Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Đất cù lao: Những làng nghề trăm năm


Trên dải đất cù lao nằm giữa sông Tiền và sông Hậu thuộc tỉnh An Giang gồm các huyện Chợ Mới, Phú Tân và Tân Châu (vừa lên thị xã cuối năm 2009) kéo dài chỉ hơn 60km, lại có đến hàng chục làng nghề có truyền thống lâu đời. 
Những làng nghề hàng trăm năm tuổi gắn liền với một thời khai hoang mở đất. 
Kỳ 1: “Đinh Đô” ở vùng không nguyên liệu
SGTT - Đã ngoài 86 tuổi, 70 năm cầm đục, ông Hồ Văn Lai (nghệ danh Tư Chia – ấp Long Định, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) vẫn đọc rành rành ngày giỗ nghề và tên tam vị thánh tổ (Lịch Đại tổ sư, Lỗ Ban tiên sư và Cửu Thiên huyền nữ) nhưng ông không biết được nghề mộc xông đất Chợ Mới từ bao giờ, chỉ nhớ là lâu lắm rồi. Dọc cù lao nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, qua hai huyện và một thị xã, có đến hai chục làng nghề, hỏi nguồn gốc những người làm nghề gần hết thế kỷ, ai cũng ước đoán đã ngoài trăm năm.
Mộc xứ ta, gỗ xứ người
Làng nghề nặn lò đất ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân. Ảnh: Doãn Khởi
Trừ nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa ở Tân Châu (đã lụi tàn hàng chục năm trước), dọc cù lao những làng nghề trăm tuổi: mộc, tranh kiếng, dây luộc, lò đất, bó chổi… đều không có nguồn nguyên liệu tại chỗ. Tất cả đều mua từ vùng khác trong nước hay từ xứ người: gần thì ở Lào, Campuchia xa nữa là Nhật, Trung Quốc…
Trong một báo cáo cuối năm ngoái của huyện Chợ Mới, chỉ riêng nghề mộc xứ này đã có ba làng với 1.500 hộ làm nghề và gần 4.000 lao động. Ông Tư Chia so sánh, thị trường gỗ nguyên liệu ở vùng Chợ Mới này chỉ thua vùng Hố Nai (Đồng Nai). Trăm năm trước, từ thời thầy của ông làm nghề, tên Huỳnh Văn Xíu, thương lái mua gỗ từ Nam Vang (Phnom Penh – Campuchia), đóng bè xuôi theo sông Tiền về đây bán. Cả làng mộc Long Điền A (tên cũ là Chợ Thủ) hàng ngàn thợ đều dùng chung một nguồn gỗ. Cẩm lai, bên (gõ đỏ) dùng đóng bàn ghế, tủ; giáng hương, căm xe dùng làm cửa; thao lao (bằng lăng) dùng làm bao lam thần vọng (bài trí bàn thờ). Sau này giặc giã, chiến tranh, nguồn gỗ từ Nam Vang tuy gần nhưng khó khai thác, thợ nơi đây chuyển hướng mua gỗ từ Đông Nam bộ, miệt Đồng Nai, Sông Bé… cho đến bây giờ. Trong hành trang di cư của những người thợ mộc xứ Thuận Quảng hàng trăm năm trước chỉ vỏn vẹn có đục bạt, đục dũm, đục tách, cây chàng và đôi bàn tay “vàng” bởi làm mộc giữa vùng sông nước, không có nguyên liệu tại chỗ không phải là lợi thế.
Tận dụng đồ thừa
Có họ hàng xa với nghề mộc là nghề tranh kiếng bởi khung tranh tận dụng được phế phẩm của gỗ và cũng có thời người thợ tranh kiếng vẽ lên gỗ. Ông Nguyễn Thanh Hoà (ấp Long Tân, xã Long Điền B, Chợ Mới) chủ một cơ sở tranh kiếng lớn nhất Chợ Mới bây giờ kể: nếu đi mua gỗ (thường là thao lao) để làm khung tranh mà bán giá phải cao gấp đôi so với giá bây giờ, tất nhiên thợ phải về vùng nguyên liệu làm nghề mới sống được. Từ lâu người thợ làm khung tranh xứ này đã biết tận dụng những mảnh bìa nhỏ, phế thải của làng mộc, khéo léo cưa cắt thành những bộ khung. Nhưng đấy mới chỉ là một lợi thế cạnh tranh.
Là một người thoát ra khỏi cách làm truyền thống vẽ xong đi bán dạo, ông Hoà đã xây dựng cơ sở tranh kiếng của mình thành một doanh nghiệp có đối tác xa gần và xuất khẩu tranh sang một vài nước gần với tín ngưỡng, vì vậy dù nghề tranh kiếng hiện đang thoái trào, ông vẫn bán hàng đều bởi nắm bắt được nhu cầu của người bán và kẻ mua. Kiếng vẽ tranh là loại trong, dày khoảng 2 li, xứ An Giang không sản xuất nhưng ông Hoà biết các nguồn kiếng nguyên liệu (phần không nhỏ là hàng Trung Quốc) chỉ mua ở Chợ Mới là rẻ nhất và nơi đây tiêu thụ hầu hết loại kiếng 2 li này. Hoặc khi một đối tác đặt hàng để tiêu thụ ở vùng nào, ông sẽ biết sản xuất ra loại tranh để hợp với tín ngưỡng vùng đó… Điều thấy được, nghề tranh kiếng nhiều vùng như Lái Thiêu dù có đẹp hơn, hay ở Sóc Trăng và một vài làng ở miền Trung gần như đã tuyệt tích nhưng ở Chợ Mới, tuy không được như xưa nhưng vẫn còn ít nhiều người sống được bằng nghề, dù nay bóp nhỏ lại còn chừng 40 nóc nhà.
Cạnh tranh bằng mẫu mã
Với nghề nặn lò đất ở xã Phú Thọ, huyện Phú Tân còn lạ hơn, biến nguyên liệu ở làng nghề xứ khác làm vùng nguyên liệu cho xứ mình. Nhà nghiên cứu địa phương Nguyễn Hữu Hiệp (An Giang) đã từng dày công đi tìm hiểu quá trình này kể lại, nhiều chục năm trước, nghề nặn lò đất Phú Thọ phải sang tận xứ Hòn Đất, Kiên Giang để mua đất vì xứ mình không có. Vùng Hòn Đất cũng làm nghề nặn lò đất, cà ràng từ trăm năm trước. Một cuộc cạnh tranh về nghề đã nổ ra giữa hai vùng và lợi thế ban đầu thuộc về Hòn Đất, nơi có vùng nguyên liệu tại chỗ.
Bà Nguyễn Thị Á, 64 tuổi, chủ một cơ sở sản xuất lò đất ở xã Phú Thọ nhớ lại, từ khi mua đất ở Hòn Đất, thợ nặn lò luôn phải tính toán sao cho lò xứ mình làm ra phải bền, đẹp và tiện dụng hơn bên kia, đồng thời, giá cả không được mắc hơn. Đây là một thách thức, và lò đất luôn đổi mới kiểu dáng để làm sao vừa nấu vừa cời than để nướng hoặc ủ để cơm chín cùng lúc. Chưa hết, bếp lò phải dễ vận chuyển khi đang nấu, tro bụi không vương ra ván thuyền, chống được gió và có thể nấu bằng trấu… Thợ nặn lò đất Phú Thọ đã giải quyết được những điểm này, một lò đất ra đời không chỉ có ba cục đất gác nồi và bọng đựng than như nhiều nơi vẫn làm. Như thế, cạnh tranh được và sống được. Bà Á vẫn nhớ chỉ vài ba năm trước đây, cảnh tượng thương lái nhộn nhịp xếp lò xuống thuyền để đưa đi các miệt, hàng làm ngày đêm không kịp bán dù mảnh trấu để nung cũng phải chèo thuyền đi mua từ xứ người.
Kỳ 2: Làng nghề trong cơ chế thị trường
Đến làng mộc Long Điền A, Chợ Mới nghe tiếng máy cưa cắt ầm ì như bao vây không gian quanh đó, tiếng dùi đục lách cách chạm nhau – âm thanh cổ truyền của hàng trăm năm trước làm vui một khúc sông Tiền – thi thoảng mới nghe thấy khi máy cưa tạm ngừng. Từ người chủ đến kẻ học nghề đã mang dáng dấp, tác phong công nghiệp.
Bây giờ không như trước – một người thợ phải làm hầu hết mọi khâu, từ lọc gỗ, vẽ mẫu đến cưa, đục, đánh bóng – tất cả đều chia công đoạn, những việc nặng như xẻ gỗ, lọc gỗ đã có máy làm.

Làng nghề công nghiệp

Xưởng con gái ông Tư Chia có ngoài chục thợ, đứa cháu ngoại tên Phong chừng 20 tuổi có tiếng là khéo tay chỉ ngồi cầm viết lông vẽ mẫu thẳng trên súc gỗ đã lọc. Mẫu do người mua và người sản xuất chọn, đề tài khá phong phú, từ tứ quý (mai – lan – cúc – trúc), tứ linh (long – lân – quy – phụng), đến lưỡng long triều nhật (hay lưỡng long tranh châu)… Cái khó nhất của nghề chạm khắc là vẽ mẫu, nó đòi hỏi có năng khiếu thật sự chứ không chỉ cần mẫn quen tay.

Ông Tư Chia, ngoài 86 tuổi nhưng vẫn là người vẽ chính của xưởng ông, kể: 70 năm trước, khi vác gạo học nghề, chỉ ít hôm, ông có thể cầm bút vẽ được. Người thầy vừa phục, vừa sợ nên không muốn truyền nghề vẽ. Không học được thầy, ông chuyển hướng học lóm bạn, dần dà nét vẽ không kém người đi trước. 

Nay những đơn hàng khó nhất, phức tạp nhất của gia đình, phải ông tự tay vẽ mới xong. Chia công đoạn hàng sẽ làm nhanh hơn và đẹp hơn nhiều vì mỗi người chỉ phải chuyên chú một khâu. Những khâu xưởng không chuyên như cẩn (khảm) xà cừ sẽ chuyển cho xưởng khác, chữ Hán thuê người vẽ… Nhân cớ, ông kể chuyện xưa, nhà ông nội của ông Hai Khiêu ở gần đó, ngoài trăm năm trước mướn thợ cất nhà, chỉ tính phần chạm khắc phải dùng 12 thợ đục đẽo suốt một năm ròng mới xong, nhưng nay chỉ mất khoảng một tháng.

Được và mất

Mẫu mã lưỡi hái đã được đóng bao bì, in nhãn hiệu để chống hàng nhái. Ảnh: Doãn Khởi
Làng rèn ở Phú Tân (dân trong vùng vẫn quen gọi làng Hoà Hảo), từ lâu người ta đã tính toán chia công đoạn trong một lò và mỗi lò chỉ làm chuyên một vài mặt hàng. Lò của ông Trương Văn Khanh (nhãn hiệu Trương Khanh) chỉ chuyên làm lưỡi hái, thỉnh thoảng mới rèn thêm dao, búa. Là người dẫn đường đến các lò khác, ông Khanh giới thiệu, đây chuyên làm leng, kia chuyên làm dao… 

Mỗi lò, vì làm chuyên một mặt hàng, nên người và dụng cụ làm hàng theo đó cũng chuyên biệt, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật để “đẻ” con dao, lưỡi hái nhanh hơn lần lượt ra đời. Người nắn khuôn, lấy chấu, trui, tra cán… đều riêng, dây chuyền đều như một cái máy. Vì vậy, một thợ lấy chấu có thể làm cả trăm lưỡi hái một ngày. Mỗi năm lò ông Khanh bán được hơn 30 ngàn sản phẩm. Nhưng lò rèn Trương Khanh mới chỉ là một trong hơn 50 lò rèn của làng rèn Hoà Hảo.

Đấy là mặt phải, ở làng nghề tranh kiếng Chợ Mới, chính những sáng chế cải tiến kỹ thuật đã “giết” phần nhiều người làm nghề. Truyền thống là vẽ tay, thợ giỏi vẽ mẫu, kém hơn giặm màu, trẻ con mươi tuổi cũng cầm bút được. Lúc đó trăm nóc nhà làm ngày đêm và sống sung túc. Nhưng vào khoảng năm 1988, một vài người làm tranh kiếng và biết nghề in lụa đã kết hợp 2 trong 1. Một bước ngoặt, tất cả công đoạn vẽ đều vứt bỏ, chỉ trừ vẽ mẫu, vì chỉ cần kéo mảnh vải trong khuôn mất vài giây, màu sắc đậm nhạt như ý, chuẩn hơn vẽ tay nhiều, tất nhiên chi phí làm ra bức tranh giảm đáng kể. 

Cơ sở ông Nguyễn Thanh Hoà vào loại lớn nhất vùng nhưng cũng chỉ cần người vẽ mẫu là đủ. Thêm nữa, khung thuê nhà mộc làm. Thành thử thợ nếu không vẽ được mẫu đẹp phải bỏ nghề hay bỏ xứ đi vẽ dạo trên những khung kiếng, gỗ, tường… ngoại cỡ, nơi máy kéo lụa không làm được. Dù hiện tranh kiếng không còn bán được nhiều như mười năm trước nhưng tranh vẫn làm đều, chỉ khác cũng tổng lượng tranh đó, trước chia đều ra trăm nóc nhà, nay dồn lại dăm ba cơ sở.

Đem chuông đánh xứ người

Khoảng 50 – 60 năm trước, ở làng nghề mộc Long Điền A luôn có một đội ghe tàu lớn chừng 30 chiếc neo sông túc trực chờ hàng. Các lái này được dân mộc gọi là lái Định Tường vì họ từ Mỹ Tho lên. Lái thầu mua hết bàn ghế, giường, tủ… đem đi khắp các miệt vùng đồng bằng bán: Bến Tre, Long An, Cà Mau… Chừng ngoài hai chục năm nay, sau thời bao cấp, nghề mộc xứ này phát triển mạnh lại, chuyện sản xuất đồng loạt và bán buôn như xưa giảm hẳn. Thay vào đó, những vùng khác biết danh mộc Chợ Mới kéo về đặt hàng, công trình nào lớn như đình, chùa… người đặt hàng đưa cả xe hơi về rước chủ thợ lên coi ngó, tính toán, ký hợp đồng. Người làm nghề không phải tốn hơi lo đầu ra trong bối cảnh hiện tại khi hàng thì ít mà nhu cầu ngày càng đông.

Nhiều năm trước, hợp tác xã ngành rèn Hoà Hảo đã đăng ký thương hiệu độc quyền, trên thương hiệu chung, mỗi thành viên (lò rèn) cũng đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho riêng mình. Ông Trương Văn Khanh nhớ lại hành trình chống hàng nhái đầy cam go: vốn chất lượng đồ nông cụ ở vùng này rèn hơn hẳn các nơi khác, người ta bèn nhái mẫu mã, cũng lấy thương hiệu rèn Hoà Hảo.

Lò chánh gốc thấy vậy bèn khắc luôn thương hiệu lên lưỡi hái, cũng chẳng ăn thua, họ bèn dán thêm lên lưỡi hái “tem” có ghi địa chỉ và hình người sản xuất, vẫn bị nhái. Mất nhiều năm vừa lo vật lộn tìm đầu ra, vừa lo chống đồ nhái đến ít năm trở lại đây, chủ lò phải đầu tư luôn công nghệ đóng bao và in ấn trên bao bì. Đến nước này, đồ nhái mới giảm bớt vì chi phí làm bao bì không rẻ (gần 10%).

Thách thức lớn nhất trong việc tìm kiếm thị trường mới là tranh kiếng, để có được đầu ra ổn định như bây giờ, ngoài việc tăng chất lượng, giảm chi phí như đã nói ở bài trước, ông Hoà đã từng phải lặn lội sang cả Lào và Campuchia để tìm thị trường, còn trong nước, hàng của ông luôn có mặt ở những vùng có dân ưa chuộng. 

Quẫy đạp như vậy, ông và một số ít người nữa thành công, những người kém nghĩ hơn lại quay về cách cũ: đi bán dạo, nhưng bán dạo bây giờ cũng không kiếm được như xưa bởi nay giao thông đã thuận tiện nên một chiếc ghe len lỏi vào vùng sâu, xa bán tranh – được coi như một ưu thế ngày trước – nay cũng không còn nữa.

Nguyễn Trọng Tín – Doãn Khởi
Nguồn: Báo SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét