Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Thác lác cườm - đặc sản Hậu Giang

Nhiều người nói rằng: “Đi du lịch Hậu Giang mà không ăn được cá thác lác cườm coi như thiếu sót lớn”. Ở hầu hết các nhà hàng, tiệm ăn lớn ở Hậu Giang đều có các món ăn được chế biến từ cá thác lác. Người dân Hậu Giang lâu nay coi cá thác lác là món đặc sản rất đáng tự hào của tỉnh nhà.

Từ cá thác lác, nhiều món ăn ngon đã được chế biến. Từ cá thác lác, nhiều món ăn ngon đã được chế biến.
Món đơn giản từ cá thác lác, dễ làm và hợp với sở thích của nhiều thực khách là món cá thác lác muối sả ớt chiên giòn. Sau khi làm sạch cá, người ta dùng sống dao hoặc vật cứng dần dọc theo chiều dài cá rồi dùng dao cứa ngang theo thân, cách nhau độ 5 cm để gia vị mau thấm, ướp nước sả, phơi nắng độ nửa giờ mới đem chiên. Khi cá gần chín mới rắc sả bằm nhuyễn vào để sả không bị khét. Tuy đơn giản nhưng món này được nhiều thực khách cho rằng ngon nhất chỉ ở Cửa hàng số 5 đường Nguyễn Công Trứ - thị xã Vị Thanh.
Chả cá thác lác Chả cá thác lác

Cá thác lác cườm ở Hậu Giang còn rất được các bà nội trợ “tín nhiệm” khi được chế biến thành chả. Thường chả cá có bán sẵn ngoài chợ, mua về, thêm thịt heo nạc bằm nhỏ theo tỷ lệ 3 cá/1 thịt, đều tay quết với chút bột ngọt, muối, tiêu xay, hành lá xắt nhuyễn, bắc chảo chiên vàng là các ông đã có món nhậu ngon còn trẻ con thì có món mặn “không chê vào đâu được” để ăn cơm. Chả cá thác lác nấu canh rau tần ô là một món ăn quen thuộc rất “bắt” trong bữa cơm. Còn trên các bữa tiệc sang trọng, chả cá đàng hoàng “sánh vai” cùng nhiều hải sản cao cấp khác trong các món lẩu. Tuy nhiên, chỉ ở món lẩu cá thác lác thì “vai trò” của nguyên liệu này mới được thể hiện đúng mực. Chả cá mua về, dùng muỗng quết đều tay cùng các loại gia vị kể trên nhưng không thêm thịt heo. Nồi nước dùng được nấu bằng xương heo hầm lấy nước ngọt, nêm nếm vừa ăn. Loại rau thích hợp nhất với lẩu này là khổ qua bào mỏng. Bắc nồi lẩu giữa bàn, múc từng muỗng chả cá thả, từng đũa khổ qua nhúng vào nồi rồi chậm rãi thưởng thức. Vị ngọt của cá, vị đắng, giòn của khổ qua vừa tái thấm vào đầu lưỡi hòa trong vị cay của ớt khiến ai ăn cũng phát “ghiền”.

Lẩu cá thác lác Lẩu cá thác lác
Cá thác lác cườm, khóm Cầu Đúc và bưởi Phú Hữu đã làm nên “cái riêng” của Hậu Giang trong muôn vàn cái chung của ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn: H.Dung

Thác lác Hậu Giang

Vùng đất Hậu Giang có nguồn thủy sản nước ngọt rất phong phú với những địa danh nổi tiếng cá tôm ngon như lung Ngọc Hoàng, ngã bảy Phụng Hiệp, kinh Long Phụng, Vị Thủy, Vị Thanh… Đặc biệt, những năm gần đây, cá thác lác là nguồn lợi lớn của bà con nông, ngư dân trong vùng. Có thể nói cá thác lác đã trở thành đặc sản mang thương hiệu Hậu Giang
Cá thác lác thường có ở những bàu, lung, vũng, ao, hồ… bùn lầy, nước đục. Sau mỗi trận mưa hay khi có lũ lụt, nước ao hồ tràn ra sông, cá thác lác theo dòng nước đi tìm chỗ mới cư trú, sinh sôi. Loài cá nước ngọt này là nguyên liệu để chế biến thành nhiều món ăn ngon như: chả cá thác lác chiên hoặc hấp, kho với khóm và cà chua, nấu canh cải bẹ xanh, dồn khổ qua, chiên giòn, chiên sả… Nhờ đặc tính thịt cá thác lác dẻo, dai khi nấu nướng nên người ta thường nạo cá (bằng muỗng) rồi quết nhuyễn với gia vị trước khi chế biến nên các món cá thác lác luôn có hương vị hấp dẫn. Có nơi người ta làm sạch cá rồi băm nhuyễn cả thịt lẫn xương để làm món ăn cho trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và sau khi sinh, người mới ốm dậy, người cao tuổi gầy yếu. Từ cá thác lác các bà nội trợở miền Tây Nam bộ làm được nhiều món ăn dân dã nhưng rất ngon, có thể kể:
– Cá thác lác muối sả chiên giòn: chọn cá khoảng 250g/con, làm sạch, dần nhẹ bằng chày gỗ rồi cuộn cá lại từ đầu đến đuôi nhiều lần (thao tác này giúp dai, chắc cá khi chiên), kế tiếp khứa vào thân cá đến xương, ướp với ớt, sả, bột ngọt, hạt nêm và chút bột nghệ. Để cá thấm trong khoảng 15 phút. Rồi chiên trong chảo dầu đun sôi, bớt lửa cho cá chín vàng đều. Cá thác lác chiên sảớt chấm muối tiêu chanh hay nước mắm chua ngọt, ăn kèm rau răm, rau dấp cá… là món lai rai rất tuyệt!
– Cá thác lác hầm khổ qua: lựa mua khổ qua mởn trái, gai nở, xẻ dọc, moi sạch ruột, rửa sạch để ráo, dồn cá quyết nhuyễn vào, cột bằng lạt mềm hoặc chỉ cho khít. Nấu nước có nêm chút muối, hạt nêm cho thật sôi rồi thả nhanh khổ qua dồn vào nhưng không đậy nắp nồi. Khi thấy khổ qua có màu xanh trong, thịt cá bên trong có màu trắng xám là canh đã chín. Múc ra tô, rải thêm một ít hành lá xắt và rắc ít tiêu đâm. Khổ qua hầm ăn với cơm rất ngon, xuất mồ hôi, giải nhiệt, rất tốt cho người cao huyết áp, tiểu đường, cholesterol, ăn ngủ kém…
– Canh cải trời nấu với chả cá thác lác: bắc nồi nước dằn ít muối để sôi bùng lên, cho rau cải trời (cắt khúc hoặc để nguyên) vào rồi tới chả cá vo viên nhỏ như viên xíu mại vào nồi. Chừng mười phút sau, khi thịt cá sẫm màu, bốc mùi thơm lừng thì nhắc nồi canh xuống, nêm ít tiêu xay, nước mắm ngon và hành lá xắt hột lựu.
Theo đông y, cá thác lác có vị ngọt, tính bình, không độc, tác dụng bổ khí huyết, bổ thận tráng dương, trừ phong thấp, giảm đau, nhuận trường… Mùa hè, nắng nóng, không khí oi bức, ăn canh cải trời, khổ qua dồn với chả cá thác lác sẽ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc làm trung hòa âm dương, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng.
Ngọc Xoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét