Ý tưởng "cổ hóa" toàn bộ những toa tàu chạy trên tuyến xe lửa du lịch Dốc Ga - Trại Mát ở thành phố cao nguyên Đà Lạt vừa được Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, thuộc Tổng công ty Đường sắt VN, thực hiện và đưa vào sử dụng từ hôm qua 3-12.
Những toa tàu đã được cổ hóa thu hút khách đến chụp hình và mua vé lên tàu đi thử - Ảnh: Nguyễn Hàng Tình |
Với kinh phí đầu tư 1,5 tỉ đồng, có bốn toa xe được chuyên gia hỏa xa ở TP.HCM làm lại giống những toa tàu chạy trên tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt thời Pháp thuộc.
Những toa tàu có hai dãy ghế chín chỗ ngồi này chỉ dài 6,5m, chạy bằng cấu trúc hai trục/bốn bánh sắt, thay vì bốn trục/tám bánh như xe lửa VN hiện tại.
Toa tàu được đóng bằng gỗ từ sàn đến thân; cửa sổ lắp kính, có rèm và các chi tiết mỹ thuật trong ngoài đều mang hồn xưa, kể cả dòng chữ "Dalat Plateau Rail Road".
Tuyến xe lửa nói trên dài 7km, lướt qua một số vườn ấp trồng củ quả, hoa trái ở phố núi và chỉ chạy với vận tốc 15km/g.
Toa tàu được đóng bằng gỗ từ sàn đến thân, cửa sổ lắp kính, có rèm |
Trưởng ga Đà Lạt Ngô Minh Châu cho hay trên tuyến xe lửa này từ nay có cả người thuyết minh, hướng dẫn du lịch, đặc biệt âm nhạc trên chuyến tàu chỉ độc nhất nhạc Pháp xưa và nhạc về Đà Lạt.
Được biết, con đường sắt từ đồng bằng Phan Rang lên cao nguyên Lang Bian được đưa vào sử dụng từ năm 1932, với tổng chiều dài 85km. Sau năm 1975 đường tàu vẫn còn hoạt động, nhưng rồi cho tháo bỏ để lấy đường ray kể từ tháng 5-1976, duy nhất đoạn 7km nói trên không bị tháo bỏ nên còn sử dụng đến ngày nay.
Một hạng mục trên tuyến đường xe lửa răng cưa đặc biệt nhất châu Á nói trên: công trình kiến trúc nhà ga Đà Lạt đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa quốc gia từ năm 2001.
Theo Tuổi Trẻ Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét