Mùa nước nổi cũng là mùa cá linh xuôi theo dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong tràn xuống lưu vực sông Tiền và sông Hậu, giúp cho bữa cơm của người địa phương thêm phong phú.
Ngoài việc chiên tươi, kho mặn, làm chả cá, đặc biệt cá linh non (nhỏ bằng mút đũa) còn được kho lạt giằm me chấm bông súng, bông điên điển trở thành một món ngon "danh bất hư truyền" của vùng đất An Phú (Châu Đốc, An Giang).
Ăn như thế đã là rất ngon, nhưng cá linh sẽ trở thành một món ngon hơn nữa khi được kho rim. Những con cá linh được làm sạch, ướp mắm muối gia vị cho thấm, đặt lên lớp mía chẻ lót đáy nồi, cho nước dừa xiêm ngập cá, bắc lên bếp lửa liu riu. Cứ thế mà đun cho đến khi cạn nước, tiếp tục cho thêm lớp nước dừa xiêm ngập xâm xấp nữa rồi đun lửa liu riu cho đến khi gần cạn thì nhấc xuống.
Phải khéo và nhẹ tay gắp những con cá linh nằm sắp lớp trong nồi ra dĩa, dọn ra mâm. Cũng phải cẩn thận gắp nhẹ tay từng con kẹp với chuối chát và khế, cho lên miệng, bạn sẽ nghe vị chát của chuối, vị chua của khế lạ mà ngon không thể nhầm lẫn với bất kỳ món nào.
Cá linh nhỏ kho rim đã ngon, nhưng bạn sẽ cảm thấy ngon vô cùng ngon khi được thưởng thức những con cá linh to chừng nửa cườm tay người lớn kho rim. Đó là những con cá linh bình thường của mùa lũ năm trước vô tình chui vào ống bộng của một hầm cá giữa dòng sông Hậu bao la. Một năm sau, khi "khui hầm" sẽ có những con cá linh bự gấp ba lần năm trước, bụng căng phồng một chùm trứng.
Cũng bằng cách đun nấu như trên, nhưng với những con cá bự như thế, người ta phải mất đến hai ngày mới có thể có được một món ngon nhớ đời. Miếng cá linh trong miệng mềm thịt, mềm xương, mềm vảy, cứ như miếng cá mòi, ngọt thịt, ngọt nước dừa xiêm, béo trứng, ngon đến mướt mồ hôi, khiến bạn đến già, đến chết cũng vẫn còn nhớ món đồng quê này, nếu đã một lần được thưởng thức!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét