Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Múa Long Mã ở Vĩnh Kim


...Những ngày thơ ấu trong những năm 67 - 68, của thế kỷ trước, tôi đã một lần được xem múa Long Mã tại thánh thất Cao Đài - Hàng Còng - Phường 4, Mỹ Tho...
Không biết tôi có nói quá cho loại hình văn hóa dân gian này không, chứ theo tôi thì múa Long Mã hình như là "độc quyền" của xứ Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang). Long Mã - có nơi gọi "Lân Mã" - là một...con lân! Nhưng Long Mã cũng có khác với những con lân bình thường, là những con lân khác chỉ có cái đầu lân, còn cái đuôi thì là một... tấm vải, người ta thêu, viền, trang trí rồi cho người nấp dưới cái đuôi đó mà múa kết hợp với cái đầu lân; riêng Long Mã thì là hình thù của một con "ngựa" lai "rồng", với cái đầu rồng và cái thân ngựa". Toàn thân Long Mã liền lạc với nhau, cái đầu rồng với hai con mắt to, mũi rộng, có râu hai bên và hàm răng bén như răng thật. Mỗi lần múa, người múa làm động tác "đớp", hai hàm răng chạm vào nhau nghe "côm cốp". Khối chú nhỏ - trong đó có tôi - đứng vòng ngoài xem múa Long Mã, khi con lân tới gần, táp "đốp" một phát, có cậu sợ đến khóc thét! Thân Long Mã làm bằng vải, phủ lên một bộ "khung" xương bằng kẽm và tre, toàn thân được vẽ bằng màu vàng, có điểm vô số "vảy rồng" màu đỏ, nhìn rất đẹp. Trên lưng Long Mã có gắn "Thái Cực Hà Đồ" là một hình "bát quái" chia vạch "âm - dương" và một thanh gươm xiên qua. Không dễ dãi và giản đơn như múa lân thông thường, múa Long Mã - hai người múa mặc những chiếc quần cũng vẽ hình vảy rồng - giống như màu vảy của thân Long Mã. Khi múa điệu bộ, động tác rất đồng nhất. Khi xuống tấn, lúc cử chân, cất tiền, đá hậu...đều nhịp nhàng, đồng bộ. Tiến, thoái rập ràng, điều đó nói lên những người múa Long Mã, nếu không là "bậc thầy" về võ thuật, thì hẳn cũng là những võ sinh mà cấp đai chẳng thấp tý nào! Múa Long Mã không có "ông địa" với gương mặt lúc nào cũng cười, tay cầm chiếc quạt mo phe phẩy trước mũi con lân mà là một nhân vật nào đó (hình như là Đông Phương Sóc thì phải) cưỡi một con ngựa giả, múa với Long Mã nhìn xem rất ngộ, rất hay.
Nếu tôi nhớ không lầm, thì năm Mậu Thân 1968, khoảng 23, 24 Tết gì đó ở thánh thất Cao Đài Phường 4 (điện thờ Phật Mẫu bây giờ - hồi đó còn là nhà thờ bằng gỗ, quét vôi trắng, chứ chưa được xây dựng hoành tráng và kiên cố như hiện nay), có tổ chức múa Long Mã, tôi và lũ bạn cùng xóm đi xem và cứ gọi là "mắt tròn, mắt dẹt" với những động tác múa điêu luyện của những "nghệ nhân"  - nếu được gọi như vậy  - múa Long Mã. Mãi sau, năm 1985 - 1986 gì đó, tôi được xem một lần thứ hai tại Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Tiền Giang. Rồi từ bấy đến nay, tôi chưa được cái hân hạnh xem Long Mã biểu diễn. Nhiều khi nhớ lại cũng thấy có cái gì đó như là tiếc nuối một loại hình văn hóa dân gian. Nên chăng, các ngành chức năng nên có biện pháp phục hồi lại nghệ thuật múa Long Mã, đưa vào hoạt động phục vụ nhân dân trong các dịp lễ, Tết hay các ngày kỷ niệm trong năm tại tỉnh nhà. Vì, theo như tôi được biết múa Long Mã là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo chỉ có ở Vĩnh Kim, nếu để cho nó mai một, rồi dần dần đi vào quên lãng thì thật là tiếc!
Hoàng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét