Kỳ 1: Quan hoạn triều Nguyễn là ai?
“Giám sinh” và “giám lặt”
Từ xa xưa quan hoạn là một chức danh chỉ có bên Tàu. Theo Đào Hùng, đến cuối đời Minh (Trung Quốc) đã có tới 75.000 quan không có “vũ khí đàn ông”. Vì sao vậy? Do vua sợ quan mà “có” thì hằng hà sa số cung nữ tiến vào cung, vua chưa “thưởng thức” quan đã “duyệt hết” rồi. Thành ra, ai vào cung phục vụ vua mà thuộc giới nam phải “cắt” hết. Oái ăm là vậy nhưng, không ít người mỗi năm đều tự nguyện hiến dâng đời trai để được hưởng danh hoa phú quý. Có lẽ cái gì cũng có sự hy sinh của nó cả.
Có tất cả 2 loại quan hoạn hay còn gọi là Thái giám. Một là bẩm sinh hay còn gọi giám sinh, tức sinh ra đã không có “cái đó” hoặc có nhưng bị tiêu giảm, tính tình yểu điệu như con gái. Hai là có nhưng “cam chịu” thiến đi, thành thử cũng biến đổi tính nết, gọi là giám lặt.
Theo sử cũ, ước lượng ở giai đoạn đầu triều Nguyễn, mỗi thời thường xuyên có khoảng 200 người, cả giám sinh lẫn giám lặt. Năm 1824, vua Minh Mạng ban chiếu chỉ các hạt (đơn vị hành chính huyện lúc xưa) tuyển chọn “giám sinh” vào cung. Việc này do bộ Lễ làm (tương đương với bộ Giáo dục - Đào tạo ngày nay).
Hoạn quan triều Nguyễn năm 1908 - (Ảnh tư liệu Phan Thuận An)
Trong tài liệu của Công sứ A. Laborde (Pháp) ghi nhận, dân quê một số vùng vẫn thường bảo nhau bằng câu cửa miệng: Ăn mà đẻ “ông Bộ” cho làng nhờ. “Ông Bộ” ở đây chính là giám sinh, nghĩa sâu xa là phần hạ bộ có vấn đề. Nhà có “ông Bộ” được cấp ruộng đất và tiền bạc rất hậu hỹ. Riêng làng nào có ông Bộ thì được triều đình miễn thuế trong nhiều năm. Ông Bộ mà được tiến cung, nghiễm nhiên được hưởng bổng lộc như các quan đại thần nên sống rất sung sướng.
Theo luật vua ban, làng nào có “ông Bộ” từ 10 tuổi trở xuống thì phải trình lên Bộ Lễ để lập hồ sơ tâu lên Vua. Nếu giấu giếm trong nhà, lúc phát hiện ra sẽ bị phạt nặng, cho ở tù.
Bộ Lễ sẽ chịu trách nhiệm “đào tạo ông Bộ” cho đến 12 tuổi thì đưa vào triều học lễ nghi cung đình. Có chuyện vui là mấy o bán cá, thịt ngoài chợ Đông Ba lúc trước có thói hay nói thách giá, tức thì người mua nguýt miệng nói “Ăn để đẻ ông Bộ cho làng nhờ hay răng mà đòi mắc dữ rứa”. Nói xong là đi ngay không thôi sẽ ẩu đả.
Một nhóm giám sinh và giám lặt ở Hoàng Cung Huế, khoảng năm 1918
(Ảnh tư liệu của Phan Thuận An)
Trong những tiếng động lúc to lúc nhỏ đang vang ra trong phòng, Thái giám phải ghi chép lại tỷ mỷ bằng cách nghe ngóng, đếm thời gian công việc “ngự dâm” của vua với mỹ nữ để tuân lại với các quan. Do tính chất nhạy cảm ấy, chính Thái giám là người làm được chứ không ai khác.
Nhiệm vụ của hoạn quan là làm đủ thứ việc trong nội cung, như trà nước, xe kiệu, chợ búa, hầu hạ hoàng đế, thái hậu, phi tần, truyền mệnh lệnh vua, liên lạc thông tin và canh phòng, bảo vệ an ninh các cung điện. Đặc biệt, hoạn quan thân tín của vua được tuyển chọn rất kỹ. Hoạn quan không mọc râu, ngực nhô, mông nở, giọng nói the thé, hành động yểu điệu... như phụ nữ.
Đại Dương
Kỳ 2: Khám phá “chốn cũ" của quan hoạn
Tại Huế, vẫn còn rất nhiều dấu tích của hoạn quan. Qua biết bao biến cố lịch sử, những gì còn lưu lại là bằng chứng sống cho một triều đại nhà Nguyễn huy hoàng gắn liền với một chức quan kỳ lạ ít người biết.
Để chứng minh cho sự tồn tại của hoạn quan, thường các hướng dẫn viên chịu khó hay dẫn khách thăm chùa Từ Hiếu, một ngôi chùa cổ nằm cách Kinh thành Huế chừng 5km đường bộ về phía Tây Nam. Từ Hiếu là một ngôi chùa có cảnh trí thơ mộng với con đường đi vào đầy thông reo vi vút. Tĩnh mịch, im lặng, nhiều góc khuất nhỏ, thích hợp để thanh lọc tâm hồn sau một ngày thăm Huế.
Trước chùa có một con suối nhỏ nước mát lạnh chảy róc rách quanh năm. Bước qua cổng tam quan là một hồ bán nguyệt tuyệt đẹp. Có rất nhiều cá to bơi lội tung tăng được nuôi từ hàng trăm năm nay bởi thức ăn chay của chùa. Trong khuôn viên chùa không khó nhận ra hai con suối nhỏ nằm cạnh nhiều am tre. Nên ghé lại và ngồi xuống tận hưởng hương trời đất, bạn sẽ còn được chiêm ngưỡng nhiều bức thư pháp, rễ cây và tượng phật gỗ đầy chất thơ do các thầy trong chùa sáng tác ở đây.
Chùa Từ Hiếu
Rảo bước trên con đường đầy dấu rêu phong, bên trái chùa có một “nghĩa địa hoạn quan” vô cùng độc đáo. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì đây là khu nghĩa địa Thái giám duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam. Kiến trúc la thành hình chữ nhật ôm xung quanh với diện tích 1000m2. Trước là 3 lối vào. Có một tấm bia khá lâu được khắc từ thời Thành Thái thứ 3 (1901) do Cao Xuân Dục soạn, nội dung ghi lại tâm trạng Thái giám rất cảm động: “Trong khi sống chúng tôi sẽ tìm thấy ở đây sự yên lặng, khi đau ốm chúng tôi đến đây lánh mình và sau khi chết chúng tôi được an táng cùng nhau. Sống hay chết, ở đây chúng tôi đều được yên tĩnh”.
Khu nghĩa địa hoạn quan được xem là độc đáo nhất Việt Nam tại phía sau chùa Từ Hiếu
Vào bên trong, một sự sắp đặt rất đơn giản cho những “tôi tớ phục dịch” nhà vua xưa kia. Có tất cả 25 ngôi mộ còn nguyên vẹn nằm thành 3 hàng. Hàng thứ nhất mộ to, hàng thứ hai mộ nhỏ hơn và hàng thứ ba, mộ nhỏ nhất được sắp xếp theo chức vụ của các quan thái giám xưa kia. Có 2 ngôi mộ gió, chưa có thái giám nào được chôn vì lẽ khu nghĩa địa này được dựng lên vào cuối thời điểm thái giám suy tàn, năm Thành Thái thứ 5 (1893).
Thời vị vua thứ 10 trong 13 vua triều Nguyễn này, số lượng thái giám giảm hẳn, chỉ còn 15 người. Vua Duy Tân sau đó (1899-1945) chỉ duy nhất một lần chọn thiếp (bà Hoàng Quý Phi Mai Thị Vàng) cho nên các thái giám bị thất nghiệp. Đến năm 1914, việc tuyển chọn thái giám thực sự chấm dứt, chỉ còn 9 vị được lưu lại trong cung để sống nốt những ngày cuối cùng của năm tháng tuổi già.
Theo Phạm Khắc Hoè, nguyên Ngự tiền Đổng lý Văn phòng triều đình Bảo Đại, đến tháng 8/1945 các Thái giám cuối cùng mới rời khỏi hoàng cung Huế.
Hình dáng 1 ngôi mộ hoạn quan có chức vị cao
Ngoài ra, ở bên cạnh khu nghĩa địa hoạn quan, thầy Từ Hoà (chùa Từ Hiếu) chỉ cho tôi thấy còn có thêm 3 ngôi mộ cổ của Thái giám tên Thanh Quang, Đặng Tín và một mộ không rõ tên.
Thầy Từ Hoà bên 3 ngôi mộ hoạn quan cổ nằm bên cạnh nghĩa địa hoạn quan
Trong chùa này, ở hậu điện bên phải - Quảng Hiếu Đường là nơi thờ tự các Thái giám. Chính chùa đã ghi nhận công lao to lớn của Triều đình, nhất là các vị Thái giám đã hỗ trợ chùa xây dựng quy mô vào năm 1848. Hình dáng cổ kính thơ mộng chùa Từ Hiếu có được cho đến hôm nay không thể phủ nhận công lao ấy, đã có thời người Huế gọi là chùa Thái Giám.
Đặc biệt hơn ở nhà sau còn có một án thờ tả quân Lê Văn Duyệt, vị tướng xuất sắc thời vua Gia Long buổi lập quốc. Ông bị kết tội oan thời Minh Mạng. 20 năm sau, vua Tự Đức xét lại công trạng và giải oan thì bài vị của ông được đưa vào chùa để ngày đêm hương khói. Và chính Lê Văn Duyệt cũng là một thái giám.
Án thờ tả quân thái giám Lê Văn Duyệt trong chùa Từ Hiếu
Đến Huế, ta còn gặp vết tích của Thái giám qua tấm bia bên trái trong bi đình ở Võ Miếu. Tấm bia này khắc bài dụ vua Minh Mạng ngày 17-03-1836 nói rằng các thái giám trong nội cung không được liệt vào hạng người có thể tiến thân.
Văn Miếu Huế
Tấm bia trên Văn Miếu khắc từ đời vua Minh Mạng (17-03-1836)
Một chỗ khá đặc biệt dành riêng cho các Thái Giám lúc đau ốm lui ra Hoàng Thành để yên nghỉ,
đó là Cung Giám Viện ở góc đường Đặng Thái Thân và Đoàn Thị Điểm ngày nay.
Trong cuộc đời người thái giám, có lẽ họ có nhiều nỗi niềm và tâm trạng tuy sống trong nhung lụa của vương triều. Tuy họ không bình thường nhưng tình cảm thì ai cũng có. Họ đã tìm đến nhau và sống cùng nhau sau khi rời bỏ chức vị lúc tuổi xế chiều. Hay, có trường hợp thái giám có tình cảm với thị nữ không được vua sủng ái, mối tình đẹp nhưng không bao giờ có được con. Những mảnh đời thầm lặng và cam chịu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét