Từ trên không nhìn xuống, Chùa Trà Tim và sân bay Sóc Trăng như cùng nằm trên một chiếc tàu thủy khổng lồ, mà ngôi chùa nằm án ngữ ở phía mũi tàu (từ hướng Bạc Liêu), còn sân bay nằm ở phía sau. Chùa Trà Tim đã được khởi dựng cách nay gần 500 năm trên một vùng đất cát giồng cao ráo, tọa lạc trên khuôn viên rộng 38.631m2 với hàng trăm gốc sao, dầu cổ thụ và có một vòng rào bao quanh ngăn cách với bên ngoài.
Sau nhiều lần trùng tu, ngôi chùa được nâng cấp khang trang. Cổng chùa nhìn sang hướng Đông với kiến trúc bằng bê tông, vòm cổng là một khối hình 03 ngọn tháp với hoa văn đắp nổi, chân cổng có tượng hai con rồng 07 đầu hai bên mà phần thân rồng được kéo dài vào trong thành hai bờ lan can, trên có mái che cho khách ngồi nghỉ mát. Từ cổng, một con đường láng xi măng rộng 4 m đi thẳng vào chùa lần lượt qua các công trình chính điện, nhà hội (sà la), trường Pali, tháp cốt, nhà thiêu đều mang đậm phong cách họa tiết của Khmer Nam bộ... Chính điện là nơi phụng thờ Đức Phật Thích ca nên bao giờ cũng là công trình đồ sộ nhất, giữ vị trí trung tâm trong tổng thể ngôi chùa. Công trình vươn thẳng uy nghi trên một nền cao hơn mặt đất 2,60 m gồm có hai cửa cái quay về hướng Đông và hai cửa sau quay về hướng Tây. Nóc mái chính điện cao chừng 1,5 m được nâng bằng cột tròn bê tông cao khoảng 6 m, đầu cột có gắn một tượng thần mình chim có cánh, tư thế đang bay, hai tay nâng đỡ mái giúp cho công trình trông có vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng hơn, bộ cột này cách đều vách trong tạo thành những hành lang, du khách có thể dạo quanh ngắm cảnh chùa trước khi bước vào bên trong điện thất.
Chẳng những là nơi thờ phụng, mà từ lâu chùa Trà Tim đã là cơ sở của lực lượng cách mạng trong những cuộc tiến đánh sân bay Sóc Trăng (1963, 1973). Đặc biệt, trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nơi đây còn là điểm tập hợp lực lượng bộ đội ta tiến vào thị xã Sóc Trăng, gây tổn thất nặng nề cho kẻ địch. Nhà chùa, phật tử đã nhiều lần biểu tình chống chiến dịch bắt lính đôn quân và nổi dậy chống ý định dời chùa của bọn ngụy quân ngụy quyền nhằm biến ngôi chùa thành phi trường để bọn chúng mở rộng bàn đạp tấn công đàn áp phong trào kháng chiến của quân dân ta.
Ngày nay, trong công cuộc kiến thiết xây dựng quê hương, nhà chùa mở nhiều lớp học chữ dân tộc cho con em quanh chùa, vận động bà con thực hiện phương châm tốt đời đẹp đạo, đóng góp công sức xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Chùa được công nhận là nơi thờ tự văn minh, được xếp vào danh lam thắng cảnh di tích văn hóa cấp tỉnh. Mỗi năm, vào các dịp lễ Chôl Chnăm Thmây, Đôlta và các lễ hội khác, ngoài bà con người Khmer còn thu hút đông đảo khách thập phương đến chiêm bái Đức Phật, tham quan cảnh chùa và vui chơi sinh hoạt văn nghệ với các tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét