Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013
Hủ Tiếu Nam Vang Ty Lum 254 Nguyễn Trãi Q.5 (ngay ngã 4 với Huỳnh Mẫn Đạt)
Hủ tiếu ngon, rất đắt khách.Hủ tíu Nam Vang là một món ăn khá phổ biến tại TP.HCM. Như tên gọi của nó, món hủ tíu này đã theo chân những người Việt hồi hương từ Campuchia về Việt Nam vào những năm 70. Và món ăn này đã nhanh ***ng được người Sài Gòn đón nhận khi hàng loạt tiệm hủ tíu Nam Vang của A.Phúc, Hồng Phát, Liến Hứa, Kim Tháp… mở cửa. Ông Ty Lum, một người Campuchia sinh trưởng tại Kep, tỉnh Kampot, mẹ là người Việt, bố là người Campuchia cũng hồi hương năm 1970 hiện đang là chủ quán hủ tíu Nam Vang - Ty Lum cho biết: Thật ra món hủ tíu này có nguồn gốc từ những người Tiều sinh sống tại Campuchia. Nhưng khi về đến Việt Nam, họ mang theo món ăn này để ghi nhớ nguồn gốc của nó cũng như giới thiệu cho người Sài Gòn nên từ hủ tíu Nam Vang bắt đầu có mặt trong danh mục những món ăn của thành phố cho đến bây giờ. Tuy cũng là hủ tíu Nam Vang nhưng nguyên bản tại Campuchia chỉ có thịt heo nạc và thịt bằm, rau ăn kèm chỉ có xà lách và giá. Sang đến Việt Nam, sự đa dạng về nguyên liệu đã tăng lên thấy rõ, tùy ý thích có nơi cho thêm phèo, có nơi cho thêm trứng cút… Theo ông Ty Lum, cái tinh túy của hủ tíu này là nước lèo, cũng giống như nước dùng của phở, của bún bò… Để nấu được một nồi nước lèo đúng mức phải cần đến 20kg xương ống heo, vì xương ống có nhiều tủy nên nước sẽ ngọt đậm đà. Xương được chần qua nước sôi, sau đó chuyển sang một nồi khác nấu nhừ và phải hớt bọt liên tục trong suốt thời gian nấu thì mới có nước thật trong và ngọt đậm. Nước lèo của Ty Lum có đặc điểm riêng, vị ngọt của xương heo thật đậm mà vẫn thanh nhờ vị ngọt của chả cá cho vào nước lèo ở giai đoạn khi gần hoàn tất. Nước lèo chỉ là phần cơ bản. Để có một tô hủ tíu hấp dẫn mang ra cho khách, người chế biến phải tuân thủ những động tác thật thuần thục đúng kiểu cách khi nấu hủ tíu Nam Vang. Vợt để trụng bánh được làm trẹt, đường kính cỡ 2 tấc nhưng chiều sâu chỉ cỡ 7cm mà thôi. Nhờ miệng rộng nhưng lại cạn nên động tác hất hủ tíu đã trụng chín vào tô thật gọn, đẹp. Các miếng thịt, tim, gan, tôm… cũng đồng thời được xếp nằm đúng vị trí của mình qua cái hất vợt này. Món ngon không hẳn phải là cao lương mỹ vị mà cốt ở chỗ tươi mới. Chính lượng thịt nạc tươi bằm thật mịn được đánh tơi bởi nước lèo sôi già góp phần tăng mùi vị ngọt đậm đà cho tô hủ tíu. Món ăn này được ăn theo hai cách: khô hoặc nước. Nếu ăn khô, hủ tíu được rưới thêm miếng nước xốt hắc xì dầu cùng mỡ tỏi. Mùi thơm của tỏi phi vàng rộm cùng vị mặn có hậu ngọt thanh của hắc xì dầu càng làm tăng sự hấp dẫn cho món ăn. Một số khách quen thường đến quán Ty Lum khoảng 8,9 giờ sáng hoặc từ 7- 9 giờ tối sẽ có cái thú ăn xí quách với hắc xì dầu. Xí quách lúc này vừa mềm tới độ, chấm miếng sụn giòn giòn vào nước chấm thơm lừng giằm thêm trái ớt hiểm xanh, ăn hết tô xí quách nhiều khi khách vẫn chưa thấy đã. Ngoài ra, hủ tíu cung cấp cho quán được đặt riêng tại một lò chế biến ở Củ Chi cũng do một Việt kiều từ Campuchia về. Cọng hủ tíu phải nhỏ, mịn, dai và không được chua, như vậy khi nhai người ăn mới cảm nhận hết được hương vị riêng của hủ tíu. Một món ăn đã theo chân một cộng đồng đến một vùng đất mới. Nó đã hòa nhập, phát triển bởi sự sáng tạo của những đầu bếp; họ đã dùng những sản vật của địa phương làm tăng sự phong phú nhưng vẫn giữ được sự tinh tế của món ăn. Hủ tíu Nam Vang đã trở thành một món ngon, góp phần đa dạng hóa kho tàng văn hóa ẩm thực của chúng ta.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét