươi, cũng như bột mì đổ bánh phải là mì tốt tạo độ thơm vừa phải, hòa cùng với mùi thơm của trứng gà tạo màu tự nhiên. 

Ăn kèm với bánh tôm còn có các loại rau sống gồm một ít xà lách, một ít rau húng, rau ngò, sợi búp chuối trắng thái mỏng. Những thứ rau trên được bảo đảm an toàn về nguồn gốc, được nhặt sạch, rửa kỹ, trộn đều với nhau.
 

* Địa chỉ:- 464/11 Trưng Nữ Vương - Đà Nẵng

- Lô 36 Triệu Nữ Vương (đối diện sân vận động Chi Lăng)
Ngoài rau, nguyên liệu ăn kèm còn có đu đủ và cà rốt xắt lát mỏng trộn đều ngâm dấm chua ngọt tạo ra màu sắc “bắt mắt”. Bánh ngon không thể thiếu nước chấm. Nước chấm là loại nước mắm được pha chế vừa miệng, đảm bảo đúng vị chua ngọt, có vị cay cay của ớt, vị vàng vàng của tỏi xay. Khi cuốn, cần có bánh tráng gạo tráng mỏng, dùng cuốn ngoài chiếc bánh. Muốn chiếc bánh ăn vừa miệng, khi gói không nên gói dày cũng đừng quá mỏng để khi ăn có thể xuýt xoa cảm nhận hết độ thơm giòn của chiếc bánh và đảm bảo màu sắc đẹp. 

Riêng món bún tôm chiên dòn và bún chả giò tôm thịt thì tôm phải là tôm bóc nõn với một lát thăn heo, thêm hai củ hành hương được cuốn trong chiếc bánh tráng giỏ rế hoặc bánh tráng mềm Hội An. Món này ăn kèm với bún tươi sợi nhỏ cùng một số gia vị khác, nhưng muốn ngon hơn khi ăn phải chấm ngập nước mắm và ăn cả miếng mới cảm nhận hết vị ngọt của con tôm và vị thơm giòn của bánh. 

Tên bánh khi mới nghe qua, có lẽ ai cũng buông lời “lạ chi”, nhưng có thưởng thức mới thấy một hương vị bánh mà người làm ra nó đang sở hữu một công thức riêng và tính gia truyền. Có một món ăn ngon, được nhiều người cùng thưởng thức, còn gì bằng? 

Duyên Anh

Du lịch Đèo Le

Đèo Le nằm giữa hai xã Quế Long và Quế Lộc (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70km về phía tây nam; cách quốc lộ 1A (ngã ba Hương An) khoảng 30km về phía tây theo tỉnh lộ 611.
Khung cảnh Đèo Le. 
Ấn tượng của du khách khi đến Đèo Le là nơi đây còn hoang sơ với cây xanh, suối nước róc rách, hồ tắm thoáng đãng, không khí trong lành. Du khách lội bộ lên đầu nguồn suối Mát ở đỉnh đèo để thỏa sức ngắm cảnh. Đứng ở đây có thể nhìn bao quát cả khu vực rộng lớn phía dưới được bao phủ bởi màu xanh đẹp như tranh. Trên đầu là trời xanh, mây trắng, nắng gió lao xao tạo cho lòng người nhiều hứng khởi. Du khách có thể tắm nơi đầu nguồn suối Mát hoặc bơi lặn trong hồ tắm rộng, xây lưng chừng đèo với nguồn nước được dẫn về từ suối Mát. Được vẫy vùng trong làn nước mát nơi đèo cao trong khung cảnh thiên nhiên kỳ thú, bao mệt mỏi và âu lo đời thường dường như tan biến, du khách sẽ khoan khoái và thấy lòng thật thanh thản.
Là vùng đất hoang dã, nhờ bàn tay con người, nơi đây trở nên đẹp và hấp dẫn hơn. Đó là hàng trăm bậc tam cấp bằng đá được xây thành hai đường về hai phía đi lên hồ tắm và đầu nguồn suối Mát. Đó là những tảng đá lớn với hình khối khác nhau được sắp xếp thật tự nhiên và đẹp mắt. Đó là hồ tắm nhân tạo rộng và độc đáo; những nhà hàng, quán bar, nhà nghỉ được xây dựng bên suối thấp thoáng trong bóng mát cây xanh.
Sau khi lội bộ, tắm mát, nghỉ ngơi, du khách sẽ thưởng thức những món ăn ngon nơi đây mà đặc sản là món gà Đèo Le. Gà Đèo Le tương tự món gà tre dưới xuôi nhưng vì sống trên vùng đèo nên mình nhỏ, thịt chắc và có mùi thơm ngon rất đặc trưng. Chọn gà tơ, làm sạch lông và lòng ruột, bỏ vào nồi nước đang sôi để luộc vừa chín tới. Nước luộc gà phải lấy từ đầu nguồn suối Mát (đây có lẽ là bí quyết giúp gà ở đây ngon hơn các nơi khác?). Gà luộc chín, mùi thơm dậy lên quyến rũ. Thú vị nhất là để gà nguyên con, thực khách tự tay xé, chấm muối tiêu ớt cùng rau răm, nhâm nhi với ly rượu Quế Trung (một đặc sản của vùng đất Quế Sơn). Thưởng thức vị thơm ngọt của gà, vị cay của ớt, rau răm, tiêu và rượu trên đỉnh đèo lộng gió, yên tĩnh, bên những người thân yêu thật là thi vị. Nước luộc gà cùng lòng gà dùng nấu cháo (hoặc nấu miến, đồ xôi) nóng hổi với gia vị thơm ngào ngạt sẽ làm hài lòng thực khách. Tiếng lành đồn xa, món gà luộc Đèo Le đã trở thành đặc sản nơi đây. Thương hiệu gà Đèo Le đã vượt qua ranh giới huyện miền núi Quế Sơn, được nhiều nhà hàng vùng xuôi và thành phố lớn tìm mua, quảng bá, lôi cuốn thực khách.
Du lịch Đèo Le hoang sơ nhưng quyến rũ, chỉ cần một lần đến du khách sẽ nhớ mãi.
NGUYỄN XUÂN TƯ 

Giới thiệu về Làng đá Non Nước

Làng đá mỹ nghệ Non Nước nằm ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng là một trong số rất ít làng nghề truyền thống còn lại trên địa bàn thành phố và cũng là làng nghề có quy mô hoạt động lớn nhất và có tiềm năng phát triển nhất hiện nay.
Sản phẩm đá Non Nước dưới bàn tay các nghệ nhân. (Ảnh tư liệu)
Làng nghề được hình thành từ giữa thế kỷ XVII, do những người thợ thủ công từ vùng Thanh - Nghệ di cư đến vùng đất này lập nên. Lúc đầu nghề đá chỉ là nghề phụ của một số ít gia đình khi nông nhàn, sản phẩm tạo ra chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Thời gian sau chuyển dần sang điêu khắc, tạo nên các sản phẩm có giá trị nghệ thuật ngày càng cao hơn, thu hút nhiều lao động, hình thành nên một làng nghề điêu khắc đá truyền thống khá độc đáo được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
 
Sau năm 1975, cùng với các loại hình kinh tế quốc doanh, Hợp tác xã Đá mỹ nghệ Non Nước được thành lập và đi vào hoạt động. Trong thập niên 80, Hợp tác xã với 130 xã viên đã góp phần tham gia xây dựng tượng đài chiến thắng và nghĩa trang liệt sĩ ở nhiều địa phương trong cả nước, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển ngành nghề truyền thống địa phương. Từ năm 1986, nền kinh tế đất nước phát triển, lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và làng nghề tuyền thống đá Non Nước tăng nhanh. Sản phẩm làng nghề mang tính khác biệt, có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Năm 2006, Hội làng nghề truyền thống điêu khắc đá Non Nước-Ngũ Hành Sơn được thành lập và tiến hành Đại hội lần thứ nhất. Hội đã phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng xây dựng Đề án Xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu làng nghề, tổ chức thành công cuộc thi sáng tác Logo Làng nghề. Đến nay làng nghề đã có hơn 20 doanh nghiệp, 430 cơ sở sản xuất - kinh doanh lớn, nhỏ với hơn 4.500 lao động. 

Quy mô và tốc độ phát triển sản xuất làng nghề không ngừng gia tăng, giải quyết nhu cầu việc làm của người lao động với thu nhập bình quân đầu người từ 2-3 triệu đồng/tháng. Doanh thu hằng năm của làng nghề đạt khoảng 60-70 tỷ đồng, trong đó doanh thu xuất khẩu là 52% và doanh thu trong nước là 48%, đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội và trở thành niềm tự hào của thành phố Đà Nẵng.

Sự phát triển của làng nghề đá Non Nước còn gắn liền với ngành du lịch. Nằm trên trục đường du lịch quan trọng từ trung tâm thành phố đi Ngũ Hành Sơn và phố cổ Hội An, làng đá là điểm dừng chân lý tưởng của khách du lịch, hằng năm thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, mua sắm. Trong năm 2008, làng đá đã đón khoảng 327 nghìn lượt khách, chiếm 27,25% tổng số lượt khách đến thành phố, trong đó có hơn 232 nghìn lượt khách trong nước và 95 nghìn lượt khách quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, làng nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế về thị trường tiêu thụ, trình độ tay nghề và đặc biệt là chưa có chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của mình. Làng nghề hiện nay cũng là nguy cơ ảnh hưởng môi trường sinh thái của Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường du lịch và cảnh quan đô thị. 

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đá mỹ nghệ phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch, tranh mua, tranh bán, nhái kiểu dáng, chất lượng sản phẩm bị lai tạp làm giảm giá trị thẩm mỹ và uy tín của làng nghề. Hội Làng nghề tuy đã được thành lập nhưng thiếu nguồn lực nên hoạt động chưa hiệu quả. Theo kết quả khảo sát năm 2009 với 300 hộ sản xuất- kinh doanh thuộc Làng đá Non Nước, chỉ có 8,6% doanh nghiệp có xuất khẩu hằng năm; 77% doanh nghiệp nhận định rằng thị trường không ổn định; tình hình đăng ký sở hữu trí tuệ còn rất hạn chế (0,3% có đăng ký nhãn hiệu, kiếu dáng công nghiệp), đa số doanh nghiệp không có kế hoạch quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại (94,7%).

Trước thực trạng đó, nhất là sau khi thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước luôn được lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành quan tâm, tạo điều kiện để phát triển. Để định hướng, thúc đẩy khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành các quyết định như: Quyết định số 9479/QĐ-UB ngày 9-12-2005 phê duyệt Đề án phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống thành phố Đà Nẵng, trong đó xác định trọng tâm là phát triển làng nghề truyền thống Non Nước; Quyết định số 9138/QĐ-UBND ngày 26-12-2006 về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng và phát triển các làng nghề thành phố Đà Nẵng đến năm 2015 có xét đến năm 2020, trong đó có Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước.  

Cùng với những chủ trương chung của thành phố về phát triển làng nghề, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã đề ra định hướng phát triển làng nghề từ nay đến 2020. Trước mắt, UBND quận Ngũ Hành Sơn quy hoạch lại làng nghề, triển khai đầu tư khu sản xuất tập trung của làng nghề trên diện tích 30ha tại vị trí mới, cách xa khu dân cư và khu du lịch, với cơ sở hạ tầng đồng bộ như đường, điện, hệ thống xử lý nước thải… Dự kiến từ nay đến 2012 sẽ đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Chương trình 68 của Chính phủ (Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp), Sở Khoa học-Công nghệ thành phố Đà Nẵng đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt triển khai Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Non Nước” cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ đá của làng đá Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng”. Đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển làng nghề nói riêng và đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của quận Ngũ Hành Sơn và thành phố Đà Nẵng nói chung.

Với những chủ trương đúng đắn của thành phố và sự nỗ lực của làng nghề, hy vọng rằng trong thời gian tới Làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước của thành phố Đà Nẵng sẽ ngày càng khẳng định được tên tuổi và vị thế của một làng nghề truyền thống tiêu biểu không chỉ của thành phố Đà Nẵng mà còn là của cả nước, góp phần làm cho thương hiệu đá Non Nước, Ngũ Hành Sơn trở nên hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. 

Hương sắc hội làng

Đà Nẵng có 3 hội làng mở ra ngay sau Tết Nguyên đán, trải từ mồng 9 đến hết ngày 13 tháng Giêng, góp hương sắc văn hóa làng làm phong phú đời sống tinh thần cho thành phố trẻ.

Mô tả ảnh.
Thi cắm hoa, chưng quả, gói bánh là một trong những hoạt động lưu giữ hương sắc hội làng ở Hòa Mỹ.
Năm nay, do đình làng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) trùng tu chưa hoàn thành nên các cụ quyết định không tổ chức hội làng theo lệ thường vào mồng 9 tháng Giêng hằng năm. Bà con các họ tộc trong làng và ngay cả khách du xuân cũng tỏ vẻ tiêng tiếc bởi xuân nay vắng tiếng reo hò khi các trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi trong sân đình và giải đua thuyền náo nức làm dậy sóng khúc sông Túy Loan đi qua trước mặt đình.
Hội làng Hòa Mỹ và Hòa Phú (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) thì đến hẹn lại lên, cùng diễn ra trong 3 ngày với chính lễ vào 12 tháng Giêng.
Tình làng và nét phố
Sáng ngày 12 tháng Giêng, một đám rước gần 500 người, cờ xí rợp trời, trống chiêng dậy đất, rồng rắn đi từ cơ quan UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, theo đường Tôn Đức Thắng, rẽ qua đường Nguyễn Huy Tưởng và dừng chân trước đình làng Hòa Mỹ. Ngôi đình ngày thường uy nghi, trầm mặc bên những tán mù u cổ thụ, giờ đây chan hòa âm thanh, sắc màu cùng với lòng người trong nắng mới đầu xuân. Các họ tộc, các tổ dân phố, chùa chiền, nhà thờ, cơ quan, trường học... đóng trên địa bàn cùng quay về chung vui trong một ngày đáng nhớ: Ngày rước Bằng xếp hạng Đình làng Hòa Mỹ là di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố.

Mô tả ảnh.
Hội làng là dịp để mọi người quay về viếng nén nhang tri ân tiên tổ.
Suốt 17 năm qua, cụ Nguyễn Nghĩa, Trưởng Hội đồng các gia tộc làng Hòa Mỹ, liên tục được bà con tín nhiệm bầu vào chức Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Đình làng. Hội làng năm nay, ông lão đã quá bát tuần này có vẻ bận rộn, lo lắng nhiều hơn, bởi ngoài rước Bằng xếp hạng, các họ tộc trong làng còn đón nhận Bằng khen của UBND thành phố tặng Hội đồng các gia tộc trong làng về thành tích tổ chức thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” giai đoạn 1995 – 2010.
Với bà con Hòa Mỹ, đây là sự kiện cực kỳ quan trọng từ khi khôi phục hội làng, ai cũng mong ước năm nay có được những hoạt động mới cho xứng tầm. Theo lời ông Trương Quang Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Minh, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội làng, sau khi nghe được tin vui, các họ tộc mừng quá, khởi công xây dựng Nhà sinh hoạt văn hóa trong khuôn viên đình làng với kinh phí 800 triệu đồng, dự kiến khánh thành vào ngày 29-3-2011. Đây sẽ là nơi hội họp, trưng bày các hiện vật truyền thống của làng, là “đất” cho các CLB Bóng đá, Cầu lông, Cờ tướng... hoạt động và phát triển.
Trước một hội làng hoàn toàn khác hẳn, bà Hà Thị Tích, giáo viên về hưu ở tổ dân phố 50, đã chia sẻ xúc cảm qua những vần thơ mộc mạc: Sân đình mở hội hôm nay/ Đón bằng di tích cờ bay rợp trời/ Người về vui tự muôn nơi/ Tình xưa nghĩa cũ bồi hồi xiết bao.
Thật vậy, gần 20 năm qua, hội làng Hòa Mỹ đã gắn kết mọi người với nhau bằng một chữ Tình. Trên địa bàn có trên 40 cơ quan, đơn vị và nhiều hộ mới đến định cư, tất cả chan hòa với bà con Hòa Mỹ trong một đại gia đình thân thương, đùm bọc. Trung tâm Quy hoạch Đô thị - Nông thôn miền Trung tham gia các hoạt động như một đơn vị của làng, từng đề nghị các cơ quan, đơn vị bạn chơi mai Tết xong thì tặng cho làng để hình thành một rừng mai. Trung tâm, do tính đặc thù của công việc, có thể sẽ chuyển đi nhiều nơi, nhưng khó lòng mà quên Hòa Mỹ như câu thơ của một thành viên thuộc trung tâm tham gia thi cắm hoa ở hội làng: “Tương lai trên vạn nẻo đường/ Tình làng nghĩa xóm vấn vương muôn đời”.
Trung tá Bùi Hòa, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền – Xử lý (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Đà Nẵng), một trong những con dân tích cực của làng Hòa Mỹ, mấy năm trước từng vận động bà con trong tổ dân phố 46 tự làm xe hoa rước Tam đa Phước Lộc Thọ về chúc mừng hội làng. Năm nay, ngoài việc triển lãm bộ ảnh do anh và các nhà báo chụp về hội làng, anh còn đóng góp hai cây cau vào “Vườn cau nguồn cội” theo lệ làng để ghi dấu ngày “lập đời” của chính bản thân anh.
Trường Cao đẳng Đức Trí gần bên đình Hòa Mỹ, các hoạt động của hội làng đã quá đỗi thân quen không chỉ với cán bộ mà cả với các thế hệ sinh viên. Ông Nguyễn Công Diệp, Trưởng phòng Hành chính – Tổ chức nhà trường có một góc nhìn khác về hội làng: “Hòa Mỹ phố! Điệu bài chòi không cũ/ Tháng năm gần ru mãi tháng năm xa/ Cũng khăn đóng áo dài, cũng quần bò, áo ngắn.../ Chỉ tiếc thiếu ao làng để em ngắm, em soi!/ Và tiếc lắm khi đời kết tuổi/ Biết còn ai trân quý chút quê mùa?...”.
Uống nước nhớ nguồn
Tối ngày 12 tháng Giêng, các họ tộc làng Hòa Phú rước văn từ nhà ông Tư lễ Nguyễn Tín về đình để làm lễ Nghinh văn. Vừa rồi, làng đã cử người ra Bắc đặt làm một kiệu rước theo nguyên mẫu cổ truyền, hội làng năm nay “mở hàng” rước văn đi quanh khu dân cư. Thỉnh văn tế vào yên vị trong chính đình, cụ Nguyễn Ngân, gần bát tuần, hậu duệ của vị Tiền hiền làng, xúng xính trong bộ áo thụng cắt đặt mọi việc đâu vào đó rồi đứng ra làm chánh bái trong lễ Cầu an, cầu mưa hòa gió thuận, quốc thái dân an.
Làng Hòa Phú hiện có 45 chư phái tộc, nhưng không phải ai cũng biết rõ về nguyên lai hình thành làng quê xưa. Trước, nơi này có tên là Phú Lộc với ba xóm. Xóm Bắc Ninh phía Bắc là một làng chài ven biển. Xóm Tây Sa phía Tây là vùng nhiều cát trắng. Xóm Hòa Phú rộng nhất (có lẽ vì thế mà làng sau đổi tên thành Hòa Phú), sau tách ra làm năm xóm nhỏ là Hòa Bình, Phú Ca, Phú Trung, Phú Xuân, Hòa Nam.
Trong bài thơ “Con sông quê tôi”, ông Hồ Biết, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Minh, đã lưu giữ những địa danh một thời gắn liền với công cuộc khai dân lập ấp của tiền nhân làng Hòa Phú. Làng xưa có một địa danh là máng tát Cây Da từng song hành cùng đời sống nông nghiệp của người Hòa Phú, được ông tả lại: “Cây Da, máng tát người đông/ Trăng lên tỏa sáng chờ trông tới mình/ Gàu vai thi tát đẹp xinh/ Tới mùa thu hoạch nhớ tình con sông”. Cảnh tát nước đêm khuya này cũng diễn ra ở một nơi nữa: “Nước ngập thoát khe Mù U/ Bờ Hàng, Nà Vạng ruộng bù phù sa”.

Mô tả ảnh.
“Cho chữ” – một nét văn hóa truyền thống ở hội làng.
Gọi là khe Mù U, bởi nơi đó có hai cây mù u cổ thụ - bà Huỳnh Thị Lệ, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Minh, giải thích. Khi về làm dâu làng Hòa Phú, bà từng đi tát nước đêm khuya ở cái khe đã để lại nhiều kỷ niệm cho nam thanh nữ tú trong làng này. Cũng như máng tát Cây Da, khe Mù U đã diễn ra nhiều cuộc “thi tài” giữa trai gái trong làng và không ít người về sau đã thành đôi thành lứa.
Cụ Nguyễn Ngân, mỗi khi chuyện trò với tuổi trẻ trong làng, vẫn không quên nhắc lại những tên đất dân gian xưa như Bàu Năng, Bàu Sậy, Bàu Lát... cho thấy nơi đây từng là vùng đất hoang vu với nhiều loại thảo mộc mọc hoang và tiền nhân đã phải dày công khai phá. Giờ đây phố xá thênh thang, đường ngang ngõ dọc, ngẫm lại càng nhớ ơn người đi trước. Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” này, theo ông Võ Phụ, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Đình làng Hòa Phú, đã được bà con trong làng thể hiện qua việc không chia nhau 300 triệu đồng tiền cổ phần xã viên sau khi giải thể HTX Nông nghiệp Hòa Minh mà tự nguyện đóng góp trùng tu đình làng để có nơi kính ngưỡng tiền nhân.
Từ năm 2001, khi tiến hành chỉnh trang đô thị, Hòa Phú có nhiều hộ từ các nơi về tái định cư, nhiều nhất là ở hai xóm Bắc Ninh và Hòa Bình. 11 năm khôi phục hội làng, chưa phải là nhiều để một số người mới có thể bắt nhịp với đời sống văn hóa tâm linh chung của làng. Đó là điều mà Ban tổ chức hội làng sẽ nhắm đến trong những năm tiếp theo.
Hội làng giữa phố
Bây giờ dù đã là phường/ Đình làng còn đó, lễ làng vẫn xưa. Câu thơ của Phạm Danh, con dân Hòa Phú, nói đến chuyện Hòa Minh “lên” phố từ 14 năm nay nhưng vẫn giữ bốn hội làng xưa cũ. Mỗi làng riêng một sắc hương, nhưng chung một chí hướng, nói như Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND phường Hòa Minh Nguyễn Văn Cường là: Bền chặt tình đoàn kết giữa các họ tộc, giáo dục con cháu sống có đạo nghĩa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Mỗi lần hòa mình vào những sinh hoạt đầy nhân văn ấy, ta thầm cảm ơn người xưa đã lập ra hội làng để giờ đây có cái để góp phần tạo nên hương sắc cho phố trẻ Đà Nẵng trên đường phát triển và hội nhập.
Ghi chép của VIÊN PHÚC QUÂN