Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Đình làng Thành Công


Đình làng Thành Công nằm ở số 6 phố Thành Công. Cổng đình hướng Tây quay ra phố Thành Công. Đình nằm theo hướng Bắc Nam. Diện tích lúc đầu 2500m2 , hiện nay còn lại 310m2, hậu cung bị tách ra bởi ngõ ngõ 6A phố Thành Công. Tại hậu cung thờ bốn ông Tiến sĩ có khắc tên trên bia Tiễn sĩ tại Văn miếu Quốc Tử Giám: Đỗ Kim Oánh, Nguyễn Đắc Vinh, Nguyễn Đăng Long, Trương Đình Tuyên (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa - Bùi Hạnh Cẩn Nxb Dân tộc 2002, trang 337)  và thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến .
Theo các vị cao niên ở đây kể lại thì đình có từ đời Lý Thần Tông  (1128- 1138). Sau khi chùa Láng xây xong thì đình Nhược Công (nay là đình Thành Công) cũng được xây dựng. Theo các cụ trong vùng thì thời trước đình có được tu tạo nhưng không nhớ rõ năm. Năm 1947, đình bị giặc Pháp đốt phá. Năm1950, đình được xây lại theo kiến trúc cũ. Năm 1975 đình lại bị cháy lần thứ hai do bất cẩn. Năm 1999, bằng công sức và tiền bạc công đức của bà con sở tại và dân thập phương, ngôi đình đã được xây dựng lại khang trang hơn. Theo ông Bùi Ngọc Nhân, Phó ban Quản lý di tích đình Thành Công, người đã trực tiếp tham gia xây dựng, thì kinh phí lúc đó là 600 triệu đồng. Đình được xây dựng trong hai năm 1999-2000 thì hoàn thành.
Đồ tế thờ quý còn giữ được (do gửi vào chùa Láng) gồm: 1 kiệu bát cống, 8 chiếc bát bửu và chiếc lư đồng  cổ ở đáy có ghi Đại Minh Tuyên Đức niên chế.
Đình nhận được nhiều đạo sắc phong của các triều đại. Tiếc rằng trải qua bao thăng trầm của thời gian và biến cố của lịch sử, các đạo sắc phong đã bị thất lạc gần hết. Hiện chỉ còn lại 3 đạo sắc phong năm Dương Đức thứ ba (1674) và một số đạo sắc phong khác, cùng bản Thần tích của Đình do Hàn lâm Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn tháng Giêng năm Hồng Phúc thứ nhất (1572). Tháng 2 năm Vĩnh hựu thứ 3 (1737), Quản giám bách thần  truy điện hùng lĩnh thiếu khanh thần Nguyễn Hiền sao lại theo bản cổ. 
Thần tích kể rằng: Kinh thành Thăng Long dưới triều Lý Huệ Tông (1210-1224) nghề thủ công phát triển mạnh. Nhiều người ở các châu về Thăng Long học nghề, mở phố xá buôn bán. Thuở đó có ông Nguyễn Diệu ở Châu Ái (Thanh Hóa) cùng vợ là Mai Thị Huyền ra Thăng Long mở một xưởng dệt vải. Họ nhanh chóng nổi tiếng vì giỏi nghề nhưng muộn con. Năm 39 tuổi, một đêm bà vợ mơ thấy được lên mây gặp các nàng tiên đang quây quần thêu dệt. Thấy bà, họ liền tặng một tấm gấm vuông rất đẹp rồi bay về trời. Bà bừng tỉnh, sau đó liền mang thai. Đến ngày 8 tháng 3 năm Bính Thìn, bà hạ sinh được một cô con gái mặt đẹp như hoa, da trắng như tuyết. Ông Diệu bèn đặt tên là nàng La vì nghĩ đến tên cổ của kinh thành Thăng Long xưa là Đại La và La cũng có nghĩa là lụa, rất hợp với nghề dệt lụa của ông. Năm nàng La 18 tuổi nhan sắc khuynh thành, cơ thể toát lên mùi hương thơm ngát, văn tự tinh thông lại giỏi nghề thêu dệt, cắt may. Vải nàng dệt vừa bền vừa đẹp, thao tác lại nhanh gọn nên ai cũng phục tài. Nhiều chàng trai mong ước được kết duyên cùng nàng.
Trong số những người làm công cho ông Diệu lúc ấy có chàng trai Đoàn Thưởng vốn quê Hồng Châu (Hải Dương). Cha mẹ mất sớm, Đoàn Thưởng phải gác mộng đèn sách để đi làm thợ dệt kiếm kế sinh nhai. Vốn là một tay thợ dệt lành nghề, nên Đoàn  Thưởng rất hay thi tài với nàng La. Dần dần hai người cảm mến nhau và ông Diệu cũng bằng lòng nhận Đoàn Thưởng làm con rể.
Biết chồng vẫn ôm mộng văn chương nên nàng La khuyên chồng dùi mài kinh sử để lên kinh ứng thí. Nghe lời nàng, Đoàn Thưởng quyết tâm đèn sách và cuối cùng thi đỗ. Sau khi được bổ nhiệm làm quan coi sóc việc Hộ, Đoàn Thưởng liền xin với vua cho lập một phường thủ công ven hồ Tây. Còn nàng La nhận việc dạy nghề dệt cho dân chúng. Cách dạy của nàng được nhiều người ủng hộ tham gia. Tiếng lành đồn xa, nhà vua nhiều lần mời nàng vào cung dạy cho công chúa và các cung nữ. Được nàng La chỉ dạy, các con vua, con quan, ai nấy đều tinh thông văn tự, nữ công gia chánh.
Trong lúc đó thì Đoàn Thưởng được thăng chức làm đốc học ở Châu Hoan, Châu Ái. Nghe tin người anh em là Đoàn Thượng và Nguyễn Nộn muốn khôi phục nhà Lý, chống lại Trần Thủ Độ, Đoàn Thưởng kéo quân về giúp sức. Thuyền đi gặp bão bị đắm, Đoàn Thưởng bị sóng cuốn đi mất tích. Nàng La nghe tin khóc cạn nước mắt. Nàng làm lễ cúng chồng rất lớn. Lễ xong, nàng liền trở về doanh trại, đem toàn bộ vàng bạc, châu báu, tiền của trong doanh trại giao cho dân bản phường để dùng vào việc hương hỏa sau này rồi  uống thuốc độc tự tử theo chồng. Đó là ngày 15 tháng 9. Vua hay tin rất thương sót, sai đình thần đến bản phường nơi nàng hóa làm lễ an táng và cho tu sửa doanh trại cung điện, dựng miếu thờ tự. Lại sai người dựng thêm một ngôi đền tại bản phường trên khoảnh đất hình đầu rồng có ấn triện hai bên tả hữu, có thế đất như chim bay, như hỏa tinh, có dòng chảy bao bọc, hai sông giao nhau. Vua còn cấp cho phường 500 quan tiền để lo việc tế tự và miễn thuế, dịch cho làng.


Đình Nhược Công, nay là đình làng Thành Công, là ngôi đình có bề dầy lịch sử, điểm nhấn tâm linh của nhân dân phường Thành Công. Đình là nơi thờ vọng  vị  quan  thời Lý và  bà chúa nghề dệt một thời đã làm cho người dân nơi đây sung túc. Tiếc rằng ngôi đình cổ kính này hiện vẫn chưa được công nhận là di tích lịch sử. Hướng tới Đại lễ Thăng Long Hà Nội 1.000 năm tuổi, hi vọng ngôi đình sẽ sớm được công nhận là di tích văn hóa lịch sử của thủ đô Hà Nội.

Nguồn tin: Hồ Sĩ Tá (Ban chỉ đạo Quốc gia Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét