Ngày trước, khi vùng đất Ngã Năm còm lắm hoang hóa, các loài thực vật nơi Bưng Bàu quanh năm cầm thủy phát triển nhiều vô kể. Nào rau mát, cù nèo, bông súng, rau dừa, rau muống, năng bột… cho tới rau nhúc, bông điên điển, bông lục bình, rau đắng biển… tha hồ sinh sôi nảy nở. Ngày ngày, cứ sau buổi làm đồng về, nếu chịu khó siêng dành chút ít thời gian quơ một mớ “rau cỏ” trên đường về là có ngay một bữa cơm đầy ắp rau rừng. Ở vào thời điểm đất đai còn lắm hoang hóa này, thì cây hẹ nước chưa được người tiêu dùng quan tâm đến mấy. Bởi hẹ nước tuy là loài rau đồng hoang dã nhưng lại rất lựa chọn môi trường sống thích hợp với loài cây “sợ” nắng này. Ở môi trường nước cạn và ngầu đục thì thân cây hẹ nước ngắn lại, lá dày và có vị đắng, lại không giòn, thơm, mường tượng giống như cây cải sà lách bị “áp nắng”, già cõi, mất ngon. Nhưng khi có môi trường sống thích hợp trên cánh đồng đất phèn trũng thấp, mặt nước thông thoáng, mực nước sâu thì cây hẹ nước mặc tình phát triển với chiều dài của thân lá đến 5-7 tấc là chuyện bình thường. Hẹ Nước thoạt mới nhìn trong giống như cây cải nhíp, nhưng lá khá dài, bề ngang của lá hẹ nước rộng chừng ngón tay cái, mềm giòn như cải xà lách, lại có vị ngọt nhưng hơi nhân nhẫn. Có những loại rau khi hái đem về nhà còn “sống” được vài ngày, như rau muống, rau nhúc, rau mát, bông súng, cù nèo thì hẹ nước chỉ được vài giờ tươi rói, nên là loại “rau ăn liền”. Ngày trước, cây hẹ nước chưa được giới ẩm thực chú ý cho lắm bởi một phần vì rau đồng thừa mứa, một phần nó chỉ có mặt vào mùa mưa nước nổi, lại là loại rau “sợ nắng”, chỉ cần vài giờ đồng hồ mua bán ế ẩm thì cây rau đồng này sẽ trở thành rau “rác” đúng nghĩa. Chính vì vậy, trước đây cây hẹ nước đôi khi chỉ được làm quà của bà con vùng sâu thỉnh thoảng có công, có chuyện ra chợ Ngã Năm. Dần dần về sau, những cánh đồng bưng biền, hoang hóa ngày nào từ từ nhường chổ cho cây lúa “thần nông” thâm canh, tăng vụ nên các loại rau đồng cũng trở nên hiếm hoi và loài hẹ nước “khó tánh” này vài năm trở lại đây trở thành “của quý” trong các quán ăn hay trong bữa cơm gia đình của người dân nơi đây. Khi hẹ nước về, người ta cắt bỏ nguyên phần gốc, rễ, đem rửa sạch. Hẹ nước được dùng ăn sống như một loại rau, chấm với nước cá kho, thịt kho... nhưng ngon nhất là chấm với mắm kho. Mắm kho trước kia, bây giờ là lẩu mắm, là món thường ngày của người dân miền Tây Nam Bộ. Đi kèm với món ăn làm nên danh tiếng xứ này là một "tập đoàn" rau và bông hết sức "tầm cỡ", nhưng thiếu sự hiện diện của hẹ nước thì coi như "bỏ đi"! Cảm giác ngon miệng của các loại rau, bông khác chấm mắm kho, lẩu mắm là chuyện ai cũng biết. Nhưng cái ngon của hẹ nước chấm mắm kho, lẩu mắm mới là đặc biệt. Vì, lúc mới ăn chẳng cảm thấy gì đặc biệt nhưng càng nhai càng nghe vị ngọt rất đặc trưng của nó lẫn vị mặn ngọt của nước món ăn, thấm dần, thấm dần vào dạ dày.
Hẹ nước thuộc nhóm cây sống thủy sinh, vì thế khi vào mùa khô kiệt nước chúng chết rủ dần. Vì vậy, ta thường thấy chúng mọc trong những vùng thường xuyên ngập nước, tạo nên những khoảng dày đặc, thích nghi trên vùng đất trũng phèn. Chúng có mặt và tăng trưởng hầu trên những dòng kinh nội đồng, đất lung, bàu trầm thủy vào mùa nước nổi. Trong những năm gần đây, do tình hình sản xuất thâm canh, tăng vụ, cộng thêm tình trăng phù sa bồi lắng nên diện tích lung bàu thuộc đất trầm thủy xưa kia ngày càng thu hẹp nên cây hẹ nước cũng dần dần cạn kiệt. Ở những vùng đất trũng thấp như Ngã Năm, trước kia hẹ nước nhiều vô kể và “có mặt” quanh năm nhưng giờ đây nó trở thành “của hiếm” trong bữa cơm gia đình. Và trong những hàng quán - dù là nhà hàng hay quán cơm bình dân thì từ lâu hẹ nước trở thành đặc sản của giới ẩm thực./.
Nguyễn Thanh Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét