Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Gia Lai: Lãng du phố núi mờ sương

Đến Gia Lai để lên đỉnh Hàm Rồng kêu vang một tiếng lạnh cả trời, để thò tay xuống Biển Hồ thăm thẳm ánh mắt sơn nữ, để chiêm bái chùa Minh Thành, nhà thờ Thăng Thiên với kiến trúc độc đáo vùng cao nguyên lộng gió...

Gia Lai nằm gọn trên cao nguyên Pleiku, cũng là tên được đặt cho thành phố lớn nhất tỉnh. Cao nguyên nằm trên độ cao 800m so với mực nước biển hấp dẫn du khách bởi thiên nhiên nguyên sơ và nhịp sống chầm chậm như giọt cà phê thơm đắng nhỏ giọt, nhỏ giọt rồi lắng dần nơi đáy cốc.

“Đi bụi” ở Pleiku

Có thể du khách sẽ khiến cư dân Pleiku bối rối vì câu hỏi thành phố có gì để khám phá. Với họ, thành phố này quá quen thuộc, “đi dăm phút đã về chốn cũ”. Nhưng, vẻ đẹp tiềm ẩn nơi đây vẫn luôn chào đón người đi du lịch “bụi”.

Bùi Đức Minh, điều hành viên của một cộng đồng mạng thông tin du lịch, chia sẻ cảm xúc sau chuyến “đi bụi” đến Pleiku: “Không thể so sánh với thành phố du lịch Đà Lạt nhưng Pleiku có nhiều nét rất riêng, những không gian thư giãn tuyệt vời mà Sài Gòn không thể có được”.

Minh nói, anh thích những góc nhỏ êm đềm của thành phố như hồ Diên Hồng, Biển Hồ, Quảng trường 17/3, các góc phố nhỏ yên tĩnh, trong lành, không kẹt xe. Anh ghi lại vài thông tin cơ bản về vùng đất mới quen để sau này chia sẻ với bạn bè. “Thắng cảnh: Biển Hồ, hồ Diên Hồng, thác Phú Cường, làng du lịch Plei Ốp... Cà phê: Thu Hà, Phiên Phương, cà phê Đen... Quán ăn: phở khô Ngọc Sơn, phở Tàu Lý, cháo cá lóc, bún cua chợ nhỏ… Khách sạn bình dân và trung bình: Thanh Lịch, Ialy, Tre Xanh…”

Đoàn Thị Liên, một bạn trẻ có kinh nghiệm du lịch “bụi” ở Gia Lai, mách nước: “Một điểm nữa ở Pleiku mà bạn nên đến là Núi Đá nằm đối diện nghĩa trang thành phố”. Núi Đá hoang sơ, rất thích hợp cho người mê picnic và nhiếp ảnh.

Tour “lên đời”

Các tour tham quan Nhà máy Thủy điện Ialy, du ngoạn hồ Ayun Hạ... cũng được làm mới. Đặc biệt, tour lên đỉnh Hàm Rồng có thể được đưa vào khai thác trong thời gian tới. Vào cuối năm, khi hoa dã quỳ nở vàng rực trên các sườn đồi ven quốc lộ, du khách sẽ có cơ hội được đắm chìm trong thiên nhiên, ngắm cao nguyên Pleiku từ trên cao.

Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Gia Lai Nguyễn Đức Hoàng cho biết, tỉnh đang quy hoạch chi tiết dự án khu lâm viên Biển Hồ, Công viên văn hóa các dân tộc, thác Phú Cường và khu du lịch sinh thái hồ chứa nước thủy lợi Biển Hồ.

Khu du lịch thác Phú Cường dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Khu lâm viên Biển Hồ đang được tỉnh đầu tư bốn tỷ đồng để làm đường vành đai, vừa tạo chỉ giới vừa mở ra tour quanh hồ sử dụng phương tiện thô sơ, ví dụ như xe ngựa.  


Theo MTDL
Phố núi mờ sương

Có chút ngạc nhiên khi nhiều người đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên mà chưa ghé thăm Pleiku. Pleiku - thành phố trung tâm của tỉnh Gia Lai, nằm phía bắc Tây Nguyên, thuộc cung đường Hồ Chí Minh, trên trục lộ giao thông số 14, 19 vào Nam ra Bắc, và là giao điểm ngã ba Đông Dương, với độ cao trung bình từ 300m - 785m, Pleiku có một khí hậu rất đặc trưng, bốn mùa trong một ngày...
Phố trong sương
Thành phố Pleiku tháng 2.2009 trở thành đô thị loại 2, nhiều khu nhà cao tầng với kiến trúc Âu-Mỹ được xây dựng ở khu trung tâm, kể cả một siêu thị lớn với đủ các loại hàng hóa từ mọi miền đất nước cũng đã có mặt, nhưng hầu hết du khách tới đây vẫn thích gọi là phố núi, bởi những con đường nhỏ dốc nghiêng thoai thoải với những hàng cây xanh ngắt trải dài hai bên đường, những khóm hoa đủ màu rực rỡ, những đồi thông hút mắt thăm thẳm và không khí như nhuốm màu liêu trai trong sương mờ. Lại thêm hình ảnh những người dân tộc Bana, Êđê, Giarai… gùi, gánh, những nương rẫy, nhà sàn, tiếng suối nước chảy róc rách, những vạt đất đỏ bazan tạo nên một nét đẹp hoang sơ.
Pleiku dễ làm say lòng khách lạ bởi khí hậu bốn mùa trong một ngày. Sáng sớm, gió se se lạnh, thành phố như được phủ một lớp sương nhẹ, những tia nắng đầu tiên mang lại cảm giác ấm áp và phấn hứng cho ngày mới. Trưa Pleiku, bầu trời xanh thẳm trong veo, nắng vàng  nóng rát. Khi ánh mặt trời từ từ khuất sau những đồi thông, không khí như được lọc trong ánh tím hoàng hôn, nhẹ hơn, mát hơn. Và lúc màn đêm buông xuống, thành phố như  được bao trùm bởi màn sương mờ, khí trời lạnh mát như kem… Mỗi  thời khắc trong ngày là một khám phá về phố núi.
Pleiku trẻ và năng động
Phố núi tưởng chừng lặng lẽ, yên tĩnh, nhưng là phố núi của ngày trước, trong thơ, trong nhạc. Phố núi bây giờ không chỉ có sương, hoa và những thác, núi, suối, đồi, rừng, hồ… mà còn là một thành phố trẻ năng động. Hai lần đến thành phố này chỉ cách nhau trong vòng chưa đầy nửa năm, tôi đã thấy nhiều thay đổi, nhiều công trình xây dựng đang dần hoàn thiện, một số đã đi vào hoạt động...
Những ngôi nhà cao tầng, khách sạn, nhà hàng, công viên... mọc lên khắp nơi, đáp ứng được hầu hết nhu cầu của người dân thành phố và của khách phương xa đến công tác, du lịch. Những con đường đất đỏ trước đây cũng đã được “nhựa hoá” bền chắc, rộng rãi... Và người Pleiku hình như ngủ rất ít. Sáng sớm đã thấy phố đông người qua, các ngã ba, ngã tư đường chật ních xe các loại. Tối 9-10 giờ, dọc các vỉa hè, quán xá ăn uống, dân tình kéo nhau ngồi “đông như quân Nguyên”.
Trước cửa chợ trung tâm thành phố 6h sáng và 23h đêm.    Ảnh: Việt Văn
Trước cửa chợ trung tâm thành phố 6h sáng và 23h đêm. Ảnh: Việt Văn
Chợ trung tâm thành phố vẫn buôn bán sôi động như ban ngày, từ các loại thực phẩm tươi sống như con cá, quả chanh, tép hành… đến quần áo, dày dép.., có khác chăng, họ bày hàng ra cả ven đường.
Điều đáng chú ý là có rất nhiều hàng bán hoa tươi, và bán cả những loại hoa quý phái nguồn gốc châu Âu, chứng tỏ người Pleiku mê hoa không kém gì ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Còn một ấn tượng nữa ở Pleiku chính là các siêu thị sách. Cứ tưởng rằng nơi rừng núi Tây Nguyên người dân tộc thiểu số chiếm đa số này, nhu cầu văn hóa đọc không cao, nhưng ngược lại, Pleiku nhỏ bé nhưng có tới 3 siêu thị sách lớn và vài chục cửa hàng sách báo với hàng trăm ngàn đầu sách, báo, tạp chí các loại. 
Khách đến với Pleiku ngoài việc ngắm những thắng cảnh nổi tiếng ở nơi này như Biển Hồ Tơ Nưng, thác Xung Khoeng, núi Chơ Hơ Rông…, vào các bản làng dân tộc xung quanh để tìm hiểu văn hóa cuộc sống của những tộc người Tây Nguyên nơi này… - có lẽ còn thêm một cảm xúc thú vị khi khám phá một phố núi huyền ảo với những di sản văn hóa thần thoại Tây Nguyên, chen lẫn với những biến đổi, hòa nhập theo cuộc sống văn minh hiện đại công nghệ cao.
Việt Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét