Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Cù lao Dung

Bảo“Ai về Cù lao Dung, nhớ ghé bến Rạch Giá...

Đây đồng ruộng bao la, bát ngát đến xa vời...”

Lời “Bài ca du kích Long Phú” của cố Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương sáng tác từ những năm kháng chiến chống Pháp-cũng là bản nhạc nền của các chương trình PTTH Sóc Trăng, với lời ca hùng tráng sẽ được tấu lên đón chào bạn khi đặt chân đến đất Cù lao Dung, một huyện mới của tỉnh Sóc Trăng.

Nếu có dịp ghé Sóc Trăng, các bạn nên đến với Chùa Dơi - một địa chỉ du lịch độc đáo nổi tiếng của vùng này. Nằm cách thị xã Sóc Trăng 3km về phía Nam, Chùa Dơi mà tiếng Khơ Me gọi là Serâytécbômabatúp, có nghĩa là do phúc đức tạo nên.
Ven rừng Cù Lao Dung

Những khách mới đến Cù lao Dung lần đầu nếu không có người hướng dẫn, sẽ rất dễ bị đi lạc bởi những bờ bao-cũng chính là đường đi nối liền nhau giữa các khu vườn, mảnh rẫy như những bờ tường thành băng ngang, xẻ dọc như mê cung. Chỉ tính riêng phần đê bao vòng ngoài của Cù lao Dung đã lên đến trên 300km. Còn bờ bao phía trong thì khó mà có thể tính hết được. Bờ bao cũng chính là sự bảo đảm sống còn đối với mỗi gia đình giữa một vùng sông nước mênh mông, thủy triều lên xuống, thiên tai đe dọa. Đi trên bờ bao, ta có thể thò tay ngắt một chùm Sapôchê ngay trước mặt bên này, hoặc đưa tay qua bên kia bẻ một trái cam vàng ngọt quả là thú vị. Còn khi nước lớn, đi dạo trên những con rạch ngoằn ngoèo bằng vỏ lãi hay bằng xuồng thì bạn mới cảm nhận được hết cái thi vị của miệt Cù Lao. Những mái nhà, những tán cây, rẫy mía ngút tầm mắt.

Người dân Cù Lao rất hiếu khách!. Đến nhà nào, bạn cũng được mời những đặc sản có trong vườn nhà. Đó có thể là một ly nước dừa ngọt mát hay rổ cam, chùm nhãn… Ngồi nghe những lão nông tri điền kể chuyển ngày xưa be bờ, mở đất… hay chuyện đánh tây bằng tầm vông, mã tấu… chuyện đánh tàu Mỹ bằng cách đóng cọc, căng dây thép bắt “bo-bo”, hay chuyện bắt kình ngư ngày xưa, tin rằng bạn khó mà rời gót.

Nếu gặp may, bạn có thể được đãi món đặc sản xứ Cù lao, mà bây giờ có thể nói rằng rất hiếm, đó là cá Bống Sao kho chồn, một món ăn dân dã nhưng chỉ nếm qua một lần thì khó có thể quên. Cá bống sao chỉ lớn độ hơn ngón chân cái, nhưng gan cá thì lại to gần bằng cái bụng của chính nó. Vị nhẫn nhẫn, bùi bùi của gan cá bống sao, cộng với mùi hăng hăng, nồng nồng, ngọt ngọt của rau cải trời mọc quanh vườn nhà quả là tuyệt.

Một món khác cũng rất hấp dẫn... Đó là cá thồi lồi (còn gọi là cá lóc nói) nướng trụi, ăn kèm bún, rau sống chấm nước mắm chua... món này bỏ xa món cá lóc. Khi bắt được một chú thồi lồi, tin rằng với những du khách “yếu lòng” khó có thể vùi chú cá vào đống lửa than vì đôi mắt lộ tròn to ngơ ngác, bộ vi lưng màu sắc lộng lẫy vươn cao như lá cờ ra trận của một viên dũng tướng.

Khi buổi chiều dần xuống, được tận hưởng cảm giác bồng bềnh trên con rạch Bần, rạch Tráng… bạn mới thấy hết nét đẹp và thơ của xứ Cù Lao với những rặng bần trải dài hút mắt, tiếng đàn ong vi vu tìm mật. Hoàng hôn xuống, lấp loá đèn đom đóm như đêm hội hoa đăng trên sóng nước cù lao. Cả một dải Cù lao Dung xanh tươi, trù phú bây giờ đã có điện về khắp nơi, nhìn từ bên đất liền sang vào những đêm trời đẹp có thể thấy lấp lánh ánh điện như một thành phố nổi trên sông. 
Đến Sóc Trăng, bạn hãy ghé thăm mảnh đất Cù lao Dung xanh tươi và hiếu khách.

Theo Tổng Cục Du Lịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét