Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Chè lam đậm đà chất quê

Chè lam là một trong những sản vật ẩm thực độc đáo tạo nên thương hiệu của vùng Kinh Bắc. Là món quà quê mà mỗi khi có dịp đến đây ai cũng muốn mua về biếu tặng những người thân.

Ở nước ta nhiều địa phương có thói quen làm món chè lam vào những ngày hội, ngày lễ, Tết hay những lúc nông nhàn…mọi người quây quần vui vẻ bên nhau đầm ấm sum vầy…cũng là một nét văn hóa rất thanh tao, đậm đà chất quê tạo nên sự gắn trong kết gia đình, cộng đồng làng xóm.

Chè lam có thể được người dân Kinh Bắc làm quanh năm, suốt bốn mùa đều có thể thưởng thức món quà quê dân dã này, tuy nhiên thường thì vào những dịp lễ, Tết, ngày giỗ, ngày hội làng… thì chè lam là món rất phổ biến và không thể thiếu.

Theo phương pháp truyền thống của người dân vùng Kinh Bắc, nguyên liệu để làm chè lam gồm có gạo nếp ngon là nếp cái hoa vàng càng tốt, rang nổ rồi xay thành bột mịn, đun đường kính cùng mạch nha thành mật, đây là công đoạn quan trọng đòi hỏi cần có sự khéo léo và kinh nghiệm của người nấu, điều chỉnh ngọn lửa sao cho vừa đủ độ mật không bị non quá vị thơm sẽ kém hay già quá thì bị cháy khét và đắng, lạc (đậu phộng) rang giòn dập nhỏ, hạt vừng và đặc biệt là không thể thiếu củ gừng tươi nghiền nhỏ.
Sau khi nấu mật xong thì trộn tất cả gia vị vào chung rồi quấy cho thật đều tạo độ dẻo cho chè lam, khi nguội thì bầy ra mâm rắc thêm một lớp bột nếp bao phủ bên ngoài, đặt ra đĩa cắt thành từng miếng nhỏ sao cho vừa ăn.

Thật thú vị khi được thưởng thức miếng chè lam, cảm nhận sự dẻo quyện và dai dai, bùi bùi, vị ngọt đượm của mật, vị thơm ấm nồng của củ gừng, vị giòn béo ngậy của đậu phộng và hạt vừng, hương đậm đà của bỏng nếp cái hoa vàng… như đánh thức tất cả các giác quan, tạo sự hấp dẫn quyến rũ đến lạ thường.

Là một món quà quê dân dã, giá giẻ nhưng chè lam vẫn chứa đựng vẻ thanh tao ở vùng thôn quê nên từ lâu đã trở nên phổ biến. Ngày nay, thương hiệu chè lam Bắc Giang đã bay đi khắp đây đó để có mặt tại nhiều lễ hội lớn trong cả nước, như lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), hội Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương), hội Yên Tử (Quảng Ninh), hội vùng Kinh Bắc và nhiều lễ hội khác trong cả nước.
 

Theo Nguyễn Văn Hưởng
LĐO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét