Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Bánh tôm Bà Phúc

Khi thưởng thức ẩm thực, người ta thường nói: “Món ngon không bằng lời đẹp”. Đến quán bánh tôm Bà Phúc, thực khách không chỉ được tự do lựa chọn món ăn theo sở thích mà còn được bà chủ giới thiệu tận tình về món bánh tôm và quan trọng hơn, là cách ăn như thế nào cho đúng cách. 
Vừa làm bà chủ vừa là người tư vấn món ăn cho khách, bà Phúc nói vui: “Ở xứ Quảng, nhiều người vẫn không mê lắm với món bánh tôm nhưng khi đã thưởng thức thì chắc chắn lần sau sẽ quay lại và khi đã quay lại thì sẽ có thêm nhiều bạn bè cùng đi”. 

Trong mỗi chuyến công tác về miền Trung và ghé Đà Nẵng, gia đình nhạc sĩ Thuận Yến lại được nhạc sĩ Thanh Anh đưa tới quán bà Phúc để thưởng thức cái hương vị nửa hương kinh kì, nửa nồng nàn của xứ Quảng. Hai nhạc sĩ xem vị thơm ngon của nó “không theo một bản ẩm thực copy nào”... Bà Phúc tâm sự: “Ở đất Đà Nẵng này đã từng có không dưới 10 quán bánh tôm, nhưng vì nhiều lý do không thể trụ nổi về vấn đề chất lượng. Nhưng với bánh tôm của tôi, có lẽ để người ngoài nhận xét”.
 
Quán Bà Phúc có 3 món đặc sản: bánh tôm, bún tôm chiên dòn và bún chả giò tôm thịt được chế biến công phu với nhiều nguyên liệu chọn lọc.Tùy theo từng loại bánh mà nguyên liệu cũng như cách chế biến có sự khác nhau cho phù hợp với khẩu vị từng người. Cũng là con tôm nhưng tôm dùng cho bánh phải là tôm đất tươi, cũng như bột mì đổ bánh phải là mì tốt tạo độ thơm vừa phải, hòa cùng với mùi thơm của trứng gà tạo màu tự nhiên. 

Ăn kèm với bánh tôm còn có các loại rau sống gồm một ít xà lách, một ít rau húng, rau ngò, sợi búp chuối trắng thái mỏng. Những thứ rau trên được bảo đảm an toàn về nguồn gốc, được nhặt sạch, rửa kỹ, trộn đều với nhau.
 

* Địa chỉ:- 464/11 Trưng Nữ Vương - Đà Nẵng

- Lô 36 Triệu Nữ Vương (đối diện sân vận động Chi Lăng)
Ngoài rau, nguyên liệu ăn kèm còn có đu đủ và cà rốt xắt lát mỏng trộn đều ngâm dấm chua ngọt tạo ra màu sắc “bắt mắt”. Bánh ngon không thể thiếu nước chấm. Nước chấm là loại nước mắm được pha chế vừa miệng, đảm bảo đúng vị chua ngọt, có vị cay cay của ớt, vị vàng vàng của tỏi xay. Khi cuốn, cần có bánh tráng gạo tráng mỏng, dùng cuốn ngoài chiếc bánh. Muốn chiếc bánh ăn vừa miệng, khi gói không nên gói dày cũng đừng quá mỏng để khi ăn có thể xuýt xoa cảm nhận hết độ thơm giòn của chiếc bánh và đảm bảo màu sắc đẹp. 

Riêng món bún tôm chiên dòn và bún chả giò tôm thịt thì tôm phải là tôm bóc nõn với một lát thăn heo, thêm hai củ hành hương được cuốn trong chiếc bánh tráng giỏ rế hoặc bánh tráng mềm Hội An. Món này ăn kèm với bún tươi sợi nhỏ cùng một số gia vị khác, nhưng muốn ngon hơn khi ăn phải chấm ngập nước mắm và ăn cả miếng mới cảm nhận hết vị ngọt của con tôm và vị thơm giòn của bánh. 

Tên bánh khi mới nghe qua, có lẽ ai cũng buông lời “lạ chi”, nhưng có thưởng thức mới thấy một hương vị bánh mà người làm ra nó đang sở hữu một công thức riêng và tính gia truyền. Có một món ăn ngon, được nhiều người cùng thưởng thức, còn gì bằng? 

Duyên Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét