Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Tới thăm bản Mông Pá Cò

Giang Hoàng - Theo PLXH

Chỉ nghe đến hai tiếng Pà Cò thôi, người ta đã thấy một cái gì đó xa xôi, diều vợi, nguyên sơ nhưng cũng đầy thách thức với kẻ lữ hành...

Anh bạn đồng nghiệp cứ rủ rỉ mà rằng: bao nhiêu năm sống ở đất này, nhưng chưa một lần tao ngủ lại trên đất Hang Kia-Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình). Câu nói như lời thách thức nhưng cũng có gì đó như cảnh báo khi đặt chân vào thung lũng “nóng” của người Mông.
 
Trong trí nhớ của nhiều người già, chỉ hai chục năm trước đây thôi, khắp nương rẫy trên đỉnh núi Pà Cò này hãy còn là  sắc tím mê hoặc của cây thuốc phiện. Bây giờ, đổi thay rồi đến Pà Cò là bạt ngàn những mận, những đào non xanh mơn mởn.
Trong màn sương mờ ảo, mặt trời chưa kịp nhô lên khỏi dãy núi, đã thấy thấp thoáng những dòng người trong bộ váy áo mới, nhiều màu sắc của người Mông xuống chợ. Chợ phiên Pà Cò diễn ra vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Chợ bày bán đủ thứ, nhưng nhiều nhất vẫn là những sạp hàng bán đồ thổ cẩm.
Giản dị những tấm vải miền cao
 
 
Phiên chợ vùng cao đặc sắc
Các bà mế, các cô gái chen nhau mua chỉ, mua sợi, mấy em gái xúng xính trong những váy áo đầy đồng bạc tranh thủ “lượn chợ”, vài chàng trai túm tụm bên cửa hàng băng đĩa đang phát ra những bản nhạc khèn Mông réo rắt đầu non.
 
 
Chợ dần tan, tôi vượt dốc quanh co, cheo leo tìm vào bản Trà Đáy, nơi được xem là “thủ phủ” của nhiều cây chè San Tuyết cổ thụ. Thân chè to hai, ba người ôm mới xuể, những gốc chè đầy nấm mốc bàng bạc.
 
Anh chàng người Mông dẫn đường cho tôi tên là Sùng A Pha nhiệt tình mời khách đường xa nghỉ lại qua đêm. Chén rượu nồng cay cay, miếng rau cải Mèo ngòn ngọt cứ đọng mãi nơi cuống họng, tôi đánh một giấc thẳng đến sáng.
Sáng hôm sau, sau khi trang bị gọn gàng, tôi được dẫn đi “rừng”, khám phá thảm thực vật ở khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò. Khu bảo tồn có nhiều khối núi đá vôi cao, nhọn, đỉnh cao nhất tới 1.536 m.
Ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, tại những nơi còn chưa bị tác động hoặc tác động chưa đáng kể, Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò được che phủ bởi kiểu rừng á nhiệt đới cây lá kim thuần loại.
 





Leo vách núi được một lúc tôi bắt gặp một cái bẫy côn trùng của hội bảo vệ thiên nhân Nhật Bản, ngỡ ngàng trước sự đa dạng của các loại thực vật: đây là thông đặc hữu Pà Cò, kia là thông đỏ có tên trong sách đỏ thế giới và rồi lại thích thú khi gặp một bụi hoa trắng trên đỉnh núi cao...
Pà Cò mang một vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc như nàng thiếu nữ ngủ trong rừng hay thật thà, chân chất như cái bụng người Mông. Pà Cò còn biết bao điều để du khách khám phá và ngỡ ngàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét