Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

Mùa cá chạch

Khi những hàng so đũa bên bờ sông trổ bông và mực nước sông Ô Môn bắt đầu giựt (cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch) là ở quê tôi (Ô Môn, Cần Thơ) lại bắt đầu mùa cào chạch. Từ sáng sớm hoặc xế chiều (theo con nước ròng), từng đoàn người chống xuồng tam bản đi cào chạch trải dài theo mé sông. Dụng cụ đánh bắt của họ rất đơn giản: một bàn cào (đây là cây sào dài bằng tầm vông khoảng 3 – 4m), đầu được gắn một thanh sắt ngang, phía dưới hàn những mũi chĩa nhọn (tương tự như bàn cào cỏ), một cây kềm, một cây giũa (dụng cụ mang theo để sửa chữa bàn cào khi gặp vật cứng làm cong hay làm tà mũi chĩa).
Tuỳ theo địa điểm săn bắt (bãi lài hay hẩm), người đánh bắt ngồi trên xuồng hay ngâm mình dưới nước. Với những động tác nhanh nhẹn, người đánh bắt chỉ cần đưa bàn cào ra xa tầm tay với, đợi cho tới khi bàn cào chạm mặt bùn, rồi từ từ kéo cào vào trong bờ. Đặc điểm của lũ chạch là trú ẩn dưới bùn non, đầu ngoi lên mặt bùn để ăn phiêu sinh vật. Khi chạm phải mũi chĩa nhọn, chúng cố vùng vẫy thoát thân. Vì thế, người cào khi thấy sào bị rung nhẹ thì chỉ việc kéo cào nhanh lên mặt nước, rê bàn cào vào mép xuồng gỡ cá ra, và… cứ như thế cào tiếp…
Những chú chạch tươi roi rói màu vàng nhạt. Ở những nơi nhiều chạch, một bàn cào có thể dính từ hai đến ba con. Một người cần mẫn trong một con nước có thể kiếm được từ 1 – 2 kg chạch dễ như chơi!
Thịt chạch ngọt, béo giàu chất dinh dưỡng. Theo Tây y, cứ 100g chạch có 16g chất đạm, có đến 17 axit amin, đặc biệt có đủ cả 8 axit amin tối cần thiết, 3,2g chất đường, 2g chất béo, và các vitamin khác... Theo Đông y, thịt chạch có tác dụng bổ khí huyết, chống lão suy, tráng dương, cường lực, thanh nhiệt, cần thiết cho người già… Vì thế, thịt chạch chế biến thức ăn nào cũng ngon như khô chạch, chạch kho nghệ…, nhưng hấp dẫn hơn cả là cá chạch nướng chấm nước mắm me.
Trước tiên, chạch bắt được (hay mua ở chợ về), lựa những con thật tươi, mập mạp. Rửa nước lạnh vài lần cho sạch nhớt, sau đó dùng gắp tre kẹp chạch nướng trên lửa hồng cho đến khi chín vàng là được. Nhớ đừng để chín quá thịt chạch khô mất ngon. Kế đến ta chuẩn bị “cây nhà lá vườn” như khế chua, chuối chát, dưa leo xắt sẵn cùng với rau thơm xếp ra dĩa. Và, sau cùng pha thêm một chén nước mắm me, thế là xong! Nhưng cũng nên lưu ý rằng khâu pha chế cuối cùng này rất quan trọng, vì nó quyết định chất lượng của món ăn. Nói thế, có nghĩa là ta phải pha nước mắm me sao cho có vị chua chua của me chín, vị ngòn ngọt của đường cát trắng, vị mằn mặn và thơm thơm của nước mắm, vị cay nồng của ớt chín…, và nhất là nước mắm pha không quá loãng để khi chấm phải “bắt” mới ngon.
( Phạm Thu )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét