Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Cốm Giẹp - đặc sản Sóc Trăng


Nói về các món đặc sản ở Sóc Trăng thì khách phương xa sẽ nghĩ ngay đến bánh Pía, Lạp Xưởng, Bánh Coóng nhưng ít ai biết rằng Sóc Trăng còn có một món ăn đặc sản khác rất hấp dẫn là Cốm Giẹp. Đây vừa là một món ăn dân dã mà cũng là một món ăn gắn liền với nếp văn hoá tín ngưỡng của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Thông thường, khi người miền Nam nói tới món Cốm này thì gọi là cốm "dẹp" vì đấy là lối phát ân của người miền Nam nhưng thật ra phải gọi là cốm "giẹp" mới đúng.

Để có món cốm này thì vào khoảng tháng 10 âm lich, người nông dân Khmer phải ra đồng lựa lúa vừ mới trở mình sắp chín ( dân gian gọi là dốt dốt) thì hạt cốm mới ngon vì nó còn giữ mùi thơm của nếp lại mềm. Người ta cắt lúa này về bỏ lên chảo rang sơ rồi cho vào cối đâm ( giã) cho hạt lúa tróc vỏ trấu ra và vì hạt lúa chưa chín tới nên hạt nếp bên trong sẽ bị giẹp nên gọi là cốm giẹp 
Với người Khmer, trăng tháng 10 âm lịch là trăng tròn, biểu tượng cho điều lành của một năm mới tràn đầy hạnh phúc với mùa màng bội thu. Cũng vào dịp này con người tỏ bày sự giao cảm với đất trời qua lễ cúng trăng hay còn được gọi là lễ hội Oóc-om-bók.
Trong lễ hội Oóc-om-bók cúng trăng rằm tháng 10, đồ cúng ngoài các loại trái cây, dừa, chuối còn không thể thiếu được cốm dẹp. Khi mưa vừa dứt hạt, gió hiu hiu làm căng sữa những hạt lúa đầu mùa, người Khmer cùng nhau hái lúa nếp làm cốm dâng cúng ông bà và làm món quà ra mắt đầu năm.

Lúa nếp hườm hượp chín được đem sàng kỹ, om (rang nóng) rồi giã trong cối vuông tròn để có được những hạt cốm dẹp trong ngần, thơm ngát hương nếp đầu mùa, hứa hẹn những ngày bội thu sắp tới. Cốm giã xong, hương nếp thơm bát ngát tỏa lên và được bày trang trọng trong om-bók.

Đồ cúng được chuẩn bị xong, tất cả cùng ngồi một hướng chờ trăng từ từ lên cao. Khi trăng lên tới đỉnh, mọi người cùng reo hò, tiếng trống, tiếng cồng trỗi lên, tất cả cùng chắp tay hướng về mặt trăng. Trong nghi lễ cúng trăng, cốm dẹp được đút (gọi là oóc) cho mỗi đứa trẻ tham dự, vừa đút cốm dẹp, vị chủ lễ vừa đấm nhẹ vào lưng các em và hỏi chúng năm nay muốn cầu được gì? Có em ước được nhiều ngọc ngà châu báu, lúa thóc đầy bồ. Có em ước được học giỏi, muốn lên thăm chú thỏ trên cung trăng... Những câu trả lời của các em cũng là ước nguyện, là niềm tin của mọi người vào thành quả lao động sản xuất trong mùa vụ tới.

Xong lễ, những chiếc đèn gió được thả lên trên trời với tiếng hò vang hòa lẫn tiếng cồng, tiếng trống. Mọi người lại tham gia các trò chơi, thả đèn nước và múa vui nhân dịp lễ cúng trăng.

Xưa kia người Khmer ăn cốm dẹp với tép rang, hoặc dùng cốm dẹp với chuối ăn cho chắc bụng. Ngày nay, cốm dẹp được trộn với dừa, đường thốt nốt (hoặc đường cát) thành một món ăn chơi nhưng cũng đủ no lòng, nhất là vào những ngày đi trẩy hội Oóc-om-bók và xem các lễ hội như đua ghe ngo cũng tổ chức vào dịp này của người Khmer. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét