Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Di tích kiến trúc: Đình Điều Hòa



Đình Điều Hòa
Di tích tọa lạc tại số 101, đường Trịnh Hoài Đức, phường 2, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Do nằm trong địa vực trung tâm thành phố, giữa khu dân cư nên việc đi đến di tích bằng các phương tiện giao thông đường bộ rất thuận tiện. Từ ngã ba Trung Lương trên Quốc lộ I, rẽ vào đường Ấp Bắc chạy thẳng xuống đường Nguyễn Trãi, quẹo qua Hùng Vương chạy về hướng Chợ Gạo, qua khỏi Cầu Quay rẽ trái vào đường Trịnh Hoài Đức khoảng 300m là đến di tích.
Đình Điều Hòa là một công trình kiến trúc nghệ thuật có quy mô xây dựng lớn, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện qua cấu trúc xây dựng và các mảng chạm khắc trang trí bên trong.
Đây là nơi tập trung và bảo tồn nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Tiền Giang. Hiện trong đình còn lưu giữ, bảo quản các sưu tập lư, đỉnh đồng, sưu tập binh khí thờ, và nhiều cổ vật gốm sứ của Trung Quốc thế kỷ XVIII - XIX. Đặc biệt là nghi thức hành lễ cúng bái trong đình có từ các thế kỷ trước vẫn còn lưu lại cho đến nay.
Với phong cách kiến trúc nghệ thuật thời nhà Nguyễn, đình Điều Hòa xứng đáng là di sản văn hóa quý hiếm của nhân dân Tiền Giang nói riêng, và nhân dân cả nước nói chung.
Do có ý thức bảo quản gìn giữ tốt và thường xuyên được nhân dân địa phương đóng góp tu bổ, nên ngày nay Đình Điều Hòa rất khang trang, giữ nguyên được giá trị sử dụng ban đầu và còn nhiều cổ vật quý hiếm có từ khi đình mới được thành lập vào thế kỷ XVIII. Đồng thời cũng thu hút được nhiều khách tham quan lui tới nhất là các dịp cúng lệ Kỳ yên hàng năm của đình (16-17-18 tháng 02 và 16-17-18 tháng 10 âm lịch)
Nhìn về tổng thể hiện trạng xây dựng có lối như chử “thập” (+), nhưng theo hiện trạng cũ theo trục Bắc – Nam , đình có cấu trúc theo lối chữ Tam (≡).
 Trên mặt dựng của cổng có 3 chử Hán “Đình Điều Hòa”, phía sau trang trí một một bức tranh “Thất Hiền Quá Hải”, bên dưới thân trụ cổng có đôi câu đối của ông Cao Xuân Dục viết tặng đình khi về thăm đình vào năm Duy Tân thứ I. Nội dung:
“Tứ hải bổn đồng phùng thuận trị
Nhất thôn phong hóa hảo Điều Hòa ”
Qua cổng Tam quan là sân kiểng, bên trái có bàn thờ Thần Nông, bởi vì nơi đây là ruộng tịch điền và bàn thờ Thần Nông của thôn Điều Hòa có trước khi đình được dời về đây.
Bước lên bậc tam cấp bằng xi măng là mặt dựng nhà võ qui. Mặt dựng hình tháp gồm hai tầng, trên đỉnh trang trí hình “Lưỡng long tranh châu”, bốn góc mái của tầng một trang trí Tứ linh bằng men xanh; góc mái tầng hai trang trí hình cánh én, cuối mái ngói trang trí sứ men xanh hình cánh và gương sen. Trên mặt dựng tầng hai có 3 chữ Hán “Đình Điều Hòa” đắp bằng xi măng; mặt dựng của tầng một là bảng hiệu Đình Điều Hòa bằng chữ quốc ngữ. Vào trong chánh điện, gian giữa với các mảng chạm khắc bên trên là “Long Phụng tranh châu”. Phía dưới là Bát tiên cởi thú; phía trên bao lam là những khuôn chạm Tứ quý, Tứ linh, Mai Điểu, Tùng Lộc, Liên áp quả (vịt – sen) và trên cùng là tấm hoành được sơn son thiếp vàng và chạm Tứ linh. Trên 2 cột là đôi liễng chạm 2 lớp câu đối có nội dung:
Miếu mạo nguy nga tân cựu tôn ty triêm thánh đức
Oai linh hách diệu sỹ nông công mãi mộc thần ân.
Trên 2 hàng cột 2 bên trang trí hoành phi, bao lam chạm trổ sơn son thếp vàng với họa tiết trang trí Tứ quý, Tứ linh, Mai Lan Cúc Trúc, hoa trái ...
Đặc biệt, ở hàng cột ngoài cùng trong chánh điện, có đôi câu đối của Thượng Thư Cao Xuân Dục một lần ghé qua đình đã đề tặng:
"Tứ hải bổn đồng phùng thuận trị
Tóm lại, họa tiết và hoa văn trang trí ở đình Điều Hòa hầu hết được lấy ra từ những hình tượng và điển tích trong Nho giáo, Phật giáo và Tứ linh,Tứ quý và các vật tượng trưng với hàm ý, cầu mong cho dân trong làng xóm được bình an; trong gia đạo được hạnh phúc; con cháu giàu sang phú quý; thiên nhiên mưa thuận gió hòa, mọi sự vật được trường tồn.
Trải qua hơn 200 năm tồn tại và qua nhiều lần tu bổ, đình Điều Hòa vẫn còn giữ đuợc dáng vẻ ban đầu, trông rất khang trang và còn sử dụng được lâu dài.
Những vị tiền bối có công khởi dựng đình là các ông Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Văn Trước, Trương Văn Ân. Nhân dân đã tôn thờ 3 vị tiền bối này là Tiền Hiền Cẩm Địa và Hậu Hiền Khai Khẩn, và đến nay vẫn còn thờ ở trong đình.
Trước kia Đình Điều Hòa được dùng làm trạm dừng chân của các quan lại dưới triều Nguyễn đi công tác ở địa phương muốn nghỉ lại qua đêm hoặc chờ đò qua sông. Đồng thời đình còn là nơi thờ cúng Thành Hoàng Bổn cảnh của nhân dân trong vùng. Đến giữa thế kỷ thứ XIX, đình Điều Hòa được sử dụng với một chức năng duy nhất: thờ cúng Thành Hoàng và những vị Tiền hiền. Nơi đây, hàng năm vào những ngày lễ hội Kỳ Yên ( 16-17-18 tháng 02 và 16-17-18 tháng 10 âm lịch) nhân dân đã đến cầu an cho sự yên bình của làng xóm và tổ chức các hội thi làm bánh, đồ xôi, chưng nghi (bằng những loại trái cây của địa phương). Hội đình kéo dài 3 ngày 3 đêm, mỗi đêm đều có rước đoàn hát về hát bội các tuồng có nội dung phản ánh các điển tích Trung Quốc như: Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu; San Hậu v.v... có hàng ngàn người đến cầu an và xem hát.
Di tích đình Điều Hòa đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét công nhận di tích cấp quốc gia dự kiến vào cuối năm 2008./.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét