Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Căn cứ Minh Đạm

Núi Châu Long – Châu Viên ở Đông Nam huyện Long Đất. Từ Đông sang Tây - Bắc dài 8km, điểm cao nhất là 355m. Ba mặt giáp biển, có nhiều hang động hiểm trở. Dãy núi này là căn cứ kháng chiến chông Pháp, Mỹ.

Năm 1948 đổi tên là căn cứ Minh Đạm, đó là ghép tên của 2 ông Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm là bí thư và phó bí thư huyện uỷ huyện Long Điền hy sinh tại đây.Sườn núi phủ đầy cây rừng rậm rạp và nhiều hang động tự nhiên, có suối nước ngọt quanh năm thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài. Do vi trí chiến lược quan trọng, địa hình hiểm trở nên từ năm 1948 đến đầu năm 1975 Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh đã xây dựng tại đây căn cứ kháng chiến. Giữa vòng vây quân địch, Minh Đạm vẫn đứng vững trước sự tàn phá hủy diệt bằng đủ loại vũ khí tối tân, nuôi dưỡng lực lượng cách mạng trưởng thành, thắp sáng niêm tin thắng lợi trong nhân dân. Toàn bộ căn cứ bao gồm bốn khu vực chính:

+ Khu Đá chẻ:
Địa danh này được đặt ra vì đỉnh núi có tảng đá bị nứt dọc tựa như vết chẻ. Đây là nơi bám trụ của các cơ quan, đơn vị trọng yếu của huyện Long Đất. Các hang đá và địa điểm được gọi theo tên của đơn vị đóng quân tại đó như : hang Huyện ủy, hang B2, hang Huyện đội, hang Quân y, hang Quân giới và hang Tuyên huấn.

+ Khu chùa Giếng Gạch:
Ở độ cao 150m phía bắc núi Minh Đạm. Địa danh này mang tên một ngôi chùa cổ đã. Bị phá hủy hoàn toàn. Đây là nơi trú quân của huyện Long Đất bao gồm các hang Quận ủy, hang Quân nhu, hang Quân đội và hang Quân báo trung ương.

+ Khu Châu Viên:
Ở phía tây núi Minh Đạm, nơi trú chân của các Ban An ninh, anh tài, Quân y, và căn cứ bám trụ của xã Phước Hải, núi Ngãi trong một giai đoạn ngắn từ 1963 - 1964.

+ Khu Đá Giăng:Nằm ở chân núi Minh Đạm. Lực lượng cách mạng các xã Phước Tỉnh, Long Điền, An Ngãi và Tam An đã xây dựng căn cứ bám trụ tại đây. Nay di tích này hâu như không còn. Khu căn cứ Minh Đạm đã được Bộ văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử theo quyết định số 57/VHQĐ ngày 18 tháng 1 năm 1993.
Cùng với các di tích cách mạng, khu căn cứ Minh Đạm còn có tiềm năng phát triển du lịch rất thuận lợi. Địa thế tự nhiên có núi cao tới 327m, rừng cây xanh mát bốn mùa. Dọc theo chân núi là bãi biển chạy dài từ đông sang tây qua núi Thùy Vân với rừng dương reo vui trong gió tạo nên một thắng cảnh đẹp nên thơ.
Đến với căn cứ Minh Đạm, du khách có thể leo núi, len lỏi giữa rừng cây gộp đá, tham quan các di tích lịch sử, đùa giỡn với sóng biển tại bãi tắm Hàng Dương hoặc thả bộ theo con đường trải nhựa chạy dọc ven biển. Hai bên đường hoa anh đào, hoa mai tỏa hương thơm dịu ngọt. Thật là một chuyến tham quan du lịch bổ ích và lý thú.
Dulichbui's Blog (Theo sở du lịch Bà Rịa Vũng Tàu)
DU LỊCH  
Về nguồn trên núi Thùy Vân

Ngọn núi như một đám mây rủ nên có tên là Thùy Vân. Nằm ven biển, Thùy Vân là nơi lý tưởng để ngắm toàn vùng biển Long Hải từ trên cao. Với địa hình hiểm trở, kết nối giữa đất liền và biển, trong hai cuộc kháng chiến, ngọn núi này được chọn làm căn cứ cách mạng. Những ngày tháng Tư hào hùng, Thùy Vân là điểm đến lý thú để vừa tìm hiểu về tích lịch sử, vừa thưởng lãm phong cảnh.
Ngọn Thùy Vân nằm trên con đường ven biển nối liền miền Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tức nằm dọc theo đường biển Long Hải- Hồ Tràm thuộc địa phận Bà Rịa- Vũng Tàu, nối hai tuyến quốc lộ 51 và 55, chỉ cách Vũng Tàu khoảng 30 cây số. Con đường trải nhựa đi qua những khu resort nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Vừa qua khỏi các khu resort, có bảng hướng dẫn bên trái rẽ vào khu căn cứ cách mạng Minh Đạm khoảng 3 cây số. Cổng vào khu căn cứ nằm ngay chân núi. Đường lên núi ngoằn ngoèo theo địa hình hiểm trở, được trải nhựa nên ô tô có thể lên tới nơi. Con đường mát rượi bóng cây, không khí trong lành, dễ chịu.
Bãi Dương còn giữ nguyên vẹn nét hoang sơ.
Khoảng 30 phút chạy xe gắn máy lên núi, du khách đặt chân đến khu căn cứ Minh Đạm- ghép tên từ hai vị Bí thư và Phó Bí thư huyện Đất Đỏ là ông Bùi Công Minh và ông Mạc Thanh Đạm đã hy sinh trên đường đi công tác do địch càn quét năm 1948. Ngọn núi cũng được đổi tên thành Minh Đạm.
Toàn bộ khu căn cứ xưa được phục dựng và giữ gìn nguyên trạng. Không cần người dẫn đường, du khách có thể leo lên những sườn đồi, những tảng đá lớn để tự khám phá toàn bộ khu căn cứ này trong một buổi. Du khách sẽ cảm nhận rõ hơn những năm tháng chiến tranh ác liệt và hiểu thêm về cuộc sống chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng khi luồn rừng, hay lách mình giữa các hang hốc hiểm trở. Những hang đá lớn, nhỏ trên núi được các chiến sĩ cách mạng tận dụng làm nơi trú ngụ, làm việc. Có những hang sâu hàng chục mét nhưng có những hang nhỏ, hốc đá chỉ vài mét. Hang hốc chồng chất lên nhau rất vững chãi, tạo thành "địa lợi" cho khu căn cứ. Ở các hang đều có bảng chỉ dẫn với những thông tin được ghi chú rõ ràng.
Khu căn cứ cách mạng Minh Đạm được phục dựng hài hòa với thiên nhiên là địa chỉ đỏ của nhiều du khách về nguồn.
Đặc biệt, từ đỉnh núi hoặc sườn núi, du khách có thể ngắm toàn cảnh biển Long Hải- Hồ Tràm xanh ngút ngàn. Những con sóng bạc đầu lăn tăn, những con thuyền nhấp nhô như điểm xuyến thêm sắc màu trên tấm thảm xanh biếc ấy. Người ta ví dãy bờ biển này như một con rồng xanh uốn mình dưới chân núi Thùy Vân. Xuống núi là ra đến biển, du khách thỏa sức đắm mình trong làn nước biển xanh mênh mang. Bãi biển Long Hải và Hồ Tràm được khai thác du lịch với những khu resort cao cấp nhưng không có tình trạng cát cứ, quây chiếm bãi biển. Ngược lại, du khách và người dân địa phương vẫn có thể vui đùa, tắm biển trên suốt bãi biển sạch sẽ này. Chỉ riêng Bãi Dương còn giữ nguyên vẹn nét hoang sơ, chưa có những công trình, kiến trúc du lịch nào.
Giá lưu trú và ăn uống ở đây khá "mềm". Mùa lễ, Tết, khu vực này thu hút rất đông du khách nhưng phần lớn là khách địa phương và phụ cận nên họ đi về trong ngày. Vì thế, giá lưu trú gần như không đổi. Kết hợp lên rừng, xuống biển trong cùng một chuyến đi; vừa tìm hiểu lịch sử, vừa ngắm cảnh thiên nhiên ngoạn mục; đồng thời, tránh được những chỗ quá đông khách, ồn ào như Vũng Tàu, Phan Thiết, nhất là không phải canh cánh nỗi lo chặt chém, "cháy" phòng nghỉ dịp lễ…- đó là những lý do để du khách gần xa chọn đến với khu di tích lịch sử Minh Đạm.
Bài, ảnh: Thanh Nhàn
Núi Thùy Vân ngoài tên Minh Đạm còn có nhiều tên gọi khác, như: núi Đá Dựng, Hòn Thung, núi Ngang, núi Điện Bà, núi Châu Viên, núi Trương Phi. Rừng cây phủ xanh ngọn núi và có nhiều hang hốc được sử dụng làm căn cứ kháng chiến của quân và dân Bà Rịa- Vũng Tàu từ năm 1948-1975.
Khu căn cứ này được chia làm bốn khu: Chùa Viên, Đá Chẻ, Chùa Giếng Gạch, Đá Chồng với các hang trọng yếu được phục dựng khai thác du lịch (hang Huyện ủy, hang Huyện đội, hang Quân y, hang Thị xã Cấp, hang Quân giới, hang Binh vận, hang B2, hang xã Phước Hải…)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét