Nếu có dịp về miền Tây Nam Bộ thì chắc hẳn quý vị sẽ được thưởng thức món canh chua, một món ăn nổi tiếng của vùng sông nước Nam Bộ. Canh chua ở đây phong phú từ cách nấu đến nguyên liệu. Và quan trọng nhất là chất chua của nồi canh, nó quyết định nguyên liệu cho món canh chua. Món canh chua ngọt thì chất chua chính là từ chanh, và cá đi kèm là các lóc, cà mè vinh, cá bông...
Lúc này, không cần đến các loại rau thường xuất hiện trong món canh chua như thơm, giá, bạc hà, rau nhút, đậu bắp... Ngoài chanh, me là chất chua phổ biến cho món canh chua, thì chất chua cho nồi canh còn tùy vào từng địa phương. Miền bắc hay dùng trái sấu làm chất chua còn vùng sông nước Nam Bộ dùng trái bứa thay cho me đang váng cơm chưa đến mùa chín.
Còn ở vùng Bảy Núi, An Giang thì bà con địa phương lại sử dụng một chất rất độc đáo cho món canh chua, đó là lá vang. Có thể nói đây là một sản vật địa phương. Lá vang tựa như lá bông giấy, thân dây, vị chua thường mọc ở vùng rừng núi. Theo người dân sống ở vùng Núi Sam - Châu Ðốc thì mùa lá vang cho hương vị ngon nhất là vào mùa mưa (tháng tư đến tháng mười âm lịch).
Ðây cũng là mùa có lễ hội Vía Bà Chúa Xứ ở Núi Sam nên món canh chua lá vang của bà con ở đây được đông đảo du khách khắp nơi biết đến qua các lần về Châu Ðốc vãn cảnh cúng Bà. Một điều khá thú vị là lá vang được hái ở sườn đông của Núi Sam thì lại cho hương thơm, vị chua ngon hơn lá vang được hái ở sườn tây. Có thể là lá vang mọc ở sườn đông được nhận những tia nắng ban mai của mặt trời nên có hương vị ngon hơn lá vang mọc ở sườn tây.
Lá vang lại thường được nấu với thịt gà (được gọi là canh chua lá vang) hoặc thịt bò (được gọi là bò xào lá vang). Ðối với canh chua lá vang thì thịt gà được ướp gia vị cùng với sả, ớt, đậu phộng, xào cho thịt vừa chín tới, cho một phần lá vang xắt nhuyễn vào xào chung. Ðến khi thịt thật chín, cho thêm nước đun sôi vào, nêm gia vị vừa ăn. Cho tiếp số lá vang còn lại vào và nhắc ngay nồi canh chua khỏi bếp.
Số lá vang cho vào lúc đầu để tạo chất chua chính, phần lá vang cho vào lúc sau cùng vừa góp thêm phần chua vừa như món rau. Nên nét độc đáo của món canh chua lá vang là chất chua cũng chính là món rau phụ. Ðối với bò xào lá vang thì có người lại thích cho thêm nước cốt dừa vào, vị ngọt của thịt bò, vị chua của lá vang hòa lẫn vị béo của dừa tạo nên hương vị độc đáo khó quên cho món bò xào lá vang.
Còn canh chua gà lá vang thoảng nhẹ mùi sả với mùi thịt gà, vị chua của lá vang tạo nên một vị chua rất riêng của món canh chua lá vang mà bất cứ một thực khách nào đã ăn một lần thì chắc hẳn khó quên được hương vị của món canh chua độc đáo này. Nhắc đến lễ hội Vía Bà Chúa Xứ, nhắc đến Núi Sam - Châu Ðốc là du khách nhớ đến ngay món canh chua lá vang. Một món ăn ngon gắn liền với thổ nhưỡng, thiên nhiên và cách chế biến rất riêng, độc đáo của vùng Bảy Núi, An Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét