Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Qua chơi Non Nước, nhớ hoài nước non

Ngũ Hành Sơn (NHS) có cái tên “gọi ở nhà” là Non Nước: “Ai về Non Nước thì về/Trước sông, sau biển, núi kề một bên”. Ngày nay, tiếng tăm NHS đã lừng lẫy khắp năm châu, nhưng chỉ những ai một lần đặt chân đến mới cảm nhận hết sức hút huyền bí của nơi sông-biển-núi nối liền này.

Mô tả ảnh.
Một góc Ngũ Hành Sơn nhìn từ Vọng Giang Đài.
Dấu ấn làm nên sự khác biệt

Hè rồi, Khu Du lịch thắng cảnh NHS đón hai cán bộ trẻ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) về công tác, ThS Nguyễn Quang Thắng và ThS Nguyễn Tô Lan. Họ đã một đôi lần đến Đà Nẵng, nhưng là lần đầu tiên lên Ngũ Hành Sơn và bị cái nét riêng của từng hang động, từng chùa chiền, từng bút tích ma nhai... “hút hồn”.

Trong cách nhìn của ThS Quang Thắng, NHS là vùng đất văn hiến nhất Đà Nẵng: “Chữ nghĩa nhiều nhất gắn với di tích nhiều nhất, có cái gì đó mang tính văn hóa và du lịch, về mặt chuyên môn, nó hấp dẫn với những người làm công tác nghiên cứu Hán Nôm như chúng tôi”.

Núi non, chùa chiền, hang động... có lẽ cũng chẳng cái nào khác cái nào, nếu mỗi nơi không có một cái gì đó rất riêng, gọi là dấu ấn, nó “đóng” vào trong tâm hồn con người. Ở NHS, cái dấu ấn này, theo đánh giá của của hai cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm hôm đó, là sắc tứ [敕 賜] – (những gì) được chiếu sắc của vua ban cho.

Trước khi vào động Hoa Nghiêm trên ngọn Thủy Sơn, có một tấm biển đá khắc ba chữ Hán rất đẹp “Huyền Không quan” với hai chữ sắc tứ nhỏ hơn nơi góc phải. Giá trị của tấm biển nói riêng, của động Hoa Nghiêm và trong nữa là động Huyền Không nói chung, là ở hai chữ này, chúng thầm nhắc với du khách rằng, nơi này đã được chính đức vua tôn vinh ban tặng, khác xa với các nơi khác đó nha. Hai chữ sắc tứ ngày trước là cách “đóng dấu” bản quyền tương tự như chữ® (Registered) đối với các thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ với cơ quan pháp luật ngày nay.

Chùa Tam Thai hiện giữ một tấm kim bài bằng đồng có hình lá đề, được gọi là “quả tim lửa”. Lá đề thì chả ai lạ gì, bởi đó là một biểu tượng của Phật giáo. Nhưng ở đây là vô giá, bởi nó được khắc những dòng chữ được cho là rập theo ngự bút của vua. Mặt trước ghi (tạm dịch): “Đức Phật cai quản thế giới bằng tất cả quyền năng siêu nhiên; Ngài phổ độ chúng sinh dưới 10 cách hóa thân khác nhau. Những ân sủng của Phật phù hợp với con số 10: Ngài đã dành một phần cho nước An Nam”. Mặt sau ghi: “Minh Mệnh lục niên, kiết nhật tạo” (làm vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ sáu).

Đi chưa hết mọi nơi trên Thủy Sơn, ThS Tô Lan đã thích thú bảo rằng nơi này có nhiều cái để người ta có thể quay lại sau đó nhiều lần nữa: “Ví như vào động Huyền Không, nó trông cũng không khác mấy so với những hang động khác, nhưng ở đây, sự xuất hiện khá bất ngờ của một phù điêu Chămpa làm ta cảm thấy thú vị hơn các nơi khác. Theo tôi, giá trị văn hóa đã làm nên sự khác biệt”.

Sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người

NHS trở nên nổi tiếng, trước hết là vì vẻ đẹp kỳ vĩ với những huyền tích tự thân của năm ngọn núi, sau đó là nhờ có bàn tay một ông vua đặt dấu ấn vào đó. Những hang động thiên nhiên nơi đây đã được đánh thức khỏi giấc ngủ vùi trầm mặc mấy nghìn năm sau khi con người phát hiện ra chúng, tô điểm, phả hồn làm đầy sức sống bằng văn bia, tranh ảnh, điêu khắc...

Cuối tháng 2 năm ngoái, một sự kiện lịch sử - văn hóa diễn ra ở NHS ghi thêm dấu ấn khó quên cho vùng năm núi đầy huyền tích này. Đó là các thiền sư chùa Jomyo ở Nagoya (Nhật Bản) đã đến Đà Nẵng và tặng cho chùa Tam Thai phiên bản bức tranh vẽ tượng Phật “Thác kiến Quán Thế Âm”. Bản gốc bức tranh quý này hiện ở Nhật Bản, tương truyền, được một vị vua An Nam thỉnh từ một ngôi chùa nổi tiếng ở NHS để tặng cho thuyền Châu Ấn thuộc dòng họ thương nhân Chaya khi thuyền này đến thương cảng Hội An buôn bán cách đây 400 năm.

Điều này được xác quyết tại nội dụng tấm bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” ở động Hoa Nghiêm, nơi đó ghi tên 16 người Nhật, trong đó có 5 gia đình Nhật-Việt ở Hội An và các thương nhân Nhật sinh sống tại Hội An đã từng có công đóng góp xây dựng chùa ở NHS.

Không ai nhẩm được đã có bao nhiêu lượt tao nhân mặc khách, giáo sĩ, khách thương hồ... đến vãn cảnh NHS. Họ đến, bị cái kỳ vĩ đan xen với sự uyên nguyên thoát tục của nơi này níu kéo mà trải lòng theo cách riêng của mỗi người.

Bác sĩ Albert Sallet, nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp tại xứ Trung Kỳ đã ghi lại trong thiên biên khảo “Les Montagnes Marble” (Những ngọn núi cẩm thạch; nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy chuyển dịch và bổ chú) ở lời nói đầu “Gởi xứ Trung Kỳ thân yêu” vào cuối thế kỷ XIX: “Tôi mong muốn, bằng từng sự kiện chính xác, tập hợp nguồn cảm hứng bao la, đa dạng làm cho những cụm núi đá này trở nên đặc thù, trả lại mong muốn một cái quá khứ vinh quang, truyền kỳ và bí nhiệm của chúng”.

Truyền kỳ của NHS đã đi vào dân gian, gần thì có: “Quê em đất rộng dân nghèo/ Có hòn Non Nước, có đèo Hải Vân”; xa hơn: “Quảng Nam có núi Ngũ Hành/ Có sông Chợ Củi, có thành Đồng Dương”… Cái sự mong muốn “tập hợp nguồn cảm hứng bao la” của bác sĩ Albert Sallet xem ra là điều bất khả thi, bởi không ai đong đếm được xúc cảm từ bình dân đến bác học đối với một nơi mà cảnh quan thiên nhiên ghi dấu ấn khá sâu nặng vào lòng người như NHS. Nữ sĩ Đà Nẵng Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896 – 1982), người phụ nữ đầu tiên viết tiểu thuyết ở Việt Nam, đã gửi lại lòng mình khi thăm thú NHS: “Khách trần mơ cảnh Thiên thai/ Qua chơi Non Nước, nhớ hoài nước non”.

Cảnh Thiên thai giờ đã gần hơn với con người, khi trên biểu tượng của thành phố Đà Nẵng có hình năm ngọn núi cùng với chiếc cầu thế kỷ bắc qua sông Hàn.

VĂN THÀNH LÊ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét