Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Làng cổ dệt lĩnh Trích Sài

Làng cổ Trích Sài nằm ở phía Tây Hồ Tây, Hà Nội, nổi tiếng từ lâu với nghề dệt lĩnh dùng may quan phục trong triều và hoàng tộc.

Nghề lĩnh của làng Trích Sài do bà Phan Thị Ngọc Đô, một vương phi người Chàm cùng các cung nữ, truyền lại. Bà và các cung nữ hiện được thờ tại đình Văn Chỉ (đình làng Trích Sài).

Từ thời Lê đến đầu thời Nguyễn, làng Trích Sài luôn là một phường thuộc phủ Hoài Đức (nay thuộc Hà Nội). Các bộ sử lớn của Việt Nam đều ghi, vào đầu thời Lý, vùng đất quanh hồ Dâm Đàm, tức Hồ Tây vẫn là rừng rậm, Vua Lý Nhân Tông từng đặt bẫy bắt hổ ở đây. Dân làng có nghề đốn củi và nghề đánh cá ở hồ Tây.

Làng còn gắn với câu chuyện về bốn anh em họ Lý sống ở đời Nhà Minh (Trung Quốc). Không chịu nổi sự nô dịch của quân Hung nô, bốn anh em này đã đưa vợ con vượt biển sang Việt Nam, mang theo nghề dệt lụa hoa và diềm hoa, gấm hoa dây, truyền cho dân phường Trích Sài. Các nghề này dần được nhân rộng cho người dân các làng quanh vùng Thăng Long.

Trích Sài hiện bảo lưu nhiều di tích gắn với một phường của kinh thành Thăng Long xưa. Một trong những di tích còn lại là Đền Phúc Lộc Thọ ở cạnh đình làng, thờ ba vị công chúa là Vạn Phúc, Vạn Lộc (hai người con vua Lý Nam Đế) và người có pháp thuật cao là Vạn Thọ phu nhân, đã giúp dân trong vùng trừ diệt loài Cáo chín đuôi chuyên hại người. Vì thế, đền còn có tên là đền Ba bà chúa, am Gia hội.
Một di tích khác còn đến ngày nay là chùa Thiên Niên. Đây là ngôi chùa của trang Thiên nhiên, vốn là “thái địa”, tức một nửa số ruộng đất của làng Trích Sài được vua Lê Thánh Tông trích ra để cấp cho các cung phu hưởng hoa lợi, dần dần thành một trang, mang tên “Thiên niên” (ý nói là nơi các cung phi được hưởng lộc lâu dài). Các cung phi đã lập ra ngôi chùa này đến đầu thời Minh Mạng (1820-1841), trang Thiên niên lại được nhập vào phường Trích Sài, nhưng tên chùa này vẫn không thay đổi.
Các di tích của làng đều đã được bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đánh giá, xếp hạng và tổ chức trùng tu hưởng ứng sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét