Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

TRÊN ĐỈNH BA VÌ

Từ truyền thuyết xa xưa
Thủa bé, nhà tôi ở một căn hộ tầng 5 trong một khu tập thể thuộc huyện Từ Liêm - phía tây Hà Nội. Căn hộ nhà tôi cũng hướng tây luôn. Thời bấy giờ, tầng 5 là cao nhất, từ đó có thể nhìn bát ngát bốn phương trời. Những buổi chiều mùa hè, đứng ở hành lang trước cửa ngắm hoàng hôn, thấy xa xa một dãy núi xanh mờ. Người lớn bảo đấy là núi Ba Vì, nơi có thần Sơn Tinh ngự.
Câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh vừa lãng mạn vừa bi hùng chỉ là truyền thuyết, nhưng vẫn còn mãi Sơn Tinh - Đức Thánh Tản Viên, được dân gian suy tôn là một trong "tứ bất tử".
Nằm ở phía tây Hà Nội thuộc huyện Ba Vì (Hà Tây cũ), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), dãy núi Ba Vì trải trên một diện tích khoảng 5.000ha. Cái tên Ba Vì được gọi chung cho ba đỉnh núi lớn, quan trọng và ý nghĩa nhất: núi Vua (1.296m), núi Tản (1.281m) và núi Ngọc Hoa (1.120m).
Núi Tản (còn gọi là Ngọc Tản, Tản Sơn, hoặc Phượng Hoàng Sơn) dù không phải cao nhất nhưng là ngọn núi nổi tiếng và quan trọng nhất. Núi mang tên Tản Viên vì ngọn núi có hình thù khá đặc biệt - gần đỉnh thắt lại, trên xòe ra. Trong truyền thuyết dân gian, đây được coi là nơi ngự của Đức Thánh Tản Viên Sơn Tinh, và trên núi có Đền Thượng - là nơi thờ Ngài. Đền Thượng có từ bao giờ, chưa ai biết đích xác.
Nhưng trải qua thời gian, chiến tranh và thiên tai, dấu tích về một Đền Thượng đượm màu truyền thuyết không còn nữa. Năm 1993, khi Vườn quốc gia Ba Vì được thành lập, Đền Thượng đã được khởi công xây dựng lại - mới hoàn toàn. Đền tọa bên vách đá dưới đỉnh núi Tản, nơi được cho là vị trí của đền xưa.
Một dấu ấn của thời đại
Nếu như ở núi Tản Viên có Đền Thượng thờ Đức Thánh Sơn Tinh là một nhân vật trong truyền thuyết dân gian, thì trên đỉnh núi Vua kế bên có một ngôi đền thờ khác, thờ một con người - một nhân vật lịch sử có thật. Đó là Đền thờ Bác Hồ. Có thể là một sự sắp đặt khéo léo, cũng có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Đền thờ Bác Hồ được đặt ở ngọn núi này.
Đền được khởi công ngày đầu tháng 3-1999 và hoàn thành cuối tháng 8-1999, kịp kỷ niệm 30 năm ngày mất của Người và 40 năm ngày Bác phát động Tết trồng cây. Công trình do KTS Nguyễn Trực Luyện và KTS Hoàng Phúc Thắng thiết kế. Đền thờ xây dựng trên mặt bằng khoảng 150m2, quay hướng nam. Công trình sử dụng hệ kết cấu bê tông cốt thép nhưng vẫn theo phong cách kiến trúc truyền thống với hai tầng mái, cùng đầu đao uốn cong. Các chi tiết kiến trúc đơn giản, mạch lạc; khai thác theo những mô típ, họa tiết dân tộc. Chính điện là một không gian mở với ba bề hiên thông thoáng, không có cửa. Ở bệ thờ có bức tượng toàn thân Bác Hồ đúc bằng đồng, trong tư thế ngồi, phía trên là bức hoành phi ghi dòng chữ nổi tiếng: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Bằng loại hình kiến trúc mang tính văn hóa - tín ngưỡng cổ xưa, Đền thờ Bác Hồ được dựng thời hiện đại để thờ một nhân vật lịch sử hiện đại, quy mô công trình dù rất khiêm tốn nhưng đã là một dấu ấn độc đáo.
Lên với Ba Vì
Tôi đã lên Ba Vì theo một cách bình thường nhất với mong muốn được đặt chân lên dãy núi của tuổi thơ, chạm vào truyền thuyết. Khi xe vừa qua cổng giới hạn phạm vi của ban quản lý Vườn quốc gia Ba Vì, không ai bảo ai chúng tôi đều hạ cửa kính, hít sâu lồng ngực không khí mát lạnh, trong lành, bù lại cho sự ngột ngạt khi vừa đi qua những con đường đầy bụi.
Những năm gần đây, chung quanh phạm vi núi Ba Vì phát triển nhiều khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng; nào Suối Hai, Khoang Xanh, Suối Tiên, Ao Vua, Vườn quốc gia Ba Vì… Gần đây nhất, quy mô nhất là Tản Đà Resort.
Con người đã và đang chiếm hữu dần những nơi hoang sơ - biết rằng phát triển du lịch, phát triển kinh tế là tất yếu nhưng tôi vẫn không mong xảy ra điều đó. Có thể tôi mâu thuẫn và cực đoan, nhưng trong thâm tâm tôi không muốn dãy núi Ba Vì và những đỉnh núi linh thiêng trở nên ồn ào, xô bồ như nhiều điểm du lịch - di tích khác.
Theo Nhà đẹp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét